Góp ý một số điều của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Đất đai là nhiệm chính trị quan trọng, được cả xã hội và người dân quan tâm, đón nhận với kỳ vọng khắc phục được những bất cập trong chính sách, quản lý đất đai. Nhằm khắc phục những hạn chế, dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, tố cáo tồn tại nhiều năm qua, tạo sự công bằng trong các mối quan hệ xã hội trong lĩnh vực đất đai, bài viết dưới đây nêu một số góp ý một số nội dung cụ thế.

Về hình thức

Tại khoản 1, Điều 2 của Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” và cụm từ“Nhân dân” luôn được viết hoa một cách trang trọng, thể hiện ý nghĩa vô cùng to lớn mang tính chính trị, thể hiện vai trò vị trí và chủ thể của quyền lực Nhà nước.

Tại tiểu điểm 1, mục V, phụ lục II về Viết hoa trong văn bản hành chính, đính kèm theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ đã nêu rõ: Danh từ thuộc trường hợp đặc biệt là cụm từ “Nhân dân” và “Nhà nước”. Dự thảo đề cập cụm từ “nhân dân” 302 lần nhưng không viết hoa theo quy định, chưa đúng với tinh thần đất đai thuộc sở hữu toàn dân được Hiến pháp và luật này quy định, do đó dự thảo cần khắc phục sơ sót này.

Về nội dung

1. Tại khoản 2, Điều 3 - Giải thích từ ngữ của dự thảo nêu:

“23. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”

Dự thảo sử dụng cụm từ “quyền sử dụng đất” và “chứng thư pháp lý” chưa thật chính xác và nội hàm đầy đủ với các lý do như sau:

Trên giấy chứng nhận nhiều trường hợp có ghi diện tích quy hoạch, nợ tiền sử dụng, thuế, hoàn trả quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng… là nghĩa vụ phải thực hiện khi Nhà nước có yêu cầu, phù hợp với cụm từ “được ghi nợ” phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 153 dự thảo này, trên thực tế cũng như trong các quy định thì quyền công dân đi liền với nghĩa vụ công dân. Do đó, nên cần phải ghi “quyền, nghĩa vụ sử dụng đất” để thể hiện rõ việc quản lý tài sản là đất đai đối và nghĩa vụ công dân cần phải thực hiện.

Tại khoản 1, 2 Điều 34 BLTTDS quy định về Thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức nêu: “1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, ....2. Quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể...”

Tại khoản 1,2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính về giải thích từ ngữ nêu “1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

2. Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”

Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 và 02/GĐ-TANDTC ngày 19/09/2018, 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 xác định rằng “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là quyết định hành chính cá biệt để thụ lý giải quyết trong vụ án dân sự, hành chính”. Trong khi đó cụm từ “chứng thư pháp lý” không được quy định hoặc khái niệm rõ ràng bởi quy định pháp luật tạo sự suy luận trong tố tụng không có tính pháp lý, xảy ra nhiều quan điểm giải quyết khác nhau.

Kiến nghị sửa quy định tại khoản 23 Điều 3 Dự thảo

“23. Giấy chứng nhận quyền, nghĩa vụ sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là quyết định hành chính cá biệt mà Nhà nước xác định quyền, nghĩa vụ sử dụng đất, sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đối với người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”

Ngoài ra, cần sửa đồng bộ các từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thành giấy chứng nhận quyền, nghĩa vụ sử dụng đất đối với các quy định ở các điều luật khác của dự thảo cũng như văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Tại khoản 49 Điều 3 – Giải thích từ ngữ của dự thảo nêu: “49. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Khái niệm này không thực sự rõ ràng nên không ít người bị nhầm trong việc xác định tranh chấp nào là tranh chấp đất đai (bản chất là quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất cả tranh chấp ranh giới, mốc giới, quyền đối với bất động sản liền kề, quyền bề mặt được quy định tại Mục 1, 3 Chương XIV BLDS) - Tranh chấp liên quan đến đất đai trong giao dịch dân sự, thừa kế quy định tại Điều 116 và Chương XXI BLDS, từ đó xác định thẩm quyền giải quyết, quan hệ tranh chấp….

Đề xuất cần sửa và bổ sung khái niệm

Tại Điều 49 tranh chấp đất đai là tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất, với toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất, bao gồm cả tranh chấp ranh giới, mốc giới, quyền đối với bất động sản liền kề, quyền bề mặt; tranh chấp liên quan đến đất đai là tranh chấp trong giao dịch dân sự, thừa kế liên quan đến quyền, nghĩa vụ sử dụng đất.

3. Về cụm từ “hộ khẩu” được nêu trong Dự thảo

Hộ khẩu là một phương pháp quản lý dân số chủ yếu dựa vào hộ gia đình. Đây là công cụ và thủ tục hành chính giúp nhà nước quản lí chỗ ở, nhân sự hay các vấn đề liên quan đến quyền lợi như phân chia ruộng đất, nhà ở, hộ gia đình, thực hiện các thủ tục, giấy tờ hành chính… đối với công dân.

Tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định: “Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.”

BLDS 2015 không ghi nhận cụm từ “hộ khẩu” mà tại Điều 101, 102,103,104, 138, 344 quy định về quan hệ pháp luật của “hộ gia đình”, cụ thể tại khoản 2 Điều 101 BLDS nêu “2. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.”

Theo đó, “sổ hộ khẩu”, “hộ khẩu”, “sổ tạm trú” không còn giá trị pháp lý để thực hiện các giao dịch dân sự, quản lý hành chính của Nhà nước mà sử dụng Cơ sở dữ liệu về cư trú được xây dựng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về cư trú do Bộ Công an thống nhất quản lý. Vì vậy cần thay đổi cụm từ “hộ khẩu thường trú” và “đăng ký hộ khẩu thường trú” thành cụm từ “đăng ký thường trú”tại điểm e khoản 1 Điều 134, khoản 1 Điều 147, khoản 7 Điều 180 của Dự thảo Luật đất đai để phù hợp với các quy định hiện hành.

ThS. LÊ ĐỨC ANH ( Tòa Dân sự, TAND Tp.HCM)