Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2020
Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2020 xuất bản ngày 10 tháng 9 năm 2020. Đây là ấn phẩm đặc biệt Chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945 -13/9/2020). Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý độc giả các bài viết là các công trình nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau.
Trong nội dung của bài giới thiệu, chúng tôi xin tóm tắt một số vấn đề cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến:
Với bài viết: “Tòa án nhân dân Việt Nam phát huy truyền thống cách mạng, vững bước đi lên”, tác giả Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khái quát một cách ngắn gọn, cô đọng lịch sử 75 năm xây dựng và phát triển của hệ thống Tòa án nhân dân. Kể từ khi ra đời, hệ thống Tòa án nhân dân luôn ra sức phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị xây dựng hệ thống Tòa án trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó. Trong bài viết, tác giả nhấn mạnh: “Với vị trí là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với Tòa án trước mắt cũng như lâu dài là rất nặng nề. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước bên cạnh mặt thuận lợi, thời cơ, cũng có nhiều khó khăn, thách thức.Tình hình đó đòi hỏi hệ thống Tòa án nhân dân, hơn bao giờ hết phải phát huy hơn nữa truyền thống quý báu, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách …..để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của Nhân dân.“
Trong bài viết: “Thực tiễn thi hành công tác giám định trong giai đoạn xét xử các vụ án hình sự nói chung và các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm nói riêng”, tác giả Nguyễn Văn Du – Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu nhận định: Giám định tư pháp là hoạt động chuyên môn, do chuyên gia thực hiện, nhằm phục vụ hoạt động tố tụng tư pháp. Giám định tư pháp chính là một trong những biện pháp quan trọng để thu thập chứng cứ nhằm giải quyết các vụ án, đặc biệt là đối với các vụ án hình sự có liên quan đến động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Với bản chất là nguồn chứng cứ trong vụ án hình sự nên kết luận giám định (chất lượng công tác giám định) luôn được chú trọng và đề cao. Pháp luật tố tụng hình sự đã có quy định, trong một số trường hợp bắt buộc hoặc khi xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu giám định tư pháp. Tuy nhiên, một thực tế đã được thừa nhận, đó là, chất lượng của kết luận giám định, cũng như hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp vẫn chưa thực sự đạt được yêu cầu do còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế (từ cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, nhận thức của các cấp chính quyền, của tổ chức giám định tư pháp, người giám định, quy trình, thủ tục, đến mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định và cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm).
Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích làm rõ thực tiễn thi hành hoạt động giám định trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự nói chung và các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm nói riêng.
Với bài viết: “Xét xử các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Sơn La, vướng mắc và kiến nghị”, tác giả Nguyễn Hồng Nam – Đỗ Minh Phú cho rằng: Với đặc điểm là tỉnh có tình hình kinh tế – xã hội chậm phát triển so với mặt bằng chung của toàn quốc, trên địa bàn tỉnh có nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở, dân cư phần lớn là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn lại có nguồn tài nguyên rừng phong phú, nhận thức về động vật hoang dã và các quy định của pháp luật liên quan chưa cao nên các loại tội phạm về động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm có điều kiện phát sinh. Thông qua việc đánh giá, phân tích tình hình xét xử tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm tại tỉnh Sơn La các tác giả đưa ra một số nhận xét, đánh giá chung; từ đó chỉ ra những vướng mắc trong xét xử tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm; và đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần hỗ trợ và nâng cao hiệu quả công tác xét xử tội phạm về động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Trên chuyên mục Nghiên cứu, Tạp chí Tòa án nhân dân số này xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết: “Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có việc xâm phạm quyền nhân thân của người khác trên mạng xã hội” của tác giả Đỗ văn Đại- Nguyễn Tấn Hoàng Hải. Trong bài viết này, các tác giả cho rằng: Các trang mạng xã hội đem tới cho người dùng rất nhiều tiện ích nhờ tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, hình thức sinh động, hấp dẫn. Khi được sử dụng phù hợp, mạng xã hội giúp mỗi cá nhân trao đổi thông tin, giải trí, kinh doanh trực tuyến có hiệu quả; đồng thời, đây cũng là kênh thông tin quan trọng góp phần đưa các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đến với người dân nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội mà phổ biến nhất ở đây là Facebook đăng tải những thông tin (hình ảnh, video, bài viết…) có nội dung xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín hay yếu tố nhân thân khác của người khác. Khi các yếu tố này bị xâm phạm, nạn nhân có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, yêu cầu xin lỗi hay cải chính công khai, yêu cầu bồi thường thiệt hại… (Điều 11 Bộ luật Dân sự năm 2015). Trong phạm vi bài viết này, các tác giả tập trung phân tích trách nhiệm của người đăng tải thông tin lên mạng xã hội;Trách nhiệm của người khác cùng tham gia mạng xã hội; Trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội; trên cơ sở tham khảo pháp luật nước ngoài để đề xuất hướng xử lý ở Việt Nam.
Trong bài viết: “Bình luận án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “giết người”, tác giả Tưởng Duy Lượng tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá quy định của Bộ luật Hình sự, cùng với việc đánh giá việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, để đưa ra lập luận xác đáng về tính cần thiết khi lựa chọn và công bố Án lệ số 18/2018/AL.
Với bài viết:“Một số ý kiến về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng”, tác giả Đỗ Thành Công cho rằng: Trong vụ án hôn nhân và gia đình, thông thường có ba mối quan hệ được giải quyết đồng thời, đó là quan hệ hôn nhân, quan hệ về tài sản chung của vợ chồng và quan hệ con chung. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, không phải tất cả các nội dung nêu trong bản án, quyết định của Tòa án khi giải quyết một vụ việc hôn nhân và gia đình đều được các bên tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, trong đó có nghĩa vụ cấp dưỡng. Điều này đòi hỏi phải có những quy định, những chế tài đủ mạnh để quyền lợi của người được cấp dưỡng được bảo đảm thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích, luận bàn về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015, từ đó, chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị.
Trong chuyên mục Trao đổi ý kiến, chúng tôi đăng tải bài viết: “Có căn cứ để tuyên bố việc kết hôn trái pháp luật không?”, là một tình huống còn nhiều quan điểm khác nhau trong áp dụng pháp luật mà tác giả Lê Cao đưa ra để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi để việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thống nhất.
Trên chuyên mục Tham khảo, Tạp chí Tòa án nhân dân giới thiệu tới bạn đọc phần I của bài viết: “Tội hối lộ công chức nước ngoài trong luật hình sự của một số quốc gia – liên hệ với quy định của bộ luật hình sự Việt Nam và đề xuất” của tác giả Đào Lệ Thu. Về vấn đề này, tác giả nêu quan điểm: Hối lộ công chức nước ngoài là tội phạm được quy định trong luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới, chủ yếu vì lý do các quốc gia này là thành viên của Công ước chống hối lộ Công chức nước ngoài trong các Giao dịch Thương mại Quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (tiếng Anh viết tắt là UNCAC) – những điều ước quốc tế với điều khoản bắt buộc về tội phạm hóa hành vi này. Việt Nam với tư cách là một quốc gia thành viên của UNCAC cũng đã tội phạm hóa hành vi đưa hối lộ cho CCNN và quy định thành một trường hợp của tội đưa hối lộ trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc tìm hiểu quy định của luật hình sự một số quốc gia về tội phạm này trong sự liên hệ với quy định mới có liên quan của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 để đưa ra những đề xuất cho cả việc áp dụng luật trong hiện tại và hoàn thiện luật trong tương lai là điều có ý nghĩa thiết thực.
Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2020!
*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Giá 01 cuốn Tạp chí là: 20.000đ. Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được hướng dẫn đặt mua.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp