Khung pháp lý toàn diện để đón làn sóng đầu tư mới

Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 là cơ sở cho việc mở rộng hợp tác về kinh tế, đầu tư, chuyển giao công nghệ, an ninh... Trong nội dung bài viết, tác giả trình bày về một số đặc thù của cạnh tranh công nghệ Hoa Kỳ - Trung Quốc và sự dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam; Tầm quan trọng của pháp lý trong bối cảnh Việt Nam gia tăng tiếp nhận đầu tư về công nghệ cao.

I. Cạnh tranh công nghệ Hoa Kỳ-Trung Quốc và sự dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam

1.1. Cạnh tranh công nghệ Hoa Kỳ-Trung Quốc

Hai nền kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ với nhau thành công trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên trong vòng 05 năm trở lại đây Hoa Kỳ đã có những quyết sách mạnh mẽ nhằm chia tách một phần công nghệ mới nổi khỏi Trung Quốc. Xuất phát từ rất nhiều cáo buộc từ phía Hoa Kỳ về việc bị mất cắp và chảy máu công nghệ. Giờ đây công nghệ không chỉ mang giá trị kinh tế cao mà còn gắn liền với an ninh quốc gia, hệ quả trở nên khôn lường buộc Hoa Kỳ phải có những quyết dịnh cứng rắn.[1] Phát triển công nghệ và bảo vệ bản quyền trí tuệ không chỉ đi đôi với tính kinh tế mà còn mang tính tồn vong.

Năm 2015 Trung Quốc đặt mục tiêu vươn lên tự chủ hoàn toàn về công nghệ và vươn lên dẫn đầu thế giới. Một năm sau đó, ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ và kể từ 2018 ông cho thực thi chính sách chiến tranh thương mại dưới hình thức thuế quan. Một trong những mục tiêu là thúc đẩy các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đầu tư trực tiếp ở Trung Quốc trở về Hoa Kỳ. Cho tới nay, Tổng thống Biden đi tiếp con đường mà người tiền nhiệm đã khởi xướng, trong đó bao gồm thúc đẩy việc di chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia thân thiện. Chuỗi chính sách của Hoa Kỳ nhằm chia tách một số mảng công nghệ cốt lõi khỏi Trung Quốc, nhận được sự đồng thuận lưỡng đảng, và được tiếp nối qua các nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ.

Sự đồng lòng và quyết tâm của Hoa Kỳ, những biện pháp về mặt kinh tế và công nghệ quyết liệt trong khoảng thời gian ngắn vừa qua có tác động trực tiếp lên nhiều khía cạnh của kinh tế toàn cầu. Việc Trung Quốc phải đóng cửa vì đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, và phần nào do sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau Covid-19 không được như mong đợi. Nhiều tập đoàn Hoa Kỳ lựa chọn dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc không chỉ vì lời kêu gọi của Tổng thống, hay sắc lệnh, hay vì chính sách hỗ trợ. Các doanh nghiệp hoàn toàn tự chủ trong các quyết định và tính toán của mình. Họ lo ngại vì bối cảnh nền kinh tế của Trung Quốc không còn thân thiện và an toàn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ nữa. Bất động sản bị khủng khoảng, hỗn loạn thị trường trái phiếu, đường lối của chính phủ của có thể sẽ dẫn đến chiến tranh với Đài Loan, và chính quyền có phần bóp nghẹt công nghệ. Các CEO có tầm nhìn dài hạn và quyết định cần đưa công nghệ qua những quốc gia thân thiện với Hoa Kỳ hơn.

Tổng thống Biden giữ vững những mục tiêu của người tiền nhiệm, nhưng có phương pháp tuần tự, sắc bén hơn, vừa củng cố, vừa tiếp tục đẩy mạnh lên. Ngay sau khi nhậm chức ông đã cho thành lập Văn phòng Khoa học và Công nghệ ở cấp Nội các với hàng trăm nhà chuyên gia làm việc cho Nhà Trắng một cách rất có tổ chức và quyền lực. Quan hệ giữa các ban ngành có tính chặt chẽ, quyết tâm cao hơn, và không bị chia rẽ như trong nhiệm kỳ trước. Trước hết, chính quyền ông Biden đi vào xây dựng luật để khuyến khích đầu tư, ban hành  những sắc lệnh cấm không cho Trung Quốc tiếp cận được công nghệ nguồn, hạn chế bán cho Trung Quốc thiết bị cốt lõi. Hoa Kỳ giờ đây huy động được đồng minh Châu Âu và Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đồng hành. Các quốc gia phải mất vài năm để xây dựng luật nhưng một khi bước này được hoàn thành, khối phương Tây trở nên đoàn kết, hợp tác chưa từng có.

Để bảo vệ an ninh quốc gia, Hoa Kỳ và đồng minh đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận song phương, đa phương để tạo liên minh. Những biện pháp kiểm soát do Hoa Kỳ, Hà Lan hay Nhật Bản áp đặt nhắm đến công nghệ mà Trung Quốc chưa nắm được. Hoa Kỳ đã mất vài năm để thuyết phục chính quyền Hà Lan đồng ý áp lệnh kiểm soát đối với một số loại chíp của ASML vào ngày 30/6/2023. Trung Quốc không thể sản xuất được chíp loại tiên tiến nếu không có máy quang khắc của công ty này. Phương Tây đã chặn mọi công ty, tập đoàn lớn nào của Trung Quốc tiếp cận được công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo mà có thể bị sử dụng cho mục đích quân sự, như đã làm với Huawei và ZTE. Lệnh cấm do Hoa Kỳ đưa ra ngày càng chặt chẽ và kín kẽ. 

Tổng thống Biden có cách tiếp cận rất chiến lược, rất chú ý đến mối liên hệ giữa công nghệ và an ninh quốc gia. Trong những công nghệ mới nổi, Trung Quốc gặp vấn đề rất lớn là không tự chủ được trong công nghệ bán dẫn. Quốc gia này phụ thuộc vào nước ngoài từ thiết kế đến sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Hoa Kỳ đã ban hành luật và sắc lệnh để kiểm soát không cho Trung Quốc tiếp cận được toàn bộ chuỗi cung ứng về chất bán dẫn ở cấp tiên tiến, từ sản phẩm hoàn chỉnh đến mọi quy trình sản xuất, phần mềm thiết kế, đến nguôn tài chính đầu tư và cả nhân lực người Hoa Kỳ cũng không được làm việc trong một số công ty Trung Quốc.

1.2 Sự dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam

Trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam vào tháng 9/2023, Tổng thống Biden thể hiện mong muốn đưa Việt Nam trở thành một trung tâm chất bán dẫn trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã cho thấy sự chủ động, sẵn sàng tiếp nhận sự hỗ trợ đó để phát triển lĩnh vực này. Nhờ sự đối ứng linh hoạt của Đảng và nhà nước, nước ta đang sẵn sàng trở thành trung tâm kinh tế chính trị mới nổi mới nhất tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.  Việt Nam đang đứng trước cuộc chuyển mình vĩ đại về công nghệ, đặc biệt là về chất bán dẫn, từ đây sẽ tạo đà tiến xa hơn trong nỗ lực công nghiệp hoá đất nước.

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, là cái nôi phát triển công nghệ bán dẫn. Các sản phẩm trong lĩnh vực chip bán dẫn tối quan trọng trong sản xuất các sản phẩm công nghệ. Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng của ngành chíp bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam tiến tới có khả năng làm chủ công nghệ và sở hữu các thiết kế chip. Một khi Việt Nam chuyển hướng đi sâu vào phát triển công nghệ, có vị trí trong chuỗi sản xuất cốt lõi chất bán dẫn cho Hoa Kỳ và thế giới, làm việc chặt chẽ với phương Tây sẽ giúp Việt Nam trở thành một quốc gia công nghệ tầm trung và xa hơn. Nếu như hiện tại Việt Nam chủ yếu gia công làm thuê, trong tương lai có thể tiến tới 100%, làm chủ trong tất cả mọi khâu cốt lõi của ngành bán dẫn.

Việc các nhà đầu tư (NĐT) Hoa Kỳ chọn quốc gia đón nhận đầu tư không phụ thuộc nhiều vào chính sách của chính phủ Hoa Kỳ, mà cơ bản dựa vào vị trí địa lý, môi trường đầu tư của quốc gia sở tại, và các tính toán kinh doanh. Hai nhân tố chủ chốt tạo nên sự quan tâm chính từ phía các NĐT Hoa Kỳ đến Việt Nam là hệ thống chính trị ổn định và vị trí địa lý vừa gần thị trường tỷ dân Trung Quốc vừa ở trung tâm ASEAN.

II. Tầm quan trọng của tính pháp lý trong đầu tư

Đứng trước trào lưu NĐT chuyển dịch khỏi Trung Quốc, Việt Nam nhanh chóng xác định công nghệ cao là một trong những lĩnh vực tạo đột phá giúp Việt Nam tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho toàn bộ hệ thống là thu hút được các NĐT chất bán dẫn Hoa Kỳ chuyển dịch, sản xuất, nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam.

Chúng ta cần hành động để thực hiện và cụ thể hoá được những nội dung trong thông cáo chung xứng với sự nâng tầm quan hệ. Sự quan tâm của NĐT Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc Việt Nam cần đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị toàn cầu của tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ, bao gồm nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cải thiện chất lượng dịch vụ, tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ, quản lý dữ liệu và tăng cường đổi mới sáng tạo.

Nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ mở ra cho Việt Nam cơ hội phát triển mạnh mẽ về công nghệ. Đồng thời cũng là thử thách, đòi hỏi Việt Nam cần có nỗ lực rất lớn về mọi mặt, trong đó khía cạnh pháp lý đóng vai trò rất quan trọng, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho NĐT ngành bán dẫn.

Sự hợp tác thông qua đầu tư giữa hai bên sẽ bao gồm Hoa Kỳ chuyển giao một phần công nghệ, và Việt Nam cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao. Sau đây là một số điểm trong lĩnh vực pháp lý có tác động tiếp sức cho bước chuyển mình về công nghệ của Việt Nam.

2.1 Tính pháp lý cao của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là đất nước thượng tôn pháp luật, trong quản lý có sự nhất quán cao, NĐT Hoa Kỳ được hưởng hệ thống luật pháp minh bạch, cởi mở, hạn chế sự can thiệp hành chính vào kinh doanh sản xuất…

Người dân Hoa Kỳ tin vào luật pháp, và có thói quen chọn biện pháp giải quyết xung đột theo kênh pháp lý. Hoa Kỳ đưa những vấn đề còn tranh cãi, từ tối cao hay nguyên lý cơ bản ra trước toà án để toà phán xét, phân định theo Hiến Pháp. Chỉ trong ba thập kỷ của thế kỷ 20 tính từ năm 1960, số lượng vụ khởi kiện dân sự ra toà liên bang Hoa Kỳ đã tăng gấp ba. Ước tính tổng số vụ kiện mỗi năm được đưa ra trước toà ở Hoa Kỳ là 30 triệu.[2]

Hoa Kỳ đã xây dựng được cơ sở nền tảng về pháp lý hết sức đồ sộ, và luôn sẵn sàng cho những vấn đề mới, trong đó có khoa học và công nghệ. Quốc hội Hoa Kỳ đã xây dựng thành công một số đạo luật quan trọng về công nghệ, và hiện đang tiến hành nhiều phiên điều trần các CEO tập đoàn công nghệ lớn để xây dựng đạo luật quản lý trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội v.vv…  

Sự đảm bảo về mặt pháp lý là đặc biệt quan trọng đối với NĐT Hoa Kỳ. Đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, tư vấn của luật sư đóng vai trò chủ chốt ngay từ những bước đầu tiên, vì vậy để làm việc với các NĐT Hoa Kỳ sẽ cần đảm bảo tính pháp lý ngay từ ban đầu.

2.2 Việt Nam đảm bảo khung pháp lý, thu hút đầu tư công nghệ          

Trong lĩnh vực công nghệ, Hoa Kỳ luôn đặc biệt quan tâm đến các quy định về bảo vệ bản quyền trí tuệ, đáp ứng được yêu cầu bảo mật, bảo hộ công nghệ (tránh để mất công nghệ vào tay đối thủ là Trung Quốc).

Để duy trì môi trường đầu tư cạnh tranh lành mạnh, được pháp luật sở tại bảo vệ, Việt Nam cần ngăn chặn được gian lận trong thương mại, nỗ lực bảo vệ bản quyền trí tuệ. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan dùng thuật ngữ "vườn nhỏ rào cao" để nói rằng trong một số lĩnh vực công nghệ hẹp, cần phải dựng những bức tường bảo hộ chặt chẽ và kín đáo.[3]

Việt Nam đã có Bộ Luật Đầu Tư 2020 điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các bên tham gia ở mọi lĩnh vực. Việt Nam và Hoa Kỳ đã có Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) 2000. Tuy nhiên, hiệp định này đã ký từ cách đây hai thập kỷ trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ mới khai thông quan hệ, vì vậy có thể sẽ không còn đáp ứng được đầy đủ trong bối cảnh phát triển công nghệ hiện nay. Có thể về lâu dài, cần ký hoặc sửa đổi Hiệp định BTA theo hướng bảo vệ công nghệ cốt lõi, những lợi ích của Hoa Kỳ trong vấn đề này trước cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam cần xác định rõ để gia tăng cơ hội phát triển đất nước, việc này có thể cần tham khảo các nước Singapore, Đài Loan, Malaysia, Châu Âu…

2.3 Hệ thống chính sách đảm bảo cạnh tranh lành mạnh

Khi chọn địa điểm đầu tư, NĐT Hoa Kỳ luôn nghiên cứu kỹ khung pháp lý và tình hình quản lý của nước sở tại. Cơ hội này đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, và đòi hỏi sự chuyển mình từ cấp trung ương trong quản lý nhà nước, hệ thống pháp luật, đến vai trò của luật sư. Một khi hành lang pháp lý đáp ứng được những đòi hỏi của NĐT và chính phủ Hoa Kỳ, các NĐT Hoa Kỳ sẽ yên tâm đầu tư hơn.

Trong quản lý nhà nước, đây là thời điểm Việt Nam cần giải quyết các vấn đề như: Thay đổi chính sách ưu đãi cho các ngành công nghệ mới nổi và đơn giản hóa thủ tục hành chính, gia tăng sự minh bạch, quản lý có hệ thống. Để thu hút NĐT Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI này, Việt Nam cần cho thấy: 1) Việt Nam có hệ thống pháp luật đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, và ổn định; 2) Thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn; 3) Loại bỏ được tình trạng tham nhũng vặt, tham nhũng lợi ích, gây nhũng nhiễu cho NĐT.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có bước đột phá mà khả thi nhất là thiết lập cơ chế đặc biệt cho tiếp nhận đầu tư công nghệ cao, như là kênh xử lý nhanh, hoặc thành lập một uỷ ban trong Chính phủ để có thể giải quyết nhanh những vấn đề chưa được quy định trong pháp luật, hoặc chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, nhưng có lợi cho nền kinh tế nước ta.

2.4 Dịch vụ pháp lý

Đi kèm với cơ hội tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, là những nhu cầu rất lớn về các loại dịch vụ pháp lý thời kỳ bùng nổ làn sóng đầu tư. Khi NĐT Hoa Kỳ mang theo quy trình sản xuất và công nghệ, luật pháp của đất nước sở tại rất quan trọng.

Hiện nay, khi NĐT Hoa Kỳ vào Việt Nam, họ sẽ cần sự tư vấn từ các công ty luật có nhiều kinh nghiệm. Những lĩnh vực trong công nghệ mới nổi đòi hỏi sự hiểu biết cả về công nghệ và pháp lý, và rất cần được trau dồi thêm. Đội ngũ luật gia, luật sư Việt Nam luôn cần được tham gia những khoá đào tạo phù hợp nhằm nâng cao năng lực, cập nhật không chỉ luật pháp Việt Nam mà cả của các nước tiên tiến, luật pháp quốc tế để tư vấn cho các NĐT cũng như chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp luật. Từ đó, Việt Nam sẽ có thêm nhiều công ty luật danh tiếng cung cấp dịch vụ pháp lý đầy đủ và hữu hiệu cho các NĐT.

2.5 Đào tạo nhân lực pháp lý cao cấp

Đề án phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam không thể thiếu nguồn nhân lực cao về tư pháp, pháp lý, chính sách. Hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam cần được đổi mới để đào tạo ra nhân sự cấp cao.  

Việt Nam cần sớm đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao để tận dụng được mối quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ- và để Hoa Kỳ đạt được những kết quả nhanh chóng mà các tập đoàn Hoa Kỳ mong đợi. Về ngắn hạn, Việt Nam cần xem xét sửa đổi luật để cho phép nhân lực cao nước ngoài vào làm việc, và xây dựng cơ chế quản lý riêng cho lĩnh vực công nghệ cao để kịp đón nhận được làn sóng đầu tư.  

Trong nỗ lực đổi mới công nghiệp hoá đất nước đón nhận đầu tư công nghệ từ Hoa Kỳ, Việt Nam cần đổi mới trong đào tạo về luật. Trong quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ, mối liên kết trong giáo dục là một lĩnh vực hợp tác có ý nghĩa sâu rộng, và đã được bắt đầu từ lâu. Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước đã nhấn mạnh hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những trọng tâm của quan hệ song phương. Trong khuôn khổ này, phía Việt Nam có thể chủ động đặt vấn đề phía Hoa Kỳ hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao về ngành luật, theo nội dung phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, chuyên ngành về công nghệ cao. Những chương trình liên kết hoặc hỗ trợ trong đào tạo pháp luật cũng sẽ mang lại hiệu quả.

Như vậy, cơ hội đang mở ra cho tương lai công nghiệp chế tạo của Việt Nam. Bối cảnh cũng đòi hỏi cơ chế, chính sách của Việt Nam đồng bộ, đầy đủ, chi tiết, bám sát thực tế, và điều chỉnh chính sách phù hợp, theo thông lệ quốc tế. Bước tiến trong quan hệ Việt-Hoa Kỳ vừa qua cho thấy sự sáng suốt của Đảng và nhà nước, sự linh hoạt nắm bắt thời cơ của thời đại. Song song với thiết lập kênh nhanh chóng, Việt Nam cần có kế hoạch cấp tốc đào tạo kỹ sư công nghệ và nhân sự pháp lý cao cấp ngay. Nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề cho đội ngũ pháp lý. Việt Nam hướng tới có nhiều nhân sự pháp lý cao cấp, được trang bị trị thức, cập nhật đầy đủ thông tin, nắm vững hệ thống quy chuẩn của bang và liên bang Hoa Kỳ để theo đúng luật lệ.

*  Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

1. Sách:

- Miller, Chris. (2022). Chip War: The Fight for the World’s Most Critical Technology, Scribner.

- Garry, P.M. (1997). America’s Litigation Obsession. In: A Nation of Adversaries. Springer, Boston, MA.

2. Văn kiện và bài phát biểu:

- Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ về nâng cấp. quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, 11/9/2023.

- Sullivan, Jake. (13/10/2022). “Remarks by National Security Advisor on the Biden-Harris Administration’s National Security Strategy”, White House.

3. Báo cáo:

- Bateman, Jon. (2022). U.S.-China Technological “De-coupling”, Carnegie Endowment for International Peace.

- Task Force on US-China Policy, (2022) China’s New Direction: Challenges and Opportunities for US Policy, Asia Society.

[1] Bateman, Jon. (2022).

[2] Garry, P.M. (1997).

[3] Sullivan, Jake. (13/10/2022).

Ảnh: Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam 

BÙI THỊ PHƯƠNG LAN, PH.D*