Hành vi của N là phòng vệ chính đáng

Sau khi nghiên cứu bài viết “Vũ Thị N có phạm tội hay không?” của tác giả Hoàng Phi Hùng, đăng ngày 28/2, tôi cho rằng hành vi của N không phải là tội phạm.

H và N đang hẹn hò ở công viên thì H đòi quan hệ tình dục nhưng N không đồng ý, đẩy ra. N bị H vật ngã rồi rút dao đe dọa. H bịt miệng N, doạ nằm im nếu không sẽ giết. H và N giằng co qua lại, N cắn vào tay H, giật được dao rồi bỏ chạy nhưng bị H kéo lại, N liền đâm H ba nhát rồi chạy thoát. Gặp người dân bên đường, N mượn điện thoại gọi Công an trình báo và nhờ đến cứu giúp H, sau đó N đón taxi về nhà. Nạn nhân cũng chạy bỏ đi nhưng chạy  được một đoạn thì ngã và tử vong.

Trường hợp này, việc nhận định Vũ Thị N phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” là không có căn cứ.

Điều 126 BLHS 2015 quy định Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau: “Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Như vậy, để cấu thành tội phạm trên, cần chứng minh được hai yếu tố: thứ nhất, N đã có hành vi “Giết người”; thứ hai, hành vi đó được thực hiện trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Về yếu tố thứ nhất: Hành vi “Giết người” phải được thực hiện với lỗi cố ý, nghĩa là người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra hoặc không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Trường hợp này có thể khẳng định, N không cố ý tước đi tính mạng của H. Phân tích ý thức chủ quan, N không hề mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Tình huống đã nêu ra, thời điểm giật được dao, N đã bỏ chạy chứ không đâm H. Hành vi đâm H của N thực hiện khi bị H kéo lại, trong tình trạng hoảng loạn, chỉ nhằm mục đích thoát thân. Sau khi H bỏ đi, N đã mượn điện thoại gọi Công an trình báo và nhờ đến cứu giúp H. Hành vi trên không thỏa mãn mặt chủ quan của tội Giết người.

Về yếu tố thứ hai: Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 BLHS 2015 quy định “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.”. Vậy như thế nào là “chống trả lại một cách cần thiết”? Vận dụng Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 1985. Theo đó, mục II của Nghị quyết hướng dẫn cụ thể như sau:

“Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.

Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ; mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại; cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya) v.v… Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.”

Trong trường hợp này, H đã đe dọa xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm thậm chí là tính mạng của N (vật ngã rồi rút dao đe dọa nằm im nếu không sẽ giết). H là nam giới có thể lực vượt trội hơn, dùng dao là vũ khí nguy hiểm trong hoàn cảnh tối muộn. Về cường độ của sự tấn công: H vật ngã rồi rút dao đe dọa, giằng co qua lại, khi N cắn vào tay H bỏ chạy thì H vẫn quyết tâm kéo lại. Việc đâm 3 nhát dao rõ ràng là đâm loạn xạ trong tư thế bị kéo lại, không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của H. Tác giả bài viết cho rằng trường hợp này H chỉ cần đâm 01 nhát rồi bỏ chạy. Tuy nhiên, trước mối đe dọa nguy hiểm, chênh lệch về thể lực, cường độ tấn công dồn dập trong hoàn cảnh đêm khuya, chị N không thể có điều kiện bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp. Hậu quả chết người là không mong muốn. Như vậy, hành vi của chị N là phòng vệ chính đáng, hành vi của N không phải là tội phạm.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với bài viết bài viết “Vũ Thị N phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc./.

 

Các bị cáo nữ trong một phiên tòa - Ảnh: NSV

 

NGUYỄN MẬU LINH (Tòa án quân sự Quân khu 4)