Hoàn thiện quy định về địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng hình sự trong BLTTHS năm 2015

Bài viết bàn về các quy định tại BLTTHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2021 về địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng và đề xuất hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Có thể nói, hoạt động tố tụng hình sự có tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới quyền và lợi ích của những người tham gia tố tụng. Việc bảo vệ quyền con người của họ trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự là yêu cầu bắt buộc. Để làm được điều này, trước hết, các quy định về quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ phải cụ thể, rõ ràng, đầy đủ và hợp lý. BLTTHS năm 2015 đã có nhiều thay đổi về chế định này như bổ sung thêm một số chủ thể mới, quyền và nghĩa vụ của một số chủ thể cũng có nhiều cập nhật và thực tiễn áp dụng đã chứng minh những thay đổi này về cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu một số quy định của BLTTHS năm 2015 cho thấy, còn không ít vấn đề lý luận cần được tiếp tục nghiên cứu thêm để hoàn thiện với mục đích bảo vệ tốt hơn nữa quyền con người của những người tham gia tố tụng và bảo đảm nguyên tắc pháp chế trong tố tụng hình sự.

1. Một số vướng mắc, bất cập liên quan đến địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng hình sự trong BLTTHS năm 2015

1.1. Quy định về địa vị pháp lý của bị hại

Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến địa vị pháp lý của bị hại là cá nhân. Các quy định tại Chương XXVIII BLTTHS năm 2015 được đánh giá là sự thay đổi lớn so với BLTTHS năm 2003, đặc biệt là những quy định đối với người bị hại và người làm chứng dưới 18 tuổi. Địa vị pháp lý của những người này được quy định rõ ràng, cụ thể hơn và quyền con người của họ được bảo vệ tốt hơn. Một trong những quy định để bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội, bị hại, đương sự được thể hiện trong nguyên tắc “bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” (Điều 16 BLTTHS năm 2015). Nguyên tắc này thể hiện xuyên suốt trong quá trình giải quyết vụ án nhưng chủ yếu là áp dụng đối với người bị buộc tội vì theo quy định tại Điều 76 BLTTHS năm 2015, chỉ người bị buộc tội mới được áp dụng chế định “chỉ định người bào chữa” mà không áp dụng “chỉ định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” của bị hại. Điều này càng thể hiện rõ nét hơn khi đặt trong mối tương quan với địa vị pháp lý của người bị buộc tội dưới 18 tuổi và người bị hại dưới 18 tuổi. Cụ thể:

Thứ nhất, với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, để bảo đảm quyền con người của đối tượng này, khoản 3 Điều 422 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này”. Điều này là phù hợp và góp phần bảo đảm quyền của người bị buộc tội nói chung và người bị buộc tội dưới 18 tuổi, chưa đủ trưởng thành về thể chất và nhận thức nói riêng.

Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 không có quy định tương tự áp dụng cho người bị hại dưới 18 tuổi. Người bị hại là người bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, đó có thể là tổn thất về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Những mất mát do hành vi phạm tội gây ra thêm một lần nữa bị khoét sâu hơn khi họ và người đại diện hợp pháp của họ “đơn thương độc mã” đối diện với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội và đội ngũ người bào chữa trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp người đại diện hợp pháp của họ không đủ hiểu biết, đặc biệt là thiếu hiểu biết pháp luật thì khi tham gia vào quá trình tố tụng, họ không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại dưới 18 tuổi một cách tốt nhất. 

Thứ hai, khoản 3 Điều 423 BLTTHS năm 2015 quy định: “Phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi phải có mặt người đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt…”. Quy định này một lần nữa cho thấy chính sách của Nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến pháp năm 2013… Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao lại chỉ quy định như vậy đối với người bị buộc tội mà không quy định đối với người bị hại dưới 18 tuổi? Có ý kiến cho rằng, theo Điều 420 BLTTHS năm 2015 thì người đại diện của người dưới 18 tuổi có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án. Điều này có nghĩa là, pháp luật đã có quy định về sự tham gia của người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi trong phiên tòa, tuy nhiên, quy định này cũng có thể được hiểu là, họ sẽ tham gia khi cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định nhưng không rõ các cơ quan này có nghĩa vụ bắt buộc phải ra quyết định để bảo đảm sự có mặt của người đại diện hợp pháp của người bị hại dưới 18 tuổi hay không?

Hơn nữa, khoản 2 Điều 420 BLTTHS năm 2015 quy định người đại diện hợp pháp của người bị hại dưới 18 tuổi “được tham gia…”, nghĩa là đây là một quyền và họ có thể không cần có mặt; nếu họ không có mặt thì quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại dưới 18 tuổi trong trường hợp này có được bảo đảm đầy đủ và khách quan hay không? Quy định này cũng chỉ được đặt ra trong giai đoạn điều tra, không đề cập đến giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là xét xử. Vì vậy, theo tác giả, nếu chỉ bảo đảm sự có mặt của người đại diện của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi là chưa đầy đủ vì sẽ gây thiệt thòi cho người bị hại là người dưới 18 tuổi nếu pháp luật không bảo đảm sự có mặt bắt buộc của họ trong phiên tòa.

1.2. Quy định về một số người tham gia tố tụng không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng 

1.2.1. Sự có mặt của người chứng kiến 

Theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 4 Điều 67 BLTTHS năm 2015, có thể hiểu, việc có mặt của người chứng kiến là bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và trở thành nghĩa vụ pháp lý của họ. Tuy nhiên, trong thực tiễn, người chứng kiến không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ xử lý như thế nào? Nếu là người làm chứng, khi họ cố ý vắng mặt không có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án thì có thể bị dẫn giải (điểm a khoản 4 Điều 66 và điểm a khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015). Nếu người chứng kiến không có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nào thì sẽ giải quyết như thế nào? Có tiến hành dẫn giải họ hay buộc họ phải chịu trách nhiệm pháp lý nào đó không? Nếu không có các quy định về việc cưỡng chế đối trong trường hợp này thì quy định có mặt theo yêu cầu của cơ quan chức năng đối với người chứng kiến có khả thi không? Đây là một vấn đề cần được quy định cụ thể trong BLTTHS năm 2015 nhằm bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ để áp dụng khi xảy ra những tình huống thực tiễn tương tự. 

1.2.2. Sự có mặt của người phiên dịch, dịch thuật 

Các quy định trong BLTTHS năm 2015 về người phiên dịch, dịch thuật cơ bản đáp ứng được yêu cầu, khắc phục được một số vướng mắc trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự. Các quyền và nghĩa vụ của nhóm người này được quy định khá chi tiết và cụ thể. Trong số các nghĩa vụ của người phiên dịch, người dịch thuật, theo điểm a khoản 3 BLTTHS năm 2015 thì họ phải “có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Điều này có nghĩa, sự có mặt của họ trong các giai đoạn tố tụng hình sự là nghĩa vụ bắt buộc. Tuy nhiên, vì họ chỉ là người hỗ trợ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án nên có thể vì nhiều lý do khác nhau, họ có thể không muốn thực hiện yêu cầu này từ cơ quan chức năng.

Đối với phần lớn người tham gia tố tụng, pháp luật hiện hành đều có quy định về biện pháp cưỡng chế khi họ không thực hiện yêu cầu này mà không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan. Hoặc, một số tư cách tố tụng mặc dù pháp luật không quy định rõ về trường hợp họ không có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tố tụng mà không có lý do chính đáng nhưng vì họ là người có quyền hoặc lợi ích liên quan trực tiếp đến vụ án nên ít nhất, nếu họ không tham gia thì có thể quyền lợi của họ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, người phiên dịch, dịch thuật không thuộc nhóm người có quyền và lợi ích liên quan tới vụ án thì việc từ chối yêu cầu tham gia vụ án trong thực tế sẽ có thể sẽ xảy ra và điều này sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho quá trình giải quyết vụ án, đặc biệt là những vụ án mà người tham gia tố tụng có ngôn ngữ riêng biệt mà số người phiên dịch được lại rất ít. Vì vậy, khi người phiên dịch, người dịch thuật từ chối yêu cầu tham gia tố tụng mà không có lý do chính đáng nào thì có bị cơ quan có thẩm quyền dẫn giải hay thực hiện các biện pháp, chế tài nào hay không? Vấn đề này vẫn đang còn bỏ ngỏ, chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để giải quyết.

1.2.3. Sự có mặt của người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố 

Tương tự, theo quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2015, người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nhưng không nêu rõ nếu việc vắng mặt đó là vì lý do bất khả kháng hoặc vì trở ngại khách quan khác thì có được chấp nhận không? Trong trường hợp họ không có mặt theo yêu cầu thì cơ quan chức năng có thực hiện biện pháp cưỡng chế nào với họ không? Vấn đề này cũng cần phải được quy định cụ thể trong BLTTHS năm 2015. 

Bên cạnh đó, mặc dù người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố là những người tham gia tố tụng, có quyền và nghĩa vụ được quy định trong BLTTHS năm 2015 nhưng họ lại không được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải thích về quyền và nghĩa vụ. Đây là một thiếu sót trong quy định về quyền của người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố. 

1.3. Quy định về địa vị pháp lý của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan 

 Khi nghiên cứu quy định của BLTTDS năm 2015 về địa vị pháp lý của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tác giả nhận thấy một số vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi như sau: 

- Tại Điều 63 BLTTHS năm 2015 quy định về nguyên đơn dân sự, Bộ luật không quy định thời điểm nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn dân sự và vấn đề đặt ra là, họ có được quyền rút đơn yêu cầu này hay không? 

- Về địa vị pháp lý của bị đơn dân sự, khoản 3 Điều 64 BLTTHS năm 2015 quy định, bị đơn có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, trong trường hợp bị đơn dân sự không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nào thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ giải quyết như thế nào? Có thực hiện việc dẫn giải đối với bị đơn dân sự được không khi quy định tại khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015 về những trường hợp sẽ bị dẫn giải lại không đề cập đến bị đơn dân sự. Khác với nguyên đơn dân sự, nếu họ không có mặt thì quyền lợi của họ bị ảnh hưởng, trong khi đó, bị đơn dân sự lại đang là chủ thể có nghĩa vụ, vì vậy, nếu không có biện pháp cưỡng chế phù hợp sẽ khó triệu tập được họ và ảnh hưởng đến việc bảo đảm sự công bằng trong quá trình giải quyết vụ án. 

- Hiện nay, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định rõ trường hợp người bị buộc tội, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân dưới 18 tuổi, mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nếu họ vẫn tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự thì họ có bị tước đi quyền có người đại diện không? Điều 63 và Điều 64 BLTTHS năm 2015 đều có quy định về người đại diện của những chủ thể này. Tuy nhiên, khi quy định về quyền của nguyên đơn dân sự và bị đơn dân sự thì có đề cập đến quyền của người đại diện nhưng khi quy định về nghĩa vụ của nguyên đơn dân sự và bị đơn dân sự lại không quy định về người đại diện của họ. Vậy, khi tham gia vào quá trình giải quyết vụ án, người đại diện của những chủ thể này có nghĩa vụ hay không? Nếu có thì đó là nghĩa vụ gì? Đây là một vấn đề cũng cần được nghiên cứu và quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. 

- Mặc dù Điều 177 BLTTHS năm 2015 quy định về việc giữ bí mật điều tra nhưng quy định này chỉ mang tính chất chung chung và tùy từng trường hợp. Thiết nghĩ, đối với tất cả những người tham gia tố tụng, BLTTHS năm 2015 cần quy định cụ thể trong những trường hợp cần giữ bí mật điều tra thì họ có nghĩa vụ không được tiết lộ bí mật điều tra và phải chịu trách nhiệm pháp lý tùy mức độ, kể cả trường hợp việc tiết lộ đó làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng khác trong vụ án. 

2. Kiến nghị nhằm hoàn thiện về địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng hình sự trong BLTTHS năm 2015

Trên cơ sở phân tích những vướng mắc, bất cập liên quan đến địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng hình sự trong BLTTHS  năm 2015, để quá trình áp dụng BLTTHS năm 2015 thuận lợi cũng như hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng hình sự, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau: 

Một là, các quy định về nghĩa vụ của người tham gia tố tụng như nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cần bổ sung thêm cụm từ “hoặc người đại diện của họ có nghĩa vụ” (ví dụ: “Bị đơn dân sự hoặc người đại diện của họ có nghĩa vụ”). 

Hai là, bổ sung thêm một nghĩa vụ được áp dụng cho những người tham gia tố tụng, đó là “không được tiết lộ bí mật điều tra nếu trước đó họ đã được thông báo về việc này” (ví dụ: “Nguyên đơn dân sự không được tiết lộ bí mật điều tra nếu trước đó họ đã được thông báo về việc này”). 

Ba là, đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cần bổ sung thêm quy định: “Việc nguyên đơn dân sự (hoặc bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) trực tiếp tham gia vào quá trình tố tụng không tước đi quyền của họ có người đại diện”. 

Bốn là, đối với nguyên đơn dân sự, tại Điều 63 BLTTHS năm 2015 cần bổ sung thêm 01 khoản theo hướng: “Nguyên đơn dân sự có thể rút đơn yêu cầu bồi thường trước khi Tòa án nghị án. Việc rút đơn yêu cầu bồi thường sẽ dẫn đến việc đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường dân sự”. 

Năm là, khoản 2 Điều 127 BLTTDS năm 2015 cần bổ sung thêm một khoản như sau:
“2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với: … d. Bị đơn dân sự trong trường hợp họ từ chối có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”.

Theo tcdcpl.vn

Tòa án  huyện Tiên Phước, Quảng Nam tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trong vụ án hình sự- Ảnh: TL

 

PHẠM THANH TÚ (Khoa Luật, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)