Không áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” đối với Nguyễn Thanh T

Qua nghiên cứu bài viết của tác giả Nguyễn Tất Duẩn đăng ngày 05/4/2023 về việc “Áp dụng tình tiết định khung hình phạt quy định tại Điều 134 BLHS”, tôi cho rằng không áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” đối với Nguyễn Thanh T.

Theo Án lệ số 17/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án TANDTC hướng dẫn xử lý tội giết người có tính chất côn đồ như sau: “Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với nhau mà tội phạm đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân.”. Theo đó, mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt xác định trong vụ án này là: Mâu thuẫn giữa người thuê gây thương tích là anh Nguyễn Văn B với anh Đinh Trọng N.

Về tình tiết thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê quy định tại điểm h khoản 1 Điều 134 của BLHS là trường hợp người phạm tội nhận được tiền hoặc lợi ích vật chất khác của người thuê nên đã thực hiện hành vi Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Xuất phát từ tiền hoặc lợi ích vật chất khác mà người thuê với người được thuê thỏa thuận với nhau về việc gây thương tích cho anh N, nên không B không cần có mối quan hệ gì với anh N. Do đó, không áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” đối với T.

Về việc làm rõ T chỉ vì muốn có tiền để mua ma túy nhằm thỏa mãn cơn nghiện mà nhận lời B gây thương tích cho anh N hoặc vì mục đích ích kỷ, nhỏ nhen khác thì T còn phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội vì động cơ đê hèn” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015. Theo quan điểm của cá nhân tôi là chưa đúng vì T đã bị áp dụng tình tiết “thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê” nên không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội vì động cơ đê hèn”. Thêm nữa, nếu xác định T thực hiện 05 lần trở lên hành vi được thuê cố ý gây thương tích cho người khác và lấy việc đó làm nguồn sống chính theo cách nói “đâm thuê, chém mướn” và thì cần xem xét T về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp

Trên đây là quan điểm cá nhân tác giả về quan điểm giải quyết vụ án, kính mong được các bạn đọc góp ý.

TAND Tp Sa Đéc, Đồng Tháp xét xử vụ án cố ý gây thương tích - Ảnh: Nguyễn Hoàng Hùng

 

HÒA NGUYỄN