Một số khó khăn, vướng mắc về chế định người bào chữa theo quy định của BLTTHS năm 2015

Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc nhờ người khác bào chữa. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn có những vướng mắc cần tháo gỡ liên quan đến chế định người bào chữa.

Điều 16 BLTTHS năm 2015 quy định người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc nhờ người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này. Đồng thời, BLTTHS năm 2015 cũng đã quy định chế định người bào chữa thành một chương độc lập, gồm 13 Điều (Chương V, từ Điều 72 đến Điều 84) nhằm đề cao địa vị pháp lý của người bào chữa trong tố tụng hình sự, bảo đảm khi nào và ở đâu có việc buộc tội, thì ở đó quyền bào chữa phải được thực hiện và tôn trọng. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn có những vướng mắc cần tháo gỡ liên quan đến chế định người bào chữa.

1.Một số vướng mắc

Thứ nhất, Điều 114 BLTTHS 2015: “Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.” Như vậy, nếu trường hợp người bị bắt yêu cầu phải có người bào chữa tham gia trong quá trình lấy lời khai ban đầu nhưng thời hạn luật quy định chỉ cho phép tối đa là 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do. Đây sẽ trở thành một khó khăn, vướng mắc cho cơ quan tiến hành tố tụng khi vừa thực hiện chức năng nhiệm vụ đồng thời vừa phải đảm bảo quyền được bào chữa của người bị bắt.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 5 Điều 72 “Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau”. Thực tiễn xét xử cho thấy, việc xác định quyền và lợi ích của các bị cáo có đối lập nhau hay không trong nhiều trường hợp không phải dễ dàng, khi mà các bị cáo có mối quan hệ thân thiết như cha mẹ với con cái, vợ đối với chồng, anh chị em đối với nhau nhưng quyền và lợi ích của họ vẫn đối lập nhau. Ví dụ: Trần Văn B là Giám đốc Công ty N công tác tại thành phố Q đã cùng với vợ là Nguyễn Thị C nhiều lần nhận hối lộ của cán bộ dưới quyền và những người khác. Trong quá trình điều tra, Nguyễn Thị C khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và chồng, nhưng Trần Văn B lại không thừa nhận và bác bỏ lời khai của vợ tại Cơ quan điều tra. Khi vụ án được đưa ra xét xử, cả Trần Văn B và Nguyễn Thị C đều nhờ Luật sư A bào chữa. Toà án đã giải thích cho Luật sư A biết quyền và lợi ích của hai bị cáo B và C là đối lập nhau nên không chấp nhận người bào chữa là Luật sư bào chữa cho cả hai bị cáo được.

Vì vậy khi xác định quyền và lợi ích của các bị cáo có đối lập nhau hay không cần phải căn cứ vào nhiều tình tiết của vụ án mà điều quan trọng nhất là đặt ra những giả thiết, nếu gỡ tội cho người này thì có buộc tội cho người khác không? Hoặc nếu giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo này thì có làm tặng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo khác mà mình cùng bào chữa hay không? Hay trong vụ án có đồng phạm, ban đầu các bị cáo thông đồng với nhau về lời khai nhằm trốn tránh trách nhiệm, nên các lời khai thể hiện không có sự mâu thuẩn, đối lập quyền lợi của nhau. Khi các bị can này nhờ cùng một người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, nhưng khi ra phiên tòa, qua xét hỏi của HĐXX thì các bị cáo phản cung, từ chối trách nhiệm, đổ tội cho nhau thì vấn đề người bào cho các bị can đó sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì lúc này, người bào chữa phải bảo vệ quyền và lợi ích của các bị can mà mình đảm nhiệm.

Thứ ba, vấn đề chỉ định người bào chữa đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nhưng đến giai đoạn xét xử đã trên 18 tuổi, vậy có cần có người bào chữa chỉ định tại phiên tòa? Theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017: Trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý đang được thực hiện mà người được trợ giúp pháp lý không còn đáp ứng quy định tại Điều 7 của Luật này thì vụ việc được tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc. Tuy nhiên, trong Luật luật sư năm 2015 của chưa quy định cụ thể vấn đề này? Hay tại thời điểm phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội dưới 18 sau đó, người này bỏ trốn, đến khi bị bắt thì người này đã thành niên thì thực hiện quyền bào chữa trong trường hợp này như thế nào? Hiện nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Thứ tư, trong giai đoạn xét xử, Tòa án thụ lý hồ sơ vụ án và đã gửi các văn bản tố tụng cho người bào chữa theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, người bào chữa lại đề nghị hoãn phiên tòa với lý do chưa nghiên cứu kịp hồ sơ vụ án. Theo quy tại Điều 79 BLTTHS: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia theo quy định của Bộ luật này. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 73 Bộ luật này không quy định cụ thể là phải thông báo cho người bào chữa nghiên cứu hồ sơ vụ án? Theo quan điểm của tôi, Tòa án đã thụ lý hồ sợ vụ án trong thời gian luật định và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử đều gửi cho người bào chữa để thực hiện quyền của mình. Vậy người bào chữa muốn nghiên cứu hồ sơ vụ án phải có trách nhiệm liên hệ với Tòa án để thực hiện quyền và nghĩa vụ.

 Thứ năm, theo quy định tại điểm b, khoản 5 Điều 78 BLTTHS thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ chối việc đăng ký bào chữa khi “Người bị buộc tội thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa từ chối người bào chữa”. Theo tôi, quy định này chưa phù hợp bởi lẽ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các trường hợp chỉ định người bào chữa như người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi (điểm b khoản 1 Điều 76) thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn cho người bào chữa tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho họ.

Tại phiên tòa nếu bị cáo thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 BLTTHS và người đại diện của họ vẫn giữ nguyên ý kiến từ chối người bào chữa thì phải ghi vào biên bản phiên tòa và tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung mà không có sự tham gia của người bào chữa được cử. Nếu chỉ có bị cáo từ chối người bào chữa còn người đại diện của bị cáo không từ chối người bào chữa hoặc ngược lại chỉ có người đại diện của bị cáo từ chối người bào chữa, còn  bị cáo không từ chối người bào chữa, thì tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung, có sự tham gia của người bào chữa đã được cử.

 Thứ sáu, quy định tại khoản 2 và 3 Điều 75 của BLTTHS về thời gian chuyển đơn yêu cầu người bào chữa. Theo quy định trên thì đối với những khu vực đô thị, thời hạn 12 giờ hay 24 giờ thì việc chuyển đơn cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ được thực hiện không mấy khó khăn nhưng đối với những huyện miền núi, hải đảo thì thời hạn trên khó có thể thực hiện được. Ngoài ra, theo quy định của điều luật trên trong trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa trong thời hạn 12 hoặc 24 giờ. Điều này cũng khó thực trên thực tế (ví dụ ở những vùng sâu, vùng xa, hải đảo..). Khi những người này bị nghi thực hiện hành vi phạm tội và bị bắt, tạm giữ, tạm giam thì để thực hiện quyền bào chữa cho họ trong trường hợp này theo đúng quy định và đúng thời hạn là rất khó. Cơ quan tiến hành tố tụng vừa gặp khó khăn về phương tiện đi chuyển, vừa gặp khó khăn về khoảng cách địa lý. Bên cạnh đó việc gặp đúng người đại diện hoặc người thân thích của những người đó đôi khi cũng không hề dễ dàng trong thực tế.

Thứ bảy, theo Điều 76 BLTTHS 2015 quy định về chỉ định người bào chữa: “1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ”… Tuy nhiên, trong thực tế việc chỉ định này đôi khi còn mang tính hình thức, chất lượng không cao. Các đoàn luật sư, trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước hay Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cắt cử đại diện của mình không có sự chọn lọc, trình độ chuyên môn không cao, độ tuổi còn trẻ, kinh nghiêm trong nghề chưa nhiều, mặt khác không thực sự thực hiện hết trách nhiệm của mình trong việc bào chữa.

 Thứ tám, BLTTHS năm 2015 quy định  là ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án thì người bào chữa cũng là chủ thể được quyền thu thập chứng cứ. Khoản 2 Điều 88 BLTTHS năm 2015 quy định: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa”.

Khoản 4 Điều 88 BLTTHS năm 2015 quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tiếp nhận, lập biên bản giao nhận, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do người có thẩm quyền thu thập chứng cứ (trong đó có người bào chữa) cung cấp. Mặc dù, theo quy định tại khoản 2 Điều 81 BLTTHS “Tùy từng gia đoạn tố tụng, khi thu thập được chứng cứ”, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, người bào chữa phải kịp thời giao cho có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án…” Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bào chữa, sau khi thu thập được chứng cứ không cung cấp kịp thời cho cơ quan tiến hành tố tụng, đến khi mở phiên tòa mới cung cấp; hoặc có trường hợp người bào chữa khi thu thập được chứng cứ bất lợi nên gặp bị can, bị cáo chỉ đường cho họ tìm mọi cách đối phó với cơ quan tiến hành tố tụng nhằm quanh co, che giấu hành vi phạm tội của mình gây rất nhiều khó khăn cho CQTHTT.

 Thứ chín, khoản 3 Điều 81 BLTTHS quy định: Trường hợp không thể thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật thì người bào chữa có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu thập. Đây là một trong những quy định tiến bộ của BLTTHS, tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc quy định như hiện nay, thì việc này khó có thể được bảo đảm bởi nó phụ thuộc nhiều vào mặt chủ quan từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Vậy nên, cần quy định rõ hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan đó đối với yêu cầu thu thập chứng cứ, tài liệu của người bào chữa.

 2.Một số giải pháp, đề xuất, kiến nghị

 Về chế định người bào chữa BLTTHS năm 2015 có nhiều điểm mới và tiến bộ hơn so với BLTTHS năm 2003. Tuy nhiên, để thực hiện một cách thống nhất và có hiệu quả thì cơ quan chuyên môn cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể (như hướng dẫn cụ thể về quyền thu thập và cung cấp chứng cứ của người bào chữa; Người bị buộc tội từ chối người bào chữa trong trường hợp cụ thể nào được CQTHTT chấp nhận,  trong trường hợp nào thì CQTHTT từ chối nhằm đảm bảo quyền lợi cho bị can, bị cáo,…) để các CQTHTT, người tiến hành tố tụng áp dụng vào thực tiễn.

Cần quy định về thời hạn đặc thù (dài hơn 12 giờ đối với trường hợp bị bắt, bị tạm giữ, 24 giờ đối với người bị tạm giam) trong việc chuyển đơn cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của đối tượng đối với các địa phương có sự bất lợi về điều kiện tự nhiên (vùng cao, miền núi, hải đảo) và phải được dự liệu và cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn.

Đội ngũ người bào chữa cần phải được phát triển cả về số lượng và chất lượng, bên cạnh đó phải có sự phân bổ đồng đều và hợp lý giữa các khu vực, vùng miền; người bào chữa phải nhận thức và nêu cao hơn nữa trách nhiệm của mình khi tham gia tố tụng và phải bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội trong mọi trường hợp. Xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp; nâng cao nhận thức của cơ quan, người tiến hành tố tụng đối với việc bảo đảm quyền bào chữa và điều kiện vật chất cần thiết cho cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, người tiến hành tố tụng.

Tăng cường các cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của các quy định về bảo đảm quyền bào chữa; có cơ chế xử lý nghiêm các vi phạm về bảo đảm quyền bào chữa; qua đó, góp phần giúp cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm.

Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải làm hết trách nhiệm và thực hiện đúng quy định của BLTTHS, bên cạnh đó cần thay đổi nhận thức chưa đúng của những người tiến hành tố tụng về vai trò, vị trí của người bào chữa trong TTHS. Cần phải nhìn nhận sự tham gia của người bào chữa là yếu tố khách quan để vụ án được giải quyết đúng đắn. Sự có mặt của người bào chữa trong vụ án không gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, họ chỉ bác bỏ việc buộc tội thiếu căn cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, người tiến hành tố tụng cần phải tạo mọi điều kiện cho người bào chữa thực hiện tốt chức năng bào chữa.

Thù lao cho người thực hiện bào chữa chỉ định nói chung và người bào chữa chỉ định đối với người bị buộc tội ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo nói riêng cần được nâng lên mức hợp lý, nhằm động viên khuyến khích người bào chữa thực hiện hết trách nhiệm và quyền mà BLTTHS 2015 cho phép để bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội.

 

Một phiên tòa tại TAND tỉnh Quảng Bình – Ảnh:Báo QB

 

 

 

NGUYỄN TẤT TRÌNH (Tòa án quân sự khu vực 1 quân khu 5)