Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất trong Tòa án nhân dân

Ngày 07/5/2025, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch số 16-KH/ĐU về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất trong Tòa án nhân dân.

Thực hiện các Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân như sau:

Theo Kế hoạch, mục đích là tổ chức quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua tại Kết luận số 135-KL/TW, Nghị quyết số 60-NQ/TW nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các Tòa án, đơn vị. Đồng thời, xác định rõ lộ trình, các công việc phải thực hiện khi triển khai việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án; Phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các Tòa án, đơn vị trong việc chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.

Yêu cầu tuân thủ Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật. Phù hợp với định hướng trong Đề án số 04-ĐA/ĐU ngày 28/3/2025 đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận thông qua. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu Tòa án, đơn vị; Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao tại các Tòa án, đơn vị.

Xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất. Bộ máy mới phải đi vào hoạt động ngay, không làm gián đoạn công việc, không bỏ sót nhiệm vụ; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của Tòa án.

Nội dung thực hiện

Kế hoạch số 16-KH/ĐU của Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu, tổ chức phổ biến, quán triệt việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân. Trong đó, phổ biến, quán triệt cho Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác, viên chức và người lao động trong toàn Ngành nội dung thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân.

Đối với việc hoàn thiện pháp luật về sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân: Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân sau sắp xếp. Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiến độ thực hiện, phân công đơn vị thực hiện được quy định cụ thể.

Về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự Tòa án nhân dân các cấp, giao Vụ Tổ chức - Cán bộ phối hợp với Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học và các đơn vị liên quan thực hiện tham mưu ban hành nguyên tắc, tiêu chí sắp xếp nhân sự tại các đơn vị, Tòa án sau sáp nhập, thành lập mới.

Các đơn vị này tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Đảng ủy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định về công tác tổ chức bộ máy, nhân sự. Trong đó có phương án bố trí Thẩm phán Tòa án nhân dân, công chức của các Tòa án nhân dân cấp cao về công tác tại Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực; Cơ cấu tổ chức, biên chế, nhân sự lãnh đạo của 03 Tòa Phúc thẩm; biên chế, nhân sự lãnh đạo của 04 Vụ Giám đốc kiểm tra Tòa án nhân dân tối cao.

Chuẩn bị nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để trình Quốc hội phê chuẩn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm; Chuẩn bị nhân sự để đề xuất làm Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia; Nhân sự sau sáp nhập để bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Thực hiện thủ tục hiệp y với cấp ủy về nhân sự bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh sau khi các tỉnh hoàn thành việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; Tổ chức các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân khu vực; cử thành viên Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh…

Ngoài ra, các đơn vị trên tổng hợp đề xuất của các Tòa án nhân dâncấp tỉnh, tham mưu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân khu vực.

Đề xuất phương án sắp xếp bộ máy, nhân sự sau sáp nhập

Kế hoạch giao Đảng ủy, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao rà soát biên chế hiện có của đơn vị; lập danh sách lãnh đạo, Thẩm phán, công chức khác; rà soát, lập danh sách, đề xuất người lao động chuyển giao cho Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao theo nhu cầu và thực hiện chấm dứt hợp đồng với người lao động dôi dư do Tòa án nhân dân cấp cao ký kết theo quy định của pháp luật.

Đối với Đảng ủy, lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh, chỉ đạo, thực hiện rà soát biên chế hiện có, đánh giá, lập danh sách Thẩm phán, công chức khác, Hội thẩm nhân dân chuẩn bị chuyển giao sang Tòa án nhân dân tỉnh mới sau sáp nhập.

Xây dựng phương án thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy, nhân sự Tòa án nhân dân khu vực được thành lập trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi phụ trách hiện nay theo nguyên tắc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ đồng thời chuyển giao biên chế; đánh giá, lựa chọn, lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân khu vực gửi về Tòa án nhân dân tối cao.

Chỉ đạo Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc diện sắp xếp tổ chức thực hiện các nội dung phục vụ việc xây dựng phương án thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy, nhân sự Tòa án nhân dân khu vực; đề xuất phương án tổ chức bố trí cán bộ, trụ sở để tiếp công dân, thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại các Tòa án nhân dân khu vực có huyện đảo hoặc khoảng cách địa lý xa.

Kế hoạch cho biết, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp với Chánh án Tòa án nhân dân các tỉnh được sáp nhập tổ chức họp để thống nhất đề xuất phương án sắp xếp bộ máy, nhân sự Tòa án nhân dân cấp tỉnh sau sáp nhập, gồm: Số lượng, tên Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh; nhân sự cấp Trưởng các Tòa chuyên trách, phòng của các đơn vị sáp nhập.

Trường hợp không thống nhất việc lựa chọn nhân sự thì báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định. Đối với công chức (không giữ chức danh tư pháp) dôi dư tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh: Nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì đề xuất việc chuyển ngạch công chức phù hợp hoặc giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật.

Đối với người lao động: Ký hợp đồng lao động theo nhu cầu hoặc thực hiện chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật; lập danh sách Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân cấp tỉnh của các tỉnh sáp nhập điều chuyển Hội thẩm nhân dân về các Tòa án nhân dân tỉnh sau sáp nhập; báo cáo cấp ủy có thẩm quyền về việc thành lập các tổ chức đảng, chỉ định nhân sự tham gia cấp ủy tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh mới sau sáp nhập. Đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh sau sáp nhập tổ chức bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Hội thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực theo quy định.

Kế hoạch cũng đã đề ra thời gian cụ thể phải hoàn thành đối với việc thực hiện sắp xếp, bố trí trụ sở, cơ sở vật chất, thực hiện việc bàn giao nhiệm vụ giữa các Tòa án, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ và công tác Đảng.

Kế hoạch giao các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo đơn vị do mình phụ trách thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các đơn vị, Tòa án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch này.

TRIỆU HỒ