Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 10 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 10 năm 2020 xuất bản ngày 25 tháng 5 năm 2020. Trên số Tạp chí này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 09 bài viết về các vấn đề, lĩnh vực mang tính thời sự nổi bật hiện nay.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số nội dung chính của các bài viết như sau:

Với bài viết: “Xác định giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo việc dân sự hay vụ án dân sự”, tác giả Lưu Tiến Dũng và Phạm Thị Thúy cho rằng: Trong thực tiễn xét xử có một số trường hợp vẫn còn có các quan điểm chưa thống nhất trong việc xác định giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo vụ án dân sự hay việc dân sự. Đây là một vấn đề thường gặp phải trong thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự. Trong bài viết này, các tác giả đã phân tích để đưa ra căn cứ xác định khi nào Tòa án thụ lý và giải quyết yêu cầu về/liên quan đến tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo việc dân sự hoặc theo vụ án dân sự, như sau: (1) Xác định là yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và được thụ lý, giải quyết theo việc dân sự khi bất kỳ ai có quyền, nghĩa vụ liên quan đến văn bản công chứng bị “thách thức” yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Việc cần phải có sự thống nhất của tất cả những chủ thể liên quan không phải là căn cứ để xác định yêu cầu đó được giải quyết theo việc dân sự; (2) Xác định là tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và được thụ lý, giải quyết theo vụ án dân sự khi người khởi kiện khởi kiện về bất kỳ tranh chấp nào, theo hợp đồng, giao dịch dân sự, thừa kế, bồi thường thiệt hại… mà để giải quyết tranh chấp đó thì cần phải xem xét một văn bản công chứng liên quan có vô hiệu hay không.

Trong bài viết: “Quyền sở hữu căn hộ khách sạn theo pháp luật Việt Nam”, tác giả Dương Kim Thế Nguyên nêu nhận định: Trong vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản, căn hộ khách sạn đã được các nhà đầu tư bất động sản xem xét như là một sản phẩm đầu tư mới. Cùng với những nỗ lực phát triển sản phẩm mới này, nhiều vấn đề pháp lý xung quanh việc sở hữu, vận hành và khai thác tính kinh tế của căn hộ khách sạn đã gây bối rối cho các nhà đầu tư. Đặc biệt là những đòi hỏi xung quanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho căn hộ khách sạn hoặc thậm chí yêu cầu cho phép chuyển đổi công năng của căn hộ khách sạn thành căn hộ chung cư là sự quan tâm lớn của giới kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà nghiên cứu khoa học kinh tế, tài chính và pháp lý. Với những vấn đề nóng hổi được đặt ra trong thực tiễn như nêu trên, trong bài viết này tác giả đã có những bình luận, phân tích làm rõ bản chất pháp lý của quyền sở hữu căn hộ khách sạn.

Với bài viết: Những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong giải quyết vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm, tác giả Nguyễn Quang Lộc và Đỗ Mai Bích Phượng cho rằng: Buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã và đang trở thành vấn đề báo động trên toàn cầu. Hoạt động trái pháp luật này đem lại lợi nhuận rất lớn, chỉ xếp sau buôn bán ma túy, vũ khí và buôn bán người. Theo chương trình môi trường Liên Hợp Quốc, buôn bán trái phép động vật hoang dã trên toàn cầu ước tính tổng giá trị từ 07 tỷ đến 24 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam là điểm nóng của hoạt động tiêu thụ, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt… động vật hoang dã. Tình trạng buôn bán động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học, hệ sinh thái mất cân bằng và cũng là một trong những nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm trên toàn cầu.

Vì vậy, việc đấu tranh với các vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là một yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay trên toàn cầu và tại Việt Nam. Việc giải quyết tốt các vụ án này là một trong những phương thức hữu hiệu nhằm góp phần bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Trong bài viết của mình trên cơ sở phân tích, bình luận về một số quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 về các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm từ đó chỉ ra một số vướng mắc, bất cập, hạn chế của Bộ luật Hình sự 2015 khi xét xử các tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm, từ đó các tác giả đưa ra một số lưu ý về phân biệt tội danh đối với nhóm tội phạm này.

Bài viết: “Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và thực tiễn áp dụng”, của tác giả Phạm Minh Tuyên là một bài viết mang tính thời sự nổi bật trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 như hiện nay. Với việc phân tích cụ thể quy định của Điều 240 “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” tác giả đi sâu vào phân tích thực tiễn áp dụng quy định của điều luật này, từ đó chỉ ra các quan điểm khác nhau khi áp dụng quy định của ĐIều 240 vào thực tiễn và đưa ra quan điểm, nhận định của cá nhân.

Với bài viết: “Một số ý kiến về tội cưỡng bức lao động quy định tại Điều 297 Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Lê Anh Tuấn cho rằng: Thực tế xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi cưỡng bức lao động, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, như xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của họ. Việc xử lý các hành vi cưỡng bức lao động bằng các biện pháp hành chính hay dân sự dường như chưa đảm bảo được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Chính vì vậy, trong Chương XXI về các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung thêm tội cưỡng bức lao động quy định tại Điều 297 là hoàn toàn cần thiết. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích về các quy định của tội phạm này, từ đó chỉ ra những vướng mắc, bất cập còn tồn tại và nêu ra một số đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện quy định của Điều luật này.

Trong bài viết: “Luận bàn về một số vấn đề trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014”, tác giả Lê Thị Nga nêu nhận định: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 gồm 9 Chương, 133 Điều được đánh giá là những quy định đột phá về công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, dành được sự đồng thuận cao từ xã hội, nhất là các quy định về quyền kết hôn, quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản giữa vợ và chồng, xác định cha, mẹ, con, quyền, nghĩa vụ nhân thân giữa các thành viên gia đình, cơ chế pháp lý về bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, người yếu thế, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của gia đình với lợi ích của cá nhân, tổ chức khác. Tuy nhiên, khi áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 vẫn còn một số vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu, hoàn thiện. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung vào phân tích, bình luận về một số bất cập của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, từ đó đưa ra những kiến nghị cụ thể.

Với bài viết: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê hình sự của Tòa án nhân dân”, tác giả Trịnh Ngọc Thúy cho rằng: hoạt động thống kê hình sự của Tòa án nhân dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc phản ánh tình hình tội phạm và thực tiễn hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong bài viết này, tác giả đi sâu vào phân tích thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê hình sự của Tòa án nhân dân, từ đó đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tiên trong công tác thống kê hình sự của Tòa án nhân dân.

Ngoài ra, trên Tạp chí TAND số này còn có các bài viết: “Một số vấn đề về biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng” của tác giả Phan Minh Duy và bài viết: “Trao đổi về việc xác định hình thức lỗi trong các tội vi phạm quy định về an toàn giao thông theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Đinh Thị Thu Hằng.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 10 năm 2020!

BTK