Khởi kiện đòi tiền lương, nơi khởi kiện và điều kiện thụ lý

Nguyễn Văn A có được khởi kiện tranh chấp lao động tại Tòa án huyện H, tỉnh P -  nơi Nguyễn Văn A cư trú không? Điều kiện “Tranh chấp phải được thông qua thủ tục hòa giải viên lao động” có bắt buộc trước khi khởi kiện vụ án tranh chấp lao động về việc đòi tiền lương hay không?

Nguyễn Văn A và Công ty cổ phần Tập đoàn X (Công ty X) có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, ký kết vào ngày 20/9/2021. Theo đó, Nguyễn Văn A làm Bác sỹ đa khoa tại Công ty X, nhiệm vụ của A là bác sỹ khám bệnh và phẫu thuật tại Công ty X. Ngoài tiền lương theo thỏa thuận, tiền phụ cấp độc hại, A còn được Công ty X trả thêm các khoản tiền chi phí phẫu thuật, tiền làm ca đêm, ngày lễ, ngày nghỉ.

Quá trình làm việc tại Công ty X, Nguyễn Văn A luôn tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp, nội quy của Công ty. Đến tháng 05/2023, do cảm thấy không còn phù hợp với môi trường làm việc, gia đình A có nhiều khó khăn nên A xin nghỉ việc để về làm việc gần nhà. Được biết, Nguyễn Văn A có nơi cư trú tại thị trấn B, huyện H, tỉnh P; Công ty X có trụ sở chính tại phường N, thành phố M, tỉnh Q.

Sau khi Nguyễn Văn A có đơn xin nghỉ việc thì đến tháng 6/2023, Công ty X chấp nhận đơn xin nghỉ việc của A và ra quyết định nghỉ việc đối với A. Tuy nhiên, Nguyễn Văn A cho rằng Công ty X chưa thanh toán các khoản tiền phẫu thuật các tháng 01, 02, 03, 04 năm 2023 với tổng số tiền là 60.000.000 đồng. Nguyễn Văn A đã nhiều lần làm việc với Phòng Hành chính - Kế toán của Công ty X nhưng không thành.

Do đó, vào tháng 12/2023, Nguyễn Văn A có nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án huyện huyện H, tỉnh P, nơi Nguyễn Văn A cư trú, để khởi kiện yêu cầu Công ty X thanh toán đầy đủ các khoản tiền phẫu thuật của các tháng 01, 02, 03, 04 năm 2023 với tổng số tiền là 60.000.000 đồng và tiền lãi chậm trả theo quy định của pháp luật từ ngày khởi kiện cho đến khi Công ty X trả hết số tiền phẫu thuật, kèm theo đơn khởi kiện, Nguyễn Văn A có nộp các tài liệu chứng cứ gồm hợp đồng lao động, quyết định cho nghỉ việc, các sao kê trả lương của Công ty X.

Trong quá trình tiếp nhận đơn khởi kiện và xử lý đơn khởi kiện còn nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:

- Quan điểm thứ nhất: TAND huyện H, tỉnh P không có thẩm quyền thụ lý giải quyết đối với yêu cầu tranh chấp của A. Do người bị kiện trong vụ án là Công ty X có trụ sở tại phường N, thành phố M, tỉnh Q. Nên theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 32, điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 thì A có quyền nộp đơn khởi kiện tại TAND thành phố M, tỉnh Q. Bên cạnh đó, đây là vụ án tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động nên không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động.

- Quan điểm thứ hai: TAND huyện H, tỉnh P không có thẩm quyền thụ lý giải quyết đối với yêu cầu tranh chấp của A. Do Công ty X có trụ sở tại phường N, thành phố M, tỉnh Q nên theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 32, điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 thì A có quyền nộp đơn khởi kiện tại TAND thành phố M, tỉnh Q. Ngoài ra, để được Tòa án thành phố M, tỉnh Q thụ lý giải quyết thì tranh chấp của Nguyễn Văn A với Công ty X phải được thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi khởi kiện.

- Quan điểm thứ ba, cũng là quan điểm của tác giả: TAND huyện H, tỉnh P có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp của Nguyễn Văn A. Đối với điều kiện khởi kiện, nội dung tranh chấp của A đối với Công ty X phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi khởi kiện yêu cầu Tòa án. Đây là điều kiện bắt buộc trước khi khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu Tòa án giải quyết.

Bởi lẽ theo điểm đ khoản 1 Điều 40 BLTTDS năm 2015 quy định: “Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;…”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019: “Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”

Trong vụ này, Nguyễn Văn A khởi kiện yêu cầu Công ty X thanh toán tiền phẫu thuật của các tháng 01, 02, 03, 04 năm 2023 và tiền lãi do chậm chi trả theo quy định của pháp luật, bản chất Nguyễn Văn A đang khởi kiện tranh chấp về tiền lương.

Thứ hai, về điều kiện thụ lý “Tranh chấp phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi khởi kiện yêu cầu Tòa án. Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải..

Theo đó, tranh chấp về việc đòi tiền lương của Nguyễn Văn A không thuộc trường hợp không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Do đó, khi nhận đơn khởi kiện, TAND huyện H tiến hành xử lý đơn và trả lại đơn khởi kiện với lý do “Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luậtlà phù hợp với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015.

Trên đây là quan điểm của tác giả về vụ việc, rất mong nhận được sự góp ý của Quý độc giả và các đồng nghiệp.

ĐINH BÁ THI (Thư ký TAND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình)

TAND TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử vụ án tranh chấp về lao động - Ảnh: Trúc Giang