Muốn được xét giảm án thì phải có hội đồng xét giảm, quyết định cuối cùng là Toà án

Ngày 20/3/2023, tại Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tòa án và Kiểm sát. Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự và trả lời một số vấn đề đại biểu chất vấn thuộc lĩnh vực của ngành Công an.

Thu hồi tối đa tài sản tham nhũng

Cùng ngành Tư pháp trả lời về một số nội dung có liên quan, Bộ trưởng Tô Lâm trả lời 4 vấn đề, nội dung các đại biểu nêu. Cụ thể, chất vấn của đại biểu Nguyễn Phương Hoa (Nam Định) về hoàn thiện thể chế trong các vụ án tham nhũng để làm sao không thể tham nhũng tiếp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đây là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm. Quá trình điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng, ngoài việc điều tra chứng minh tội phạm, xử lý các đối tượng phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của điều tra vụ án là xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị khắc phục, góp phần tạo cơ chế không thể tham nhũng như mục tiêu của chúng ta đặt ra.

 

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời vấn đề đại biểu nêu

Điển hình qua các vụ án liên quan đến y tế, giáo dục thì Cơ quan điều tra đã có nhiều kiến nghị khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác đầu tư công, công tác đấu thầu, mua sắm các thiết bị, góp phần minh bạch các lĩnh vực này với mục tiêu làm một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, làm sao để đối tượng tham nhũng phải bị xử lý. Qua đó, các đối tượng, công ty, đơn vị đang có phương thức, kiểu làm việc như vậy phải chấm dứt, khắc phục hậu quả ngay, nếu không sẽ bị xử lý. Về quản lý nhà nước, cũng phải rà soát lại tất cả những quy định mà trong quá trình thực hiện bộc lộ những sơ hở để đối tượng phạm tội có thể lạm dụng để phạm tội. Trên một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính đã thể hiện điều này rất rõ.

“Thật ra, các vụ án, vụ việc như vậy không nhiều nhưng đã để cho chúng ta những bài học, kinh nghiệm để phải chỉnh sửa các văn bản pháp luật, kể cả các thông tư, nghị định, pháp lệnh, thậm chí cả luật. Nếu văn bản nào có quy định còn chỗ hở thì phải sửa để phòng ngừa tội phạm, không để đối tượng lợi dụng tham nhũng” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết và nêu rõ, trên lĩnh vực đất đai cũng như vậy, đã để lại rất nhiều bài học. Cơ quan điều tra đã có những kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách để phòng ngừa tội phạm.

Công an xã làm tốt công tác tham gia hoạt động tố tụng ban đầu

Vấn đề thứ 2, trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) về giải pháp kiểm soát để đảm bảo Công an xã làm tốt công tác tham gia hoạt động tố tụng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, chủ trương đưa Công an chính quy về xã được đánh giá rất đúng, mang lại nhiều hiệu quả tích cực. “Sáng nay, Bộ Công an tổ chức một Hội nghị toàn quốc, trong đó có bàn về việc phân cấp cho Công xã được tiếp nhận, điều tra, xác minh tin báo tố giác tội phạm và tham gia một số hoạt động ban đầu trong quá trình thực hiện hoạt động tố tụng như bảo vệ hiện trường vụ án, giữ người liên quan… Các biện pháp này được thực hiện ngay từ đầu, ngay từ cơ sở là rất quan trọng và đã làm rất tốt” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết và nhấn mạnh, Công an xã đã tham gia giải quyết hơn 30% trong tổng số tin báo tố giác tội phạm ngay từ cơ sở, không có nảy sinh vấn đề gì phức tạp.

“Chúng tôi đã bố trí một số lượng lớn Công an chính quy trong toàn quốc về công tác tại xã và đều bố trí cán bộ điều tra, ít nhất là điều tra viên sơ cấp để làm nhiệm vụ điều tra như tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm và điều tra ban đầu ngay tại cơ sở. Chúng tôi cũng đã tăng cường bồi dưỡng, tập huấn để tiếp tục nâng cao hoạt động này cho Công an xã, đang tính toán để bố trí Phó trưởng Công an xã phụ trách hoạt động điều tra là điều tra viên, cũng đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy chế, quy trình, hướng dẫn cụ thể cho Công an xã thực hiện nhiệm vụ này. Các Đội điều tra cấp trên sẽ hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát hoạt động điều tra của Công an xã. Đặc biệt là phối hợp với Viện Kiểm sát để hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc Công an xã thực hiện nhiệm vụ tố tụng” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Bộ trưởng cho biết thêm, từ khi Công an xã được thực hiện nhiệm vụ điều tra ban đầu thì các vụ án, vụ việc không tăng thêm. Trước đây, có thể làm việc ở cấp huyện, cấp tỉnh nhưng bây giờ ngay tại cơ sở đã được giải quyết rồi thì các cơ quan phối hợp như Viện Kiểm sát và các cơ quan khác cũng không tăng vụ án. “Bản thân lực lượng Công an cũng không tăng biên chế và cũng không đòi tăng biên chế mà tự sắp xếp trong nội bộ lực lượng để giải quyết vụ việc sớm ngay từ cơ sở” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Về cơ chế đặt tiền bảo lãnh, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đây không phải là ý chí của Cơ quan điều tra, để thực hiện được cũng cần rất nhiều điều kiện khác nhau. “Nhưng mục tiêu cao nhất là để thực thi pháp luật cho đúng, điều tra vạch trần được bản chất vụ án, không để những bị can, bị cáo đối phó với hoạt động điều tra gây phức tạp” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Về đề nghị giảm án đối với phạm nhân đã có quá trình thi hành án đảm bảo thời gian, quá trình thi hành án xếp loại khá, tốt nhưng chưa được đặc xá, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an thống nhất với trả lời của Chánh án TANDTC, đây là cơ chế, còn thực hiện được phải có điều kiện. Muốn được xét giảm án thì phải có hội đồng xét giảm, quyết định cuối cùng là Toà án.

PVA