Huyện Tri Tôn: Nỗ lực phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội

Năm 2022, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 kéo dài. Tuy nhiên, với sự tập trung lãnh đạo của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, cùng sự nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân, huyện Tri Tôn đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” với nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, tổng giá trị sản xuất (GO) giá so sánh 2010 tăng 7,28% so với cùng kỳ (trong đó: khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng 2,77%; khu vực công nghiệp tăng 17,22%; khu vực xây dựng tăng 13,94%). Trong năm 2022, sản xuất công nghiệp của huyện tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ. Chỉ số công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 17,22% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất (giá SS) đạt 1.689 tỷ đồng (trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 17,36%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,15%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước tăng 13,10%; cung ứng nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,45%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú trên địa bàn huyện đạt 5.275,8 tỷ đồng, tăng 15,04% so với cùng kỳ và đạt 106,88% so với kế hoạch năm (trong đó: tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.420,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 15,77%; doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú đạt 1.132,5 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 14,90% và dịch vụ khác đạt 722,5 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 11,91%).

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng cả năm 116.623 ha, đạt 95,48% so với  kế hoạch, so cùng kỳ giảm 3,52% bằng 4.259 ha. Trong đó, diện tích trồng lúa chiếm tỷ trọng cao nhất với 97,88%, bằng 114.153 ha, đạt 96,25% so kế hoạch, so cùng kỳ giảm 3,34% bằng 3.939 ha; Diện tích trồng màu chiếm tỷ trọng 2,12% bằng 2.470 ha, đạt 69,58% so với kế hoạch, giảm 11,46% bằng 320 ha so với cùng kỳ. Năng suất các loại cây trồng ở một số cây chủ yếu so năm trước có tăng nhẹ, năng suất lúa bình quân cả năm đạt 6,253 tấn/ha. Sản lượng lúa cả năm đạt 713.800 tấn, so năm trước giảm 0,09% bằng 620 tấn. Tổng diện tích cây ăn trái toàn huyện 2.200 ha, so với năm 2021 tăng 111 ha, gồm nhiều chủng loại cây ăn trái như: Xoài, cây có múi, mãng cầu ta, dừa, bơ, sầu riêng, nhãn idor,…. Tình hình chăn nuôi tương đối ổn định và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi. Tổng đàn bò hiện có 7.629 con, so cùng kỳ giảm 13,62% bằng 1.203 con. Tổng đàn heo 20.359 con, so cùng kỳ tăng 41,57% bằng 5.979 con. Đối với lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, phát sinh 26 hộ nuôi mới, diện tích 36,36 ha, thể tích bè 318m3, 189m2 bể/bồn, số lượng 94 triệu con, gồm cá tra giống, cá tra thịt, lươn, cá lóc, ếch… có 16 hộ thu hoạch, diện tích 15,87 ha, 675m 3 bè, sản lượng 328,8 tấn. Tổng sản lượng khai thác ước cả năm đạt 2.453 tấn, sản lượng nuôi trồng 2.156 tấn.

Trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, đơn vị đã chỉ đạo các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã. Đồng thời tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới của 12 xã. Đến nay, trên địa bàn huyện có 05 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Vĩnh Gia, Tà Đảnh, Lương Phi, Lương An Trà, Tân Tuyến) chiếm tỷ lệ 41,67%. Tổng số tiêu chí đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định là 15/19 tiêu chí, đạt 78,94%.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội cũng được huyện chú trọng, phục hồi. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh được tăng cường; thường xuyên giám sát, phát hiện sớm những ca bệnh và ngăn chặn kịp thời không để bùng phát. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị và tổ chức tốt các hoạt động văn hoá – nghệ thuật gắn liền với các ngày lễ, sự kiện quan trọng của đất nước trong năm. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tương đối ổn định, bà con sống, làm việc tuân thủ và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Vì vậy, các chỉ tiêu định hướng của ngành năm 2023 phải phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện một cách ổn định, bền vững. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ; đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất và chế biến; thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội./.

QC