Không tịch thu số tiền mà Đ, T có được do bán tài sản trộm cắp

Qua nghiên cứu bài viết “Xử lý số tiền bị chiếm đoạt nhưng chủ sở hữu, bị hại không yêu cầu trả lại tài sản” của tác giả Nguyễn Thị Kim Phượng đăng trên Tạp chí Tòa án ngày 05/4/2024, tôi đồng tình với quan điểm thứ 2 của tác giả.

Việc trả lại tài sản chiếm đoạt trong vụ việc chiếm đoạt tài sản được quy định như sau:

Theo quy định tại Điều 48 BLHS 2015 về trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi như sau:

“1.Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.

 2. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.

Theo đó, người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.”

Trong vụ án nêu trên, không tịch thu vào ngân sách nhà nước mà phải trả lại tài sản cho bị cáo. Bởi lẽ:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 194 BLDS 2015 quy định: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”. Do đó trong trường hợp bị hại không yêu cầu bị cáo bồi thường được xem chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản hoặc có thể xem là “tặng cho” tài sản cho bị cáo.

Thứ hai, tài sản bị chiếm đoạt không thuộc trường hợp bị tịch thu sung vào ngân sách. Khoản 2 Điều 47 BLHS quy định: “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”.

Thứ ba, Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019, trao đổi vấn đề này có hướng dẫn:  Về việc xử lý tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường.

Theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 47 của BLHS về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm thì:

“1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.”

Theo quy định trên thì vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không thuộc trường hợp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Cũng theo quy định tại Điều 194 của BLDS thì: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”.

Như vậy, trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án.

Do đó, bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo trả lại số tài sản chiếm đoạt mặc dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản chiếm đoạt thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án.

Quay trở lại nội dung vụ án, căn cứ vào các quy định đã phân tích ở trên thì có thể thấy: Đối với tài sản mà Trần Quốc Đ và Nguyễn Minh T trộm cắp đã được trả lại Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel. Đối với số tiền 12.280.000 đồng tại phiên tòa, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không yêu cầu Đ, T bồi thường hay bồi hoàn gì thì không tịch thu vào ngân sách Nhà nước. Bởi vì, việc không nhận lại tài sản là quyền dân sự của những người này, Toà án đã giải thích cho họ được rõ nhưng họ vẫn không nhận và Toà án tôn trọng sự tự nguyện của chủ sở hữu, là phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 47, BLHS (vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp) và phù hợp với các nguyên tắc và quy định của Bộ luật Dân sự về quyền tự do định đoạt tài sản của chủ sở hữu.

Trên đây là quan điểm của tác giả về vụ án rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của đồng nghiệp và quý bạn đọc.

                              

NGUYỄN THÀNH LUÂN  (Tòa án quân sự Quân khu 3)

Tòa án nhân dân tp Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp xét xử sơ thẩm vụ án Trộm cắp tài sản - Ảnh: VCA