Một số bất cập của Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Trước tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, hình phạt tử hình đã cho thấy vai trò và tầm quan trọng trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm. Mặc dù chế định hình phạt tử hình đã ngày càng được hoàn thiện, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập cần khắc phục.

Thời hạn ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị

Về thời hạn ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị bản án tử hình của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC theo Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015.

Điểm b, c khoản 1 Điều 367 BLTTHS 2015 quy định:

“… b) Sau khi đã xem xét hồ sơ vụ án để quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Tòa án nhân dân tối cao phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao;

c) Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm;”

Quy định như vậy dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và áp dụng không thống nhất về thời hạn ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị.

Quan điểm thứ nhất, trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày TANDTC nhận được hồ sơ lần đầu thì Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trong trường hợp này, sau khi xem xét hồ sơ vụ án, TANDTC phải chuyển hồ sơ vụ án cho VKSNDTC. Tuy nhiên, điều luật không quy định thời hạn xem xét hồ sơ của TANDTC là bao lâu mà lại quy định thời hạn xem xét hồ sơ của VKSNDTC là 01 tháng. Như vậy, nếu trên thực tế thời hạn xem xét hồ sơ của Tòa án nhiều hơn 01 tháng thì thời hạn xem xét hồ sơ của Viện kiểm sát sẽ ít hơn 01 tháng (không đảm bảo thời gian xem xét hồ sơ của Viện kiểm sát).

Quan điểm thứ hai, trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày TANDTC nhận lại hồ sơ từ VKSNDTC thì Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Theo quan điểm này, thời hạn xem xét hồ sơ của Tòa án trước khi chuyển cho Viện kiểm sát tùy vào tính chất phức tạp của vụ án (không quy định thời hạn). Thời hạn xem xét hồ sơ của Viện kiểm sát là 01 tháng kể từ khi nhận hồ sơ từ Tòa án cộng với 02 tháng kể từ khi trả hồ sơ cho Tòa án. Như vậy, Viện kiểm sát có 03 tháng để xem xét hồ sơ và ra quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị.

Quan điểm thứ ba, trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ. Nghĩa là, đối với Tòa án, trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ lần đầu, còn đối với Viện kiểm sát, trong thời hạn 02 tháng kể từ khi nhận hồ sơ từ Tòa án chuyển sang. Như vậy, thời điểm ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị có thể kéo dài đến 04 tháng.

Thời điểm người bị kết án tử hình gửi đơn xin ân giảm

Về thời điểm người bị kết án tử hình gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Điểm d, đ khoản 1 Điều 367 BLTTHS 2015 quy định:

“… d) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước;

đ) Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình.”

Hiện nay, có hai quan điểm khác nhau về thời điểm người bị kết án gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, thời điểm người bị kết án gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước là trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị hoặc sau khi tuyên bản án phúc thẩm). Nghĩa là, người bị kết án có quyền gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mà không cần biết bản án có bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hay không.

Quan điểm thứ hai cho rằng, thời điểm gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước là ngay sau khi có thông báo của TANDTC về quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình của Hội đồng giám đốc thẩm hoặc Hội đồng tái thẩm TANDTC.

Theo tôi, quan điểm thứ nhất hợp lý hơn. Bởi lẽ, đây được coi là quyền cuối cùng của người bị kết án tử hình, sau khi bản án có hiệu lực, họ có quyền thể hiện ngay quyền được ân giảm, quyền được sống của mình mà không phụ thuộc vào việc bản án có bị kháng nghị hay không. Hơn nữa, kháng nghị là hành vi của người có thẩm quyền đại diện cho cơ quan Nhà nước với mục đích bảo đảm cho việc xét xử được chính xác, công bằng, đồng thời sửa chữa những thiếu xót, sai lầm trong xét xử.

Kiến nghị

Để thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, theo tôi, nên sửa Điều 367 BLTTHS 2015 như sau:

“Điều 367. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành

1. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được thực hiện:

a) Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bản án phải được gửi ngay cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Trong thời hạn 01 tháng, Tòa án nhân dân tối cao tiến hành xem xét hồ sơ vụ án để quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, sau đó phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao;

c) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Tòa án nhân dân tối cao nhận lại hồ sơ vụ án từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm;

d) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước;

đ) Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết và làm tờ trình gửi Chủ tịch nước đề nghị bát đơn xin ân giảm của người bị kết án;

e) Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.

2. Khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.”

Trên đây là một số vướng mắc, bất cập từ thực tiễn áp dụng 367 BLTTHS 2015, để việc áp dụng điều luật thật sự chính xác và hiệu quả, rất mong các đồng nghiệp và bạn đọc góp ý kiến trao đổi thêm, góp phần phát huy hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. 

* Tòa án quân sự Quân khu 5

TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên phạt 4 án tử hình trong vụ án vận chuyển gần 1 tạ ma túy từ Hà Lan về Việt Nam - Ảnh: Báo BVPL

 

TRƯƠNG ĐỨC DUY