Họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024
và 5 đạo luật khác vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV
Sáng 22/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 đạo luật vừa được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà, chủ trì buổi họp báo. Tham dự có Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phạm Hoài Nam; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần;
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân có nhiều thay đổi quan trọng
Giới thiệu về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết: Luật gồm 9 chương, 152 Điều, giảm 2 Chương, tăng 54 Điều so với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung 101 Điều, bổ sung mới 48 Điều và giữ nguyên 3 Điều.
Nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27- NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra: “Xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, Luật đã bổ sung quy định về nội hàm Tòa án thực hiện quyền tư pháp.
Theo đó, “Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, đáng chú ý, luật bổ sung 2 nội dung quan trọng là: Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật và Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến giới thiệu Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024
Luật không quy định nhiệm vụ, quyền hạn Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tổ vụ án hình sự tại phiên tòa. Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trọng việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
Về đổi mới tổ chức bộ máy của Tòa án, Luật quy định về việc tổ chức lại lại bộ máy giúp việc của TANDTC, TAND cấp cao.
Luật có quy định về thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, TAND sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, TAND chuyên biệt Phá sản với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.
Về ngạch, bậc Thẩm phán, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật sửa đổi theo hướng chỉ quy định Thẩm phán gồm hai ngạch là Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán TAND, như vậy sẽ không còn ngạch Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán cao cấp như luật hiện hành. Luật quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND
Về nhiệm kỳ của Thẩm phán, Luật quy định, Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm, Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Bổ sung quy định Thẩm phán được hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc xem xét để công nhận liệt sĩ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật khi bị tổn hại tính mạng, sức khỏe vì lý do công vụ...
Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai có hiệu quả, Ban cán sự đảng TANDTC đã ban hành Kế hoạch Triển khai thi hành Luật, theo đó hệ thống Tòa án đang khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ: Tổ chức phổ biến, quán triệt Luật. Tuyên truyền, phổ biến về việc triển khai và thực hiện Luật, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Xây dựng, ban hành văn bản triển khai thi hành Luật. Sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, công chức khác, viên chức trong TAND. Bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho các Tòa án…
Công bố 5 đạo luật khác
Buổi họp báo cũng công bố và giới thiệu 5 đạo luật khác vừa được Quốc hội thông qua gồm: Luật Lưu trữ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Luật Lưu trữ năm 2024 được xây dựng, tập trung làm rõ 4 chính sách lớn gồm: thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam; quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử; quản lý tài liệu lưu trữ tư; quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp năm 2024 gồm 7 chương, 86 điều, quy định về quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh; quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh; nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng; tổ chức và hoạt động công nghiệp quốc phòng…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 gồm 9 chương, 89 Điều, tiếp tục kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Trong đó, quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ gồm 2 Điều: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2017 và điều khoản thi hành.
Cụ thể, luật quy định đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và đối tượng khác được áp dụng biện pháp, chế độ, cảnh vệ theo quy định của luật này.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024 gồm 8 chương, 75 điều, quy định về nguyên tắc, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Bài liên quan
-
Bàn về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc quy định trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024
-
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024
-
Cụ thể hóa việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân vào Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024
-
Giải thích áp dụng pháp luật - điểm mới Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận