Luật Các tổ chức tín dụng có các quy định ngăn ngừa tình trạng thao túng hoạt động tại tổ chức tín dụng
Nhiều vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng gần đây khiến người dân quan tâm đến Luật Các tổ chức tín dụng, không biết Luật có đủ các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng thao túng ngân hàng hay không?
Luật các Tổ chức tín dụng thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV đã được Chủ tịch nước công bố, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn cho biết, Luật được kết cấu gồm 15 Chương 210 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Luật các Tổ chức tín dụng đã bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại; tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp chiến lược phát triển ngành Ngân hàng.
Luật các Tổ chức tín dụng quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn
Để nâng cao năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn tại tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho biết, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, của nhóm cổ đông và người có liên quan; quy định lộ trình 05 năm giảm dần giới hạn cấp tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan; bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên, thông tin về người có liên quan của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng.
Luật các Tổ chức tín dụng cũng bổ sung các quy định để bảo đảm quyền của cổ đông thiểu số; luật hóa và bổ sung tại Luật một số quy định về vốn và sử dụng vốn của tổ chức tín dụng, nguyên tắc ghi nhận doanh thu, chi phí…; sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành cũng như nâng cao tính độc lập, vai trò của thành viên Hội đồng quản trị độc lập; thành viên Ban kiểm soát; tăng số lượng tối thiểu thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại, tăng cường trách nhiệm của Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng; bổ sung các quy định tăng cường vai trò của ngân hàng hợp tác xã trong việc hỗ trợ quỹ tín dụng nhân dân…
Bên cạnh đó, để phù hợp với định hướng chung của Đảng, Nhà nước trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, Luật các Tổ chức tín dụng hợp nhất Giấy phép thành lập, hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện ở trong nước của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện. Việc hợp nhất các Giấy phép và thủ tục này nhằm giảm bớt thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn cho biết thêm, Luật các Tổ chức tín dụng đã luật hóa một số quy định mang tính nguyên tắc hiện đang được quy định tại Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngân hàng chính sách như: quy định về thành lập và hoạt động của ngân hàng chính sách, quy định về chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu nhà nước, vốn điều lệ, cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng chính sách… Đối với các nội dung cụ thể, Luật giao Chính phủ quy định để đảm bảo phù hợp với tính chất, mô hình hoạt động của từng ngân hàng chính sách.
Luật các Tổ chức tín dụng cũng bổ sung điều khoản chuyển tiếp cho những quy định được sửa đổi, bổ sung tại Luật, qua đó hạn chế tác động lớn tới thị trường khi Luật có hiệu lực.
Từ góc nhìn của chuyên gia, theo báo Đầu tư, tác động nhạy cảm nhất của Luật tới hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, có thể kể đến nhóm quy định về giới hạn sở hữu cổ phần. Cụ thể, một cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% (như quy định tại luật hiện hành), một tổ chức không sở hữu vượt quá 10% (hiện nay là 15%) và một nhóm cổ đông liên quan không sở hữu vượt quá 15% (hiện nay là 20%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
Thay đổi này không áp dụng hồi tố, trong đó các cổ đông vượt quá giới hạn có thể duy trì quyền sở hữu hiện tại và giảm dần về giới hạn theo lộ trình đến năm 2029.
Luật cũng mở rộng khái niệm người có liên quan của công ty, tổ chức tín dụng đến công ty con của công ty con, công ty mẹ của công ty mẹ và người có liên quan của cá nhân đến tất cả thành viên gia đình thuộc 3 thế hệ, cả bên nội và bên ngoại.
Khi các quy định trên được tuân thủ nghiêm, kỳ vọng sẽ hạn chế đáng kể khả năng một nhóm cổ đông tìm cách sở hữu đa số cổ phần, từ đó góp phần giảm thiểu hệ lụy của vấn đề sở hữu chéo, thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng (như trường hợp tại Ngân hàng SCB).
Cũng sẽ có tác động rất lớn đến hệ thống các tổ chức tín dụng là nhóm quy định mới về hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng, nhóm người có liên quan. Cụ thể, giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và một nhóm khách hàng được điều chỉnh giảm dần từ mức 15% (với một khách hàng) và 25% (với một nhóm khách hàng liên quan) vốn tự có của tổ chức tín dụng hiện nay xuống còn 10% và 15% theo lộ trình đến đầu năm 2029. Với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tỷ lệ này giảm từ 25% và 50% vốn tự có xuống còn 15% và 25% đến năm 2029.
Thay đổi này nhằm giúp giảm rủi ro tập trung tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tác động không mong muốn có thể là gây khó khăn về tiếp cận vốn đối với một số doanh nghiệp lớn có nhu cầu vay vốn nhiều (dù đã có lộ trình giảm).
Theo đó, để giảm thiểu khó khăn trên, đòi hỏi phải phát triển cân bằng hơn thị trường tài chính, nhất là thị trường cổ phiếu và trái phiếu để doanh nghiệp có thể huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn từ kênh này, giảm phụ thuộc thái quá vào hệ thống ngân hàng như hiện nay.
Luật có đủ các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng thao túng ngân hàng- Ảnh: PV
Bài liên quan
-
KienlongBank ra mắt Ngân hàng số X-Digi: Cách mạng hóa hành trình dịch vụ khách hàng
-
“Bẫy” lừa đảo tuyển dụng – Ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo
-
Phòng chống tham nhũng và tội phạm trong ngành Ngân hàng - Vấn đề đáng quan tâm hiện nay
-
Công ty TNHH GREENITY Hà Nội thương hiệu uy tín - sản phẩm chất lượng - dịch vụ tin dùng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận