Hội thảo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải

Ngày 8/3, TANDTC tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có nguyên Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào - đồng chủ trì hội thảo; ông Edagawa Mitsushi, luật sư, chuyên gia dài hạn, Văn phòng dự án JICA tại Việt Nam; Giáo sư Kota Kuroki, Viện nghiên cứu và đào tạo, Bộ Tư pháp Nhật Bản; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc hệ thống TAND. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu trong hệ thống TAND. Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch công tác năm 2022 của Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thì hành pháp luật tại Việt Nam" do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.

Phát biểu khai mạc, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết BLTTDS năm 2015 bổ sung quy định mới về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ trước khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Quy định này nhằm bảo đảm chứng cứ được công khai (trừ trường hợp không được phép công khai) trong quá trình tố tụng, bảo đảm quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ trong vụ án; việc công khai yêu cầu, ý kiến của đương sự. Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đã phát huy vai trò là một trong những hoạt động tố tụng quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng tranh tụng; đảm bảo hiệu quả của hoạt động hòa giải trong tố tụng dân sự.

Nguyên Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào phát biểu

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động xét xử trong thời gian qua đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất liên quan đến phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải như về thời hạn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ; thời điểm tiến hành phiên họp, số lần họp, nội dung phiên họp… dẫn đến một số trường hợp chưa phát huy vai trò của phiên họp, đương sự cố tình giấu giếm, chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ làm trì hoãn, kéo dài thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến hiệu quả xét xử.

Do đó để khắc phục các vướng mắc, TANDTC đã xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định của BLTTDS số 92/2015/QH13 về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong trong thực tiễn Tòa án giải quyết tranh chấp dân sự.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Tống Anh Hào, Nguyên Phó Chánh án TANDTC đề nghị cần áp dụng thống nhất một số vấn đề như:

Về thời điểm, số lần mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải: BLTTDS không quy định cụ thể thời gian, địa điểm của phiên họp, số lần mở phiên họp, Thẩm phán có thể tổ chức phiên họp vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục sơ thẩm. Việc hòa giải được tiến hành ngay sau khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ hoặc tiến hành độc lập với viêc tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải có thể được tiến hành nhiều phiên để bảo đảm tính linh hoạt và hiệu quả của hoạt động hòa giải.

Về phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập: Thực tiễn hiện đang có cách hiểu và áp dụng khác nhau về quy định không vượt quá phạm vi khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu”. BLTTDS không quy định cụ thể thế nào là “không vượt quá phạm vi khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầumà chỉ quy định về phạm vi khởi kiện. Ngoài ra, thế nào là yêu cầu phản tố cũng cần được hướng dẫn cụ thể hơn để xác định đúng đắn và thống nhất trong thực tiễn xét xử.

Về thời điểm giao nộp tài liệu, chứng cứ của đương sự: Theo quy định của BLTTDS, đương sự có nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ trong thời hạn do Thẩm phán ấn định theo quy định tại khoản 4 Điều 96 của BLTTDS. Hết thời hạn này thì Tòa án chỉ chấp nhận việc giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu đương sự giao nộp nếu có lý do chính đáng và đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Tuy nhiên, “lý do chính đáng” thường bị các đương sự lợi dụng để trì hoãn và giấu giếm chứng cứ. BLTTDS không quy định cụ thể về các “lý do chính đáng” mà các đương sự chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ.

Về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải: Nội dung này quy định tại Điều 210 của BLTTDS. Tuy nhiên, để phiên họp được tiến hành đầy đủ, đảm bảo chất lượng thì cần hướng dẫn cụ thể về các nội dung cần làm rõ tại khi Thẩm phán tiến hành kiểm tra việc tiếp cận công khai chứng cứ, trong đó cần lưu ý các vấn đề như: Thẩm phán tiến hành kiểm tra việc tiếp cận, công khai chứng cứ, công bố nguồn, nội dung thông tin, tính hợp pháp của tài liệu, chứng cứ; Thẩm phán đánh giá tính hợp pháp của tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án mà không đánh giá về tính liên quan, giá trị chứng minh của chứng cứ, không khẳng định hay phủ định nội dung chứng cứ là có cơ sở chấp nhận hay bác yêu cầu của đương sự; Thẩm phán phải phổ biến cho đương sự về những vấn đề pháp lý phải chứng minh, hậu quả pháp lý đối với việc không giao nộp hoặc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ

Về hoãn phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải:  BLTTDS quy định về việc hoãn phiên hòa giải tại khoản 3 Điều 209 mà không quy định về việc hoãn phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Do đó, thực tiễn có những cách xử lý khác nhau. Để đảm bảo hiệu quả của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, đồng thời phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 209, khoản 3 Điều 210 thì cần hướng dẫn thống nhất về các trường hợp hoãn phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.

Hội thảo đã được lắng nghe các ý kiến từ các chuyên gia tham dự trực tuyến

Hội thảo cũng đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp, các kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý và các đại biểu. Đại diện chuyên gia nước ngoài cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về nội dung giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và phiên hòa giải theo tố tụng dân sự của Nhật Bản…

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đánh giá cao các ý kiến, các góp ý rất sát với thực tiễn và là cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Phó Chánh án Đề nghị Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết để sớm trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho ý kiến.

 

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu tại hội thảo

CẢNH DINH