Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho vùng dân tộc thiểu số
Được lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu phù hợp với nơi cư trú và thuận lợi cho việc quản lý sức khỏe; thông tuyến khám, chữa bệnh tại các tuyến huyện, xã, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế bỏ qua rào cản về thủ tục hành chính..., đó là những chuyển biến tích cực trong công tác khám, chữa bệnh BHYT nói chung và cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng.
Bảo hiểm y tế – cơ hội cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số
Theo bà Trần Thị Hoa, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hòa Bình cho biết: Chính sách y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS luôn được thực hiện theo hướng: Ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh chi khám, chữa bệnh BHYT cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 819.636 triệu đồng cho hơn 1 triệu lượt khám. Tần suất khám, chữa bệnh cũng tăng qua các năm, năm 2015 là 0,53% lượt/thẻ, đến nay là 0,72% lượt/thẻ. Kết quả đó là nhờ những chính sách mới về BHYT được ban hành theo hướng ngày càng phục vụ tốt hơn cho người tham gia BHYT. BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế thực hiện việc tổ chức đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu dựa trên điều kiện thực tế về tổ chức y tế tại địa phương. Do đó, đồng bào DTTS tham gia BHYT được lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu phù hợp với nơi cư trú và thuận lợi cho việc quản lý sức khỏe. Thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT tại các tuyến huyện, xã. Quy định này tạo điều kiện cho người tham gia BHYT lựa chọn nơi khám, chữa bệnh phù hợp với tình trạng bệnh tật mà vẫn được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT. Đặc biệt, ngành cũng đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT nói chung, đồng bào DTTS nói riêng, ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý của ngành và giải quyết các chính sách BHYT.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực khám, chữa bệnh cho đồng bào DTTS ngày càng được bảo đảm về số lượng và chất lượng; trạm y tế, phòng khám quân – dân y, thuộc các xã vùng sâu, xa thực hiện khám, chữa bệnh cho người dân; tuyên truyền, vận động người dân xây dựng làng văn hóa – sức khỏe, nếp sống vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình… Chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS sinh con đúng chính sách, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản (kiêm thêm nhiệm vụ cô đỡ thôn, bản) cũng được triển khai thực hiện hiệu quả tại cơ sở, góp phần phát huy vai trò cầu nối giữa y tế xã với người dân.
Không may mắc căn bệnh khô da sắc tố, em Xa Văn Thành, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) thường xuyên phải ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, để có tiền lo cho con chống chọi với bệnh tật, gia đình em Thành đã phải rất cố gắng. May mắn, gia đình là đồng bào DTTS thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên Thành được BHYT thanh toán 100% chi phí nằm viện. Vì vậy, cũng đã giúp gia đình em phần nào khó khăn. Em Thành không phải là trường hợp duy nhất có được cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế cao do chính sách BHYT cho đồng bào DTTS mang lại. Hiện nay, theo báo cáo của BHXH tỉnh, tỷ lệ người DTTS được hưởng các chính sách về BHYT ngày càng cao. Năm 2015, toàn tỉnh cấp 363.151 thẻ BHYT cho người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Đến năm 2018, số thẻ cấp cho người DTTS vùng khó khăn đạt 413.472 thẻ, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 297 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nguồn xã hội hóa, nhiều tổ chức chính trị – xã hội đã hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo, trong đó có hộ đồng bào DTTS.
Mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng
Qua thực tiễn tại tuyến y tế cơ sở, việc triển khai Luật BHYT vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh BHYT cho người dân, trong đó, có nhiều chính sách đã tác động đến đồng bào DTTS. Theo đồng chí Bùi Văn Chanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHYT triển khai xuống địa phương còn chậm, trong khi đó, quy định tại một số văn bản của Trung ương còn vướng mắc, chồng chéo, dẫn đến lúng túng trong triển khai. Đồng tình quan điểm này, đại diện BHXH huyện Đà Bắc nêu: Vướng mắc hiện nay giữa danh mục kỹ thuật theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT, ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh và Thông tư liên tịch số 37 giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính, có một số dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT có tên gọi chưa trùng khớp nên việc áp giá để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh những bất cập về cơ chế, chính sách, chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cũng là một trong những vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Anh Bùi Văn Phương, xã Cao Sơn (Đà Bắc) cho biết: Có thẻ khám, chữa bệnh BHYT nhưng mỗi khi ốm đau tôi thường xuống khám trực tiếp tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Thậm chí con bị ốm, tôi vẫn phải đưa ra thành phố Hòa Bình khám, mua thuốc, rất ít khi khám và dùng thuốc tuyến y tế xã vì nhiều loại thuốc đặc trị không có, bác sỹ cũng chỉ khám được các bệnh thông thường.
Theo đánh giá của ngành BHXH Hòa Bình, một trong những tồn tại, hạn chế hiện nay của công tác khám, chữa bệnh BHYT chính là chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là y tế tuyến xã. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đội ngũ y, bác sỹ, còn thiếu, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Nhiều địa phương vùng khó khăn, để đảm bảo tỷ lệ bác sỹ trên/vạn dân là vô cùng khó khăn. Ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tỷ lệ cán bộ, y, bác sỹ so với giường bệnh hiện nay còn thiếu khoảng 300 cán bộ. Toàn huyện Đà Bắc hiện có 14/17 trạm y tế có bác sỹ; huyện Lạc Sơn đến thời điểm này, Trung tâm Y tế huyện có 43 bác sỹ, trong đó, công tác tại các trạm là 13 bác sỹ. Nhiều huyện khác, tình trạng thiếu y, bác sỹ cũng diễn ra tương tự. Chính vì vậy, mặc dù kết quả cấp thẻ BHYT miễn phí đạt tỷ lệ cao, nhưng số lượt người khám, chữa bệnh và chất lượng khám, chữa bệnh bằng BHYT ở cơ sở đạt thấp, nhất là ở vùng DTTS và miền núi chưa thật sự hiệu quả. Trong khi đó, người DTTS chủ yếu khám, chữa bệnh tại các tuyến y tế cơ sở. Như vậy, phần lớn chi phí khám, chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở vùng DTTS và miền núi không được sử dụng hết, phải điều tiết ngược về cho các vùng phát triển, nơi có điều kiện khám, chữa bệnh tốt hơn.
Trước thực trạng đó, ngành BHXH Hòa Bình quan tâm bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, quyền và lợi ích về khám, chữa bệnh cho đồng bào DTTS và miền núi. Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh chất lượng cao ở vùng DTTS, miền núi. Tiếp tục tăng cường bác sỹ về công tác tại bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ bác sỹ là người DTTS để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận