Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2023
Bài viết “Một số ý kiến về quy định pháp luật về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam” của tác giả Trần Linh Huân và Phạm Thị Thu Thảo nêu nhận định: “Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một trong những quyền cơ bản của tổ chức nước ngoài đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay các quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề này vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định, không chỉ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam mà còn gây tác động tiêu cực đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước”. Bài viết tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá chỉ ra những điểm còn hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài và từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.
Bài viết “Vấn đề chuyển hóa một số tội xâm phạm sở hữu và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Phạm Văn Tuân nêu: “Thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều hành vi phạm tội có tính chất tương đồng trong cấu thành tội phạm, rất dễ nhầm lẫn trong việc xác định tội danh để áp dụng trách nhiệm pháp lý hình sự đối với người phạm tội. Đã có tình trạng cùng một hành vi phạm tội nhưng cơ quan tiến hành tố tụng tại mỗi địa phương lại xác định tội danh khác nhau, nhất là đối với các tội xâm phạm sở hữu. Một trong các nguyên nhân của việc xác định sai tội danh là việc chuyển hóa tội phạm, dẫn đến sai lầm trong việc định tội”. Bài viết nghiên cứu một phần nhỏ các tội xâm phạm sở hữu và đưa ra quan điểm, lập luận, từ đó kiến nghị hoàn thiện pháp luật, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật.
Bài viết “Các vấn đề phát sinh trong hoạt động giải thích pháp luật tại Việt Nam và kiến nghị phương hướng hoàn thiện” của tác giả Nguyễn Thanh Quyên và Huỳnh Thị Hồng Nhiên phân tích cơ sở lý luận về giải thích pháp luật; đánh giá tình hình pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở so sánh, đối chiếu quy định của pháp luật Việt Nam với quy định của ba quốc gia điển hình cho ba mô hình giải thích pháp luật trên thế giới, bài viết đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải thích pháp luật ở Việt Nam trong thời gian tới.
Bài viết “Văn hóa pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án tại Việt Nam”, tác giả Nguyễn Thanh Tùng phân tích làm rõ quan niệm về văn hóa pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, thực trạng xây dựng và hình thành văn hóa pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án ở Việt Nam hiện nay, những hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị giải pháp hoàn thiện.
Trong bài viết “Bàn về giao dịch bất động sản có điều kiện từ một số tranh chấp trong thực tiễn” của tác giả Vũ Văn Đoàn nêu: “Giao dịch bất động sản có điều kiện là một dạng giao dịch dân sự kèm theo điều kiện nhất định, khi điều kiện xảy ra thì sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều kiện cũng có thể xảy ra, trong một số trường hợp điều kiện có thể vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội dẫn đến việc tranh chấp giữa các bên”. Bài viết này phân tích một số quy định pháp luật về giao dịch bất động sản có điều kiện, chỉ ra những vấn đề bất cập và đưa ra một số kiến nghị.
Bài viết “Bàn về điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài” của tác giả Huỳnh Thị Mỹ Hằng khái quát chung về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; phân tích và đánh giá quy định pháp luật về điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài. Trên cơ sở chỉ ra những điểm bất cập trong quy định về điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010, bài viết đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Trên chuyên mục “Trao đổi ý kiến” đăng tải hai bài viết: Bài viết “Về bài viết: “Trần Văn B có phải là bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 không?” của nhiều tác giả và bài viết “Nguyễn Tiến N phạm tội gì?” của tác giả Trần Quang Thái nêu nội dung một vụ án và những quan điểm giải quyết khác nhau để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi; từ đó, góp phần vào việc áp dụng pháp luật thống nhất.
Bài viết “Chứng cứ điện tử trong các vụ án hình sự góc nhìn toàn cầu về chứng cứ điện tử” của tác giả Nguyễn Văn Trọng tập trung phân tích góc nhìn toàn cầu về chứng cứ điện tử trong các vụ án hình sự. Theo đó, các nước, các tổ chức quốc tế và nhiều học giả đã nhìn nhận tầm quan trọng của chứng cứ điện tử trong các vụ án hình sự, từng bước đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho các hoạt động điều tra số liên quan đến chứng cứ điện tử. Những hướng dẫn này bao gồm các nguyên tắc nền tảng và giải thích chi tiết đối với từng trường hợp cụ thể. Tuy vậy, các hướng dẫn này mang tính chất khuyến nghị hơn là tính ép buộc thành luật. Đây có thể là gợi ý cho việc hoàn thiện các chế định pháp lý Việt Nam liên quan đến chứng cứ điện tử; cũng như thực tiễn quá trình thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ điện tử trong tố tụng hình sự Việt Nam.
Bài viết “Quyền bào chữa theo quy định của pháp luật quốc tế và một số khuyến nghị cho Việt Nam” của tác giả Trịnh Duy Thuyên nêu: “Quyền bào chữa là một chế định quan trọng của chuẩn mực quốc tế nhằm bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự, đồng thời cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện tố tụng công bằng. Việt Nam là một trong những quốc gia đã sớm ghi nhận quyền bào chữa theo khuôn khổ của pháp luật quốc tế và đã đạt những kết quả nhất định”. Bài viết tập trung phân tích một số quy định tại khoản 3 Điều 14 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và những văn bản quốc tế có liên quan ở giai đoạn tiền xét xử để đánh giá những điểm tương đồng, hạn chế trong quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và đưa ra một số kiến nghị liên quan đến quyền bào chữa.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 15, kỳ I tháng 8 năm 2023.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù