Tạp chí Tòa án nhân dân số 5 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 5, kỳ I tháng 3 năm 2024 xuất bản ngày 10 tháng 3 năm 2024.
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 5 năm 2024, cụ thể như sau:
Bài viết “Phần mềm trợ lý ảo Tòa án nhân dân - công cụ thúc đẩy chuyển đổi số hệ thống Tòa án” của tác giả Huỳnh Thị Mộng Tuyền nêu nhận định: “Trợ lý ảo Tòa án nhân dân đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn, nghiệp vụ của Tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh Thẩm phán. Trợ lý ảo giao tiếp với Thẩm phán bằng ngôn ngữ nói hoặc chữ viết thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân nên rất tiện ích, giúp Thẩm phán giải quyết công việc một cách nhanh chóng”. Bài viết trình bày về sự ra đời của phần mềm Trợ lý ảo Tòa án nhân dân, thực tiễn ứng dụng trong thời gian qua và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.
Bài viết “Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về tội hành nghề mê tín, dị đoan” của tác giả Vũ Hải Anh viết: “Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội hành nghề mê tín, dị đoan là cơ sở pháp lý giúp giải quyết các hành vi phạm tội trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, những quy định này còn nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật”. Bài viết phân tích các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội hành nghề mê tín, dị đoan, đồng thời chỉ ra những thiếu sót, bất cập trong những quy định này. Từ đó, bài viết đưa ra những kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội hành nghề mê tín dị đoan trong thời gian tới.
Trong bài viết “Tống đạt bằng phương tiện điện tử trong các vụ án hành chính - một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, tác giả Lê Việt Sơn phân tích một số điểm đặc thù của vụ án hành chính dẫn đến những thuận lợi và thách thức đặt ra đối với việc tống đạt bằng phương tiện điện tử. Đồng thời, bài viết làm rõ các quy định của pháp luật về tống đạt bằng phương tiện điện tử trong các vụ án hành chính, chỉ ra một số điểm bất cập trong quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Trong bài viết “Bàn về hiệu lực pháp lý của án lệ từ thực tiễn công tác xét xử tại Tòa án”, tác giả Vũ Thị Ngọc Dung và NCS. Nguyễn Đức Vũ cho rằng: “Sự thừa nhận chính thức về vai trò của án lệ trong pháp luật Việt Nam là bước tiến dài đối với tiến trình cải cách tư pháp tại nước ta. Thực tiễn áp dụng án lệ trong công tác xét xử đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần trao đổi và nghiên cứu”. Bài viết phân tích một số nội dung trong mối quan hệ giữa văn bản quy phạm pháp luật và án lệ về hiệu lực pháp lý và thực trạng áp dụng án lệ hiện nay, từ đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện.
Bài viết “Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 - một số tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị” của tác giả An Văn Khoái - Vũ Hoàng Long viết: “Di chúc là hình thức thể hiện ý chí của người để lại di sản nhằm định đoạt toàn bộ hoặc một phần tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình cho một hoặc nhiều người sau khi người đó chết”. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; từ đó, bài viết chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc và đưa ra kiến nghị hoàn thiện cụ thể đối với vấn đề này.
Với bài viết “Chứng cứ điện tử và thu thập chứng cứ điện tử trong tố tụng hình sự Việt Nam”, tác giả Đặng Đình Thái viết: “Chứng cứ điện tử là thông tin về vụ án tồn tại trong dữ liệu điện tử. Để thu thập chứng cứ điện tử, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kết hợp sử dụng các biện pháp điều tra truyền thống như khám xét, khám nghiệm hiện trường, giám định dữ liệu điện tử, tiếp nhận chứng cứ, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Chứng cứ điện tử có những đặc điểm và môi trường tồn tại có tính chất công nghệ số, vì thế, cần có những biện pháp và thủ tục thu thập chứng cứ khác với thu thập chứng cứ truyền thống. Vấn đề này hiện nay chưa được quy định cụ thể trong pháp luật tố tụng hình sự, gây khó khăn cho thực tiễn thu thập chứng cứ điện tử. Ngoài ra, các yêu cầu về công nghệ, trình độ chuyên môn và hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng được đặt ra và cần có giải pháp hoàn thiện”. Bài viết tập trung phân tích quy định pháp luật về chứng cứ điện tử và thu thập chứng cứ điện tử trong tố tụng hình sự Việt Nam; từ đó chỉ ra những vấn đề bất cập, vướng mắc và đưa ra kiến nghị hoàn thiện.
Bài viết “Biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong tố tụng hình sự và vấn đề đặt ra về thẩm quyền trưng cầu giám định của Tòa án” của tác giả Thiều Hữu Minh tập trung phân tích, luận bàn về căn cứ, thẩm quyền và trách nhiệm trưng cầu giám định pháp y tâm thần để làm cơ sở áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại giai đoạn xét xử của Tòa án với góc độ là một hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ thuộc thẩm quyền của Tòa án; từ đó đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật.
Trong chuyên mục “Trao đổi ý kiến”, chúng tôi đăng tải bài viết “Phạm Quốc H phạm tội gì” của tác giả Lê Đình Nghĩa; bài viết nêu một tình huống cụ thể mà việc giải quyết còn có các quan điểm khác nhau về việc định tội danh để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi ý kiến để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.
Bài viết “Áp dụng lẽ công bằng trong xét xử của Tòa án một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam” của tác giả Trần Linh Huân và Nguyễn Phạm Thanh Hoa tập trung phân tích, đánh giá các quan điểm khác nhau về việc áp dụng lẽ công bằng trong xét xử của Tòa án, chỉ ra hướng quy định của pháp luật Việt Nam về áp dụng lẽ công bằng trên cơ sở tiếp cận pháp luật của một số quốc gia. Qua đó, bài viết chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử của Tòa án tại Việt Nam và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 5, kỳ I tháng 3 năm 2024.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam