Hội thảo tập huấn Truyền thông chiến lược và chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống mua bán người cho Việt Nam

Trong hai ngày 5-6/7, tại Hà Nội, Chương trình hợp tác ASEAN - Ốxtrâylia về phòng chống mua bán người tại Việt Nam (ASEAN - ACT) tổ chức Hội thảo tập huấn Truyền thông chiến lược và chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống mua bán người cho Việt Nam.

Mục tiêu của Hội thảo là chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm truyền thông, nâng cao nhận thức và vận động chính sách trong phòng chống mua bán người tại Việt Nam; giới thiệu một số công cụ truyền thông và kỹ thuật phù hợp với nhóm đối tượng đích.

TS. Lucia Pietraoli, Giám đốc Khu vực Chương trình ASEAN – ACT và bà Đặng Thị Hạnh, Quản lý Chương trình ASEAN – ACT tại Việt Nam điều hành hội thảo.

Các đại biểu thuộc nhiều đơn vị của Bộ Công an, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các đối tác của Chương trình ASEAN – ACT hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và phòng chống mua bán người tại Việt Nam tham gia hội thảo.

TS. Lucia Pietraoli, Giám đốc Chương trình ASEAN – ACT có tham luận đề dẫn “Những yếu tố tác động và ảnh hưởng đến tình trạng mua bán người tại Việt Nam và khu vực, bao gồm vai trò của truyền thông chưa phù hợp và các xu hướng về kỹ thuật số”.

Thực trạng đáng lo ngại

Về tình hình mua bán người tại Việt Nam và khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, TS Lucia Pietraoli nhận định, suy thoái kinh tế mất việc làm trong khu vực ASEAN đã gia tăng tính dễ bị tổn thương của một số nhóm đối tượng như: Lao động di cư bị trục xuất, tự nguyện trở về hoặc bị mắc kẹt tại các nước); Nam giới, phụ nữ và trẻ em mất thu nhập và việc làm, gia tăng tình trạng bạo lực gia đình và các đối tượng cũng tham gia nhiều hoạt động trực tuyến ẩn chứa nhiều nguy cơ; Người lao động ở các khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng thu nhập do phong tỏa phòng chống dịch, thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội… Một số đối tượng lao động khó có điều kiện tiếp cận vắc xin, thậm chí bị coi là trung gian gây bệnh. Những khó khăn đó dễ đẩy những đối tượng này thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người.

 

TS Lucia Pietraoli phát biểu tại Hội thảo 

Về xu hướng mới của tội phạm, TS Lucia Pietraoli nhận định: Campuchia hiện nay đang là đích đến của tội phạm mua bán người trong khu vực, bao gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Myanmar và cả Việt Nam, vì mục đích bóc lột trong các sòng bạc, trung tâm gọi điện lừa đảo, thường được vận hành bởi các băng nhóm Trung Quốc. Ở Lào cũng nổi lên các hình thức bóc lột trong các đặc khu kinh tế (SEZs). Có xu hướng các công dân Lào và Thái Lan bị lừa đến Philippin với lý do làm các công việc tử tế, sau đó bị giữ lại để đòi tiền chuộc- cũng có dấu hiệu liên quan đến các băng nhóm tội phạm Trung Quốc. Một biểu hiện nữa là gia tăng các hình thức tuyển dụng và lừa đảo trực tuyến, một số trong đó bị bóc lột lao động hoặc tình dục.

Những nhận định của chuyên gia trên đây khá tương đồng với thông tin báo chí phản ánh. Cuối tháng 6/2022, Công an Tp Hồ Chí Minh cung cấp thông tin về tội phạm mua bán người cho biết: Trong thời gian gần đây khi công nghệ và mạng xã hội phát triển, đối tượng thường làm quen, tiếp cận từ xa, hướng dẫn người dân, nạn nhân rơi vào cạm bẫy mua bán người. Gần đây, báo chí cũng đã phản ánh việc nhiều trang mạng xã hội tuyển người sang Campuchia làm việc hứa hẹn việc nhẹ lương cao, được bao ăn ở, đưa ra các điều kiện như biết đánh máy, giọng nói tốt thì lương sẽ cao hơn để tăng niềm tin cho nạn nhân.

Các nạn nhân từ các tỉnh và cả Tp Hồ Chí Minh được tập hợp đưa sang Campuchia qua đường tiểu ngạch. Khi qua đó, đối tượng sẽ yêu cầu trả một số tiền đền bù về chi phí đi lại, ăn ở rồi có thể bị bắt, khống chế, yêu cầu gia đình phải trả tiền chuộc hoặc bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục.

Theo đánh giá của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), những năm gần đây, khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam), tình hình tội phạm mua bán người rất phức tạp. Theo TTXVN, tại Việt Nam, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, đã phát hiện gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Nạn buôn bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố; nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê...

Đáng chú ý, gần 85% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc, trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%.

Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp, chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài…

Lợi dụng chính sách mở của Việt Nam, các đối tượng tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép. Sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.

Truyền thông phải thay đổi

Trước thực trạng tội phạm mua bán người diễn ra phức tạp, nghiêm trọng như vậy, vai trò của truyền thông càng quan trọng và đòi hỏi phải có sự thay đổi để đáp ứng được yêu cầu ngăn ngừa, phòng và chống tội phạm mua bán người hiệu quả hơn.

Các chuyên gia của ASEAN – ACT đã trang bị và hướng dẫn cho các đại biểu nhiều kiến thức và kỹ năng rất bổ ích. Ông Paul Buckley, Cố vấn về Đối tác và Tham vấn Chính sách của ASEAN – ACT chia sẻ về những người dễ bị tổn thương và nguyên nhân khiến họ dễ bị tổn thương.

 

Ông Paul Buckley thuyết trình

Đại diện của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có tham luận về Truyền thông, nâng cao nhận thức và vận động chính sách trong công tác phòng chống mua bán người của Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đặt ra nhiệm vụ truyền thông giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ tại Hội thảo vấn đề “Nạn buôn người và câu chuyện của người làm báo” với những dẫn chứng sinh động về mua bán phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh; mua bán người trong nội địa; mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động; mua bán người trong đại dịch Covi-19; mua bán người qua hình thức cưỡng bức quan hệ tình dục; mua bán người qua biên giới… Trước thực trạng đó, nhà báo phải tìm ra đề tài mới, cách diễn đạt mới, mang tính phát hiện và có ý nghĩa xã hội. Qua đó, các bài báo thúc đẩy thực thi pháp luật một cách nghiêm minh.

Bà Rawen Russell, Giám đốc Truyền thông của ASEAN-ACT trình bày về Truyền thông chiến lược, tác động của nó và các gợi ý về các kỹ năng cụ thể như sức mạnh của hình ảnh trong truyền thông; đối tượng đích và các thông điệp chính; Truyền thông trên nền tảng kỹ thuật số…

Bà Dyana Savina, Điều phối viên về bình đẳng giới và hòa nhập xã hội của ASEAN - ACT có tham luận trực tuyến về Nguyên tắc đạo đức trong truyền thông, cân nhắc về yếu tố bình đẳng giới, hòa nhập xã hội và nhạy cảm với nạn nhân. Bà Dyana Savina đặc biệt lưu ý về vấn đề không làm tổn thương nạn nhân, tôn trọng nạn nhân và bảo vệ sự an toàn cũng như quyền lợi cho nạn nhân. Chuyên gia nhấn mạnh “Không khai thác chuyện buồn của nạn nhân để có sản phẩm truyền thông”,  truyền thông phải tạo ra tri thức, có những thông điệp cụ thể để từ đó thay đổi hành vi, có những hành động tích cực.

Sau mỗi tham luận, các đại biểu thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều ý kiến sinh động và đa chiều. Các nhóm thảo luận về thực trạng truyền thông về mua bán người hiện nay, những thành tựu và hạn chế, khó khăn thách thức và nguyên nhân; Thực hành xây dựng thông điệp truyền thông cho nhiều mục đích và nhóm đối tượng khác nhau – hiểu về nhóm đối tượng và thiết kế các thông điệp truyền thông; thảo luận về số hóa truyền thông, đưa ra nhiều ý kiến, nhiều luận giải và phương án rất thiết thực và bổ ích.

**

Có thể nói, Hội thảo diễn ra rất sôi nổi, các đại biểu có thêm kiến thức, kỹ năng truyền thông nhằm góp phần hiệu quả hơn vào cuộc chiến phòng chống tội phạm mua bán người đang diễn ra rất gay gắt, phức tạp ở Việt Nam nói riêng, thế giới và khu vực nói chung.

 

Hội thảo diễn ra sinh động và bổ ích

 

THÁI VŨ