Một thập kỷ khó quên ở Tạp chí Tòa án nhân dân

Tạp chí TAND điện tử xin giới thiệu bài viết của ông Lê Phúc Hỷ, nguyên Phó Tổng Biên tập, Phụ trách Tạp chí Tòa án nhân dân chia sẻ những ký ức về một giai đoạn phát triển của Tạp chí.

Một phần tư thế kỷ công tác tại Tạp chí TAND, nhớ về quãng thời gian ấy, những hồi ức kỷ niệm bỗng sống dậy đối với tôi, đặc biệt là ấn tượng khó quên với giai đoạn 2003 – 2013, Tạp chí có luồng sinh khí mới, có những thay đổi ngoạn mục.

Tăng trang, tăng kỳ

Năm 2001, Báo Công lý (tờ báo thuộc TANDTC) được cấp phép xuất bản số báo đầu tiên và cùng sinh hoạt, trị sự trong một đơn vị hành chính với Tạp chí Tòa án nhân dân (có nghĩa là một đơn vị cấp Vụ nhưng biên tập và xuất bản 2 ấn phẩm: Báo và Tạp chí). Ông Nguyễn Gia Cương lúc đó được giao nhiệm vụ làm Tổng Biên tập hai ấn phẩm: Tạp chí TAND và Báo Công lý (Tạp chí TAND xuất bản 1 kỳ/tháng; Báo Công lý ra 1 số/tuần, sau tăng lên 2 số, rồi 3 số/tuần)

Cuối năm 2002, đầu năm 2003, theo quy hoạch báo chí TANDTC tách Tạp chí TAND và Báo Công lý, hình thành hai đơn vị cấp Vụ độc lập. Ông Nguyễn Gia Cương được phân công làm Tổng Biên tập Báo Công lý, ông Ngô Cường, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (nay là Vụ Pháp chế & quản lý khoa học) được bổ nhiệm kiêm Tổng Biên tập Tạp chí TAND.

Lúc này, tôi được bổ nhiệm Trưởng phòng Thư ký tòa soạn, giúp việc cho Tổng Biên tập. Đây là thời kỳ Tạp chí TAND có một số đổi mới quan trọng.

Tổng Biên tập Ngô Cường từng nhiều lần đọc kỹ từng trang trong cuốn Tạp chí TAND. Ông đọc kỹ từng bài, từng chuyên mục, nhưng chỉ một loáng, ông đã đọc đến trang cuối. Ông cho rằng Tạp chí có tính chất nghiên cứu, lý luận khoa học nên có bài dài tới 5-7 trang in, thậm chí ngốn cả chục trang, nhưng Tạp chí chỉ có 32 trang sẽ hạn chế và nghèo nàn về nội dung, lại xuất bản một tháng có 1 kỳ khiến nội dung đưa tới người đọc đã ít ỏi lại càng cũ hơn vì tần xuất phát hành quá thưa.

Vậy là việc đầu tiên sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Biên tập, ông Ngô Cường đổi mới Tạp chí TAND bằng cách triển khai xin phép tăng trang nội dung (từ 32 trang/số, tăng lên 48 trang/số), tăng kỳ xuất bản (từ 1 kỳ/tháng, tăng lên 2 kỳ/tháng).

Về nội dung bài vở trên Tạp chí TAND, Tổng Biên tập chú trọng cân đối dung lượng các lĩnh vực pháp luật, sao cho nội dung bài vở trong mỗi số Tạp chí phải tương đối đồng đều, đa dạng, phong phú, không để trống lĩnh vực nào. Các bài viết về Hình sự, Dân sự, Hôn nhân & Gia đình, Hành chính, Kinh tế, Tố tụng… theo ông cần phải được cân đối đăng tải đều trong mỗi số Tạp chí. Một thực trạng từ xưa đến nay là các bài viết về hình sự được các tác giả gửi về tòa soạn nhiều và Ban biên tập cho đăng cũng thường nhiều hơn các lĩnh vực khác. Tổng Biên tập Ngô Cường yêu cầu rà soát, cân đối lại các lĩnh vực cần phản ánh, nếu cần thiết thì Biên tập viên phải tiến hành đặt bài cộng tác viên, không thể ngồi chờ bài gửi đến rồi chọn đăng tùy tiện, không theo định hướng, kế hoạch, mất cân đối các lĩnh vực (Nếp làm việc cũ từ thời Tập san Tòa án bắt đầu được phá bỏ, thay vào đó là sự năng động, chủ động xây dựng nội dung các số Tạp chí theo đề cương, kế hoạch đã định sẵn)

Mặt khác, Tổng Biên tập còn chú trọng thu hút đội ngũ cộng tác viên tiềm năng, có chất lượng cao bằng cách trực tiếp quan hệ, trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học hiện công tác tại các cơ quan, đơn vị TW và địa phương (ngoài hệ thống Tòa án) để thu hút bài vở về cho Tạp chí TAND. Về nội dung thời gian này, tôi nhớ không nhầm là một số đề tài mới, lần đầu tiên được đăng tải trên Tạp chí, như: Các vấn đề về Sở hữu trí tuệ; Các quy định pháp luật liên quan đến dịch vụ Logistic; Các mô hình tổ chức Tòa án trên thế giới; Các vấn đề xoay quanh Bồi thẩm đoàn trong hoạt động xét xử ở Châu Âu và Mỹ; Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, khen thưởng, đãi ngộ, nhiệm kỳ, bảo vệ Thẩm phán – kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới…Nói chung, các thông tin về Tư pháp quốc tế, Hợp tác quốc tế về hoạt động xét xử, giai đoạn này được tăng cường phản ánh hàng tháng trên Tạp chí TAND tại chuyên mục “Tham khảo”, mở rộng tầm nhìn về tư pháp quốc tế cho bạn đọc…

Tổng Biên tập nhiều lần trực tiếp biên tập bài của cộng tác viên gửi đến. Thông thường, các Biên tập viên có bổn phận, nhiệm vụ biên tập bài vở rồi trình Tổng Biên tập quyết định đăng hoặc để lại. Thấy Biên tập viên bận rộn, hoặc thấy vấn đề mới, phức tạp, có thể Biên tập viên sẽ gặp khó và mất nhiều thời gian nghiên cứu, nên nhiều hôm Tổng Biên tập miệt mài cả buổi ngồi biên tập luôn cho nhanh, cho kịp in vào số tới. Việc này cho thấy ông không câu nệ máy móc về chức năng, bổn phận của vị trí việc làm này, công việc hoặc chức vụ nọ, mà cơ bản ông làm việc không nề hà gì, chủ yếu vì tập thể, vì kết quả chung của đơn vị và chất lượng bải vở của Tạp chí.

Điều khiến anh chị em trong Tạp chí phải suy nghĩ, nhớ mãi và còn nguyên giá trị cho đến hôm nay là Tổng Biên tập Ngô Cường thường nhắc nhở anh em Tạp chí rằng: Làm công tác liên quan đến pháp luật là phải chịu khó đọc, đọc nhiều, đọc kỹ, đọc để hiểu bản chất vấn đề và suy nghĩ cách giải quyết vấn đề. Đọc và phải chịu khó tra cứu. Lười đọc và đọc lớt phớt là chẳng hiểu gì cả. Làm Tạp chí càng phải đọc nhiều và suy nghĩ nhiều hơn.

Mặc dù công việc Tổng Biên tập chỉ là kiêm nhiệm (ông Ngô Cường bận nhiều việc liên quan đến hợp tác quốc tế và nghiên cứu của Viện Khoa học xét xử) nhưng ông luôn dành thời gian thích hợp quan tâm đến công tác biên tập, xuất bản, phát hành và đời sống của anh em trong Tạp chí. Về lịch sử hình thành và phát triển của Tạp chí TAND, chính Tổng Biên tập Ngô Cường thời đó là người đầu tiên đã chỉ đạo anh em rà soát, tìm tòi các nguồn tư liệu để xác định cho rõ, cho chính xác ngày xuất bản số đầu tiên của Tạp chí TAND.

Tổng Biên tập cũng đã chỉ đạo tăng cường phối hợp công tác giữa Tạp chí TAND với các đơn vị, tổ chức như: Văn phòng TANDTC, Viện Khoa học xét xử, các tổ chức quốc tế có quan hệ với Tòa án tối cao… mở rộng hoạt động của Tạp chí trong việc tổ chức Hội thảo khoa học, xuất bản các sách Luật và các ấn phẩm bổ trợ khác, phục vụ cho hoạt động chung của TAND. Thời gian này, bên cạnh việc biên tập và xuất bản Tạp chí hàng tháng, Tạp chí TAND đã trực tiếp tham gia biên soạn, tổ chức in ấn một số sách Luật, như: Luật Phá sản; Luật Hôn nhân & Gia đình (sửa đổi); Các bản án Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hình sự, dân sự, kinh tế; Kỷ yếu 65 năm TAND xây dựng và trưởng thành nhân dịp Kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống TAND (13/9/1945-13/9/2010)… Đồng thời, Tạp chí được giao chủ trì tổ chức thành công một số cuộc Hội thảo khoa học quốc tế về các vấn đề xoay quanh tổ chức và hoạt động của Tòa án… Những hoạt động này đã giúp cho cán bộ, Phóng viên, Biên tập viên Tạp chí mở mang thêm tầm nhìn, kiến thức, rèn luyện thêm kỹ năng công tác trong các lĩnh vực khác, không chỉ đóng khung trong công tác biên tập, xuất bản Tạp chí.

Bảo đảm nội dung Tạp chí bám sát thực tiễn

Năm 2007, được sự phê duyệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TANDTC quyết định thành lập Vụ Hợp tác quốc tế. Ông Ngô Cường được bổ nhiệm làm Vụ trưởng vụ này, thôi không tham gia lãnh đạo Viện Khoa học xét xử và Tạp chí TAND. Tôi được bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập Tạp chí tháng 10 năm 2007. Và năm 2008, ông Lê Hồng Quang, Thẩm phán TANDTC, công tác tại Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Thành phố Hồ Chí Minh, được điều động, bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tạp chí TAND từ 2008 đến 2013.

 

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình thăm Tạp chí 

Thẩm phán Lê Hồng Quang có bề dày nhiều năm trực tiếp làm công tác xét xử, nay chuyển qua làm nghiên cứu lý luận, xuất bản tài liệu khoa học là một sự kết hợp, bổ trợ hữu ích giữa lý luận và thực tiễn về hoạt động xét xử của Tòa án.

Tổng Biên tập yêu cầu nội dung Tạp chí không chỉ đăng tải các bài viết lý luận, trao đổi khoa học pháp lý, mà cần phản ánh, bám sát các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp, về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN; Các Chỉ thị, Nghị quyết của TW Đảng và của TANDTC về việc “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; về thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng xét xử... Còn nhớ thời kỳ này Tạp chí đã mở một chuyên mục mới là: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”, nội dung bám sát việc rèn luyện đạo đức Thẩm phán, xây dựng TAND trong sạch, vững mạnh toàn diện, biểu dương những gương tốt tại TAND các cấp trong công tác xây dựng Đảng và có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua yêu nước.

Mặt khác, Tổng Biên tập yêu cầu xây dựng và duy trì thường xuyên các chuyên mục gần gũi, thiết thực với việc bổ trợ, nâng cao kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký TAND các cấp, nhất là đối với cán bộ, Thẩm phán TAND cấp huyện.

Để từng bước tiến hành hội nhập tư pháp quốc tế, Tổng Biên tập, TS. Lê Hồng Quang chủ trương quảng bá “tên tuổi” Tạp chí TAND ra thị trường xuất bản tài liệu tư pháp quốc tế nhằm nâng tầm vị thế tờ Tạp chí của Tòa án nhân dân Việt Nam. Năm 2009, Tạp chí TAND đã được tổ chức có thẩm quyền cấp mã số ISSN là mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ, được công nhận trên phạm vi toàn thế giới. Như vậy, Tạp chí TAND đã  được quốc tế chính thức thừa nhận và giới thiệu trên quy mô toàn cầu

Giai đoạn này, Tạp chí gặp một số khó khăn về kinh phí bởi hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần về kinh tế, đời sống cán bộ, phóng viên, biên tập viên đóng khung trong mức lương cơ bản. Trong cái khó thường ló cái khôn. Tổng Biên tập vận dụng các mối quan hệ với các cơ quan, doanh nghiệp, vận động xã hội hóa một số khâu trong tổ chức các Hội nghị cộng tác viên, phần nào gỡ khó cho đơn vị. Thời gian này, dù gặp khó khăn, nhưng dường như Tạp chí TAND đã tổ chức nhiều hơn các cuộc Hội nghị cộng tác viên ở cả ba miền Bắc – Trung - Nam, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt… Thông qua đó, Tạp chí TAND không những được quảng bá rộng rãi hơn, mà số lượng bạn đọc đặt mua Tạp chí được tăng lên, đó là chưa kể lượng cộng tác viên cũng được mở rộng hơn trên phạm vi cả nước.

Sau các Hội nghị cộng tác viên, tổng hợp  ý kiến của các đại biểu công tác tại các TAND địa phương, cho thấy chuyên mục “Trao đổi ý kiến” trên Tạp chí dường như thu hút nhiều cán bộ, Thẩm phán, Thư ký Tòa án đọc và đánh giá là thiết thực, bổ ích đối với chuyên môn nghiệp vụ. Đây là những vụ án cụ thể, đã được giải quyết theo quy định của pháp luật, đăng trên Tạp chí để trao đổi về việc định tội danh hoặc quyết định hình phạt như thế nào là đúng pháp luật, là chuẩn mực. Từ tổng kết này, Tạp chí chú trọng và quan tâm đầu tư nhiều hơn cho chuyên mục “Trao đổi ý kiến”, xem đây là chuyên mục thiết yếu, quan trọng đối với bạn đọc ở các TAND địa phương.

 

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao đổi, chỉ đạo lãnh đạo Tạp chí

 

 

LÊ PHÚC HỶ