Không áp dụng tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu đối với Hoàng Thị N

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Phan Thị Lan bàn về tình tiết phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng N không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu.

Tham khảo Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của TANDTC hướng dẫn áp dụng tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, phạm tội lần đầu được hiểu như sau:

Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu.”

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 66 và 106 của Bộ luật Hình sự (BLHS) về tha tù trước thời hạn quy định về phạm tội lần đầu: “Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a. Trước đó chưa phạm tội lần nào;

b. Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự;

c. Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

d. Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích”.

Như vậy có thể hiểu, được coi là phạm tội lần đầu nếu thuộc một trong bốn trường hợp nêu trên. Nếu trước đó đã phạm tội mà chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự với lần phạm tội sau thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Mặc dù trước đó đã phạm tội mà chưa bị kết án thì lần phạm tội sau vẫn không được coi là phạm tội lần đầu. Hơn nữa, tình tiết "Phạm tội 02 lần trở lên" được hiểu là đã có từ 02 lần phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, nếu đã có một lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng như lần này chưa bị kết án, lần phạm tội sau nếu cũng có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải được coi là phạm tội hai lần trở lên, không áp dụng tình tiết phạm tội lần đầu trong trường hợp này.

Đối với vụ án được tác giả đưa ra, Hoàng Thị N có 02 lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 321 BLHS. Cụ thể, lần 1, Hoàng Thị N sử dụng tài khoản Zalo tên “Hoàng N” (trên điện thoại gắn sim thuê bao số 09054230…) chuyển cho Hoàng Thị Tiên T 09 tin nhắn có nội dung cá cược số lô, số đề dựa vào kết quả xổ số kiến thiết các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên với số tiền là 8.179.000 đồng, số tiền thắng cược là 6.750.000 đồng.  Như vậy, tổng số tiền Hoàng Thị N đánh bạc dựa vào kết quả xổ số kiến thiết các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên là 14.929.000 đồng. Với hành vi đánh bạc số tiền đánh bạc là 14.929.000 đồng đã thỏa mãn cấu thành tội “đánh bạc” theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS.

Lần thứ hai, Hoàng Thị N chuyển 6 tin nhắn có nội dung cá cược số lô, số đề cá cược dựa vào kết quả xổ số kiến thiết miền Bắc với số tiền là 5.605.000 đồng. Ngoài ra, Hoàng Thị N còn chuyển cho Hoàng Thị Tiên T 01 tin nhắn có nội dung số lô, số đề dựa và kết quả xổ số kiến thiết miền Bắc với số tiền 2.200.000 đồng, nhưng Hoàng Thị Tiên T chưa nhận được tin nhắn cá cược này. Tổng số tiền Hoàng Thị N đánh bạc dựa vào kết quả xổ số kiến thiết miền Bắc là 7.805.000 đồng. Lần thứ hai này cũng thỏa mãn cấu thành tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS.

Tham khảo Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP, trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa... (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó. Nếu số tiền cá độ đua ngựa, số tiền mua số đề của mỗi đợt từ 2.000.000 đồng (quy định mới là 5.000.000 đồng) trở lên thì cũng không được áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của BLGS (nay là phạm tội 02 lần trở lên). Như vậy, nếu người phạm tội đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, được coi là 01 lần đánh bạc và không áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên nếu tham gia chơi trong một lô đề và có thể chia làm nhiều đợt, mặc dù số tiền mỗi đợt đều từ 05 triệu đồng trở lên. Trong trường hợp trên, Hoàng Thị N đã tham gia chơi số đề trong hai lô đề khác nhau và các lần đều trên 05 triệu đồng nên vẫn áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên.

Như vậy, Hoàng Thị N đã có 02 lần đánh bạc thỏa mãn cấu thành tội Đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS. Vì vậy, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đối với N.

Trên đây là quan điểm của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý độc giả.

 

Tòa án  tỉnh Ninh Bình  xét xử vụ tổ chức đánh bạc và đánh bạc sử dụng mạng internet- Ảnh: Như Nguyệt

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)