Khiếu nại trong tố tụng hành chính - Bất cập và kiến nghị

Bài viết phân tích kỹ quy định của Luật Tố tụng hành chính (TTHC) hiện hành về khiếu nại trong TTHC. Từ đó, chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong quy định của TTHC về khiếu nại trong TTHC và đồng thời đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.

1. Đặt vấn đề

Có thể thấy, trong khoa học pháp lý hiện nay, rất ít và gần như chưa có tác giả nào quan tâm nghiên cứu toàn diện về chế định khiếu nại, tố cáo trong TTHC tại Chương XXI của Luật TTHC hiện hành. Trong khi đó, thực tiễn giải quyết các vụ án nói chung và vụ án hành chính nói riêng thì vấn đề khiếu nại và công tác giải quyết khiếu nại trong TTHC, tố tụng hình sự (TTHS), tố tụng dân sự (TTDS) lại có phần đa dạng, chiếm tỷ lệ khá cao. Theo báo cáo tổng kết ngành Toà án năm 2021, các Tòa án đã giải quyết 4.942/5.211 đơn khiếu nại quyết định tố tụng và hành vi tố tụng, đạt tỷ lệ 94,8%[1]. Như vậy, số liệu thực tế này không chỉ phản ánh thực trạng khiếu nại và hoạt động giải quyết khiếu nại trong TTHC tại các Tòa án mà còn cho thấy sự cần thiết phải tiếp cận nghiên cứu kỹ lưỡng mang tầm chuyên môn đối với các quy định của Luật TTHC về khiếu nại trong TTHC, nhằm tạo cơ sở, căn cứ pháp lý rõ ràng, cụ thể, khả thi và toàn diện để cả người khiếu nại và người giải quyết khiếu nại trong TTHC đều có được sự thuận lợi khi thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình, nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các Tòa án, góp phần bảo đảm triệt để nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

2. Quy định của Luật TTHC về khiếu nại trong tố tụng hành chính

Theo quy định của Luật TTHC, quyền khiếu nại trong TTHC được ghi nhận thành nguyên tắc tại Điều 28 và được đề cập cụ thể rõ hơn tại Điều 327 và chi tiết hóa từ Điều 328 đến Điều 336 tại Chương XXI. Theo đó, khiếu nại trong TTHC được đề cập dưới các tiêu chí là: Đối tượng khiếu nại, thời hiệu khiếu nại, hình thức khiếu nại, thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại; trình tự giải quyết khiếu nại, kết quả giải quyết khiếu nại. Để nhận thức rõ hơn các tiêu chí này, tác giả sẽ phân tích lần lượt như sau:

Thứ nhất, về đối tượng khiếu nại trong TTHC: Xác định đối tượng khiếu nại trong TTHC rất quan trọng, phân định rõ được giới hạn đối tượng được khiếu nại và không được khiếu nại trong TTHC, tránh trường hợp khiếu nại không đúng đối tượng, gây cản trở hoạt động xét xử của Tòa án. Hiện tại, Điều 327 Luật TTHC quy định: Đối tượng khiếu nại trong TTHC bao gồm toàn bộ các quyết định, hành vi trong TTHC của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành TTHC. Như vậy, đối tượng khiếu nại trong TTHC tương đối rộng gắn liền với các chủ thể tiến hành TTHC, ví dụ quyết định chuyển vụ án, hành vi không tiếp nhận chứng cứ của đương sự, quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng, hành vi không thay đổi người tiến hành tố tụng, quyết định tạm hoãn phiên tòa, quyết định tạm ngừng phiên tòa… Thế nhưng cần lưu ý, các quyết định, hành vi tố tụng của chủ thể tiến hành TTHC chỉ trở thành đối tượng của khiếu nại trong TTHC khi được thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án hành chính và người khiếu nại cho rằng trái pháp luật và xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của họ[2]. Việc giới hạn này chính là cơ sở để giúp chúng ta phân biệt với đối tượng của khiếu nại hành chính tại Luật Khiếu nại năm 2011. Đối tượng của khiếu nại hành chính là các quyết định hành chính, hành vi hành chính được ban hành trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước nhằm thực hiện hoạt động quản lý nhà nước, được ban hành chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước còn đối tượng của khiếu nại trong TTHC là các quyết định, hành vi tố tụng được ban hành hoặc thực hiện trong quá trình thực hiện các hoạt động TTHC (hoạt động tư pháp) được ban hành chủ yếu bởi các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng[3]. Ngoài ra, khoản 2 Điều 327 Luật TTHC còn quy định: “đối với bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nếu có kháng cáo, kháng nghị và các quyết định tố tụng khác do người tiến hành TTHC ban hành nếu có khiếu nại, kiến nghị thì không giải quyết theo quy định về khiếu nại trong TTHC tại chương XXI mà được giải quyết theo quy định tại các chương tương ứng”.

Thứ hai, về quyền của người khiếu nại, người bị khiếu nại: Điều 328, 329 Luật TTHC quy định khá rõ, cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại và người bị khiếu nại trong TTHC. Trước hết, người khiếu nại có các quyền sau: khiếu nại, rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án; nhận quyết định giải quyết khiếu nại; được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và song song với đó, người khiếu nại phải thực hiện các nghĩa vụ như khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết; không được lạm dụng quyền khiếu nại để cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án; chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật… Tiếp đến, người bị khiếu nại có quyền được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại; đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi trong tố tụng bị khiếu nại; được nhận quyết định giải quyết khiếu nại và thực hiện nghĩa vụ như: cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu; bồi thường thiệt hại, bồi hoàn hoặc khắc phục hậu quả.

Như vậy, về cơ bản, Luật TTHC đã quy định khá cụ thể, toàn diện về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại trong TTHC, góp phần giúp cho các chủ thể này có thể bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Hơn nữa, dưới khía cạnh đối chiếu với Luật TTHC 2010, Luật TTHC 2015 đã có một số bổ sung mang tính mới như: Người khiếu nại không được lạm dụng quyền khiếu nại để cản trở hoạt động tố tụng; chấp hành quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng mà mình đang khiếu nại trong thời gian khiếu nại của người khiếu nại; người khiếu nại có quyền được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại. Nhận thấy, việc bổ sung này là hoàn toàn cần thiết, góp phần hoàn thiện hoàn thiện các quy định của Luật TTHC, tăng thêm cơ sở cho các chủ thể nêu trên thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của mình.

Thứ ba, về thời hiệu khiếu nại: Thời hiệu khiếu nại trong TTHC được tạm hiểu là một khoảng thời gian cụ thể mà Luật TTHC quy định để các cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại. Theo đó, thời hiệu khiếu nại được chia thành hai giai đoạn: Đối với khiếu nại lần đầu, thời hiệu khiếu nại là 10 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật. Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời gian này không tính vào thời hiệu khiếu nại[4]. Đối với khiếu nại lần hai, thời hiệu khiếu nại là 05 ngày làm việc kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn giải quyết lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết[5]. So với Luật TTHC 2010, thời hiệu khiếu nại lần đầu đã giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày. Như vậy, để tìm ra một khoảng thời gian hợp lý để xác định thời hiệu khiếu nại trong TTHC là bài toán không đơn giản, đòi hỏi phải có sự tính toán cân nhắc kỹ lưỡng từ nhiều khía cạnh khác nhau, vừa bảo đảm quyền khiếu nại cho người khiếu nại và vừa bảo đảm cho việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại không ảnh hưởng đến tính ổn định của hoạt động TTHC[6].

Thứ tư, về thẩm quyền giải quyết khiếu nại. So với trước đây, Điều 332 Luật TTHC đã quy định rõ hơn thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Theo đó, Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp là chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Cụ thể: Với khiếu nại lần đầu, Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát đang giải quyết có thẩm quyền giải quyết đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của những người tiến hành tố tụng khác tại cơ quan của mình. Đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát thì Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện Kiểm sát trên một cấp trực tiếp có thẩm quyền giải quyết. Với khiếu nại lần hai (đối với khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát), do Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết.

Quan sát quy định trên, chúng ta thấy, việc phân định thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong TTHC được xác định dựa theo sự phân cấp quản lý, lãnh đạo của ngành Tòa án và ngành kiểm sát. Nhìn chung, cách phân định này là hợp lý, phù hợp với công tác chuyên môn và công tác nhân sự của Tòa án và Viện kiểm sát, bảo đảm việc giải quyết khiếu nại có được sự chú trọng nhất định và quan trọng hơn hết là việc giải quyết đó bảo đảm được chất lượng, nâng cao được kỹ năng, chuyên môn giải quyết.

            Thứ năm, về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại: Luật TTHC đề cập về giải quyết khiếu nại trong TTHC tại Điều 333, 334. Theo đó, với khiếu nại lần đầu, trong vòng 15 ngày kể từ ngày Tòa án, Viện kiểm sát nhận được khiếu nại (trường hợp cần thiết) kéo dài thì không 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại), người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản. Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung theo Luật định. Thêm vào đó, quyết định này phải được gửi cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Viện kiểm sát cùng cấp.

Với khiếu nại lần hai, Luật TTHC quy định quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có các nội dung theo Luật định. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải được gửi cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực thi hành (Điều 335 Luật TTHC).

3. Một số bất cập trong quy định của Luật TTHC về khiếu nại trong tố tụng hành chính và kiến nghị hoàn thiện

Trên cơ sở tham chiếu các quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, BLTTDS,  BLTTHS, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những mặt đã đạt được, các quy định của Luật TTHC về khiếu nại trong TTHC vẫn có một vài điểm chưa toàn diện, thiếu tính cụ thể, rõ ràng. Điều này đã gây khó khăn nhất định cho cả người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong TTHC, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Luật TTHC chưa có điều khoản độc lập nhằm quy định nhấn mạnh về đối tượng có thể bị khiếu nại trong TTHC

Theo quan sát của tác giả, hiện nay, Luật TTHC mới chỉ dành các điều khoản độc lập quy định rõ về đối tượng khởi kiện vụ án hành chính tại Điều 30; đối tượng kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm tại Điều 203, 204, 211; đối tượng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Điều 253, 254, 280, 281 mà hoàn toàn chưa có điều khoản độc lập quy định tách biệt về đối tượng được khiếu nại trong TTHC tại chương XXI. Bởi lẽ, mặc dù tiêu mục tại Điều 327 đề cập về “Quyết định, hành vi trong TTHC có thể bị khiếu nại” nhưng nội dung của điều khoản lại không đề cập cụ thể về các đối tượng khiếu nại mà trực diện đề cập về người có quyền khiếu nại trong TTHC. Điều này đã cho thấy sự bất nhất giữa tiêu mục và nội dung của Điều khoản 327 Luật TTHC, gây khó hiểu cho người tìm hiểu, áp dụng và thi hành luật. Trong khi đó, Bộ Luật TTHS hiện hành lại dành hai điều khoản độc lập quy định cụ thể về người có quyền khiếu nại trong TTHS tại Điều 469 và về các đối tượng khiếu nại tại Điều 470[7]. Điểm khác biệt này của BLTTHS đã phản ánh điểm chưa toàn diện của Luật TTHC khi quy định về đối tượng khiếu nại trong TTHC. Do vậy, dưới góc độ tham chiếu tạo sự toàn diện, chỉnh chu, minh thị cho Luật TTHC, tác giả đề xuất, Luật TTHC cần có sự tách bạch tương tự như BLTTHS. Theo đó, Điều 327 Luật TTHC cần được thiết kế lại tiêu mục như sau: “Người có quyền khiếu nại”. Đồng thời, tiến tới, Luật TTHC cần khẩn trương bổ sung thêm điều khoản quy định cụ thể về các đối tượng khiếu nại trong TTHC, tiêu mục và nội dung của điều khoản này nên tham khảo Điều 470 BLTTHS. Thiết nghĩ, thay đổi, bổ sung này là hợp lý, vừa bảo đảm sự rõ ràng, vừa bảo đảm sự tương thích với các quyền khởi kiện, quyền kháng cáo trong TTHC. Mặt khác, còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu áp dụng pháp luật, loại trừ tình trạng hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất.

Thứ hai, Luật TTHC không quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai

Luật TTHC quy định người khiếu nại trong TTHC có thể khiếu nại lần đầu, lần hai khi cho rằng các quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không đúng, tác động đến lợi ích hợp pháp của họ. Song, Luật này chỉ quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu tại Điều 333 mà không quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai. Xét về cả phương diện lý luận, lẫn thực tiễn thực thi pháp luật, khiếm khuyết này có thể gây ra sự xáo trộn bất nhất trong việc vận dụng pháp luật của những người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai và cụ thể hơn, việc xác định thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không còn là con số chuẩn chỉnh lại phụ thuộc phần lớn vào nhận định chủ quan của mỗi chủ thể, làm cho việc áp dụng pháp luật giữa các Tòa án thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án. Trong khi đó, cùng là luật thủ tục nhưng các Điều 474, 475, 476 của BLTTHS hiện hành lại quy định khá nghiêm túc, cụ thể về thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai. Theo đó, tùy vào chủ thể giải quyết khiếu nại lần 2 khác nhau mà thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2 trong TTHS cũng có sự khác nhau và có thể là 7 ngày hoặc 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại lần 2[8]. Mặt khác, trong tương quan tham chiếu Luật Khiếu nại năm 2011, việc giới hạn thời hạn giải quyết khiếu nại hành chính lần hai cũng minh thị, đầy đủ bằng các mốc thời gian chuẩn chỉnh, khả thi, bảo đảm việc giải quyết khiếu nại hành chính lần hai luôn được đúng luật và thống nhất. Ngoài ra, trước đây Điều 253, 254 Luật TTHC 2010 cũng có quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai là 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại lần hai.

Như vậy, các lập luận trên đây đã cho thấy Luật TTHC hiện hành không đề cập về thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai là hạn chế cần lưu tâm. Từ vấn đề này, chúng tôi đề xuất các nhà làm luật khi có chủ trương chỉnh sửa Luật TTHC thì cần bổ sung quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai theo hướng là 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại lần hai. Khoảng thời gian này là cần thiết, không quá ngắn, không quá dài vừa đáp ứng được tính thực tiễn nghiên cứu nội dung khiếu nại lần hai vừa bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính không có những cản trở dài lâu, bảo đảm hiệu quả của TTHC. Đồng thời, việc bổ sung này cũng thể hiện được mức độ tương đồng toàn diện của các ngành luật tố tụng trong hệ thống pháp luật, tránh những bất nhất không đáng có, hướng tới tính bình ổn, thống nhất khi áp dụng pháp luật để giải quyết các khiếu nại trong tố tụng.

Thứ ba, Luật TTHC quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại chưa rõ ràng

Luật TTHC dành nguyên Điều 332 quy định trực tiếp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai trong TTHC. Nhìn một cách tổng quan, các quy định của Luật TTHC về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong TTHC đã bảo đảm được những yêu cầu cơ bản của một điều luật, tạo hành lang pháp lý khá cụ thể để phân định thẩm quyền giải quyết khiếu nại một cách rõ ràng, nhanh chóng, loại trừ được các trường hợp chồng lấn, nhập nhằng về thẩm quyền, bảo đảm cho công tác giải quyết khiếu nại trong TTHC được thuận lợi và có hiệu quả. Thế nhưng, khi quan sát kỹ Điều 332 Luật TTHC, chúng tôi cho rằng, việc xác định chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng còn có phần phần thiếu sót. Bởi lẽ, căn cứ vào khoản 1, 2 Điều 332 Luật TTHC, đối với các khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát thì Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát trên một cấp trực tiếp có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, khoản 3 Điều 332 có quy định: khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát do Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát trên một cấp trực tiếp giải quyết. Từ việc liên kết các quy định này cùng với việc đối chiếu về cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án nhân dân nước ta, chúng tôi nhận thấy, còn hai trường hợp chưa rõ ràng như sau:

Trường hợp thứ nhất: nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án TANDTCo thì chủ thể có thẩm quyền giải quyết lần đầu là ai? Thể theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 332 thì do Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp giải quyết nhưng theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì Chánh án TANDTC là chủ thể nắm giữ vị trí cao nhất trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân. Phải chăng chính Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng của chính mình? Hay là một chủ thể khác?

Trường hợp thứ hai: Nếu căn cứ vào đoạn 2 khoản 1 Điều 332 Luật TTHC thì khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án TANDCC sẽ do Chánh án TANDTC giải quyết. Và căn cứ vào khoản 3 Điều 332 Luật TTHC thì khiếu nại về quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chánh án TANDTC sẽ do chủ thể nào có thẩm quyền giải quyết? Đây cũng là vấn đề chưa có hướng dẫn, gây ra những hoài nghi nhất định. Trong sự xem xét đến thẩm quyền giải quyết khiếu nại tại VKSND, hạn chế nêu trên cũng tương tự.

Như vậy, từ các lập luận trên, chúng ta có thể khẳng định các quy định của Luật TTHC về thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong TTHC tại Điều 332 chưa thực sự trọn vẹn, vẫn còn chứa đựng những hạn chế nhất định cần phải khắc phục. Theo đó, chúng tôi đề xuất cần có những quy định rõ ràng về chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC và về quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC nhằm bảo đảm sự toàn vẹn của điều luật cũng như bảo đảm việc áp dụng thực thi pháp luật được thống nhất, nâng cao chất lượng của hoạt động giải quyết khiếu nại trong TTHC.

Thứ tư, Luật TTHC quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại còn thiếu toàn diện

Có thể thấy, khi có khiếu nại về quyết định, hành vi của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong TTHC thì sẽ là điều kiện cần làm phát sinh trách nhiệm giải quyết khiếu nại trong TTHC. Đương nhiên, việc luật hóa về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại là vấn đề cần thiết phải hoàn thiện. Trên tinh thần này, Luật TTHC đã dành các điều khoản như Điều 333, 334, 335 quy định về thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai trong TTHC. Thế nhưng theo quan sát của chúng tôi, các quy định này chưa tập trung có phần tản mạn, không rõ ràng, gây khó khăn cho việc nghiên cứu tiếp cận, lĩnh hội tinh thần của điều luật. Bởi lẽ, Luật TTHC và các văn bản hướng dẫn chưa quy định về điều kiện thụ lý, thủ tục tiếp nhận, thụ lý đơn khiếu nại và một số biểu mẫu trong quá trình giải quyết khiếu nại. Thiếu sót này không chỉ được nhìn nhận về mặt nghiên cứu mà còn được minh chứng trong thực tiễn giám sát thực thi pháp luật. Theo đó, Báo cáo số 82/BC-HĐND ngày 27/11/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa về kết quả giám sát chuyên đề về “việc thi hành pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TTHS, TTDS, TTHC và thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” có nêu “Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số đơn vị chưa bảo đảm chặt chẽ, chưa đúng quy trình: thiếu văn bản thông báo thụ lý việc khiếu nại cho người khiếu nại biết, văn bản giải trình của người bị khiếu nại, biên bản thẩm tra, xác minh, kết luận hoặc không ban hành quyết định giải quyết mà ban hành công văn, thông báo giải quyết đơn,…”. Dẫu rằng, báo cáo này chưa hoàn toàn phản ánh hết những hạn chế trong thực tiễn giải quyết khiếu nại trong tố tụng của cả nước nhưng cũng là nội dung cần quan tâm tiếp thu để hoàn thiện hơn nữa quy định của các đạo luật tố tụng. Nếu các luật tố tụng nói chung và Luật TTHC nói riêng không chỉnh sửa, bổ sung khắc phục các hạn chế đã nêu thì có thể dẫn đến tình trạng tùy nghi trong quá trình giải quyết khiếu nại, làm tình trạng khiếu nại kéo dài, gây mất thời gian, công sức của các chủ thể có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng xét xử của Tòa án và chức năng kiểm sát của Viện kiểm sát. Do vậy, chúng tôi cho rằng, không còn cách nào có thể toàn diện hơn là việc Luật TTHC cần phải có những lộ trình cụ thể tiến tới nghiên cứu, thẩm định để bổ sung các quy định chặt chẽ về thủ tục giải quyết khiếu nại trong TTHC tại chương XXI.

Tham khảo Thông tư số 05[9], Thông tư liên tịch số 02[10] và Thông tư liên tịch số 01[11], khi Tòa án tối cao tham mưu cho Quốc hội sửa Luật TTHC về nội dung khiếu nại trong TTHC thì cần lưu ý một số nội dung như sau: 1) Về thủ tục tiếp nhận: Đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết thì người xử lý đơn hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn đến chủ thể có thẩm quyền giải quyết. Việc hướng dẫn chỉ thực hiện một lần theo mẫu; Trường hợp khiếu nại trực tiếp, nếu đủ điều kiện thì cán bộ tiếp nhận phải lập Biên bản tiếp nhận theo mẫu; 2) Quy định rõ trường hợp không thụ lý: Đơn không đáp ứng các yêu cầu tại Điều 331 Luật TTHC (hoặc tại văn bản hướng dẫn); Đơn đã được hướng dẫn gửi đến chủ thể có thẩm quyền giải quyết theo quy định… Đồng thời cần ban hành các biểu mẫu trong quá trình giải quyết khiếu nại.

4. Kết vấn đề

Trên cơ sở phân tích các quy định pháp luật TTHC về giải quyết khiếu nại trong TTHC, bài viết đã nêu ra một số bất cập quan trọng và từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện. Mong rằng các phát hiện của tác giả sẽ góp phần hoàn thiện hơn chế định về khiếu nại, tố cáo trong TTHC tại Chương XXI của Luật TTHC, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm tố tụng, đảm bảo tính ổn định của hoạt động tố tụng, bảo vệ được quyền lợi của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong TTHC.

           

 

 

[1] Báo cáo tóm tắt Tổng kết ngành Tòa án năm 2021, Tr 3

[2] Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Luật tố tụng hành chính Việt Nam, NXB Hồng Đức, Tr 715

[3] Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Luật tố tụng hành chính Việt Nam, NXB Hồng Đức, Tr 715

[4] Điều 330 Luật TTHC

[5] Điều 335 Luật TTHC

[6] Vũ Thư - Lê Thương Huyền (2016), Bình luận khoa học Luật TTHC năm 2015, Nxb. Hồng Đức, tr. 340.

[7] Xem thêm Điều 469, 470 BLTTHS hiện hành

[8] Xem thêm Điều 474 – 475 -476 BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021

[9] Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.

[10] Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Quốc Phòng – Bộ Tài chính – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về ciệc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo.

[11] Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tài chính – Bộ Nông nhiệp và Phát triển nông thông – Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Ths. LÊ THỊ MƠ (Khoa Luật Hành chính nhà nước- Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh), TRẦN QUỐC VĂN (Lớp Hành chính 42B2 – Khoa Luật Hành chính nhà nước – Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh)