Tạp chí Tòa án nhân dân số 3 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 3, kỳ I tháng 02 năm 2024 xuất bản ngày 10 tháng 02 năm 2024.
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 08 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 3 năm 2024, cụ thể như sau:
Bài viết “Quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tịch thu khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội và kiến nghị” của tác giả Nguyễn Thị Phương Hoa và tác giả Phí Thị Phương Nhung nêu nhận định: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) lần đầu tiên bổ sung “khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội” vào đối tượng của biện pháp tư pháp “tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm”. Đáng chú ý là, trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực, thuật ngữ “thu lợi bất chính” đã được sử dụng để quy định dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt của một số tội. Tuy nhiên, các Bộ luật trước đây không quy định trực tiếp về tịch thu khoản thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn chưa thống nhất và còn nhầm lẫn đối tượng này với “vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có”. Bài viết đề xuất một số kiến nghị hướng dẫn áp dụng pháp luật về khoản thu lợi bất chính và hoàn thiện tên gọi, nội dung của Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 về biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm.
Bài viết “Chủ thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam” của tác giả Trần Lệ Loan viết: “Kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế quan trọng trong tố tụng hình sự. Để tiến hành kê biên tài sản, điều kiện đầu tiên cần xác định là chủ thể nào bị áp dụng biện pháp này. Nếu xác định không đúng, sẽ dẫn tới nguy cơ không thực hiện được những chế tài về tài sản như hình phạt tiền, tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại”. Bài viết phân tích các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về kê biên tài sản để hiểu hơn về chủ thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản, nhận diện các hạn chế và đề xuất hoàn thiện pháp luật.
Trong bài viết “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng bị vô hiệu – góc nhìn từ thực tiễn xét xử tại Tòa án”, các tác giả Nguyễn Phan Khôi và Trần Hoàng Tú nêu đánh giá: Trong thực tiễn giải quyết tại Tòa án về các vụ án kinh doanh, thương mại liên quan đến tranh chấp hợp đồng tín dụng thì giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng là một phần quan trọng của hoạt động tài chính, đóng vai trò quyết định trong việc cung cấp vốn cho các dự án phát triển và kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa án cho thấy hợp đồng thế chấp để bảo đảm hợp đồng vay tại các tổ chức tín dụng có thể bị vô hiệu dẫn đến rủi ro cho bên cho vay. Bài viết tập trung phân tích nguyên nhân dẫn đến hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng bị vô hiệu dựa trên thực tiễn xét xử tại Tòa án; từ đó đưa ra đề xuất, khuyến nghị về giải pháp để hạn chế tình trạng đó, tránh gây thiệt hại cho các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba có liên quan.
Trong bài viết “Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ chung thủy trong hôn nhân”, tác giả Lê Vĩnh Châu và Ngô Khánh Tùng nhận định: Sự thuỷ chung, yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc nhau giữa vợ và chồng là những biểu hiện tích cực của đời sống hôn nhân. Tuy vậy, với sự đa dạng, đan xen của các mối quan hệ trong xã hội, nhiều trường hợp vợ, chồng có hành vi đi ngược lại với đạo lý, tình nghĩa vợ chồng. Tình trạng “ngoại tình” đã không còn là vấn đề xa lạ trong xã hội Việt Nam. Do đặc thù chịu sự chi phối bởi yếu tố tình cảm, riêng tư nên pháp luật thường không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của mỗi gia đình. Có thể thấy, hiện nay hành lang pháp lý bảo vệ bên chồng, vợ của người vi phạm nghĩa vụ chung thủy vẫn còn khá mờ nhạt, tản mác. Trong bài viết này, nhóm tác giả phân tích các quy định của pháp luật về nghĩa vụ chung thủy trong hôn nhân, tiếp cận từ góc độ chế tài xử lý hành vi vi phạm, đồng thời kiến nghị bổ sung cơ chế bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ chung thủy trong hôn nhân, trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn xét xử cũng như kinh nghiệm lập pháp ở một số quốc gia.
Bài viết “Trách nhiệm pháp lý đối với trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục của các nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam” của các tác giả Trần Linh Huân và Nguyễn Xuân Cường viết: Việc phát triển trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục gần đây được chú trọng và đang trở thành lĩnh vực ưu tiên, mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích vượt trội mà trí tuệ nhân tạo mang lại trong hoạt động giáo dục thì ở một khía cạnh nào đó trí tuệ nhân tạo cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực nếu không được sử dụng đúng cách. Xuất phát từ đó, bài viết tập trung phân tích làm rõ các vấn đề tổng quan về trách nhiệm pháp lý đối với trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục trên cơ sở liên hệ với kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam trong việc xác định trách nhiệm pháp lý đối với trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật điều chỉnh về vấn đề này.
Với bài viết “Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định về người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự”, tác giả Trần Hoàng Vũ và tác giả Võ Văn Hòa nhận định: Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là một sự kiện diễn ra tương đối phổ biến trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, quy định này của pháp luật tố tụng dân sự vẫn còn một số bất cập trên thực tế, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án, như ai có nghĩa vụ cung cấp thông tin của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng; thế nào là chưa có hoặc không có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng; ai là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng và quy trình tố tụng đối với những người này như thế nào. Trên cơ sở đánh giá thực trạng pháp luật, bài viết đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Bài viết “Sự độc lập của Tòa án trong các mô hình chính thể đương đại và định hướng đổi mới Tòa án Việt Nam hiện nay” của tác giả Nguyễn Thanh Quyên trình bày những nét khái quát nhất về vị trí, vai trò và chức năng của Tòa án trong các mô hình chính thể đương đại. Đồng thời, bài viết đề xuất các định hướng đổi mới Tòa án Việt Nam hiện nay từ góc độ tiếp thu hạt nhân hợp lý của các chính thể đương đại, phù hợp với quan điểm của Đảng và quy định của pháp luật hiện hành.
Bài viết “Tổng hợp hình phạt đối với Ngô Thành V như thế nào cho đúng?” của tác giả Đinh Minh Lượng nêu ra một tình huống mà việc giải quyết còn nhiều quan điểm chưa thống nhất để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi, bảo đảm hiểu và áp dụng pháp luật thống nhất trong thực tiễn.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 3, kỳ I tháng 02 năm 2024.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam