Hoàn thiện quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng có điều kiện

Bài viết cho thấy sự bất cập trong quy định về hợp đồng có điều kiện trên cơ sở so sánh với pháp luật của một số nước trên thế giới; chỉ ra sự chồng chéo giữa quy định về hợp đồng có điều kiện với giao dịch có điều kiện và thực hiện nghĩa vụ có điều kiện. Từ đó, đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hợp đồng có điều kiện.

Hợp đồng có điều kiện có thể được hiểu là hợp đồng các bên thỏa thuận về một sự kiện làm điều kiện để thực hiện, thay đổi hoặc chấm dứt. Sự kiện các bên thỏa thuận làm điều kiện của hợp đồng phải khách quan, có thể xảy ra hoặc không xảy ra. Nếu một bên cố ý tác động làm cho sự kiện xảy ra hoặc cản trở sự kiện không xảy ra thì họ phải gánh chịu hậu quả ngược lại với chủ đích của mình.

Điều kiện trong hợp đồng có điều kiện được xác lập dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Có quan điểm cho rằng, dựa trên sự tự do thỏa thuận, điều kiện được xác lập trong hợp đồng có điều kiện có thể được hình thành dưới bất kỳ hình thức nào và có thể là một thỏa thuận rõ ràng hoặc ngầm định. Việc các bên xác lập điều kiện trong hợp đồng dưới hình thức nào cũng được pháp luật bảo đảm cho hợp đồng đó có hiệu lực. Các bên không có quyền viện dẫn điều kiện không được nêu trong hợp đồng.

1. Đánh giá quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng có điều kiện - So sánh với pháp luật của một số quốc gia

Luật hợp đồng năm 1999 của Trung Quốc quy định: “Đương sự có thể thỏa thuận điều kiện phụ thêm về hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng có kèm theo điều kiện có hiệu lực thì sẽ có hiệu lực từ lúc điều kiện hình thành. Hợp đồng có kèm theo điều kiện hủy bỏ, thì sẽ không có hiệu lực từ khi điều kiện hình thành”. Quy định của pháp luật Trung Quốc xác định điều kiện được các bên thỏa thuận trong hợp đồng là điều kiện nhằm làm phát sinh hoặc hủy bỏ hiệu lực của hợp đồng. So sánh, đối chiếu giữa quy định của pháp luật Việt Nam với pháp luật Trung Quốc thì thấy có sự khác biệt như sau:

Quy định của pháp luật Việt Nam không xác định rõ sự tác động của sự kiện đối với hiệu lực của hợp đồng có điều kiện. Về vấn đề này, pháp luật Trung Quốc quy định rõ ràng sự bổ sung điều kiện phụ thêm có ảnh hưởng tới hiệu lực của hợp đồng (xác định có điều kiện phát sinh và hủy bỏ). Quy định của pháp luật Trung Quốc có sự tương thích với quy định về giao dịch có điều kiện của pháp luật Việt Nam. Hiệu lực của hợp đồng phát sinh hoặc hủy bỏ phụ thuộc vào từng điều kiện tương ứng.

Quy định về hợp đồng có điều kiện của pháp luật Việt Nam chỉ là thực hiện hợp đồng có điều kiện, nhằm xác định hợp đồng đã có hiệu lực và sự kiện xác lập chắc chắn xảy ra.

Cụ thể, khoản 6 Điều 402 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định”. Đối chiếu với Điều 120 BLDS năm 2015: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ”. Nếu xác định hợp đồng là một giao dịch thì vấn đề cần làm rõ là “sự kiện nhất định” trong hợp đồng có điều kiện có phải là “điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ” trong giao dịch có điều kiện không? Quy định hiện nay không làm rõ các khái niệm này nên dẫn tới sự nhầm lẫn trong quá trình thực thi. Đây là hai khái niệm khác biệt. Sự kiện có bản chất là khách quan, chủ quan, có sự tác động của bên thứ ba hoặc do các bên tạo ra,… Sự kiện các bên thỏa thuận trong hợp đồng có điều kiện không làm ảnh hưởng tới hiệu lực của hợp đồng đó và được coi là một điều khoản trong hợp đồng. Ngược lại, “điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ” là những sự kiện được xác lập có ảnh hưởng tới hiệu lực của hợp đồng. Vì vậy, các điều luật trong BLDS năm 2015 có sự mâu thuẫn, không logic và chưa có khái niệm về hợp đồng có điều kiện.

Theo Điều 385 BLDS năm 2015, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Điều kiện được xác định trong hợp đồng dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Nếu trong di chúc có điều kiện, thì điều kiện được xác lập dựa trên ý chí của người lập di chúc mà không có sự bàn luận, thương lượng. Ngược lại, hợp đồng có điều kiện là một hình thức của giao dịch có điều kiện. Điều kiện là sự kiện được xác định trong hợp đồng, luôn thể hiện rõ sự thống nhất ý chí của các bên. Do đó, điều kiện được xác lập trong hợp đồng có điều kiện thường sẽ liên quan tới đối tượng của hợp đồng. Vì vậy, có thể thấy, hợp đồng có điều kiện theo quy định của BLDS năm 2015 chưa được làm sáng tỏ là một giao dịch có điều kiện.

Năm 2016, BLDS Pháp sửa đổi như sau: “Hợp đồng được coi là may rủi nếu các bên chấp nhận đặt hiệu lực của hợp đồng, xét cả về lợi ích và thiệt hại, phụ thuộc vào một sự kiện không chắc chắn”. Theo đó, quy định của pháp luật Pháp xác định rất rõ sự kiện xác lập trong hợp đồng là không chắc chắn và có tác động tới hiệu lực của hợp đồng. Điều 1168 BLDS Pháp quy định nghĩa vụ có điều kiện là nghĩa vụ phụ thuộc vào một sự kiện trong tương lai không chắc chắn sẽ xảy ra (chỉ khi sự kiện đó xảy ra thì mới thực hiện hoặc hủy bỏ nghĩa vụ). Theo Điều 1181 BLDS Pháp: Nghĩa vụ được cam kết theo điều kiện làm phát sinh nghĩa vụ, là nghĩa vụ phụ thuộc vào một sự kiện tương lai không chắc sẽ xảy ra hoặc vào một sự kiện hiện tại đã xảy ra nhưng các bên chưa biết. Điều 1183 BLDS Pháp quy định: Điều kiện huỷ bỏ là điều kiện mà khi xảy ra thì nghĩa vụ bị hủy bỏ và các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu như chưa từng có cam kết.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 284 BLDS năm 2015 xác định thực hiện nghĩa vụ có điều kiện như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về điều kiện thực hiện nghĩa vụ thì khi điều kiện phát sinh, bên có nghĩa vụ phải thực hiện”.

So sánh giữa quy định của BLDS Pháp với BLDS Việt Nam thì BLDS Pháp xác định rõ điều kiện được xác lập trong nghĩa vụ có điều kiện và điều kiện có thể là phát sinh hoặc hủy bỏ. Trái lại, BLDS năm 2015 xác định điều kiện được xác lập từ sự thỏa thuận của các bên hoặc do pháp luật quy định và chỉ áp dụng điều kiện phát sinh. Mặt khác, hợp đồng có điều kiện là trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ; khi điều kiện đó xảy ra, hợp đồng phát sinh hoặc hủy bỏ. Vấn đề này được thể hiện qua vụ việc sau:

Ví dụ: Bản án số 219/2018/DS-PT ngày 12/9/2018 về tranh chấp hợp đồng góp vốn của Tòa án nhân dân thành phố H: “Điều 1 của hợp đồng có thỏa thuận: “Bên B đồng ý góp cho bên A một số tiền theo giá trị (các) lô đất tại Điều 1.2 để nhận quyền sử dụng (các) lô đất này tại khu dân cư sông T, khóm P, phường P, thành phố N nếu dự án xây dựng khu đô thị mới được Ủy ban nhân dân tỉnh K phê duyệt và giao cho bên A”.

Tòa án xác định: Đối tượng của hợp đồng là quyền sử dụng đất có được khi Ủy ban nhân dân tỉnh K phê duyệt và giao cho bên A thuộc hợp đồng có điều kiện. Hợp đồng chỉ được thực hiện khi công ty cổ phần xây lắp được Ủy ban nhân dân tỉnh K giao đất, trong đó có lô đất thỏa thuận chuyển nhượng cho ông C.

Tòa án xác định tồn tại hợp đồng có điều kiện giữa các bên. Tuy nhiên, hợp đồng chưa phát sinh hiệu lực bởi đối tượng của hợp đồng chưa có (lô đất các bên thỏa thuận chuyển nhượng chưa được Ủy ban nhân dân tỉnh K giao đất). Còn đối với điều kiện “nếu dự án xây dựng khu đô thị mới” được Ủy ban nhân dân tỉnh K phê duyệt và giao cho bên A” thì tồn tại “đề nghị giao kết hợp đồng” giữa các bên.

Sự nhầm lẫn này của Tòa án xuất phát từ quy định tại khoản 6 Điều 402 BLDS năm 2015: “Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định”. Theo đó, các bên thỏa thuận việc có thực hiện hợp đồng hay không sẽ phụ thuộc vào một sự kiện thực tế có phát sinh, thay đổi hay chấm dứt không. Điều kiện thực hiện hợp đồng được hiểu như thế nào? Đó là điều kiện khách quan, điều kiện thực hiện công việc hay từ hành động của bên thứ ba? Do đó, cần làm rõ yêu cầu đối với điều kiện được xác lập trong hợp đồng có điều kiện. Qua bản án trên cho thấy, Tòa án có sự nhầm lẫn là do quy định của pháp luật hiện hành không thống nhất giữa các vấn đề liên quan đến hợp đồng có điều kiện, thực hiện nghĩa vụ có điều kiện.

Bên cạnh đó, quy định của BLDS năm 2015 còn gây nhầm lẫn giữa hợp đồng có điều kiện với hủy bỏ giao dịch do không thực hiện nghĩa vụ.

Hủy bỏ giao dịch là hình thức chấm dứt hiệu lực của giao dịch đã được giao kết hợp pháp. Trường hợp một bên vi phạm giao dịch chỉ được coi là điều kiện hủy bỏ giao dịch nếu các bên đã thỏa thuận từ trước; nếu các bên không thỏa thuận về điều kiện hủy bỏ giao dịch thì không được tự ý hủy bỏ.

Ví dụ: Bản án số 42/2019/DS-ST ngày 28/8/2019 về tranh chấp đòi tài sản của Tòa án nhân dân thành phố T:

“Ngày 18/11/2018, ông M ký giấy cam kết khi ông D ký giấy giao cho cụ P đứng tên để làm thủ tục chuyển nhượng đất cho ông M thì ông M trả thêm cho ông D số tiền 120 triệu đồng. Việc ông M ký giấy cam kết ngày 18/11/2018 với ông D làm phát sinh hợp đồng có điều kiện; ông D đã thực hiện, ông M đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ông M chưa thực hiện việc trả số tiền 120 triệu đồng cho ông D”.

Trong bản án này, phía ông D đã thực hiện xong nghĩa vụ và kết quả là ông M đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ông M lại không thực hiện nghĩa vụ đối ứng là trả tiền cho ông D. Bản chất của giao dịch giữa ông M và ông D là hợp đồng dịch vụ mà không có sự xuất hiện của sự kiện là điều kiện trong giao dịch. Trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ hoặc không thực hiện nghĩa vụ được coi là vi phạm về thời hạn thực hiện hợp đồng. Bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ mà bên có quyền yêu cầu thực hiện trong một thời gian hợp lý được hiểu là do ý chí chủ quan của bên có nghĩa vụ, không phải do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc do lỗi của bên có quyền. Việc chậm thực hiện nghĩa vụ này tuy là vi phạm nghĩa vụ nhưng không phải là vi phạm nghiêm trọng, nên bên có quyền có thể lựa chọn hủy bỏ hoặc không hủy bỏ hợp đồng. Trường hợp này, căn cứ vào khoản 1 Điều 280 BLDS năm 2015: “Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận”, thì ông M phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho ông D đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu mức độ của vi phạm là nghiêm trọng hơn (hợp đồng không đạt được mục đích do thực hiện nghĩa vụ không đúng thời hạn), thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng và bên có nghĩa vụ phải chịu hậu quả do hợp đồng bị hủy bỏ.

2. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về hợp đồng có điều kiện

Thứ nhất, về khái niệm hợp đồng có điều kiện.

Khái niệm hợp đồng có điều kiện cần được xác định lại bởi các lý do sau:

- Pháp luật về hợp đồng đã được hoàn thiện theo hướng tôn trọng thỏa thuận của các bên, nếu thỏa thuận đó không trái với đạo đức xã hội, không xâm phạm trật tự công cộng, phù hợp với tập quán, thông lệ thương mại quốc tế.

- Bộ luật Dân sự năm 2015 được coi là đạo luật cơ bản quy định các vấn đề chung về hợp đồng đã góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của quan hệ thị trường thông qua việc ghi nhận nguyên tắc tự do hợp đồng, hạn chế sự can thiệp của các cơ quan công quyền vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khái niệm về hợp đồng có điều kiện cần được quy định nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa quy định chung về giao dịch có điều kiện và hợp đồng có điều kiện trong cùng một văn bản pháp luật.

Tác giả đề xuất 02 phương án như sau:

Phương án thứ nhất: Lược bỏ khoản 6 Điều 402 BLDS năm 2015 để tránh gây nhầm lẫn giữa quy định về giao dịch có điều kiện và hợp đồng có điều kiện. Bởi lẽ, bản chất nội dung của khoản 6 Điều 402 BLDS năm 2015 là thực hiện hợp đồng có điều kiện, mà không phải hợp đồng có điều kiện. Nói cách khác, quy định tại khoản 6 Điều 402 BLDS năm 2015 là một nội dung trong thực hiện nghĩa vụ có điều kiện.

Phương án thứ hai: Nếu Việt Nam ban hành văn bản pháp luật quy định riêng về hợp đồng, trên cơ sở khái niệm giao dịch có điều kiện thì nội dung về hợp đồng có điều kiện tại khoản 6 Điều 402 BLDS năm 2015 cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tên gọi như sau: (i) Lược bỏ cụm từ “việc thực hiện” để cho thấy rõ đây là cách xác định hợp đồng có điều kiện mà không phải thực hiện hợp đồng có điều kiện; (ii) Lược bỏ điều kiện “thay đổi” ở khái niệm. Bởi điều kiện là sự kiện thay đổi dẫn tới hiệu lực pháp lý của hợp đồng có điều kiện không còn hiệu lực. Dựa trên nguyên tắc tự do ý chí thì các bên được quyền thỏa thuận điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ trong hợp đồng có điều kiện; (iii) Tạo sự liên hệ, thống nhất giữa quy định về hợp đồng có điều kiện với giao dịch có điều kiện. Điều khoản quy định về hợp đồng có điều kiện cần được quy định lại nhằm xác định rõ bản chất của khái niệm và tạo sự liên kết với quy định về giao dịch có điều kiện; (iv) Việc quy định về hợp đồng có điều kiện sẽ phần nào hạn chế rủi ro pháp lý, bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp xác lập, thực hiện hợp đồng có điều kiện theo đúng ý chí và nhu cầu của mình trên cơ sở tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Do vậy, khái niệm hợp đồng có điều kiện có thể được quy định như sau: “Hợp đồng có điều kiện là sự thoả thuận của các bên về một sự kiện làm điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ hợp đồng, khi điều kiện đó xảy ra hợp đồng được thực hiện hoặc hủy bỏ”. 

Thứ hai, về điều kiện trong hợp đồng có điều kiện.

- Sự kiện là điều kiện của hợp đồng:

Cần bổ sung quy định về xác định sự kiện là điều kiện của hợp đồng có điều kiện trong BLDS năm 2015 bởi các lý do sau:

Điều kiện được xác lập trong hợp đồng có điều kiện phải đảm bảo hai yếu tố: (i) Tính khách quan, bởi việc xác lập hợp đồng có điều kiện không phụ thuộc vào hành động hoặc tác động của con người. Trường hợp có sự tác động từ con người thì điều kiện đó thuộc về thực hiện nghĩa vụ có điều kiện; (ii) Nằm trong phạm vi được phép mà pháp luật quy định, đảm bảo quyền tự quyết của các bên trong xác lập sự kiện nhưng không gây ảnh hưởng tới xã hội hoặc lợi ích cộng đồng. Do vậy, cần đưa ra tiêu chí nhằm phân biệt rõ ràng giữa sự kiện là điều kiện trong hợp đồng có điều kiện với thực hiện nghĩa vụ có điều kiện.

Trên cơ sở đó, quy định về điều kiện trong hợp đồng có điều kiện cần được quy định bổ sung như sau: “Điều kiện trong hợp đồng có điều kiện là sự kiện khách quan; không chắc chắn. Một điều kiện được xác lập không được vi phạm điều cấm của luật hoặc không trái đạo đức xã hội”.

- Bổ sung quy định cụ thể về điều kiện phát sinh, điều kiện huỷ bỏ:

Cần quy định cụ thể nội dung này bởi các lý do sau:

Không gây ra nhiều cách hiểu khác nhau về xác định sự kiện là điều kiện trong hợp đồng có điều kiện, điều kiện phát sinh hoặc điều kiện hủy bỏ.

Việc cụ thể hóa các sự kiện là điều kiện trong hợp đồng có điều kiện nhằm làm rõ sự tác động của điều kiện tới hiệu lực của hợp đồng có điều kiện (có sự khác biệt với hiệu lực của hợp đồng thông thường).

Vì vậy, cần phân biệt sự ảnh hưởng của điều kiện phát sinh và điều kiện hủy bỏ tới hiệu lực của hợp đồng có điều kiện theo hướng: “Điều kiện làm phát sinh là trường hợp một bên chủ thể hoặc các bên chủ thể xác định hoặc thỏa thuận về một sự kiện làm phát sinh hợp đồng thì khi điều kiện đó xảy ra, hợp đồng phát sinh. Điều kiện hủy bỏ hợp đồng là trường hợp một chủ thể hoặc các bên chủ thể xác định hoặc thỏa thuận về sự kiện làm điều kiện hủy bỏ hợp đồng thì khi sự kiện đó xảy ra, hợp đồng bị hủy bỏ”.

Thứ ba, về xác định rõ mối quan hệ giữa điều kiện và thời hạn.

Thời hạn có thể được coi là một nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, việc xác định mối quan hệ giữa điều kiện và thời hạn chưa được đề cập trực tiếp trong BLDS năm 2015.

Theo tác giả, nội dung này cần được bổ sung như sau: “Nếu điều kiện là một sự kiện xảy ra trong một thời hạn xác định, khi hết thời hạn, sự kiện đó không xảy ra thì điều kiện không phát sinh. Nếu điều kiện là sự kiện không xảy ra trong một thời hạn xác định, khi hết thời hạn, sự kiện đó không xảy ra thì điều kiện sẽ phát sinh”.

 

Theo Kiemsat.vn

TAND tỉnh Tây Ninh xét xử vụ tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyển sử dụng đất; yêu cầu hủy Hợp đồng ủy quyền - Ảnh: Tân Khoa

TS PHÙNG NGỌC BÍCH