Một số bất cập và đề nghị hoàn thiện pháp luật tố tụng hành chính
Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu một trong những số bất cập lớn nhất trong quá trình thực hiện Luật TTHC, là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, phát sinh nhiều án quá hạn, điển hình là quy định về Thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, Tòa án cấp tỉnh tại Điều 31, Điều 32, về người đại diện, quy định tại Điều 60 Luật TTHC và một số ý kiến đề xuất, với mong muốn góp phần trong việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật.
Luật Tố tụng Hành chính (TTHC) năm 2015, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016 (trừ một số điều luật có hiệu lực 01/01/2017) là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về TTHC của nước ta. Tuy nhiên qua hơn 03 năm thực hiện thì việc giải quyết các vụ án hành chính của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và cả những người tham gia tố tụng gặp không ít khó khăn bởi một số quy định của luật chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn về cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.
1.Vướng mắc, bất cập
Thứ nhất – Thẩm quyền của Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh
Khoản 01 Điều 31 Luật TTHS quy định: “Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: 1.Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.”…
Khoản 4 Điều 34, quy định: “Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: 4. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.”…
Như vậy, so với Luật TTHC trước đây thì Luật TTHC 2015 giảm thẩm quyền của TAND cấp huyện, TAND cấp huyện không còn thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện về hành vi hành chính và Quyết định hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện, mà thẩm quyền giải quyết thuộc về TAND cấp tỉnh.
Chính vì sự thay đổi thẩm quyền này mà dẫn đến nhiều khó khăn, trở ngại trong việc giải quyết vụ án của hành chính, cụ thể như sau:
Nếu như trước đây khi Tòa án cấp huyện thụ lý một vụ kiện, Tòa án triệu tập Chủ tịch hoặc người đại diện của lãnh đạo UBND huyện đến đối thoại, tham gia tố tụng, thì bên bị kiện chỉ cần sắp xếp thời gian tối đa trong một buổi làm việc thì có thể tham gia tố tụng, nhưng khi thẩm quyền thuộc TAND tỉnh thì mỗi lần đương sự tham gia tố tụng cũng phải tốn thời gian ít nhất là 01 ngày làm việc ( vì khoảng cách địa lý từ các huyện đến trung tâm tỉnh nhiều nơi trên 100km), tương tự như vậy việc xem xét thẩm định, việc tống đạt, giao văn bản tố tụng của Tòa án cũng tốn nhiều thời gian. Cũng chính vì việc tốn nhiều thời gian như vậy mà Chủ tịch UBND cũng như người đại diện của UBND cấp huyện rất khó khăn trong việc tham gia tố tụng tại Tòa án và mỗi vụ án hành chính Toà án phải triệu tập rất nhiều lần mới có thể đưa vụ án ra xét xử được, từ đó dẫn đến việc giải quyết một vụ án hành chính hầu hết bị kéo dài, phát sinh nhiều vụ án quá hạn luật định.
Ngoài ra, cũng từ nguyên nhân quy định về thẩm quyền của Luật TTHC mà những tranh chấp dân sự (ví dụ: tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu huỷ giấy chứng nhận QSDĐ…), lẽ ra chỉ cần Tòa án cấp huyện giải quyết, nhưng từ khi luật TTHC có hiệu lực thi hành thì TAND tỉnh phải thụ lý giải quyết. Do tại khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, cụ thể: “Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”. Từ đó, những vụ tranh chấp dân sự có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định cá biệt khác thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh, do vậy việc giải quyết tranh chấp trong những trường hợp này cũng tốn nhiều thời gian, tốn kém về chi phí trong quá trình giải quyết vụ án tương tự các vụ khiếu kiện hành chính.
Thứ hai- Vấn đề người đại diện:
Tại khoản 4 Điều 60 Luật TTHC, quy định: “… Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện…”
Thực tiễn áp dụng quy định mới này của luật tố tụng hành chính, Tòa án cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính là do lãnh đạo UBND bận nhiều việc trong công tác chỉ đạo điều hành ở địa phương nên rất nhiều phiên đối thoại, phiên tòa hành chính phải hoãn nhiều lần, nhiều phiên đối thoại người dân bức xúc gây rối, xúc phạm Tòa án, bởi đến Tòa nhiều lần mà không có mặt của người đại diện UBND.
Do một số bất cập và trở ngại như trên, bên cạnh sự thiếu kịp thời trong công tác biên chế tổ chức của hệ thống Tòa án và sự biến động của của sự phát triển kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay, dẫn đến 03 năm qua việc giải quyết án Hành chính của Tòa án cấp tỉnh hàng năm chỉ đạt khoảng 50% , thậm chí có Tòa án cấp tỉnh giải quyết chưa đạt 40% số án thụ lý ( theo báo cáo của TANDTC tại phiên họp UBTP thẩm định báo cáo của Chánh án TANDTC thì tỷ lệ giải quyết án Hành chính toàn hệ thống Toà án năm 2019 chỉ đạt 53,06%). Do ảnh hưởng của Luật TTHS, các tranh chấp dân sự của nhiều Tòa án cấp tỉnh việc giải quyết cũng đạt tỷ lệ thấp, phát sinh nhiều vụ án quá hạn luật định, phát sinh nhiều khiếu nại do việc giải quyết vụ án kéo dài, làm mất lòng tin trong nhân dân.
2. Một số đề xuất
Để góp phần tháo gỡ những bất cập như trên đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ của cả hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước…, tuy nhiên riêng về mặt lập pháp theo tôi, các cơ quan chức năng cần sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Tố tụng hành chính theo hướng:
-Về Thẩm quyền của Tòa án: Giao thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện giải quyết xét xử các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án. Có như vậy thì việc giải quyết, xét xử các vụ án hành chính và các tranh chấp dân sự đở tốn thời gian, kịp thời, tạo thuận lợi cho người dân, hạn chế án quá hạn luật định và phù hợp với xu thế tăng thẩm quyền cho cấp huyện theo tinh thần cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.
-Vấn đề người đại diện: Từ thực tiễn như trên, về người đại diện tham gia vụ án hành chính tôi đề nghị cần sửa luật theo hướng cho phép Chủ tịch UBND được ủy quyền cho thành viên UBND cùng cấp hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND được tham gia tố tụng hành chính với tư cách là người đại diện theo ủy quyền. Tuy nhiên, cũng cần buộc việc ủy quyền cho người được ủy quyền toàn quyền quyết định như người đại diện theo pháp luật, không để trường hợp tại phiên đối thoại hoặc tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền phải đề nghị Toà án cho phép về xin ý kiến của Chủ tịch UBND hoặc xin ý kiến lãnh đạo UBND như thực tế đã xảy ra.
Cùng với sự sửa đổi bổ sung Luật TTHC, cơ quan có thẩm quyền cũng cần khảo sát thực tế, điều chỉnh biên chế tổ chức trong hệ thống Tòa án cho phù hợp xu thế phát triển của đất nước như hiện nay, có như vậy Tòa án mới có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ chính trị “ Về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020”, đã đề ra là: “Mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính. Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án” ./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận