Không có căn cứ xử lý hình sự đối với anh L

Sau khi đọc bài viết “Nợ tiền rồi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho con ruột có phạm tội? ” của tác giả Huỳnh Minh Khánh, tôi cho rằng không có căn cứ để xử lý hình sự đối với anh L.

Theo bài viết, từ năm 2020 đến năm 2022, bà B có vay tiền, làm chủ đầu thảo hụi và nợ tiền của chị Ng, bà N với tổng số tiền khoảng 400 triệu đồng. Bà B còn nợ tiền của nhiều người khác với số tiền khoảng 3 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, thì hụi do bà B làm đầu thảo tạm ngưng hoạt động một thời gian do mất khả năng thanh toán. Đến giữa năm 2022, chị Ng và bà N phát hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và việc mạo danh của các hụi viên khác để hốt hụi và thu tiền hụi, cũng như đến hạn trả nhưng bà B không chịu trả nên chị Ng và bà N đã làm đơn tố cáo yêu cầu xử lý hình sự đối với bà B và anh L.

Tôi đồng tình với Quan điểm 1 khi cho rằng hành vi của bà B có dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175 BLHS. Vì bà B thông qua chơi hụi nhận tiền của các hụi viên, sau khi mất khả năng thanh toán đã có hành vi vẫn tiếp tục nhận hụi (của các hụi viên đóng hụi) rồi hốt hụi mà không trả cho hụi viên đến kì nhận hụi, đây là hành vi chiếm đoạt tiền hụi.

Tuy nhiên, việc bà B chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho anh L (con trai bà B) với giá trị chuyển nhượng thấp hơn so với giá trị tài sản không là căn cứ để xử lý hình sự anh L được. Bởi vì theo lời khai của bà N, chị Ng thì đây là tài sản bà B có trước khi chị Ng, bà N tham gia hụi, không là tài sản có được từ tiền hụi bà B chiếm dụng của các hụi viên. Vì vậy, đây là tài sản hợp pháp của bà B, bà B có quyền định đoạt, chuyển nhượng đối với quyền sử dụng đất của mình.

Điều 117 BLDS 2015 quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Xét giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà B, thấy rằng không phạm vào nội dung nào trong các nội dung được liệt kê tại Điều 117 trên. Vì vậy, giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà B và anh L có hiệu lực pháp luật. 

Tôi cho rằng, Quan điểm 1 nhận định “anh L biết rõ việc mẹ mình nợ tiền của người khác nhưng vẫn cố tình lén lút thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá trị thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực của tài sản” là phiến diện, chủ quan. Bởi lẽ, bà N, chị Ng không chứng minh được mình có quyền đối với quyền sử dụng đất mà bà B chuyển nhượng cho anh L, thì không thể cho rằng bà B và anh L đã lén lút chuyển nhượng cho nhau, vì thực tế tài sản hai bên chuyển nhượng đứng tên bà B. Vì vậy, anh L cũng không cần phải chứng minh cho bà N, chị Ng về việc mình đã đưa tiền chuyển nhượng cho mẹ ruột của mình hay không, bởi vì đây là giao dịch dân sự, đề cao sự thoả thuận không trái pháp luật của các bên, nếu các bên trong giao dịch không có ý kiến gì thì không có nghĩa vụ phải chứng minh việc thực hiện giao dịch đối với bên thứ ba.

Vì vậy, quan điểm thứ ba là phù hợp, giao dịch giữa anh L và bà B đúng quy định pháp luật, không có căn cứ xử lý hình sự đối với anh L. Đây có thể xem là một bài học cho mọi người khi chơi hụi. Bởi vì các bên tham gia hụi thường dựa trên sự tin tưởng, thoả thuận bằng miệng, hoặc viết giấy nhận tiền, mà không đi kèm biện pháp bảo đảm nào như khi thế chấp, hay cầm cố tài sản. Vì vậy, nếu không may vỡ hụi, chủ hụi đã tẩu tán tài sản thì các hụi viên trở nên trắng tay, như trong trường hợp ở bài viết này. Bài học rút ra ở đây là không nên chờ có dấu hiệu hình sự rồi mới trình báo công an, mà cần sớm nộp đơn khởi kiện đến toà án, yêu cầu toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong toả tài sản, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản của chủ hụi, có như vậy thì các hụi viên mới có thể lấy lại được tiền hụi của mình, giảm thiểu thiệt hại mức thấp nhất.

**

BBT: Các tác giả Duy Linh (Tòa án quân sự Quân khu 3); Nguyễn Thị Kim Phượng (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 9); Th.s Nguyễn Thị Thúy Loan (Tòa án quân sự khu vực quân khu 9); Th.s Phạm Thị Thủy (Bộ môn Luật- Khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn Trường Đại học Kiên Giang)… cũng có quan điểm không truy cứu trách nhiệm với anh L.

Tác giả Dương Văn Hưng (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân) cho rằng nếu L biết bà B có mục đích chiếm đoạt tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả (bằng cách thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho mình) thì L có vai trò đồng phạm cùng với bà B về tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, nếu việc bà B thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho anh L mà anh L không hề hay biết thì đây là vấn đề giao dịch dân sự, đã được cơ quan công chứng, chứng thực theo đúng quy định về pháp luật dân sự, không có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự. Do vậy, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh L về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 của BLHS.

 

TAND huyện Lộc Ninh, Bình Phước xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Nguyễn Khánh

ĐINH THU NHANH (Toà án quân sự Quân khu 4)