Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2021
Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2021 xuất bản ngày 10 tháng 6 năm 2021; đây là ấn phẩm đặc biệt Chào mừng kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 11 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.
Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:
Trong bài viết: “Một số vấn đề đặt ra về định tội danh “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, tác giả Cao Việt Hoàng nêu nhận định: Tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có nhiều điểm mới so với Điều 266b Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Nhiều quy định về định tội danh tại Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có hướng dẫn áp dụng, trong khi đó, Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-ANDTC ngày10/9/2012 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông có hướng dẫn Điều 266b Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015) có phần đã hết hiệu lực (do Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được thay thế bằng Bộ luật Hình sự năm 2015) hoặc không còn phù hợp. Điều này, dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng gặp vướng mắc khi giải quyết các vụ án.
Trong bài viết, tác giả nêu một số điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, đồng thời phân tích một số vụ án cụ thể, qua đó đưa ra một số kiến nghị.
Với bài viết: “Bàn về nguyên nhân và một số giải pháp phòng ngừa tội phạm tình dục ở việt nam hiện nay”, tác giả Lưu Hoài Bảo cho rằng: Xâm hại tình dục đang là vấn nạn trên toàn thế giới. Mỗi quốc gia có đặc trưng riêng về tình hình, nguyên nhân và việc áp dụng các giải pháp để phòng ngừa loại tội phạm này. Tuy nhiên, có thể thấy một vấn đề nhức nhối và gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh phòng ngừa loại tội phạm này, là tính ẩn khá cao, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Hậu quả mà tội phạm để lại rất nặng nề, bởi những tổn thất về sức khỏe thể chất và tinh thần (đặc biệt đối với trẻ em), bởi sẽ làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội và thậm chí, có thể ảnh hưởng hoặc hủy hoại tương lai của từng nạn nhân.
Phòng ngừa tội phạm là hoạt động có tính chủ động và tổng hợp của Nhà nước, của xã hội và của mọi công dân, hướng tới việc hạn chế, ngăn ngừa sự hình thành các yếu tố tạo thành nguyên nhân của tội phạm hoặc làm cho các thành tố này không phát huy được tác dụng để loại trừ dần nguyên nhân của tội phạm, ngăn ngừa tội phạm xảy ra. Với ý nghĩa đó, công tác phòng ngừa tội phạm tình dục nhằm hạn chế, ngăn ngừa và loại trừ dần nguyên nhân dẫn đến tội phạm tình dục ở Việt Nam.
Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu tội phạm tình dục và nhấn mạnh về nạn nhân là người dưới 16 tuổi. Qua đó, khái quát các đặc điểm của tình hình tội phạm tình dục, các yếu tố hình thành nên nguyên nhân của tội phạm tình dục ở Việt Nam, đồng thời, đề xuất một số giải pháp để phòng ngừa loại tội phạm này trong thời gian tới.
Trong bài viết: “Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong tố tụng hình sự”, tác giả Nguyễn Xuân Quang - Trần Ngọc Tuấn nhận định: Việt Nam đã và đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với quan điểm tất cả vì con người và hướng tới con người, mọi cá nhân, tổ chức phải thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, không ai được đứng trên pháp luật, kể cả cơ quan Nhà nước. Trong quá trình thực thi công vụ vì nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau vẫn xảy ra những trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức. Quán triệt tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và để khắc phục tình trạng này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để bồi thường cho người bị thiệt hại và nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, trong đó có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trên Tạp chí TAND số này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc phần tiếp theo của bài viết với các nội dung khái quát về trách nhiệm bồi thường của nhà nước và một phần nội dung về những vướng mắc khi giải quyết bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự.
Với bài viết:“Một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội buôn lậu”, tác giả Đặng Việt Dũng nêu quan điểm: Thời gian gần đây, hoạt động buôn lậu đang có những diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ở các vùng biên giới, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Nổi bật là tình trạng vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường mòn, lối mở, sông, kênh biên giới; với thủ đoạn phổ biến là lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư với khu kinh tế cửa khẩu, hàng hóa trao đổi qua biên giới, hàng tạm nhập tái xuất, hàng xuất được hoàn thuế giá trị gia tăng...
Điều này đe dọa trực tiếp đến an ninh, chính trị, an toàn xã hội, nền kinh tế của mỗi quốc gia, cũng như đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Đồng thời, tội phạm buôn lậu còn đe dọa xâm phạm sự phát triển bình thường của hoạt động sản xuất, kinh doanh chân chính. Chính vì vậy, việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện một hệ thống pháp lý vững chắc, để đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này là yêu cầu cấp bách, khách quan. Trong phạm vi bài viết, tác giả đưa ra những phân tích, đánh giá các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội buôn lậu; đồng thời, chỉ ra một số điểm cần lưu ý, khi áp dụng quy định của tội phạm này trong thực tiễn, nhằm giúp cơ quan có thẩm quyền nói chung, cũng như mọi người dân, có thể hiểu và áp dụng pháp luật một cách chính xác, thống nhất và kịp thời, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Trong bài viết: “Xác định khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần khi sức khỏe bị xâm phạm”, tác giả Nguyễn Hồng Thanh và Châu Thanh Quyền cho rằng: Nếu như thiệt hại vật chất là yếu tố khách quan có thể dễ dàng nhận biết và đo lường thì thiệt hại về tinh thần lại thiên về mặt chủ quan, trừu tượng, rất khó xác định và quy đổi thành giá trị kinh tế. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được ban hành, tuy nhiên Bộ luật Dân sự năm 2005 đã hết hiệu lực. Từ khi thi hành BLDS năm 2015 cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thay thế, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật của các Tòa án địa phương.
Điều 590 BLDS năm 2015 đã quy định về mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần căn cứ trên mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, nếu các bên không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử tại Tòa án xác định khoản tiền này là không thống nhất, những yếu tố “nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân” chưa được xem xét toàn diện, còn mang tính định tính, dựa vào tỷ lệ thương tích và yếu tố lỗi về xác định mức bồi thường. Chính vì lẽ đó, việc xác định mức lương bồi thường, nhất là đơn vị tính bồi thường tổn thất cũng như những tiêu chí làm căn cứ xác định mức bồi thường về tinh thần khi sức khỏe bị xâm phạm là đòi hỏi khách quan của thực tiễn.
Với bài viết: “Một số khó khăn, vướng mắc khi xác định tội danh và định khung hình phạt theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015” tác giả Trần Hữu Quân cho rằng: Nghiên cứu Chương XXII - Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung đối với tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tội “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã khắc phục được một số vướng mắc, bất cập giữa tên gọi với cấu trúc của điều luật tại Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999, vấn đề định tội danh và định khung hình phạt… giúp cho việc giải quyết, xét xử các vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng điều luật, vẫn phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích những vướng mắc, bất cập của Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 khi áp dụng vào thực tiễn và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.
Với bài viết: “Một số vấn đề về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Đào Thị Xuân Quỳnh và Phùng Thị Hoàn nhận định: Pháp luật tố tụng dân sự luôn có xu hướng đặt ra những quy định chặt chẽ nhằm thực hiện mục tiêu xét xử khách quan, công bằng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, một số vụ việc tuy đơn giản, nhưng thời gian giải quyết lại kéo dài một cách không cần thiết do phải tuân thủ đúng quy trình, thủ tục tố tụng của pháp luật dân sự, trong khi các trường hợp này, có thể giải quyết nhanh hơn bằng cách rút ngắn thời gian như thủ tục tố tụng thông thường và vẫn đảm bảo được các mục tiêu mà pháp luật tố tụng dân sự đã đặt ra. Để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn khách quan về vấn đề này đồng thời đảm đầu tiên thông qua chế định thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Chế định này được kỳ vọng là sẽ góp phần hỗ trợ Tòa án các cấp giải quyết nhanh chóng một lượng lớn tranh chấp có chứng cứ đầy đủ, tình tiết rõ ràng theo một trình tự đơn giản, ngắn gọn. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả tập trung phân tích để chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong chế định giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể.
Với bài viết: “Hoàn thiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm về khám bệnh, chữa bệnh”, tác giả Trần Phi Thọ nêu quan điểm: Không chỉ ở nước ta, mà ở hầu hết các nước trên thế giới, sức khỏe và chăm sóc sức khỏe con người luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu, bởi lẽ, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người. Hoạt động khám bệnh chữa bệnh không chỉ có khả năng phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi, mà còn có khả năng ngăn ngừa tái phát tình trạng bệnh lý trong tương lai. Hoạt động khám bệnh chữa bệnh có vai trò quan trọng như vậy, nên việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này trở nên rất khó khăn. Mặc dù là một loại dịch vụ rất đặc biệt, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng, nhưng dịch vụ này vẫn chưa được quan tâm đúng tầm. Hiện nay, tình trạng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hành vi vi phạm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Từ đó, đặt ra nhu cầu cần phải có giải pháp để ngặn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về khám chữa bệnh nhằm bảo đảm sự an toàn sức khỏe cho người khám bệnh, chữa bệnh.
Với bài viết: "Bàn về việc xác định quan hệ tranh chấp và pháp luật cần áp dụng trong vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại”, tác giả Đặng Huyền Phương nhận định: Kinh doanh thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường. Trong thực tiễn giải quyết tại Tòa án có sự không thống nhất khi xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong trường hợp một công ty khởi kiện công ty khác đòi nợ phát sinh từ hợp đồng mua bán mà các bên đã thực hiện xong, thậm chí, đã có văn bản chốt nợ giữa các bên - có Tòa án xác định đây là tranh chấp về kinh doanh, thương mại kinh doanh thương mại và áp dụng thời hiệu khởi kiện của tranh chấp hợp đồng kinh tế (02 năm); nhưng, có Tòa án lại xác định đây là tranh chấp dân sự, kiện đòi lại tài sản, nên không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Nguyên nhân của bất cập này là do pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể hay có hướng dẫn để áp dụng thống nhất.
Trong bài viết này, thông qua một vụ án cụ thể tác giả sẽ phân tích và luận bàn bất cập trên, đồng thời, tác giả kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất trong thực tiễn xét xử đối với tình huống tuy đặc thù nhưng khá phổ biến này.
Trong bài viết: “Bàn về vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ ”, tác giả Đào Trọng Tú nhận định: Vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ là một dạng của vi phạm hợp đồng, được ghi nhận và xuất hiện khá phổ biến trên thế giới. Vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ là hành vi rõ ràng sẽ không thực hiện, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số vấn đề lý luận về khái niệm, đặc điểm và biện pháp xử lý khi có vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Từ đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
Với bài viết: “Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án và trọng tài thương mại - quy định một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, tác giả Huỳnh Quang Thuận và Hoàng Vũ Cường nhận định: Xuất phát từ mục đích nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, phá hoại chứng cứ hay trốn tránh nghĩa vụ thi hành án của người có nghĩa vụ, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp, dù là ở Tòa án hay Trọng tài. Mặc dù tố tụng trọng tài có thời gian giải quyết tranh chấp về nguyên tắc là nhanh hơn so với tố tụng Tòa án, nhưng trong một số trường hợp việc giải quyết cũng chưa kịp thời, nhất là đối với những tranh chấp mang tính chất quốc tế, khi mà khoảng cách địa lý giữa các bên tranh chấp là quá xa; việc khó sắp xếp thời gian của các Trọng tài viên và luật sư của các bên tranh chấp hoặc các bên tranh chấp cố tình dùng các “thủ thuật” để kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp. Trong khi đó, với sự phát triển của công nghệ trong giai đoạn hiện nay, việc tẩu tán tài sản có thể được thực hiện chỉ trong vòng một tích tắc. Do đó, phán quyết của Trọng tài chỉ có thể được thực thi, không bị lảng tránh nếu như các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng một cách hiệu quả và phù hợp.
Mặt khác, Trọng tài với bản chất là một thiết chế giải quyết tranh chấp dựa trên thỏa thuận của các bên, do đó, không hoàn toàn độc lập mà luôn cần sự hỗ trợ của Tòa án, đặc biệt là trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Dù hiện nay có sự tồn tại của Luật mẫu về Trọng tài của UNCITRAL năm 1985 (Luật mẫu) nhưng các quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án và Hội đồng trọng tài luôn là vấn đề gây tranh cãi và có sự khác biệt tương đối lớn trong hệ thống pháp luật các quốc gia trên thế giới.
Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích kinh nghiệm pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, từ đó đối chiếu và đưa ra kinh nghiệm cho pháp luật việt nam về việc phân định thẩm quyền giữa tòa án và trọng tài trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2021.
*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 xuất bản ngày 25 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015