Một số vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định về án phí

Án phí là một khoản tiền mà các bị cáo có nghĩa vụ phải chịu khi có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Vấn đề án phí trong vụ án hình sự đã được quy định trong Nghị quyết số 326/2016/UBNTVQH2014 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Việc quy định về án phí trong vụ án hình sự còn những điểm chưa được hiểu thống nhất và bất cập về việc miễn án phí, thời điểm nộp đơn xin miễn án phí và đơn xin miễn án phí. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả đưa ra những quan điểm, góc nhìn khác nhau về những vấn đề này và đề xuất giải pháp hoàn thiện.

1. Đặt vấn đề

Trong vụ án hình sự, bị cáo có được miễn án phí hay không phụ thuộc vào việc bị cáo có nộp đơn và những tài liệu, chứng cứ chứng minh cho bị cáo thuộc diện miễn án phí. Việc bị cáo nộp đơn và nộp vào thời điểm nào có ảnh hưởng đến việc miễn án phí cho bị cáo. Vậy bị cáo không đồng ý với tội danh mà Viện kiểm sát truy tố nên không nộp đơn miễn án phí thì có được miễn án phí hay không và bị cáo có thể nộp đơn xin miễn án phí trong giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án có ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Tương tự đối với vụ án hành chính hay dân sự, khi chưa có phán quyết của Tòa án thì chưa thể xác định yêu cầu của bên đương sự nào được chấp nhận vì vậy yêu cầu đương sự phải có đơn xin miễn án phí trước khi có Bản án hoặc quyết định của Tòa án là có sự bất hợp lý.

2. Bất cập trong việc miễn án phí trong vụ án hình sự, dân sự, hành chính

Về mặt ngôn ngữ học, án phí được hiểu là các khoản chi phí về xét xử một vụ án mà các đương sự phải nộp (nói một cách tổng quát)[1]. Án phí, lệ phí là nội dung mà Tòa án phải xem xét quyết định trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, hành chính, các vụ việc dân sự. Quy định về việc thu án phí, lệ phí một mặt nhằm bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mặt khác nhằm hạn chế những yêu cầu thiếu căn cứ của đương sự trong các vụ án dân sự, hình sự và hành chính, những yêu cầu có thể gây quá tải cho công tác xét xử của Tòa án. Do đó việc quy định án phí, lệ phí Tòa án phù hợp, tính toán án phí, lệ phí Tòa án chính xác ít nhiều có ý nghĩa trong việc giữ vững ổn định xã hội[2].

Trong vụ án dân sự, nghĩa vụ chịu án phí, tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm là một khoản tiền mà đương sự có nghĩa vụ phải nộp để hạn chế việc khởi kiện một cách tùy tiện và đồng thời đó cũng là chi phí mà đương sự phải trả để bù đắp chi phí cho việc đã khởi động một “hệ thống tố tụng” ở Tòa án. Ở vụ án hình sự, khi hành vi phạm tội xảy ra đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của Nhà nước, các quan hệ xã hội mà Nhà nước bảo vệ do đó Nhà nước tiến hành việc truy tố tội phạm ra trước Tòa án, vì vậy, nghĩa vụ chịu án phí hình sự là mức án phí không có giá ngạch. Án phí hình sự được quy định cụ thể trong Nghị quyết số 326/2016/UBNTVQH2014. Cụ thể, theo điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBNTVQH2014 quy định về nghĩa vụ chịu án phí hình sự sơ thẩm như sau: “1. Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm trong vụ án hình sự: a) Người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm”.

Kết án là việc (Tòa án) định tội và tuyên bố hình phạt[3]. Theo đó, người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm có nghĩa là bị cáo chỉ phải chịu án phí khi bị Tòa án tuyên bố là có tội bằng một bản án có hiệu lực của Tòa án. Án phí hình sự sơ thẩm có thể được miễn theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBNTVQH2014 với điều kiện bị cáo phải có đơn đề nghị miễn án phí và có những tài liệu chứng cứ kèm theo để chứng minh cho việc mình thuộc những trường hợp được miễn án phí. Vấn đề xảy ra khi bị cáo không đồng ý với việc truy tố của Viện kiểm sát và theo nguyên tắc suy đoán vô tội của Điều 13 BLTTHS 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội” theo đó, bị cáo có quyền tự xem mình là không có tội nhưng bị cáo chỉ được miễn án phí khi có đơn đề nghị miễn án phí và việc miễn án phí chỉ khi bị cáo bị kết án. Trong trường hợp này, bị cáo thuộc trường hợp được miễn án phí theo quy định nhưng bị cáo không nộp đơn xin miễn án phí do bị cáo cho rằng bản thân bị cáo không có tội, do không có đơn đề nghị miễn án phí theo quy định nên khi bị cáo bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì bị cáo không được miễn án phí theo quy định.

Việc quy định việc miễn án phí cần phải có đơn xin được miễn án phí và những tài liệu chứng cứ kèm theo trong những trường hợp là cần thiết cho Thẩm phán, Hội đồng xét xử xem xét việc miễn án phí cho bị cáo. Tuy nhiên, trong những trường hợp bị cáo là người cao tuổi, trong quá trình xét xử có đủ chứng cứ để xác định bị cáo thuộc trường hợp được miễn án phí thì có nên chăng là xem xét miễn án phí hình sự cho bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm để bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.

Tương tự trong vụ án dân sự, hành chính. Quy định của pháp luật bắt buộc phải có đơn đề nghị miễn án phí trước khi Tòa án ra bản án hoặc quyết định. Trước khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án thì đương sự không thể nào biết được lẽ phải thuộc về ai và yêu cầu của ai được chấp nhận, yêu cầu của ai không được chấp nhận. Khi tham gia vào một vụ án tại Tòa án, các bên đương sự đều có những lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình, đa số họ đều cho rằng yêu cầu của mình là có căn cứ. Căn cứ theo Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm cụ thể như sau:

“1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.

3. Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.

...”.

Như vậy, khi khởi kiện đương sự là nguyên đơn thì đều mong muốn yêu cầu của mình được chấp nhận và trước khi Tòa án đưa ra phán quyết về việc giải quyết vụ án thì nguyên đơn họ không thể nào biết trước được yêu cầu của mình có được Hội đồng xét xử chấp nhận hay không thì lý do gì họ phải tiến hành làm đơn đề nghị miễn án phí. Từ lý do này họ không có đơn xin miễn án phí thì họ không được miễn án phí là chưa thỏa đáng. Vì vậy, một câu hỏi được đưa ra là tại sao đương sự phải nộp đơn đề nghị miễn án phí khi họ cho rằng yêu cầu của họ được Tòa án chấp nhận, sau đó yêu cầu của họ không được chấp nhận, họ không được miễn án phí, phải chịu bất lợi từ việc không xuất phát từ lỗi của họ.

3. Thời điểm nộp đơn xin miễn án phí

Tại Điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 có quy định về thẩm quyền miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí

1. Trước khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí sơ thẩm.

2. Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí của bị đơn có yêu cầu phản tố, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án.

3. Thẩm phán được Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí phúc thẩm.

4. Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu.

5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí và tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm, Tòa án thông báo bằng văn bản về việc miễn, giảm hoặc không miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí. Trường hợp không miễn, giảm thì phải nêu rõ lý do.

6. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu khi ra bản án, quyết định giải quyết nội dung vụ án”.

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 không có quy định rõ về thời điểm đương sự hoặc bị cáo làm đơn miễn tiền án phí. Từ quy định tại Điều 15 Nghị quyết có thể suy ra được các thời điểm mà đương sự hoặc bị cáo có quyền nộp đơn xin miễn án phí cụ thể: trước khi thụ lý vụ án, sau khi thụ lý vụ án, trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Tuy nhiên, việc không thể hiện rõ thời điểm nộp đơn xin miễn án phí sơ thẩm có phát sinh những điểm bất cập nhất định cụ thể: trong trường hợp bị cáo trong quá trình tố tụng mặc dù thuộc trường hợp miễn án phí tuy nhiên lại không nộp đơn xin miễn án phí cùng những tài liệu, chứng cứ kèm theo vì bản thân bị cáo cho rằng mình không có tội, đến khi có bản án của Tòa án thì bị cáo bị kết án và bị cáo không được miễn án phí do người bị kết án không có nộp đơn xin miễn án phí, sau đó, người bị kết án nộp đơn đề nghị miễn án phí trong thời hạn kháng cáo mà không làm đơn kháng cáo bản án thì đơn xin miễn án phí của người bị kết án có được chấp nhận hay không. Đặt ra 02 trường hợp: Nếu không chấp nhận đơn đề nghị miễn án phí thì có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kết án. Bởi vì, người bị kết án không nộp đơn đề nghị miễn án phí là do người đó cho rằng mình không có tội, sau đó thông qua việc xét xử của Tòa án có đủ căn cứ chứng minh bị cáo có tội, lúc này bị cáo làm đơn xin miễn án phí sơ thẩm thì không được xem xét, bị cáo phải chịu bất lợi nhưng lỗi không phải xuất phát từ bản thân của bị cáo.

Trường hợp, Tòa án chấp nhận đơn đề nghị miễn án phí, lúc này Tòa án cấp sơ thẩm không thể xem xét việc miễn án phí nữa vì vụ án đã được Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết bằng bản án. Tòa án cấp phúc thẩm có phải tiến hành việc xem xét lại phần miễn án phí theo đơn của đương sự hoặc người bị kết án hay không. Nếu Tòa án cấp Phúc thẩm giải quyết đơn xin miễn án phí của cấp sơ thẩm thì thực hiện theo quy trình thủ tục tố tụng nào thì chưa rõ, bởi vì theo quy định tại Điều 345 BLTTHS 2015: “Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị” theo đó thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại những nội dung bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị và những phần khác khi xét thấy cần thiết. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bị cáo chỉ có đơn đề nghị miễn án phí sơ thẩm mà không thực hiện việc kháng cáo thì không có quy định về thủ tục cho việc xem xét đơn xin miễn án phí hình sự sơ thẩm tại cấp phúc thẩm.

Do đó, việc không quy định về thời điểm nộp đơn xin miễn án phí hình sự phúc thẩm đặt ra cho những người tiến hành tố tụng và người bị kết án lúng túng, điều đó có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kết án bởi vì nhiều vụ án, người bị kết án phải chịu số tiền án phí rất lớn. Thiết nghĩ, cần thiết Luật, hoặc Nghị quyết cần quy định rõ thời hạn cho việc xin nộp đơn đề nghị miễn án phí hình sự sơ thẩm sau khi có Bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm có quyền sửa đổi phần phán quyết của mình khi có đơn đề nghị miễn án phí của người bị kết án và những tài liệu chứng cứ kèm theo khi có đủ căn cứ.

4. Đơn đề nghị miễn án phí sơ thẩm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về việc hồ sơ yêu cầu được miễn án phí như sau: “1. Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải, có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm”. Theo đó, người thuộc trường hợp được miễn án phí phải tiến hành việc nộp đơn và những tài liệu chứng cứ kèm theo để cho Tòa án xem xét. Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH thì người cao tuổi được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH quy định: “Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm”.

Như vậy, đơn đề nghị miễn án phí là yếu tố bắt buộc khi người bị kết án muốn được miễn án phí. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về thẩm quyền miễn, giảm án phí, tạm ứng án phí thì ở khoản 1 có quy định rằng: “Trước khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí sơ thẩm”. Vậy có nghĩa là trước khi thụ lý vụ án thì phải có đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí (đối với vụ án dân sự). Tại khoản 2 Điều 15 quy định: “Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí của bị đơn có yêu cầu phản tố, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án” từ đó có thể suy ra rằng sau khi thụ lý vụ án thì cũng cần phải có đơn đề nghị miễn, giảm án phí. Tương tự, tại khoản 3, 4, 5 Điều 15 cũng quy định “…thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí phúc thẩm”. Ngược lại, tại khoản 6 Điều 15 tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm lại không quy định cụ thể khi được miễn án phí thì có cần phải có đơn hay không cụ thể là: “Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu khi ra bản án, quyết định giải quyết nội dung vụ án”. Theo quy định của khoản 6 Điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 có thể được hiểu theo quan điểm rằng ở thời điểm trước khi thụ lý; sau khi thụ lý; trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm thì muốn được miễn án phí thì phải có đơn đề nghị miễn án phí, còn ở thời điểm tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm thì chỉ cần có yêu cầu thông qua lời trình bày tại phiên tòa thì vẫn được xem xét. Việc có đơn đề nghị được miễn án phí cần thiết khi người bị kết án, đương sự thuộc những trường hợp thuộc diện được miễn án phí như: người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ, những trường hợp này phải có tài liệu chứng cứ để chứng minh vì những tài liệu chứng cứ này có thể không được thu thập trong quá trình giải quyết vụ án. Có những trường hợp như là người cao tuổi, trẻ em thì trong quá trình giải quyết vụ án các yếu tố về năm sinh, tên, địa chỉ của bị cáo, đương sự đều được thu thập, nên Tòa án sẽ xác định được bị cáo, đương sự có thuộc trường hợp là người cao tuổi hay trẻ em hay không.

Như vậy, việc yêu cầu người bị kết án, đương sự phải có đơn mới được xem xét miễn, giảm án phí là chưa phù hợp về mặt quy định pháp luật cũng như là trên thực tế.

5. Kết luận

Từ những phân tích nêu trên có thể nhận thấy, quy định về án phí hình sự sơ thẩm còn có những điềm chưa được hoàn thiện. Vì vậy, nhóm tác giả kiến nghị việc hoàn thiện các vấn đề còn vướng mắc nêu trên như sau:

Thứ nhất, cần quy định rõ về thời điểm bị cáo có thể nộp đơn đề nghị miễn án phí theo hướng trong thời hạn kháng cáo, người bị kết án có quyền nộp đơn đề nghị miễn án phí và Tòa án cấp phúc thẩm có quyền xem xét đơn đề nghị miễn án phí của người bị kết án mà không cần theo thủ tục xét xử phúc thẩm.

Thứ hai, về thủ tục miễn án phí là đơn đề nghị miễn án phí, cần quy định theo hướng tại phiên tòa bị cáo thuộc diện: trẻ em, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi có thể trình bày đề nghị miễn án phí của mình tại phiên tòa, không cần phải có đơn đề nghị miễn án phí và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

 
 

PHAN CẨM NHUNG (TAND huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) - VÕ TUẤN KHANH (TAND huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) - BÙI THỊ MAI LY - NGUYỄN HOÀNG TÀI (VKSND huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

2. Bộ luật Hình sự năm 2015.

3. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

4. Luật Người cao tuổi năm 2009.

5. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

6. Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê (chủ biên), Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, in lần thứ chín.

7. Hoàng Quảng Lực, Vướng mắc trong việc thực hiện điểm b khoản 3 Điều 17 Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và kiến nghị giải pháp, Tạp chí Pháp luật và thực tiễn, số 10, năm 2015.


[1] Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê (chủ biên), Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, in lần thứ chín, tr.6.

[2] Hoàng Quảng Lực, Vướng mắc trong việc thực hiện điểm b khoản 3 Điều 17 Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và kiến nghị giải pháp, Tạp chí Pháp luật và thực tiễn, số 10, năm 2015, tr.41.

[3] Viện Ngôn ngữ học (2003), tlđd (2), tr.487.

TAND tỉnh Bến Tre mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo L.Q.K về “Tội môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” - Ảnh: Thanh Trúc.