Xây dựng chế định về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Việc bảo hộ nhãn hiệu là một hoạt động vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo và tăng cường tính cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong môi trường thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết các hiệp định đa phương về sở hữu trí tuệ (sau đây viết tắt là SHTT) như Hiệp định TRIPS, Hiệp định CPTPP, do đó việc xây dựng chế định về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam là rất cần thiết.

Tính đến nay, pháp luật Việt Nam hiện hành mới chỉ có cơ chế bảo hộ đối với các nhãn hiệu nhìn thấy được chứ chưa có quy định hay văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào về vấn đề bảo hộ nhãn hệu mùi. Mặc dù Việt Nam đã có các cam kết về bảo hộ nhãn hiệu. Chính vì vậy, để đảm bảo sự cam kết khi là thành viên của Hiệp định CPTPP nói riêng và sự thống nhất với pháp luật quốc tế nói chung, Việt Nam cần phải kịp thời có những nghiên cứu và đề xuất giải pháp sửa đổi khắc phục những hạn chế của LSHTT, đặc biệt là pháp luật SHTT về nhãn hiệu sao cho phù hợp.

1. Một số kinh nghiệm của pháp luật thế giới nhằm giúp Việt Nam xây dựng và hoàn thiện chế định bảo hộ nhãn hiệu mùi hương

Ứng phó với thực trạng “đạo nhái” mùi hương đang là một thách thức lớn ở Việt Nam hiện nay và để bảo vệ quyền lợi của các thương nhân và doanh nghiệp. Bên cạnh việc ký kết các Điều ước quốc tế về bảo hộ nhãn hiệu và khuyến khích bảo hộ nhãn hiệu mùi hương, chúng ta thực sự cần có một khung pháp lý cụ thể về hoạt động này. 

Có thể rút ra được một số kinh nghiệm về cách các quốc gia khác trên thế giới xây dựng pháp luật liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu mùi hương, qua đó, làm tiền đề cho việc xây dựng và hoàn thiện bộ khung pháp lý về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương của mình. Cụ thể như sau:

Một là, từ việc tham khảo kinh nghiệm từ các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc trong hoạt động bảo hộ nhãn hiệu mùi hương, nhận thấy, Việt Nam cần phải có một cơ chế linh hoạt trong việc lựa chọn hình thức bảo hộ cho nhãn hiệu mùi hương trong những điều kiện bảo hộ riêng biệt và rõ ràng, chẳng hạn như người đăng ký cần phải có bản mô tả mùi hương đính kèm theo một thiết bị lưu trữ mùi gốc để đối chiếu bằng việc sử dụng các công cụ như miếng dán lưu hương, giấy lưu hương,...Việc quy định minh bạch, rõ ràng đối với nhãn hiệu mùi hương như vậy sẽ giúp mùi hương có thể dễ dàng phân biệt được, qua đó góp phần giúp cho việc bảo hộ nhãn hiệu mùi hương được cụ thể hóa và dễ hình dung hơn.

Hai là, một hệ thống tổ chức, cơ quan có khả năng bảo đảm thực thi pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương một cách tối ưu và hiệu quả nhất là điều mà Việt Nam còn thiếu. Thực tiễn pháp luật tại Việt Nam cho thấy, các cơ quan thực thi pháp luật chưa có được một cơ chế pháp luật hoàn thiện đủ để phát huy đúng vai trò của mình. Điển hình rõ nhất là các vụ việc về bảo hộ nhãn hiệu đa số được giải quyết ở các cơ quan hành chính. Các cơ quan hành chính không có đủ chuyên môn cũng như hiểu chi tiết về pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung và pháp luật về nhãn hiệu nói riêng, nên việc giải quyết vụ việc hay áp dụng các chế tài xử phạt sẽ thiếu sự hiệu quả và dễ gây nhầm lẫn. Đây là một vấn đề cần được xem xét kĩ, và ngoài ra cần trả lời được câu hỏi đặt ra là khi một nhãn hiệu mùi hương bị xâm phạm thì biện pháp nào, chế tài như thế nào hay cơ quan nào giải quyết mới là hiệu quả nhất để trừng trị và ngăn chặn được những hành vi xâm phạm nhãn hiệu mùi hương trong tương lai. Thêm vào đó, mùi hương cũng là một đối tượng bảo hộ mang tính thương mại hóa cao, khó tránh khỏi trường hợp có những người sẽ lợi dụng lỗ hổng trong pháp luật bảo hộ nhãn hiệu mùi để làm nhái, thêm bớt thành phần trong sản phẩm mùi hương của mình nhằm mục đích tạo ra mùi hương tương tự như sản phẩm đã được bảo hộ để thu lợi nhuận. Bởi lẽ, mùi hương là một đối tượng bảo hộ có thể nói là rất dễ bị làm nhái, sao chép, xuất phát từ việc mùi hương đến từ cảm nhận, suy nghĩ chủ quan của mỗi người, không thể dễ dàng nhận biết hay phân biệt được như khi chúng ta nhìn vào một bức tranh hay một logo, biển hiệu. Vì vậy, cần lường trước những vấn đề trên khi xây dựng pháp luật để cho ra được một hệ thống quy định thật cụ thể, chi tiết để nâng cao hiệu quả bảo hộ nhãn hiệu mùi hương.

Ba là, cần nâng cao tính hiệu quả hơn nữa trong việc thực thi pháp luật tại các cơ quan bảo đảm thực thi pháp luật ở Việt Nam. Việc bảo hộ rất tốt các nhãn hiệu nói chung và nhãn hiệu mùi hương nói riêng ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc… phần lớn nhờ vào việc các quốc gia này có một cơ chế cụ thể và một sự phân bổ các chức năng, chức vụ rõ ràng trong hệ thống cơ quan cơ nhà nước của mình. Hiện nay, Hoa Kỳ có cơ quan đăng ký nhãn hiệu là USPTO, trong đó có TTAB là Ủy ban chuyên trách giải quyết tranh chấp khiếu nại về nhãn hiệu; Nhật Bản có cơ quan cấp bằng sáng chế JPO và tòa án tối cao về Sở hữu trí tuệ (IP High Court)… để giải quyết tranh chấp nhãn hiệu, thì tại Việt Nam, như đã đề cập ở trên, có rất nhiều cơ quan hành chính nhiều cấp có chức năng và được trao thẩm quyền để giải quyết những vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ nhưng năng lực chuyên môn của chính hệ thống này lại chưa đáp ứng được với đòi hỏi thực tế. Hơn thế nữa, việc các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ được giải quyết ở các cơ quan hành chính sẽ dễ dẫn đến tình trạng các cơ quan hành chính tại Việt Nam gặp quá tải do các cơ hành chính tại Việt Nam phải giải quyết công việc của rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh các cơ quan hành chính thì hiện nay Toà án cũng là một cơ quan giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng giống như các cơ quan hành chính, Toà án không những không phải là cơ quan chuyên môn về Sở hữu trí tuệ hay nhãn hiệu, mà bên cạnh đó còn phải đảm đương việc giải quyết một khối lượng án dân sự riêng không hề nhỏ. Do đó, có thể thấy rằng, Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến Sở hữu trí tuệ nói chung, và áp dụng các chế tài xử phạt, bảo đảm thực thi quyền đối với nhãn hiệu nói riêng. Chính vì thế, Việt Nam nên có một cơ quan, một cơ chế cụ thể hơn để đảm nhận công việc này, vừa giúp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp Sở hữu trí tuệ, vừa giúp giảm tải khối lượng công việc cho các cơ quan hành chính hay Toà án.

Cuối cùng, cần nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của toàn dân, toàn xã hội đối với vấn đề bảo hộ nhãn hiệu mùi hương. Thực tiễn cho thấy ở Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp được tiếp cận với kiến thức cũng như chuyên môn liên quan tới bảo hộ nhãn hiệu mùi hương, qua đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ không thể nắm rõ được những quyền lợi, nghĩa vụ của mình đi kèm với việc bảo hộ nhãn hiệu mùi. Nhãn hiệu mùi hương thật sự vẫn còn là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với hầu hết các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Bởi vậy nên, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa các thông tin liên quan tới pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung và những lợi ích và xu hướng của bảo hộ nhãn hiệu nói riêng, bởi đây đang là một trong các mảng ít thông tin nhất trong hoạt động pháp luật sở hữu trí tuệ. Các nguồn tài nguyên thông tin về sở hữu trí tuệ có tại Việt Nam vẫn còn khó tìm và chưa được phát huy thực sự đầy đủ như ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Úc. Ở các quốc gia này, đi kèm với hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của họ là những thông tin cần thiết, cụ thể về thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu qua đó giúp cho các doanh nghiệp, người đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các nước này có thể dễ dàng tra cứu thông tin, pháp luật cũng như dễ dàng ghi nhớ và hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia nêu trên cũng đã đưa ra các giải pháp khắc phục những khó khăn trong việc đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu mùi, đồng thời phân tích các vấn đề pháp lý cơ bản của từng loại nhãn hiệu. Hiện nay trên thực tế, cơ quan sở hữu trí tuệ của Úc đã có một phòng ban riêng về vấn đề bảo hiểm sở hữu trí tuệ.[1]

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng thực tiễn đang đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng cập nhật, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý hiện hành về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương, trên cơ sở đồng thời xem xét lại các điều ước quốc tế về bảo hộ nhãn hiệu mà Việt Nam đã ký kết. Bởi lẽ, một khi nhãn hiệu được đăng ký quốc tế thì phạm vi bảo hộ sẽ rộng lớn hơn rất nhiều, các nhãn hiệu sẽ có cơ hội được bảo vệ mạnh mẽ hơn. Việt Nam tính tới thời điểm hiện nay đã ký kết các điều ước quốc tế như Công ước Paris, thỏa ước Madrid cho đến hiệp định TRIPS và hiệp định CPTPP, đây có thể coi là những bước tiến đáng kể của nước ta trong quá trình hội nhập. Để trở thành một thành viên uy tín và chủ động, chúng ta cần bổ sung, hoàn thiện pháp luật của riêng mình về sở hữu trí tuệ nói chung và về nhãn hiệu mùi hương nói riêng, nhưng đồng thời cũng không bỏ qua việc chú ý tới sự phù hợp với các quy định tại các cam kết quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia, và không quên phải phản ánh được điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam.

2. Một số kiến nghị nhằm xây dựng pháp luật Việt Nam về hoạt động bảo hộ nhãn hiệu mùi hương

2.1. Xây dựng và thực hiện các cam kết của Việt Nam về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương

 Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương và song phương, và những điều ước này đều có điều khoản quy định liên quan đến vấn đề bảo hộ nhãn hiệu mùi hương, có thể kể đến như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hoa Kỳ, Hiệp định khung về lĩnh vực sở hữu trí tuệ của ASEAN, Hiệp định CPTPP... Các điều ước quốc tế kể trên đều không bắt buộc các nước thành viên phải bảo hộ nhãn hiệu mùi hương khi tham gia, tuy nhiên, các nước thành viên được khuyến khích nên có một cơ chế, bộ khung pháp lý về pháp luật bảo hộ nhãn hiệu mùi hương, do đây là một nhu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng xu thế phát triển chung của pháp luật nhãn hiệu cũng như thị trường thương mại quốc tế. Có thể thấy, Việt Nam đã tham gia các hiệp định này nhưng không hề có động thái bỏ qua và bảo lưu vấn đề liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu mùi hương, đó như một cam kết cho việc nỗ lực nghiên cứu để thay đổi hệ thống quy phạm pháp luật về Sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ nhãn hiệu nói riêng của mình, sớm đưa ra được một bộ khung pháp lý cụ thể đối với việc bảo hộ nhãn hiệu mùi hương trong tương lai. Qua đó, thực hiện và nội luật hóa những cam kết của mình khi tham gia các điều ước quốc tế.

2.2. Xây dựng khung pháp luật bảo hộ nhãn hiệu mùi hương linh hoạt

Việc xây dựng khung pháp lý về bảo hộ nhãn hiệu mùi là vô cùng cần thiết. Trước tiên, để phù hợp với quy định của CPTPP và pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam trước hết cần định nghĩa lại nhãn hiệu theo nghĩa rộng bao gồm cả nhãn hiệu phi truyền thống như mùi hương. Điều 72.1 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2009 nên quy định lại như sau: "bất kỳ một dấu hiệu hoặc một tổ hợp các dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiệp khác đều có thể làm nhãn hiệu". 

Theo kinh nghiệm thực tiễn từ Úc và Nhật Bản, việc nhãn hiệu mùi hương phải được thể hiện dưới dạng đồ họa đã gây ra rất nhiều khó khăn trong việc xác nhận chính xác đặc trưng mùi hương mà người nộp đơn đăng ký muốn bảo hộ. Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm từ pháp luật Hoa Kỳ bởi quốc gia này có những quy định cụ thể về các quy định nhãn hiệu mùi hương sẽ được bảo hộ...

Trong việc xác định tiêu chí làm căn cứ xác lập bảo hộ đối với nhãn hiệu mùi, một nhãn hiệu mùi hương muốn được bảo hộ phải đáp ứng được điều kiện sau đây:

- Dấu hiệu mùi, đặc trưng của mùi phải được thể hiện cụ thể, chi tiết và rõ ràng trong đơn đăng ký, chẳng hạn như việc dấu hiệu mùi phải được thể hiện ra sao, hay các bản mẫu lưu trữ mùi hương được đính kèm như thế nào)

- Dấu hiệu mùi hương không mang tính chức năng. Dấu hiệu mang tính chức năng nghĩa là những dấu hiệu xuất phát từ thành phần, là chức năng cấu thành nên sản phẩm đó. Pháp luật Việt Nam cũng cần quy định rõ ràng những trường hợp mùi hương mang tính chức năng bởi rất dễ nhầm lẫn giữa mùi chức năng và mùi có thể làm nhãn hiệu cho sản phẩm. Ví dụ, mùi táo quế của sản phẩm tinh dầu táo quế là một mùi chức năng của sản phẩm tinh dầu, nhưng bất kỳ sản phẩm tinh dầu táo quế nào của các nhà sản xuất khác đều có thể có mùi tương tư vì bản thân tính năng của sản phẩm là có mùi và có thành phần từ táo quế. Ngược lại, mùi táo quế sử dụng cho giấy viết thì lại là một mùi riêng biệt có khả năng được bảo hộ, bởi đây chỉ là một sự sáng tạo của người sản xuất nhằm tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm của mình đối với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Thêm vào đó, cần có quy định rõ ràng về tài liệu nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mùi hương. Tác giả cho rằng, nên dựa trên tiêu chí Sieckmann và các quy định của Hoa Kỳ, để xây dựng những văn bản hướng dẫn, các tài liệu mô tả có thể được áp dụng linh hoạt, tránh các rủi ro kiện tụng kéo dài gây tranh cãi về bảo hộ nhãn hiệu mùi, khuyến khích doanh nghiệp nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mùi.

Việc bảo hộ nhãn hiệu mùi là xu hướng phát triển tất yếu của hệ thống pháp luật SHTT hiện nay, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bởi lẽ đó, Việt Nam thực sự cần thiết xây dựng những quy định riêng về bảo hộ nhãn hiệu mùi. Căn cứ vào các cam kết của Việt Nam về bảo hộ nhãn hiệu nhãn hiệu mùi hương, kết hợp với nghiên cứu bài học kinh nghiệm từ pháp luật các nước trên thế giới về vấn đề này, có thể thấy rằng Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định để điều chỉnh vấn đề bảo hộ nhãn hiệu mùi phù hợp với thực tiễn trong nước và quốc tế. Hơn nữa cũng cần xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột về nhãn hiệu chuyên biệt, chất lượng và hiệu quả.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Công ước Paris 1883 về quyền sở hữu công nghiệp
  2. Bộ luật dân sự 2015
  3. Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019
  4. Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ trong WTO
  5. Quy chế chung thi hành Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu và Nghị định thư liên quan
  6. Nghị định thư liên quan đến Thỏa ƣớc Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa (1989) được sửa đổi lần gần đây nhất vào năm 2007
  7. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Quy chế chung về thẩm định nội dung đối với nhãn hiệu
  8. Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP
  9. Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
  10. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Giáo trình Luật sở hữu trí tuệ , Nxb.CAND, Hà Nội, 2018
  11. Hồ Vĩnh Thịnh, Khoa Luật- Đại học Quốc gia, Bảo hộ nhãn hiệu trong pháp luật Việt Nam và pháp luật Liên minh Châu Âu EU, Luận văn Thạc sĩ luật học, Hà Nội, 2006.
  12. Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới, “Văn bản của Thư Ký, Ủy ban thường trực liên quan đến Luật Nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý”, Hội nghị lần thứ 16, Geneva, tổ chức từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 11, năm 2006, tr. 5.
  13. Lê Lương Thịnh, Bàn luận về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống cơ sở, điều kiện và cách thức đăng ký bảo hộ, Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ số 4/2014.
  14. Kỷ yếu hội thảo “Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu” do Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới phối hợp tổ chức. Hà Nội, 24-25 tháng 10 năm 2011.
  15. Trần Anh Ngọc (2018), Pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và mùi - kinh nghiệm thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học.
  16. Trần Cao Thành (2020), Quy định về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học - công nghệ Việt Nam tr.44.
  17. Lanham (Trademark) Act, July 6, 1946.
  18. Singapore Treaty on the Law of Trademarks.
  19. Trademark Act of 1995 (Australia)
  20. Trademark Act 1959 (Japan)
  21. Regulation (EU) 2015/2424 of the European Parliament and of the Council, 16, December 2015
  22. Non-traditional Marks at the US Patent and Trademark Office, WIPO, 10/20/2006.
  23. https://vietpat.vn/nhan-hieu-phi-truyen-thong-nhung-dieu-can-biet-ve-bao-ho-nhan-hieu-mui/
  24. https://iluatsu.com/so-huu-tri-tue/che-dinh-dang-ky-nhan-hieu-mui-huong-theo-phap-luat-hoa-ky/
  25. https://tailieu.vn/doc/quy-dinh-ve-bao-ho-nhan-hieu-phi-truyen-thong-cua-mot-so-quoc-gia-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam-2316679.html
  26. https://sohuutritue.net.vn/nhan-hieu-phi-truyen-thong-nhung-dieu-can-biet-ve-bao-ho-nhan-hieu-mui-d70937.html

NGUYỄN PHẠM THẢO LINH