Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2020
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2020 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2020. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý độc giả 07 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, tìm hiểu từ xã hội.
Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số vấn đề cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến:
Với bài viết: “Chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015” tác giả Nguyễn Mai Bộ và Hoàng Ngọc Anh nêu nhận định: Chính sách hình sự là một bộ phận quan trọng của chính sách pháp luật, thể hiện quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam, của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Trong lĩnh vực lập pháp, chính sách hình sự được thể hiện trong Bộ luật Hình sự bao gồm: chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; chính sách hình sự đối với phụ nữ phạm tội; chính sách hình sự đối với người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức phạm tội; chính sách hình sự đối với quân nhân phạm tội… chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là một bộ phận của chính sách hình sự. Nội dung của chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội vừa có nội dung thuộc về chính sách hình sự chung được áp dụng đối với người phạm tội, vừa có nội dung đặc thù, chỉ được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội có nhiều thay đổi so với quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999.
Để làm rõ các quy định về chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, các tác giả tập trung một số nội dung về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; về chế tài áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; về việc quyết định hình phạt và tổng hợp hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội …
Trong bài viết: “Một số vướng mắc, sai sót thường gặp trong việc giải quyết các vụ án liên quan đến động vật hoang dã; động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và một số kiến nghị”, tác giả Phạm Thị Thanh Nga nhận định: Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã khắc phục nhiều điểm hạn chế của Bộ luật Hình sự năm 1999, tiêu biểu là mở rộng phạm vi những hành vi vi phạm bị hình sự hóa, gia tăng sự nghiêm khắc trong các khung hình phạt và quy định cụ thể các khung hình phạt khác nhau. Việc áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã khắc phục được tình trạng những hành vi xâm phạm đến các loài động vật được bảo vệ bị đưa về xử lý theo các tội rất chung, không có tính chất đặc thù (đó là tội buôn lậu hoặc tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm). Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng mở rộng phạm vi chủ thể của tội phạm, không chỉ là các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự mà còn bao gồm cả những pháp nhân thương mại phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng pháp luật cho thấy, còn nhiều điểm bất cập trong cả chính sách và việc thực thi pháp luật.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả chủ yếu đề cập đến những hành vi được xem là phạm tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” hoặc tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” quy định tại các Điều 234 và 244 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Với bài viết: “Một số bất cập về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng dân sự và hướng hoàn thiện”, tác giả Võ Văn Hòa cho rằng: Pháp luật về tố tụng dân sự quy định trình tự, thủ tục để giải quyết các vụ việc phát sinh trong các quan hệ kinh tế – xã hội, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Để thực hiện được các công việc này, một trong các vấn đề quan trọng, thiết yếu chính là chứng cứ, chứng minh cho các yêu cầu, phản bác, trình bày của các đương sự trong các vụ việc. Do đó, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định nội dung về chứng cứ, chứng minh để làm cơ sở cho việc giải quyết các vụ việc. Nội dung này đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc được khách quan, công bằng. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục. Chính vì vậy, việc nghiên cứu những bất cập, hạn chế và định hướng hoàn thiện quy định về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng dân sự là cần thiết.
Trên Tạp chí số này, chúng tôi xin trích đăng một phần của bài viết. Với việc tập trung phân tích các quy định của pháp luật về chứng minh, chứng cứ; từ đó tác giả chỉ ra một số bất cập về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng dân sự.
Trong bài viết: “Một số ý kiến về vấn đề ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành theo Bộ luật Lao động năm 2019”, tác giả Nguyễn Thị Bích nhận định: Thỏa ước lao động tập thể là sự thỏa thuận giữa một bên là đại diện tập thể của người lao động với một bên là đại diện người sử dụng lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể nhằm xây dựng một văn bản quy định các chế độ quyền lợi của người lao động theo hướng không được trái với quy định của pháp luật và có lợi hơn cho người lao động. Thỏa ước lao động tập thể có nhiều loại, bao gồm Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, Thỏa ước lao động tập thể ngành, Thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và Thỏa ước lao động tập thể khác.
Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích, luận bàn các quy định về thỏa ước lao động tập thể ngành; từ đó đưa ra một số ý kiến nhằm hoàn thiện pháp luật về ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành.
Với bài viết:“ Một số khó khăn, vướng mắc khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội buôn lậu và đề xuất, kiến nghị”, tác giả Nguyễn Đình Nhựt nêu nhận định: Một trong những nhóm tội phạm phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây là nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; trong đó, phải kể đến tội phạm buôn lậu diễn ra ngày càng phức tạp với số lượng tăng nhanh và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn; đặc biệt là ở các khu vực biên giới của nước ta. Điều này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần có sự dự liệu phù hợp, để kịp thời ban hành các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh, xử lý các hành vi phạm tội một cách có hiệu quả. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với nhiều điều chỉnh, bổ sung đã khắc phục được những hạn chế của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đảm bảo tiệm cận hơn với yêu cầu của tình hình tội phạm trong tình hình mới. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và thực tiễn áp dụng cho thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục để đảm bảo việc áp dụng hiệu quả pháp luật hình sự trong thực tế.
Trong bài viết này, cùng với việc phân tích những nội dung cơ bản của tội buôn lậu – quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 tác giả chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể.
Trong bài viết: “Một số vấn đề về hành vi không thi hành án quy định trong luật hình sự việt nam”, tác giả Phùng Anh Dũng nhận định: Thực tiễn thi hành các quy định tại Chương XXIV – Các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp trong hơn 30 năm qua đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm hoạt đông tư pháp, trong đó chủ yếu là do các quy định về cấu thành tội phạm còn chung chung và khó áp dụng; phạm vi áp dụng còn hạn hẹp, một số hành vi nguy hiểm xâm phạm hoạt động tư pháp chưa được quy định là tội phạm; một số tội phạm có mức hình phạt chưa phù hợp với tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm trong tình hình mới…
Để bảo đảm cho các quy định của Hiến pháp được thi hành trên thực tế, bảo đảm bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, kế thừa Bộ luật Hình sự trước đây, Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội không thi hành án tại Điều 379. Trong phạm vi bài viết, tác giả nghiên cứu về tội không thi hành án quy định trong luật hình sự Việt Nam, qua đó chỉ ra một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện.
Với bài viết “Điều kiện bảo hộ tác phẩm theo quy định của luật sở hữu trí tuệ và thực tiễn áp dụng”, tác giả Nguyễn Huy Hoàng cho rằng: Theo phương diện chung thì tác phẩm là kết quả của hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học đã được ấn định trên một hình thái vật chất hoặc đã được thể hiện ra bên ngoài thông qua một hình thức nhất định.
Các sản phẩm trí tuệ chỉ được công nhận là tác phẩm khi chúng đã được ấn định trên một hình thái vật chất (vật mang tin) hoặc đã được thể hiện ra bên ngoài bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nhất định nào đó đủ để người khác có thể nhận biết được. Vì thế, các kết quả của hoạt động lao động sáng tạo nếu mới chỉ là ý tưởng, chưa được thể hiện ra bên ngoài bằng một hình thức nhất định nào đó không thể nhận biết được thì chưa được coi là một tác phẩm.
Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích về các điều kiện bảo hộ tác phẩm theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam; từ đó đưa ra các nhận định đối với thực tiễn áp dụng pháp luật về điều kiện bảo hộ tác phẩm qua một số bản án của Tòa án để làm sáng tỏ nội dung mà tác giả đưa ra.
Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2020!
*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Giá 01 cuốn Tạp chí là: 20.000đ. Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được hướng dẫn đặt mua.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù