Một số ý kiến nhằm tăng cường năng lực cho giảng viên của Học viện Tòa án

Học viện Tòa án giảng dạy các môn pháp luật nói chung và các kỹ năng cơ bản của người Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên trong hoạt động xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án, cũng chính là đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy, nội dung để truyền đạt cho học viên phải xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Tòa án nhân dân, từ trình độ và năng lực thực tiễn của cán bộ trong từng giai đoạn. Những vấn đề lý luận phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, thực chất lý luận với tính chất là sự tổng kết thực tiễn do đó rất rộng và khó, dẫn đến việc giảng dạy cảm thấy khô khan. Như vậy, vai trò của giảng viên rất quan trọng. Với tư cách là một giảng viên kiêm chức của Học viện Tòa án tôi đưa ra một số ý kiến nhằm tăng cường năng lực cho giảng viên của Học viện Tòa án để trao đổi với các đồng nghiệp.
  1. 1.Một số vấn đề về nâng cao chất lượng giảng dạy

Trong quá trình đào tạo, việc nâng cao chất lượng giảng dạy là vấn đề mang tính sống còn, chất lượng giảng dạy quyết định việc xã hội nhìn nhận, đánh giá và chấp nhận sản phẩm đào tạo của Học viện. Chính vì vậy, Học viện Tòa án cần phải coi việc nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ hàng đầu trong hoạt động của mình. Muốn nâng cao được chất lượng giảng dạy thì đối với đội ngũ Giảng viên cần phải xác định một số vấn đề sau:

Thứ nhất : Các giảng viên giảng dạy tại Học viện Tòa án cần phải xác định phương pháp giảng dạy cho mình là “lấy người học làm trung tâm”.

Giảng viên phải xác định đối tượng mà mình giảng dạy là những đồng nghiệp đã được trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, cũng có nhiều kinh nghiệm thực tế trong hoạt động xét xử. Do vậy, phương pháp giảng dạy “lấy người học là trung tâm” không có nghĩa là loại trừ phương pháp thuyết giảng, song cũng không nên quá nặng về lý thuyết như đi phân tích lại các yếu tố cấu thành tội phạm, mô tả lại các điều luật hay phụ thuộc tất cả vào các chuyên đề bài giảng. Phương pháp “lấy người học là trung tâm”, thực chất đó là sự kết hợp hài hoà nhuần nhuyễn giữa thuyết giảng và đối thoại với mục tiêu phát huy cao độ tính tích cực, năng động, độc lập, sáng tạo của người học. Với phương pháp này yêu cầu người giảng không chỉ nắm vững những vấn đề cần trình bày mà còn phải rất năng động nhạy bén và sáng tạo ngay trong giờ giảng, đôi khi cần thoát ly khỏi chuyên đề bài giảng có sẵn, trên cơ sở đó người giảng có thể truyền thụ những vấn đề cần thiết cơ bản đến người học một cách tự nhiên, sinh động và hứng thú. Để thực hiện tốt phương pháp giảng dạy này, đòi hỏi ngay từ đầu môn học, giảng viên phải giới thiệu các tài liệu học tập đã chọn lọc theo từng vấn đề trong nội dung giảng dạy. Trên cơ sở đó, giảng viên phải nêu vấn đề, gợi mở các vấn đề để học viên tự nghiên cứu tài liệu tham khảo từ đó giúp học viên tiếp nhận kiến thức trong sự so sánh đối chiếu, tạo thuận lợi cho học viên tích lũy được vốn kiến thức đa dạng, khám phá ra những ý tưởng mới, góp phần rèn luyện khả năng xử lý, tiếp nhận tri thức và phát huy tư duy sáng tạo trong việc giải quyết các vụ án tại địa phương mình.

Thứ hai : Nâng cao chất lượng giảng dạy là kết quả của một quá trình, trong đó có sự đầu tư, đổi mới từ nhiều khâu, trước hết là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy bao gồm cả giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức.

Muốn vậy, giảng viên phải thực sự là người tâm huyết với nghề nghiệp và phải nắm vững kiến thức chuyên ngành mà mình giảng dạy, đồng thời lại phải có “phông kiến thức rộng”. Chính vì vậy,  để đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng bài giảng, trước hết mỗi giảng viên phải tự nhìn lại mình về kiến thức chuyên ngành, liên ngành và phương pháp giảng dạy, rút kinh nghiệm đồng thời phải bổ sung những phần còn yếu, còn thiếu. Mỗi giảng viên phải tự mình ý thức việc tự học để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ. Người giảng viên thực sự yêu nghề luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn dành tâm sức cho bài giảng thì trước mỗi buổi lên lớp phải luôn trăn trở nên sử dụng những phương pháp nào cho bài giảng để các học viên có thể tiếp thu nhanh nhất, chất lượng nhất nội dung bài giảng và sau đó tự rút kinh nghiệm, nhằm không ngừng hoàn thiện nghiệp vụ chuyên môn của mình. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi giảng viên phải có lòng say mê tìm tòi, tận tâm trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Cảm nhận được vấn đề nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng giảng dạy là nghĩa vụ và trách nhiệm của giảng viên, đây là một yếu tố chủ quan giữ vai trò quyết định đối với việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Bởi vì, chỉ có thông qua nghiên cứu khoa học giảng viên mới có tri thức và nhận thức đúng đắn yêu cầu của công tác giảng dạy, những khó khăn và đòi hỏi của việc gắn kết giữa lý luận và thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.


                                     TS Phạm Minh Tuyên

          Thứ ba: Mỗi giảng viên phải tự mình nghiên cứu và tích cực trong học tập nâng cao trình độ, nhất là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình có liên quan đến lĩnh vực giảng dạy nhằm nâng cao khả năng tư duy lý luận và tư duy thực tiễn của mình.

Chỉ khi ý thức trách nhiệm và vai trò của giảng viên được đề cao sẽ giúp cho giảng viên có ý thức sáng tạo, chủ động, tự tin trong giảng dạy. Ngoài ra, việc tăng cường mối quan hệ với các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án địa phương, tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia luật pháp, các Thẩm phán giàu kinh nghiệm trong xét xử các loại án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án để thu thập kiến thức, tài liệu thực tế phục vụ công tác giảng dạy. Chúng tôi cho rằng, giảng viên giữ vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, mỗi giảng viên luôn phải có tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong công tác chuyên môn và bản thân phải nghiêm túc, có kỷ cương trong sinh hoạt và công tác vì sự phát triển đi lên của nhà trường. Bản thân các giảng viên muốn nâng cao chất lượng giảng dạy của mình thì các giảng viên cần tham gia viết các chuyên đề bài giảng, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy.

Thực chất, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, không đòi hỏi chúng ta phải tìm ra một phương pháp nào hoàn toàn mới mẻ, đặc thù mà chính là việc chúng ta nghiên cứu các phương pháp sẵn có, trên nền tảng phương châm giáo dục lấy người học làm trung tâm để lựa chọn cách thức giảng dạy phù hợp nhất. Theo chúng tôi, cần làm tốt những vấn đề sau đây:

Một là: Trong quá trình lên lớp, các giảng viên cần phối hợp các phương pháp giảng dạy khác nhau như diễn giảng, kết hợp với nêu vấn đề, sử dụng tình huống từ các vụ án cụ thể và các phương tiện khoa học kỹ thuật hỗ trợ (máy chiếu). Không tuyệt đối hoá phương pháp nào để tránh giảng dạy đơn điệu một phương pháp, nhất là chỉ sử dụng phương pháp diễn dịch, giải thích hoặc lạm dụng phương tiện khoa học, kỹ thuật một cách thái quá dẫn đến sự nhàm chán. Cần đưa ra các tình huống nghiệp vụ cụ thể minh họa cho bài giảng nhằm tăng khả năng tư duy của các học viên trong việc giải quyết các tình huống có vấn đề xảy ra trong quá trình nghiên cứu hồ sơ các vụ án như: Vấn đề vi phạm thủ tục tố tụng; các vấn đề mâu thuẫn về chứng cứ, đánh giá chứng cứ; tư cách tham gia tố tụng; vấn đề định tội danh… cũng như các tình huống phát sinh tại phiên tòa như: Thủ tục bắt đầu phiên tòa; kỹ năng xét hỏi, kỹ năng điều khiển phần tranh tụng; kỹ năng nghị án…

Hai là : Để có thể giảng dạy tốt, giảng viên giảng dạy tại Học viện Tòa án phải tự học hỏi và tìm tòi trang bị cho mình “phương pháp sư phạm”. Đây là yếu tố quan trọng để có thể giảng hay, giảng tốt, giảng đúng chuyên đề, tạo điều kiện cho học viên dễ tiếp thu bài học, nhất là đối với các chuyên đề  giảng dạy của chúng ta là những chuyên đề pháp luật mang tính thực tiễn nhiều hơn nên thường hay khô cứng, đối tượng học viên là các Thư ký, Thẩm tra viên, Thẩm phán đều đã là những người được đào tạo cơ bản về kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm công tác và có tuổi đời cả cao lẫn thấp, mức độ nhận thức cũng không thể nói là đồng đều, người trẻ nhận thức nhanh nhưng kinh nghiệm ít, người nhiều tuổi nhận thức chậm nhưng kinh nghiệm lại nhiều nếu có “phương pháp sư phạm thì việc gắn kết giữa lý luận và thực tiễn của giảng viên sẽ được nhuần nhuyễn thì giảng bài sẽ không bị khô cứng, nhàm chán, học viên sẽ dễ tiếp thu hơn.

   Ba là: Tăng cường hoạt động đối thoại, hỏi đáp giữa giảng viên và học viên trong giảng dạy nhằm khơi dậy tư duy nghiên cứu, tìm tòi và khả năng tự học của học viên, đồng thời cũng là điều kiện để các giảng viên phải có ý thức hơn nữa trong việc nghiên cứu về nghiệp vụ chuyên môn, thậm chí thông qua đối thoại các giảng viên cũng học thêm được những điều bổ ích về chuyên môn nghiệp vụ từ chính các học viên. Muốn vậy, các giảng viên cần dành một lượng thời gian nhất định để đối thoại ngay những vấn đề mà giảng viên vừa truyền tải tới các học viên hoặc cả những vấn đề nằm ngoài nội dung bài giảng nhưng mang tính chuyên môn, nghiệp vụ của Hệ thống Tòa án.

   Bốn là: Học viện cần thường xuyên có những buổi sinh hoạt chuyên môn, để các giảng viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Bởi lẽ, nếu một giảng viên có năng lực tốt nhưng không được bồi dưỡng, không tự trau dồi một cách thường xuyên thì kiến thức của họ sẽ bị lạc hậu, đi sau thời đại. Vì vậy, hoạt động sinh hoạt chuyên môn rất cần được quan tâm. Hơn nữa, thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn sẽ giúp cho các giảng viên có điều kiện trao đổi nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng phương pháp giảng dạy có tính đặc thù của Học viện để giúp cho những giảng viên mới có điều kiện thuận lợi trong tiếp cận phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng đào tạo, quan tâm hướng dẫn các giảng viên mới bằng phương pháp song giảng giữa giảng viên hữu cơ và giảng viên kiêm chức.

Theo chúng tôi, không có một phương pháp giảng dạy nào tối ưu cho tất cả mọi người, vì giảng dạy  vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Khoa học ở chỗ giảng viên phải bảo đảm nội dung, chương trình, mục tiêu đào tạo… nghệ thuật là giảng viên phải tuỳ theo đối tượng, tình hình cụ thể của lớp học với đối tượng đào tạo mà có cách thức giảng dạy đáp ứng yêu cầu, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Vì thế, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng bài giảng phụ thuộc vào bản thân mỗi giảng viên chứ không ngồi chờ cấp trên hoặc ai nghĩ ra hộ được. Nhất là đối với các đối tượng được đào tạo tại Học viện Tòa án hiện nay, đòi hỏi mỗi giảng viên phải chủ động suy nghĩ tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nếu giảng viên không quan tâm chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng bài giảng của mình là tự đào thải chính mình.

2.Một số kinh nghiệm giảng dạy

 Thứ nhất, kỹ năng tạo ấn tượng đầu tiên.

Hãy mở đầu buổi lên lớp bằng một ấn tượng để thu hút các học viên của mình bằng những công việc sau:

-Giờ giấc: Các Giảng viên nên đến sớm 5 phút trước buổi giảng hoặc không thì cũng nên đến lớp đúng giờ, để thể hiện sự chuẩn bị chu đáo, tôn trọng người học.

-Trang phục: Nên chọn trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường giảng dạy. Trang phục sẽ tự giới thiệu về con người và tính cách của người giảng viên, đừng quá cầu kỳ như một buổi trình diễn nhưng cũng không nên cẩu thả, tốt nhất các giảng viên nên ăn mặc đúng với trang phục của ngành tùy theo thời tiết từng mùa.

– Lời chào: Nên đáp lại lời chào với các học viên để tạo nên sự tôn trọng và thiện cảm với các học viên đồng nghiệp.

 Thứ hai, kỹ năng thuyết trình.

Chúng ta phải khẳng định, thuyết trình từ xưa đến nay vẫn là phương pháp giảng dạy truyền thống của các trường Cao đẳng, Đại học, trong và ngoài nước. Đó là quá trình mà người giảng viên tiếp xúc trực tiếp và đối diện với học viên. Một bài giảng được đánh giá là hay, không chỉ qua nội dung ý tưởng mà còn phải thể hiện được sắc thái, giọng nói, lòng nhiệt tình của giảng viên. Làm thế nào để các giảng viên có thể lôi cuốn được học viên một cách thành công, hãy chú ý những điểm sau đây:

-Thu hút sự tập trung: Nên vào đề bằng một câu chuyện vui, hoặc một sự kiện thực tế có liên quan đến bài học nhằm thu hút sự tập trung và tạo hưng phấn cho học viên.

-Trình bày: Để truyền đạt một cách có hiệu quả, Giảng viên phải trình bày ý tưởng của mình rõ ràng. Là Giảng viên chúng ta cố gắng là người luôn đơn giản hóa những vấn đề phức tạp. Cần tuân thủ phương pháp là chỉ dùng những khái niệm đã biết để lý giải những vấn đề chưa biết cũng như chỉ vận dụng kinh nghiệm của mình trên cơ sở pháp luật để giải quyết các tình huống mà học viên đưa ra tránh việc áp đặt quan điểm cá nhân của mình trong việc xử lý các tình huống đối với các vụ án cụ thể mà học viên đưa ra trái với quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.

-Tác phong: Đứng thẳng, tư thế thật thoải mái, đầu ngẩng cao, mắt đưa nhìn người nghe khắp phòng, có thể sử dụng động tác, gương mặt để biểu cảm, nên di chuyển khi thuyết trình thay vì đứng nguyên một chỗ.

– Thái độ: Cởi mở, thân thiện, thể hiện nhiệt huyết. Lưu ý, tuyệt đối không quá phụ thuộc vào chuyên đề bài giảng hoặc slide.

– Đặt câu hỏi: Giảng viên cần xác định quá trình giảng dạy là quá trình tương tác với học viên thông qua việc hỏi và trả lời. Việc giảng dạy không chỉ là giảng bài mà là bất kì điều gì chúng ta có thể thực hiện để giúp đỡ và khuyến khích học viên của mình học tập. Nên để lại cho học viên một câu hỏi sau mỗi vấn đề thuyết trình.

-Tổng kết vấn đề: Kết thúc mỗi phần thuyết trình, nên tóm lại các ý chính để học viên nắm bắt các vấn đề cơ bản nhất.

Trong thuyết trình, nên chú ý thêm chút hài hước gắn với nội dung thuyết trình để tạo sự phấn khích và giải trí cho học viên, đừng quên tạo những khoảng lặng để các ý tưởng thấm vào người nghe!

Thứ ba, kỹ năng giải quyết tình huống phát sinh.

Mặc dù các giảng viên đã chuẩn bị bài giảng rất cẩn thận và có kỹ năng thuyết trình tốt kết hợp với lòng nhiệt tình nhưng đôi lúc không tránh khỏi những trục trặc trong quá trình giảng bài, trong từng tình huống cụ thể phải giải quyết rất thông minh và nhanh trí, ví dụ các tình huống xoay quanh vấn đề đặt câu hỏi và trả lời như sau:

–  Một là, khi các giảng viên đặt câu hỏi nhưng không có câu trả lời.

Sẽ có những lúc câu hỏi các giảng viên đưa ra lại bị rơi vào im lặng tưởng chừng như vô tận. Học viên cúi mặt, trầm ngâm, lẩn tránh ánh mắt của các giảng viên, giờ học trở nên căng thẳng. Khi rơi vào tình huống này, nên điều tra xem vấn đề gì đang xẩy ra bằng cách tự hỏi liệu câu hỏi của mình có phù hợp, có dễ hiểu với học viên không? Có đúng với nội dung mà mình truyền tải không? Hoặc liệu có sự phản kháng nào từ phía học viên đối với mình không? Một cách thông minh là nên yêu cầu học viên ghi những suy nghĩ của họ ra giấy rồi tập hợp lại để các Giảng viên suy ngẫm và có sự điều chỉnh phù hợp.

–  Hai là, khi các giảng viên không chủ động được câu hỏi của học viên. Tức là có những vấn đề học viên hỏi về nghiệp vụ mà ngay cả giảng viên chưa chắc chắn lắm về câu trả lời. Trong tình huống này cần áp dụng nghệ thuật “đá bóng” , nghĩa là, nên đưa vấn đề đó ra để cả lớp cùng trao đổi. Mỗi học viên sẽ đóng góp một ý tưởng (ba ông thợ cày bằng một ông Gia Cát). Khi đó, các giảng viên vừa có thời gian để suy ngẫm thêm vừa thu thập được các ý tưởng khác và sẽ dần dần định hình được câu trả lời. Nghệ thuật này rất nên được sử dụng trong giảng dạy kể cả khi các giảng viên đã biết rõ câu trả lời, vì đó là cách kích thích sự tìm hiểu, đóng góp của sinh viên. Nếu thực sự giảng viên chưa trả lời được ngay thì cũng nên thẳng thắn thừa nhận chứ không nên trả lời bừa và nên hứa sẽ nghiên cứu trả lời sau.

– Ba là, khi các giảng viên nhận được những câu trả lời sai.

Thay vì việc im lặng hoặc nhận xét về câu trả lời sai làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng, các giảng viên nên khen học viên ở một khía cạnh khác. Ví dụ, “Tôi rất hoan nghênh sự dũng cảm của bạn khi đưa ra những ý kiến cá nhân của bạn về vấn đề này”, hoặc hài hước một chút như “Câu trả lời này sẽ đúng hoàn toàn nếu tôi thay đổi câu hỏi như sau”, “Cảm ơn bạn đã gợi ý cho tôi một chủ đề thảo luận mới nhưng nó chưa phải là nội dung của buổi học hôm nay”…

– Vấn đề phương tiện giảng dạy, cũng cần quan tâm đúng mức, tránh sự cố về máy chiếu, loa rú, rít gây khó chịu cho người nghe…

Thứ tư, kỹ năng đánh giá.

Các giảng viên nên chú ý một điều các học viên không sợ khó khăn gian khổ mà chỉ sợ mình bị lãng quên. Do vậy, khi đối thoại nếu những giờ học chấm điểm, giảng viên cũng nên có những điểm động viên điểm số là rất quan trọng, nó như một giấy thông hành làm bận tâm cả người “nhận” và người “cho”. Cho điểm và đánh giá là khâu rà soát lại quá trình học tập của học viên và giúp các giảng viên hiểu được mức độ nhận thức của từng người. Nếu không phải những phần cho điểm, thì giảng viên cũng nên có những nhận xét hợp lý đối với câu trả lời của học viên. Cố gắng làm sao để những đánh giá của giảng viên có tác dụng  để kích thích được học viên học tập và phấn đấu, khơi dậy sự hào hứng của học viên và đánh thức niềm khát khao trong học tập nghiên cứu chuyên môn nghiệp vụ của họ để họ có những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết áp dụng vào công tác xét xử các loại án khi trở về đơn vị công tác.

Thứ năm, kỹ năng về đối thoại và giải đáp.

Thông thường mỗi kỳ bồi dưỡng đối với các Thẩm phán, lịch học của chúng ta đều có một buổi để giải đáp các thắc mắc của học viên về nghiệp vụ và giảng viên trực tiếp đối thoại với học viên. Điều này là hết sức cần thiết, trong chương trình Học viện hay mời các đồng chí lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao giải đáp và đối thoại với học viên, nhưng có những khi vì lý do công tác, các đồng chí lãnh đạo không lên lớp được thì chúng ta phải thay thế. Thông thường các học viên sẽ tập hợp các ý kiến thắc mắc gửi Học viện để chuyển cho các giảng viên. Trong trường hợp này các giảng viên cần đầu tư thời gian nghiên cứu từng vấn đề để giải đáp và khi giải đáp cần chỉ rõ những vấn đề đó quy định ở điều luật nào, hướng dẫn ở đâu, Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán hay Thông tư liên ngành… Nếu có những vấn đề khó khăn mà chưa có hướng dẫn cụ thể, thì có thể nêu quan điểm cá nhân nhưng không được mang tính áp đặt mà nói rõ đây là quan điểm mang tính tham khảo. Đối với các trường hợp không có các ý kiến cần giải đáp của các học viên thì cần phải đặt câu hỏi có phải Học viên không có gì cần giải đáp hay không? Theo tôi điều đó không bao giờ có! Hay chất lượng giảng dạy của chúng ta có vấn đề để các học viên không tin tưởng vào giải đáp của giảng viên? Cũng có thể và chúng ta cũng cần phải xem lại chính chúng ta. Ngoài những ý trên thì có phải các học viên lười suy nghĩ hay không? Cũng có thể. Trong trường hợp này các giảng viên cần có trách nhiệm tạo sự hưng phấn, đánh thức tư duy tìm hiểu, nghiên cứu của các học viên thông qua  những gợi ý, trao đổi để các học viên cởi mở, mạnh dạn hơn trong việc đặt câu hỏi. Hoặc các giảng viên tự đưa ra tình huống để các học viên cùng trao đổi thì buổi giải đáp, đối thoại sẽ sôi động ngay.

Có thể lồng ghép việc phân tích đáp án của đề thi tại buổi giải đáp để các học viên hiểu được đáp án và thỏa mãn với phần trình bày của mình kể cả đúng hay không đúng với đáp án của từng câu hỏi.

3.Một số ý kiến vào công tác đào tạo nguồn Thẩm phán trong thời gian tới. 

Tới đây theo chức năng, nhiệm vụ, Học viện Tòa án sẽ tiếp tục chiêu sinh các lớp đào tạo nguồn Thẩm phán, với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm tại Học viện tư pháp, bản thân tôi có một số ý kiến với Học viện như sau:

Thứ nhất: Về đối tượng đào tạo của chúng ta là những Thư ký, Thẩm tra viên được cử đi học để làm nguồn bổ sung các Thẩm phán, Học viện và các Giảng viên nên xác định việc giảng dạy, khẳng định phương pháp giảng dạy “lấy người học là trung tâm”. Với nội dung chính là đào tạo cho các học viên những kỹ năng cần thiết nhất về công tác xét xử bao gồm: Các kỹ năng thụ lý hồ sơ, xây dựng hồ sơ, thu thập, đánh giá các chứng cứ trong các vụ án về dân sự, hôn nhân và gia đình; kinh doanh thương mại; hành chính và lao động. Kỹ năng xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình; kỹ năng xét xử các vụ án kinh doanh thương mại; kỹ năng xét xử các vụ án hành chính và lao động bao gồm: Các kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án; kỹ năng chuẩn bị các thủ tục cần thiết cho việc mở phiên tòa; kỹ năng phần thủ tục phiên tòa và giải quyết các tình huống phát sinh tại phiên tòa; kỹ năng xét hỏi, kỹ năng điều khiển phần tranh tụng; kỹ năng nghị án và kỹ năng viết các bản án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doạnh thương mại, hành chính và lao động, kỹ năng tuyên án.. Kỹ năng thụ lý hồ sơ vụ án hình sự; nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự; giải quyết các tình huống phát sinh trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hình sự; kỹ năng về thủ tục phiên tòa hình sự; kỹ năng giải quyết các tình huống phát sinh tại phần thủ tục; kỹ năng thẩm vấn tại phiên tòa hình sự; kỹ năng điều khiển phần tranh tụng tại phiên tòa hình sự; kỹ năng và trình tự nghị án; kỹ năng định tội danh; kỹ năng viết bản án hình sự; kỹ năng tuyên án … Học viện Tòa án, ngoài việc chuẩn bị xây dựng các chuyên đề bài giảng khi chưa có giáo trình giảng dạy, cần gấp rút xây dựng các hồ sơ tình huống thật phong phú với nhiều tình huống giả định trong hồ sơ phục vụ cho công tác giảng dạy. Các giảng viên nên sử dụng ngay chính các hồ sơ tình huống để giảng dạy trong các buổi lên lớp.

Thứ hai, vì là giảng dạy các kỹ năng, do vậy cần lựa chọn những Giảng viên có kinh nghiệm xét xử, không có hoặc có ít án bị hủy sửa, có phương pháp gắn kết giữa lý luận và thực tế (chú trọng kinh nghiệm thực tế) tham gia giảng dạy, chứ không nên mời dàn chải như Học viện tư pháp dẫn đến chất lượng giảng dạy không cao. Tại Học viện tư pháp đã có tình trạng giảng viên giảng bài xong, học viên bàn tán đánh giá ngay giảng viên là “bản thân thày bị hủy nhiều thế thì thày dạy chúng em rồi chúng em cũng bị hủy như thày”. Theo tôi, khi mời giảng viên dạy các lớp nguồn Thẩm phán, thì chỉ nên mời các giảng viên đã hoặc đang làm Thẩm phán (đặc biệt là phần diễn án), vì chỉ có những giảng viên, đã và đang làm Thẩm phán thì mới có kinh nghiệm truyền tải cho các học viên về các kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng trích tiểu hồ sơ, kỹ năng lập kế hoạch xét hỏi, kỹ năng sử dụng và đánh giá chứng cứ, kỹ năng xét hỏi tại phiên tòa, kỹ năng điều khiển phần tranh luận, kỹ năng nghị án… Thực tế tại Học viện Tư pháp, các giảng viên không phải là Thẩm phán rất vất vả và thường xuyên cháy giáo án vì không trả lời được các câu hỏi và các tình huống mà học viên đưa ra (nhất là phần diễn án). Điều đó cũng đúng bởi lẽ, họ đã bao giờ được nghiên cứu một hồ sơ vụ án cụ thể và đã bao giờ được điều khiển một phiên tòa thực sự đâu mà có kiến thức thực tế để giải quyết được các tình huống mà học viên đưa ra. Giảng viên nên lớp mà học viên không phục thì không thể có chất lượng trong các bài giảng được.

Thứ ba, nên tăng cường thời lượng diễn án giả định, làm sao để các học viên được làm quen và tiếp thu được các kỹ năng xét xử nhanh nhất, giúp cho các học viên xử lý tốt các tình huống phát sinh. Bởi lẽ, khi diễn án các học viên đều có trình độ pháp lý ngang nhau sẽ đưa ra được nhiều các tình huống thực tế mà tại các địa phương từng gặp, để giải quyết các tình huống đó càng nhiều thì sau này các học viên làm Thẩm phán sẽ càng vững vàng và chững chạc hơn khi ngồi xét xử các vụ án.   

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chụp ảnh cùng sinh viên Học viện Tòa  án – Ảnh PV

TS.PHẠM MINH TUYÊN - Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh