Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm về thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất

Chiều ngày 19/8, làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về chuẩn bị dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh “Đây là cơ hội rất lớn để sửa đổi luật, nhất là luật quan trọng như Luật Đất đai, nên phải tạo ra những chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên đặc biệt quan trọng này”.

Buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Bộ Tài nguyên – Môi trường cùng các cơ quan liên quan của Quốc hội, các Bộ, ngành nhằm xem xét những định hướng lớn trong việc sửa đổi Luật Đất đai, tiếp tục hiện thực hóa quyết tâm của Quốc hội nâng cao chất lượng lập pháp bằng việc vào cuộc từ sớm, từ xa, chủ động đồng hành sát sao với Chính phủ trong nâng cao chất lượng luật, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, việc quản lý, sử dụng các nguồn lực (gồm nhân lực, vật lực, tài lực), trong đó công tác quản lý, sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Việt Nam có diện tích tự nhiên đứng thứ 59 trên thế giới nhưng do dân số đông nên diện tích bình quân đầu người rất thấp, chỉ bằng 1/5 mức bình quân đầu người của thế giới. Chính vì vậy, đất đai là “nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng của quốc gia”. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Hệ thống pháp luật về đất đai hiện nay, đã khá đồng bộ, tương đối đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời, góp phần phát huy vai trò nguồn lực đất đai làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai như: quản lý nhà nước về đất đai còn một số bất cập, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; nguồn lực về đất đai chưa phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng suy thoái đất đai diễn ra dưới tác động của con người và biến đổi khí hậu. Những tồn tại, hạn chế này có nguyên nhân như hệ thống pháp luật còn một số bất cập, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp diễn biến thực tế và yêu cầu phát triển của đất nước. Cùng với đó còn có cả nguyên nhân việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai chưa hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Đất đai giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi tác động rất rộng, tính chất phức tạp và rất khó, rất chuyên sâu. Trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19 cũng đã cho thấy có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo trong các luật chuyên ngành với Luật Đất đai, một số nội dung đã lạc hậu, nhiều vấn đề mới cũng đã phát sinh cần được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV. Ban soạn thảo cần tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, lắng nghe càng nhiều càng tốt các ý kiến của các Bộ, ngành Ủy ban, các chuyên gia và các tỉnh, thành phố, càng chuyên sâu, kỹ thuật càng phải cầu thị, lắng nghe và tiếp thu.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu “các nội dung đề xuất sửa đổi phải trên cơ sở tổng kết khách quan, toàn diện việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013. Việc sửa đổi luật phải “thật chín”, vừa kịp thời xử lý những vướng mắc đang đặt ra vừa bảo đảm hệ thống pháp luật về đất đai có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn. “Quan trọng nhất là nội hàm của các nhóm chính sách đề xuất sửa đổi như thế nào để tạo chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng đất đai sau khi sửa đổi luật. Tinh thần là tập trung sửa những vấn đề đã rõ, đã chín muồi, những vấn đề chưa đủ rõ thì có thể thí điểm” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

“Đặc biệt là phải có giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, chuyển sang nền hành chính phục vụ hiện đại, lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm về thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch và lành mạnh, giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người được Nhà nước giao đất nông nghiệp; đảm bảo đời sống việc làm cho người bị thu hồi đất”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu - Ảnh: Đăng Linh

KIM DUNG