Mất việc làm khiến gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.

Chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV được tiến hành trong thời gian 2,5 ngày, từ sáng 6/6 đến hết sáng 8/6. Mở đầu phiên chất vấn ngày 6/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề, trong đó có giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng

Tại Báo cáo về các nhóm vấn đề trả lời chất vấn gửi đến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định Bộ đã xác định hướng giải quyết kịp thời trong một số vụ việc doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, qua đó bảo vệ quyền lợi đối với người lao động. 

Về vấn đề giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, tính đến hết tháng 5/2023, số người tham gia BHXH khoảng 17,47 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 15,99 triệu người, chiếm 34,28% lực lượng lao động trong độ tuổi tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,48 triệu người, chiếm 3,15% lực lượng lao động trong độ tuổi giảm 0,47% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong năm 2022, cơ quan BHXH đã tiếp nhận và giải quyết: 108.534 hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu tăng 1,37% so với năm 2021, 997.470 hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần tăng 3,55% so với năm 2021, 11,73 triệu hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Về thực trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu BHXH. Trong đó, có khoảng 26.670 đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 206.468 người lao động.

Phát biểu tranh luận với ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về việc chậm xử lý nợ đóng bảo hiểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa,  (Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng không thể nói rằng không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự một số trường hợp trốn đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho người lao động. Đại biểu đề nghị Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan điều tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào cuộc, xem xét trách nhiệm cơ quan giám sát.

 

Về vấn đề liên quan đến chủ hộ kinh doanh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội có thu sai với một tỷ lệ không nhỏ các chủ hộ kinh doanh cá thể. Đây không phải là đối tượng được quy định đóng bảo hiểm bắt buộc. Việc thu sai này đã diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016. Bộ trưởng nêu rõ, Bộ đã chấn chỉnh Bảo hiểm xã hội, về cơ bản, vấn đề này đã được giải quyết. 

Bộ trưởng cho biết, đây là nội dung chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, do đó, cần đánh giá rất cụ thể, tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, Bộ trưởng cho rằng "cần đặt lợi ích của người lao động, của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và xử lý theo quy định". 

Giải pháp lâu dài

Báo cáo nêu rõ, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - thế giới có nhiều sự bất ổn, bước vào thời kỳ suy thoái, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, phải cho người lao động nghỉ việc, ngừng việc do thiếu đơn hàng, khó khăn tài chính. Ngoài ra, cơ quan BHXH chưa xác định, quản lý được hết đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội. Một số địa phương triển khai các giải pháp đôn đốc thu chưa quyết liệt, hiệu quả dẫn đến chậm đóng, trốn đóng kéo dài.

Trước thực tế này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để giải quyết kịp thời chế độ BHXH cho người lao động, Bộ đã có văn bản chỉ đạo BHXH Việt Nam với nguyên tắc thu BHXH đến đâu, ghi nhận đến đó và giải quyết kịp thời quyền lợi đối với 206.400 người lao động nêu trên. Theo đó, xem xét, giải quyết hưởng các chế độ BHXH đối với người đủ điều kiện (lương hưu hàng tháng, BHXH một lần,...) và các trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng các chế độ BHXH thì xác nhận thời gian đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới.

Giải pháp lâu dài, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trên cơ sở ý kiến tham gia góp ý từ các Bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân, Bộ đang tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều chế tài, biện pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Số người giải quyết hưởng BHXH một lần tăng 3,55% trong năm 2022

Tại báo cáo này, dẫn số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng BHXH một lần là 997.470 người (tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong giai đoạn 2016 - 2022, cơ quan BHXH tại các tỉnh, thành phố đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người (chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hưởng BHXH một lần

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hưởng BHXH một lần, trong đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn. Hầu hết lao động trẻ có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.

Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.

Thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến chưa thực hiện tốt việc duy trì việc làm cho người lao động (hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề để chuyển đổi nghề nghiệp). Đồng thời, một số quy định, chính sách còn chưa thật phù hợp, hấp dẫn.

Để hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội…

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân nói chung và người tham gia BHXH nói riêng. Đặc biệt, tăng cường công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH thông qua đẩy mạnh cải cách tinh gọn bộ máy tổ chức thực hiện, nâng cao tính hiệu quả trong thực thi chính sách; sửa đổi quy định chính sách nhằm phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động tham gia BHXH.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nội dung chất nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội đã  nếu rõ, Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội. Đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. 

CAO THANH LOAN