Hợp tác với Tòa trọng tài thường trực nhằm đưa Việt Nam thành trung tâm hòa giải tranh chấp quốc tế

Trong buổi tiếp xã giao Ngài Marcin Czepelak, Tổng thư ký Tòa trọng tài thường trực (PCA) sáng ngày 16/11, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng đề nghị PCA hỗ trợ TANDTC thông qua việc tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn cho Thẩm phán và cán bộ Tòa án. Đồng thời hợp tác chặt chẽ để đưa Việt nam trở thành một trong những nơi trung tâm hòa giải, giải quyết tranh chấp quốc tế.

Tại buổi tiếp, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng bày tỏ vui mừng và trân trọng cảm ơn Ngài Marcin Czepelak, Tổng Thư ký PCA và các cộng sự đã dành thời gian đến thăm và làm việc với TANDTC và cùng thảo luận về quan hệ hợp tác giữa PCA với TANDTC. Việc ra đời của Văn phòng PCA tại TP. Hà Nội vào tháng 11/2022 là cầu nối hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn.

Đặc biệt, vào tháng 5/2023, Đoàn đại biểu TANDTC do Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với PCA tại La Hay, Hà Lan. Chuyến thăm đã đặt nền móng cho việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Toàn cảnh buổi tiếp xã giao Ngài Marcin Czepelak, Tổng Thư ký Tòa trọng tài thường trực

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng cho biết, nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế mở và hiện đang là thành viên của rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Đi cùng với đó là những tranh chấp phát sinh từ quá trình đầu tư kinh doanh là không thể tránh khỏi. Để giải quyết những tranh chấp phát sinh này đối với Việt Nam trước đây thì Tòa án thường được các bên sử dụng để giải quyết tranh chấp thương mại nói chung, thương mại quốc tế nói riêng. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, với sự phát triển của các tổ chức trọng tài tại Việt Nam, xu hướng sử dụng trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp ngày càng được các bên quan tâm nhiều hơn.

 

Phó Chánh án TANDTC Việt Nam Phạm Quốc Hưng tại buổi tiếp

Hiện nay, hoạt động của trọng tài ngày càng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài từ năm 1995. Từ đó, pháp luật Việt Nam cũng từng bước được hoàn thiện để tạo điều kiện cho Tòa án hỗ trợ hoạt động trọng tài thương mại, công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Trong đó, điều cần nhấn mạnh là Việt Nam đã nội luật hóa căn cứ không công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài quy định tại Điều 5 Công ước New York năm 1958 vào Bộ luật tố tụng dân sự.

TANDTC đã và đang triển khai nhiều giải pháp để tạo sự thống nhất chung về nhận thức, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

Ngài Marcin Czepelak Tổng Thư ký Tòa trọng tài thường trực (giữa) tại buổi tiếp

Phát biểu tại buổi tiếp, Ngài Marcin Czepelak Tổng Thư ký PCA cho biết, chuyến thăm lần này đến Việt Nam với 3 thông điệp chính là: Hòa bình, nguyên tắc và thịnh vượng. Đưa Việt Nam trở thành trung tâm hòa giải tranh chấp quốc tế, văn phòng PCA tại Hà Nội không chỉ giải quyết các tranh chấp của Việt Nam mà các tranh chấp của các nước trong khu vực cũng được mang đến đây để giải quyết; điều đó sẽ mang lại rất nhiều quyền lợi cho Việt Nam.

Ngài Marcin Czepelak Tổng Thư ký PCA mong muốn phía TANDTC Việt Nam sẽ có những xem xét trong việc công nhận và thi hành những quyết định của trọng tài quốc tế. Xem xét sửa đổi Luật trọng tài thương mại của Việt Nam để làm sao phù hợp với hoạt động của trong tài quốc tế nói chung, trong đó có PCA nói riêng.

 

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng Thư ký Tòa trọng tài thường trực Marcin Czepelak

Tại buổi tiếp, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng nhất trí với những ý kiến của Ngài Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak về việc xem xét Luật trọng tài tới đây sẽ có những quy định có thể hỗ trợ tốt hơn cho trọng tài quốc tế và PCA. Đồng thời đánh giá cao vai trò của PCA trong việc thúc đẩy các biện pháp hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp quốc tế, bao gồm cả các biện pháp trung gian, hòa giải bên cạnh thủ tục trọng tài.

Ở tầm vĩ mô, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng mong muốn PCA hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý về giải quyết tranh chấp quốc tế. Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao đội ngũ cán bộ giải quyết tranh chấp pháp lý liên quan đến đầu tư, thương mại. Hỗ trợ chính phủ Việt Nam liên quan đến giải quyết tranh chấp quốc tế. Đồng thời cần xây dựng uy tín, thương hiệu, bề dày kinh nghiệm để cùng hướng tới mục tiêu đưa văn phòng đại diện PCA tại Hà Nội trở thành trung tâm hòa giải tranh chấp quốc tế.

Kết thúc buổi tiếp, Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak cảm ơn sự hỗ trợ của TANDTC Việt Nam trong quá trình hoạt động của văn phòng PCA tại Hà Nội trong năm qua; đồng thời nhất trí với đề xuất của Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng về các hoạt động trợ giúp trong đào tạo đối với các chức danh tư pháp của Tòa án. Đưa quan hệ hợp tác giữa TANDTC Việt Nam và Tòa trọng tài thường trực lên một tầm cao mới.

TRIỆU HỒ