K, Đ và những người thân khác là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan

Sau khi đọc nội dung bài viết “Hành vi giúp người bị tạm giam thoả mãn một số nhu cầu để được hưởng lợi về vật chất của nhân viên trong các trại giam như thế nào?” của tác giả Hoàng Quảng Lực đăng ngày 26/12/2022, chúng tôi xin có ý kiến trao đổi.

 

Thứ nhất, về tội danh

Đối với quan điểm cho rằng Trương Anh H phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo khoản 2 Điều 355 BLHS.

Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tại sản biểu hiện dưới các dạng sau đây: Người có chức vụ, quyền hạn sử dụng chức vụ quyền hạn để uy hiếp tinh thần người khác để chiếm đoạt tài sản của họ; Lừa dối người khác chiếm đoạt tài sản của họ; Trên cơ sở tín nhiệm: đây là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn được người khác tín nhiệm giao tài sản nhưng đã lạm dụng sự tín nhiệm đó và chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ án nêu trên, Trương Anh H là người có chức vụ, quyền hạn để các phạm nhân khác có các vật dụng như thuốc lá, thuốc lao, các vật dụng khác thì phải chuyển tiền cho H, tức là các phạm nhân và Trương Anh H có sự thỏa thuận với nhau về việc đáp ứng các yêu cầu của bên kia mà trong trường hợp này Trương Anh hoàn toàn không sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để uy hiếp tinh thần, lừa dối hoặc tạo ra sự tín nhiệm, mà giữa hai bên hoàn toàn là sự thỏa thuận, như vậy, Trương Anh H không phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Đối với quan điểm cho rằng Trương Anh H phạm tội làm quyền trong khi thi hành công vụ theo Điều 357 BLHS. Chúng tôi đồng tình với quan điểm này.

Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi vượt quá phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao, từ đó dẫn đến làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Điều đó có nghĩa là người có chức vụ, quyền hạn đã tự ý làm những việc thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn hoặc của người khác. Người phạm tội về bản chất không có quyền hạn để thực hiện một số hoạt động công vụ nhưng họ lại thực hiện “vượt quá giới hạn”, do đó đã làm trái công vụ. Bản chất của hành vi phạm tội thể hiện ở việc vi phạm về thẩm quyền thực hiện hoạt động công vụ.

Trong vụ án nêu trên, Trương Anh H, là chiến sỹ nghĩa vụ, công tác tại Trại Tạm giam Công an tỉnh B, được phân công làm tổ phó Tổ 2, thuộc Đội cảnh sát bảo vệ, với nhiệm vụ canh gác, đốc gác, kiểm tra các mục tiêu gác nhưng đã chuyển các vật dụng như điện thoại di động, thuốc lá, thuốc lào, chuyển các vật dụng khác cho bị can khác, hành vi của H đã vượt quá phạm vi, chức trách nhiệm vụ được giao, bản thân H không có các thẩm quyền này nhưng vẫn thực hiện các hành vi không đúng với chức trách nhiệm vụ của mình. Nên hành vi của H đã phạm tội làm quyền trong khi thi hành công vụ theo Điều 357 BLHS.

Thứ hai, về xác định tư cách tham gia tố tụng

Theo quy định tại Điều 62 BLTTHS năm 2015 thì“ Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”. Bị hại là đối tượng của tội phạm thực hiện và bị thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Thiệt hại đó hoàn toàn không xuất phát từ ý thức của bị hại mà đó là do hậu quả của tội phạm, bị hại phải hoàn toàn không nhận thức được các hậu quả này, lúc đó pháp luật mới xác định đó là bị hại.

Trong vụ án nêu trên Đặng Trung K và Nguyễn Đ nhờ người thân, bạn bè đưa tiền cho Trương Anh H khi H đáp ứng được các yêu cầu của K, Đ như đã phân tích ở trên giữa Đặng Trung K và Nguyễn Đ với Trương Anh H đã có sự thỏa thuận với nhau, cả K và Đ đều ý thức và có mục đích để giao tiền cho H, trong vụ án này K và Đ hoàn toàn không bị thiệt hại gì mà việc chuyển tiền này hoàn toàn tự nguyện và chỉ được thực hiện khi H đáp ứng được các yêu cầu. Đồng thời, những người thân của Đ, K hoàn toàn không biết mục đích chuyển tiền. Nên trong vụ án này theo chúng tôi cần xác định K, Đ và những người thân khác là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Trên đây là quan điểm về bài viết “Hành vi giúp người bị tạm giam thoả mãn một số nhu cầu để được hưởng lợi về vật chất của nhân viên trong các trại giam như thế nào?” của tác giả Hoàng Quảng Lực, rất mong nhận được trao đổi từ bạn đọc./.

 

Phạm nhân trong giờ lao động - Ảnh: MH

 

 

 

TRẦN VĂN HÙNG (Tòa án quân sự khu vực quân khu 4)