Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01, kỳ I tháng 01 năm 2024 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2024.
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 08 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2024, cụ thể như sau:
Bài viết “Vấn đề trách nhiệm của công chứng viên khi không phát hiện ra giấy tờ giả, giả mạo chủ thể tham gia giao dịch” của tác giả Huỳnh Mai Huy nêu đánh giá: “Hiện nay, tình trạng giả mạo giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản để thực hiện việc lừa đảo trong quá trình yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch diễn ra phức tạp, gây thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng đến hoạt động công chứng. Xem xét trách nhiệm pháp lý của công chứng viên khi không phát hiện ra việc giả mạo nêu trên là vấn đề được xã hội quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều”. Bài viết này, tác giả tập trung phân tích: (i) các nguyên nhân gây ra rủi ro cho người yêu cầu công chứng; (ii) nghĩa vụ, trách nhiệm của công chứng viên trong việc kiểm tra chủ thể, giấy tờ khi công chứng hợp đồng, giao dịch; (iii) cơ sở pháp lý để xem xét trách nhiệm của công chứng viên khi để xảy ra việc sử dụng giấy tờ giả, giả mạo chủ thể trong công chứng và thực tiễn xét xử các vụ án liên quan đến trách nhiệm của công chứng viên. Trên cơ sở đó, bài viết kết luận và đưa ra kiến nghị để áp dụng thống nhất pháp luật và hoàn thiện quy định pháp luật liên quan.
Bài viết “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo pháp luật Việt Nam” của tác giả Nguyễn Bé Thoại - Phan Minh Tiến viết: “Một trong những đặc điểm của nền kinh tế thị trường là đa dạng hóa các thành phần kinh tế, xuất nhập khẩu hàng hóa được mở rộng tự do hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta cũng đứng trước rất nhiều thách thức mới đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần có một số biện pháp điều chỉnh, trong đó tình trạng hàng giả đang nổi lên và gây ra nhiều hậu quả tiêu cực đến kinh tế - xã hội, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người khi đối tượng của hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Đây được coi là hành vi vi phạm pháp luật gây nên nhiều hệ lụy cho xã hội, ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, môi trường đầu tư, quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất, gây thiệt hại quyền lợi của người tiêu dùng”. Trong nội dung bài viết, các tác giả tập trung phân tích quy định của pháp luật hiện hành về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; nêu ra một số bất cập, hạn chế, từ đó kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới.
Trong bài viết “Xu hướng vận động, phát triển của quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp tại Việt Nam trong giai đoạn mới”, tác giả Đinh Thị Mai phân tích về quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp; xu hướng vận động, phát triển và các quan điểm về cải cách tư pháp và thực hiện quyền tư pháp nhằm hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2050 và đưa ra một số kiến nghị.
Trong bài viết “Một số vấn đề về hoạt động giải thích kết luận giám định của giám định viên tại phiên tòa”, tác giả Bùi Thế Tài nêu nhận định: “Kết luận giám định trong hoạt động giám định tư pháp về những vấn đề có liên quan đến vụ việc xảy ra có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong đó, giám định viên phải chịu trách nhiệm về những nội dung trong kết luận giám định. Do đó, trong quá trình xét xử, để giải thích, chứng minh sự khách quan, khoa học, chính xác của kết luận giám định, trong một số trường hợp cần thiết, giám định viên cần giải thích kết luận giám định của mình”. Bài viết tập trung phân tích, làm rõ trình tự, nội dung giải thích kết luận giám định của giám định viên khi tham gia phiên tòa, từ đó, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể để hoàn thiện vấn đề này.
Với bài viết “Một số ý kiến về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”, tác giả Trần Minh Thảo phân tích một số hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Từ đó, đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về vấn đề này.
Trên Tạp chí số này, chúng tôi đăng tải bài viết “Về bài viết: “Trách nhiệm trả nợ thuộc về cơ quan này?””. Đây là bài viết tổng hợp quan điểm của một số tác giả trong giải quyết tình huống cụ thể được nêu ra trong Tạp chí số 8/2023.
Bài viết “Áp dụng phương thức trực tuyến trong giải quyết tranh chấp trên sàn thương mại điện tử - kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam” của tác giả Lê Thị Hằng viết: “Sự phát triển của Internet và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những thay đổi lớn trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng trên toàn thế giới, đó là chuyển từ mua bán trực tiếp sang mua bán qua mạng, đặc biệt là mua bán qua sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng số lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử thì tranh chấp phát sinh cũng ngày càng nhiều và phức tạp hơn. Trong khi đó, một trong những bất cập lớn trong hoạt động của các sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay là chưa có cơ chế, quy trình giải quyết tranh chấp phù hợp với tính chất của giao dịch thương mại điện tử. Giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) được coi là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, phù hợp với tranh chấp phát sinh trên sàn thương mại điện tử, được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng”. Bài viết giới thiệu mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến đối với sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới và đưa ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Bài viết “Các quy định về tội phạm rửa tiền trong pháp luật hình sự của Hoa Kỳ và kinh nghiệm đối với Việt Nam” của tác giả Nguyễn Viết Tăng nêu nhận định: “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được biết tới là một quốc gia có nền lập pháp tiến bộ, họ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đấu tranh, xử lý tội phạm rửa tiền, cũng như trong việc nội luật hóa quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia về yêu cầu tội phạm hóa đối với hành vi rửa tiền”. Bài viết này, tác giả tập trung phân tích những quy định về rửa tiền trong pháp luật hình sự của Hoa Kỳ; từ đó chỉ ra những ưu điểm cũng như những hạn chế trong pháp luật của quốc gia này đối với các hành vi rửa tiền, đồng thời, nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm này trong thực tế.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 01, kỳ I tháng 01 năm 2024.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/ tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam