Hệ thống Tòa án nhân dân tăng cường và chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mọi mặt hoạt động

Trong những năm qua, nhất là từ khi có Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09-12-2003 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân", công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của hệ thống Tòa án nhân dân đã được thực hiện thông qua nhiều hình thức và đã đạt được kết quả tích cực. Sau đây tác giả xin giới thiệu một số kết quả nổi bật của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong 15 năm qua.[1]

1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án. Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân. Do vậy, đây là hình thức tuyên truyền có ý nghĩa thiết thực và dễ dàng đi vào đời sống nhân dân.

Bên cạnh việc xét xử các vụ án tại trụ sở Tòa án, các Tòa án nhân dân còn tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, các phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn nơi xảy ra vụ án hoặc các địa bàn trọng điểm về một số loại tội phạm (thời gian trước đây). Hoạt động này đã mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; có tác dụng trực tiếp đến những người tham dự hoặc theo dõi phiên tòa; tạo ra sự quan tâm của đông đảo cộng đồng dân cư ở địa phương; giúp cho nhân dân hiểu, nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp; nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm; đề cao tính răn đe (trừng trị) và tính giáo dục, thuyết phục của phiên toà.

2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải, đối thoại

Công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình xét xử các vụ án dân sự, hành chính luôn được Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao quan tâm, chú trọng. Theo đó, các quy định của pháp luật tố tụng có liên quan[2] về hòa giải, đối thoại đã được các cấp Tòa án quan tâm thực hiện, qua đó góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền, Trưởng ban  chỉ đạo công tác Thông tin- truyền thông TANDTC

Ngày 03-10-2017, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04/2017/CT-CA về tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân, đã đề ra các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải trong tố tụng dân sự. Đặc biệt, trong năm 2018 và 2019, thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11-2018 đến tháng 9-2019). Tại các địa phương này, đã thành lập Ban Chỉ đạo thí điểm, tổ chức các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đào tạo Hòa giải viên; tiến hành hòa giải, đối thoại tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và đã thu được những kết quả tích cực. Sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985 vụ việc, trên tổng số 47.493 vụ việc được hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 78,08%. Kết quả thí điểm đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Tòa án nhân dân tối cao hoàn thiện dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2019.[3]

Thông qua công tác hòa giải, đối thoại, các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và hành chính được các Hòa giải viên, Đối thoại viên phổ biến đến các đương sự trong từng vụ án. Mặt khác, thông qua việc hòa giải, đối thoại, người tiến hành hòa giải, đối thoại còn có thể giải thích, nâng cao nhận thức pháp luật cho các bên, giúp việc thi hành pháp luật được thuận lợi.

3. Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ

Trong những năm qua, Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực thực hiện đổi mới thủ tục hành chính tư pháp theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện; công khai hóa các thủ tục tiếp nhận hồ sơ, cung cấp tài liệu của Tòa án theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân, xây dựng nội quy tiếp công dân; cán bộ làm công tác tiếp công dân đã tận tình giải thích các quy định pháp luật có liên quan đến tranh chấp để người dân hiểu, kết hợp công tác tiếp công dân với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.

Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao cũng tích cực thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ của các Tòa án địa phương. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao quán triệt và chỉ đạo các Tòa án thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là thông qua hoạt động xét xử.

4. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành

Ngay sau khi các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức triển khai thực hiện phổ biến, quán triệt thi hành đến toàn thể các cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án bằng nhiều hình thức khác nhau như: Hội nghị trực tuyến, giải đáp các vướng mắc, Công văn quán triệt thực hiện. Trong thời gian qua, nhiều luật, bộ luật, pháp lệnh, nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật khác đã được Tòa án nhân dân tối cao phổ biến, quán triệt đến toàn thể các cán bộ, công chức như: Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự và Luật Tố tụng hành chính, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng, Luật Cạnh tranh, Luật Tố cáo, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước,…; các điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế liên quan đến quyền con người, quyền công dân và các thỏa thuận quốc tế khác trong nhiều lĩnh vực.

5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc công khai các bản án, quyết định của Tòa án và phát triển án lệ

Đây là hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục mới được thực hiện trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao và Trang Thông tin điện tử của các Tòa án nhân dân địa phương. Thông qua hình thức này, người dân sẽ được tiếp cận với những bản án, quyết định của Tòa án để từ đó họ tự nhận thức và dự đoán được kết quả của những tranh chấp có nội dung tương tự, qua đó tăng cường hiểu biết và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Theo đó, từ ngày 01-7-2017, Tòa án nhân dân các cấp đã thực hiện việc công bố các bản án, quyết định của Tòa án mình trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Tính đến ngày 19-10-2019, đã có 337.983 bản án, quyết định của Tòa án được công bố, trong đó hình sự (69.566), dân sự (53.781), hôn nhân và gia đình (178.980), kinh doanh, thương mại (5.769), hành chính (3.240), lao động (1.381), quyết định tuyên bố phá sản (41), quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (25.225). Trang thông tin công bố bản án tại địa chỉ https://congbobanan.toaan.gov.vn đã thu hút hơn 16 triệu lượt truy cập kể từ khi được khai trương.

Công tác phát triển án lệ cũng được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao quan tâm chỉ đạo. Từ năm 2015 đến nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 02 Nghị quyết hướng dẫn về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.[4] Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về việc áp dụng án lệ trong xét xử.[5]

Tính đến hết ngày 09-9-2019, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành được 29 án lệ, xuất bản được 01 tuyển tập về bình luận án lệ. Thông qua các án lệ này, những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể hoặc những quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau sẽ được phân tích, giải thích trong một vụ việc cụ thể, vì vậy việc tiếp cận các quy định của pháp luật sẽ cụ thể và dễ hiểu hơn.

6. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục thông qua các phương tiện báo chí, truyền thông

Để thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua Truyền hình Tòa án nhân dân, Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao đã đổi mới, hoàn thiện giao diện, nội dung, thông tin tuyên truyền nhằm thu hút đông đảo bạn đọc trong và ngoài Tòa án. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (Báo Công lý) đang phối hợp hợp với Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng bộ phim truyền hình dài tập về người Thẩm phán, qua đó, góp phần tuyên truyền, làm cho người dân hiểu về công việc của Tòa án, cũng như các quy định của pháp luật về tố tụng, pháp luật về nội dung được chuyển tải trong bộ phim.

Tòa án nhân dân tối cao đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác thông tin – tuyên truyền Tòa án nhân dân để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch trọng tâm về công tác thông tin, tuyên truyền hàng năm của Tòa án nhân dân; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sơ kết, tổng kết công tác thông tin, tuyên truyền trong hệ thống Tòa án nhân dân. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo trong những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền trong hệ thống Tòa án nhân dân đã được tăng cường, đẩy mạnh, có nhiều đổi mới, phản ánh kịp thời mọi hoạt động của Tòa án nhân dân, đặc biệt là tập trung tuyên truyền kịp thời các sự kiện lớn, thực hiện các giải pháp đột phá, nhiệm vụ trọng tâm công tác của Tòa án nhân dân. Chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền trên các ấn phẩm báo chí, truyền thông trong và ngoài hệ thống Tòa án ngày càng tốt, toàn diện và phong phú hơn, qua đó góp phần làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

7. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ

Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Thư ký, Thẩm tra viên, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cũng được các cấp Tòa án chú trọng. Hàng năm, Học viện Tòa án đã mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ này, các quy định mới của pháp luật được lồng ghép vào trong tài liệu giảng dạy của Học viện Tòa án để truyền đạt đến các Thư ký, Thẩm tra viên, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Đồng thời, từ năm 2018,[6] Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ trực tuyến (gần 800 điểm cầu từ Tòa án nhân tối cao đến các Tòa án nhân dân cấp huyện) cho các công chức giữ chức danh tư pháp trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân, do Chánh án, các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp làm báo cáo viên; đồng thời, cũng đã mời nhiều chuyên gia quốc tế tổ chức tập huấn trực tuyến theo chuyên đề.

8. Phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí ở Trung ương và ngoài hệ thống Tòa án để tuyên truyền về hoạt động của Tòa án (Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Đài truyền hình Việt Nam; Quy chế phối hợp giữa Báo Công lý với Báo Bảo vệ pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Định kỳ tổ chức họp báo để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông đại chúng về tình hình hoạt động của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án. Hàng tháng, Đài Truyền hình Việt Nam phát trên sóng truyền hình các phiên họp thường kỳ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Tòa án nhân dân tối cao cũng đã phối với các cơ quan, bộ ngành khác để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể như: Ngày 05-12-2018, ký Chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia giai đoạn 2018-2021; ngày 08-4-2019, ký Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp giai đoạn 2019-2023. Ngay sau khi các Chương trình phối hợp được ký kết, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương mình.

Như vậy, sau 15 năm tổ chức và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống Tòa án đã có những chuyển biến tích cực, vai trò trong công tác tuyên truyền của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể không ngừng tăng lên. Do đó, hình thức và nội dung tuyên truyền ngày càng đa dạng, phong phú, dễ hiểu và được triển khai sâu rộng đến từng cán bộ, công chức và người lao động, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống Tòa án. Vì vậy, chất lượng xét xử các loại vụ án được nâng lên; ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững kỷ cương kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ cơ quan góp phần vào công tác giáo dục chính trị-tư tưởng của Đảng và Nhà nước./.

[1] Xem thêm: Báo cáo số 1492a-BC/BCS ngày 25/9/2019 của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09-12-2003 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”.

 

[2] Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Luật tố tụng hành chính năm 2010, Luật tố tụng hành chính năm 2015.

[3] Khi Luật được thông qua sẽ tạo cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tăng tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại.

[4] Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28-10-2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ và Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18-6-2019 thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP.

[5] Như Công văn số 146/TANDTC-PC ngày 11-7-2017 về viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử.

[6] Theo Kế hoạch số 230/TANDTC-TCCB ngày 13-4-2018 của Tòa án nhân dân tối cao.

ThS. TẠ ĐÌNH TUYÊN