Hoài Đức (Hà Nội): Hơn 03 ha nhà xưởng trái phép tại xã An Thượng bao giờ mới có thể xử lý?

Hàng loạt công trình nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhiều năm qua tại thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội vẫn chưa xử lý dứt điểm. Cho đến nay sự vào cuộc của chính quyền địa phương chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động di dời?.

Mới đây, khi nhận được thông tin phản ánh liên quan tới việc tại thôn Lại Dụ, xã An Thượng, hàng loạt các cá nhân và doanh nghiệp tự ý “đua nhau” xây dựng nhiều công trình nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp trong nhiều năm qua. Phóng viên Tạp chí Tòa án nhân dân đã về địa phương để xác minh thông tin. Nhận thấy, Hàng loạt công trình nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn tồn tại nhiều năm qua tại thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Điều đáng nói, trước những hành vi sai phạm trên, đến thời điểm này, phía chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái xử lý dứt điểm.

Khu vực nhà xưởng xây dựng trái phép tại thôn Lại Dụ, xã An Thượng.

Có 30 doanh nghiệp vi phạm, các doanh nghiệp góp tiền để "lo lót"

Ngày 07/05/2023, phóng viên Tạp chí Tòa án nhân dân đã có mặt tại thôn Lại Dụ, xã An Thượng và ghi nhận những thông tin phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Theo quan sát, tại Khu bãi thôn Lại Dụ tồn tại nhiều nhà xưởng có quy mô từ vài trăm cho tới hàng nghìn m2 được hoạt động vào mục đích chế tạo máy, sản xuất thực phẩm, vật liệu sơn, bột bả, khung trần, sản xuất bao bì...

Một số cái tên có thể kể tới như Công ty TNHH sản xuất và đầu tư thương mại XNK Tân Hưng Phát; Công ty TNHH Hỗ trợ phát triển kỹ thuật và chuyển giao công nghệ Sutraco; Công ty TNHH in và sản xuất bao bì Ánh Dương; Công ty cổ phần Green Việt Nam; Công ty cổ phần cơ khí chính xác An Khánh; Công ty TNHH thương mại và chế tạo máy Thiên An...

Một số doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực thôn Lại Dụ, xã An Thượng.

Không chỉ xây dựng trên đất trái phép mà theo quan sát của phóng viên nhiều nhà xưởng tại đây có dấu hiệu không bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, thương vong bất cứ lúc nào đặc biệt thời tiết đã bước sang mùa nắng nóng.

Qua tìm hiểu được biết, những công trình nhà xưởng tại đây được hình thành vào giai đoạn từ năm 2002 cho đến năm 2016 với tổng các công trình vi phạm trên 30 trường hợp. Số diện tích đất nông nghiệp bị xâm hại, chuyển đổi mục đích trái phép là hơn 03 ha. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay không phát sinh thêm trường hợp vi phạm.

Trong vai một người đang có nhu cầu tìm nhà xưởng để kinh doanh sản xuất tại thôn Lại Dụ, phóng viên đã tiếp cận được một người đàn ông tên Thinh. Theo đó, người đàn ông này đang cho thuê 01 khu xưởng trên đất nông nghiệp có diện tích khoảng 600m2, với giá 38 nghìn đồng/m2. Tuy nhiên khi phóng viên bày tỏ sự lo lắng về tính pháp lý của nhà xưởng, người đàn ông này liên tục trấn an và giới thiệu tới hội Doanh nghiệp có thể giúp đỡ cùng lời khuyên “nếu làm lâu dài thì nên tham gia”.

Nhiều nhà xưởng có dấu hiệu không bảo đảm các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy.

Sau đó, phóng viên đã được dẫn tới gặp một người đàn ông tên Hưng (tự xưng là hội phó hội Doanh nghiệp thôn Lại Dụ). Theo ông Hưng cho biết hiện tại trong hội có khoảng 40 hội viên, vào hội Doanh nghiệp tại đây thì hàng năm sẽ đóng cho quỹ 05 triệu đồng/doanh nghiệp để hội lo mọi khoản với địa phương, cấp quản lý của doanh nghiệp như công an, phòng cháy chữa cháy, quản lý thị trường hoặc là các đơn vị khác đến xin...

“Bọn em cũng biết rồi, giờ làm ăn nó cũng khó khăn, mình muốn yên ổn mọi thứ thì cũng phải có quan hệ. Mà mỗi năm, một doanh nghiệp đóng có 05 triệu đồng thì không có gì là khó khăn cả. Vì mình phải quan hệ với họ thì họ mới tạo điều kiện cho mình. Xã họ có sự kiện gì họ kêu gọi hội hỗ trợ giúp đỡ kinh phí thì lấy cái quỹ đấy hỗ trợ họ, thân thiện như anh em. Chính quyền địa phương người ta có ngăn cản gì hoạt động doanh nghiệp đâu, người ta chỉ khuyến khích thôi”. Người đàn ông tên Hưng cho biết thêm.

UBND huyện Hoài Đức có đang “đùn đẩy” trách nhiệm?

Tìm hiểu rõ hơn về những vấn đề trên, ngày 18/05/2023 phóng viên đã có buổi làm việc với ông Cao Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã An Thượng. Ông Tâm cho biết đối với các dãy nhà xưởng trái phép tại thôn Lại Dụ từ năm 2016 phía UBND xã An Thượng có kế hoạch triển khai tháo dỡ, tuy nhiên do khiến kiện người dân, đảm bảo việc làm người lao động nên hiện tại thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND xã An Thượng đã tuyên truyền, vận động di dời các nhà xưởng ra khỏi vị trí thôn Lại Dụ vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn, đến nay mới chỉ có một số đơn vị di chuyển.

Hoạt động sản xuất của khu xưởng thôn Lại Dụ vẫn diễn ra bình thường.

“Chúng tôi đang đề nghị sắp tới vành đai 4 dư ra khoảng mấy chục ha từ vùng bãi sát thôn Lại Dụ, thì xin chuyển đổi mục đích, quy hoạch cho xã An Thượng mấy ha, trên cơ sở xây dựng hạ tầng thì kêu gọi các doanh nghiệp vào trong này”. Ông Tâm cho biết thêm.

Bên cạnh đó, khi phóng viên đề cập tới sự xuất hiện và hoạt động của hội Doanh nghiệp tại thôn Lại Dụ, ông Cao Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã An Thượng vội vàng trả lời “cái đó thì tôi không biết”.

UBND huyện Hoài Đức.

Để tiếp cận với các văn bản cũng như quá trình xử lý những trường hợp vi phạm, ngày 17/05/2023 phóng viên đã liên hệ đặt nội dung làm việc với UBND huyện Hoài Đức. Sau nhiều ngày chờ đợi, phóng viên được phía UBND huyện Hoài Đức bố trí sẽ làm việc với phòng Kinh tế huyện Hoài Đức. Tuy nhiên khi phóng viên liên hệ tới phòng Kinh tế huyện Hoài Đức thì đơn vị này trả lời “lãnh đạo bảo chủ yếu là xã An Thượng” và không bố chí thời gian làm việc đối với phóng viên, dấu hiệu “né tránh” báo chí?.

Câu hỏi được đặt ra, UBND huyện Hoài Đức có đang “đá bóng” trách nhiệm đối với UBND xã An Thượng?, hàng loạt công trình vi phạm vẫn chưa thể xử lý triệt để do khó khăn trong quá trình di dời hay còn nguyên nhân nào khác? và phải chăng nếu không thể di dời thì các công trình trái phép này vẫn có quyền hoạt động bất chấp các quy định của pháp luật?.

Đề nghị UBND thành phố Hà Nội cùng các đơn vị có liên quan nhanh chóng xử lý dứt điểm các công trình vi phạm tại thôn Lại Dụ, xã An Thượng. Có biện pháp tháo gỡ khó khăn, di dời khu xưởng để trả lại đúng mục đích sử dụng đất, hướng tới bảo đảm sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phát triển theo đúng định hướng quy hoạch đã đề ra ban đầu.

Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định như sau: Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm b và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai.

Theo đó, Khoản 2 điều này nêu rõ: Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

c) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

d) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 03 héc ta trở lên.

Khoản 3 điều này cũng nêu: Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt quy định tại khoản 2 Điều này.

Về biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Ngoài ra, tại Điều 208 Luật Đất đai năm 2013 còn nêu trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

 

 

Tuấn Quang