Lương Văn H đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS

Sau khi nghiên cứu bài "Lương Văn H có phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?" của các tác giả Đỗ Ngọc Bình - Nguyễn Bá Nhất đăng ngày 07/11/2023, tôi cho rằng Lương Văn H đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS.

Theo nội dung vụ án, thông qua mạng xã hội Facebook H nhờ người làm giả được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CY 238915 với giá 8 triệu đồng, H đã sử dụng giấy chứng nhận giả này 02 lần: Lần 1 sử dụng ngày 08/02/2022 dùng để thế chấp vay của chị Nguyễn Thị V 300 triệu đồng; Lần 2 sử dụng khi hết thời hạn vay H không có khả năng trả nợ nên chuyển nhượng lại thửa đất nói trên, để khấu trừ nợ.

Khách thể của tội này là hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính cơ quan Nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác. Bảo vệ sự an toàn của con dấu và các tài liệu, giấy tờ trên cũng chính là bảo đảm sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính của Nhà nước về con dấu và các loại tài liệu, giấy tờ này. Đối tượng tác động của tội phạm này là con dấu giả, tài liệu giả, giấy tờ giả. Và hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành cơ bản của phạm tội này, tức là người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân là tội phạm đã hoàn thành.

Cho nên, hành vi H sử dụng giấy chứng nhận giả quyền sử dụng đất giả để thế chấp vay tiền và để bán cho chị V là trái pháp luật. Hành vi của H phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 BLHS năm 2015. Ngoài ra, H bị áp dụng định khung tăng nặng theo điểm b khoản 2 Điều 341 BLHS khi rơi vào trường hợp: phạm tội từ 02 lần trở lên (có nghĩa là đã thực hiện hành vi sử dụng giấy chứng nhận giả quyền sử dụng đất giả từ 02 lần trở lên).

Để xem xét Lương Văn H có phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không, cùng phân tích các vấn đề sau:

Thứ nhất, H đã có hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật, tự nguyện trao tài sản cho người phạm tội. H là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức được việc đưa ra thông tin không đúng sự thật để người khác tin tưởng đưa tài sản cho bị cáo để bị cáo chiếm đoạt là vi phạm pháp luật, nhưng vì động cơ vụ lợi cá nhân, bị cáo đã bất chấp pháp luật, đưa ra GCNQSDĐ giả và không nói với bị hại là bản gốc đã được bố của Lương Văn H giữ để bị hại tin tưởng thế chấp GCNQSDĐ giả số CY 238915 để bị cáo vay của bị hại V. H đưa ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để thế chấp. Hành vi này thể hiện là hành động có chủ đích của H, được thực hiện bằng lời nói, hành động nhằm cung cấp thông tin sai lệch khiến chị V tin thật và cho H vay tiền.

Thứ hai, H đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đối với chị V. Hành vi chiếm đoạt tài sản là việc H  dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để thế chấp vay tiền bị hại một cách trái pháp luật. Khi H nhận số tiền vay 300 triệu đồng và dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CY 238915 (giả) thế chấp thì được chị L là lúc H đã làm chủ được tài sản đó trên thực tế và cũng là lúc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được coi là hoàn thành. Sau đó, khi hết thời hạn vay H không có khả năng trả nợ nên dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả chuyển nhượng lại thửa đất nói trên, để khấu trừ nợ.

Như vậy, hành vi của Lương Văn H đã cấu thành tội phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS.

 

*Tòa án Quân sự Quân khu 4

Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh  xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức- Ảnh: Phạm Văn Triết

 

 

NGUYỄN PHI HÙNG*