Nếu quy định 100 triệu đồng trở lên không được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng không chỉ luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà các luật khác cũng có thể áp dụng rút gọn để giải quyết vụ việc cho nhanh.

Thủ tục rút gọn

Thảo luận về quy định áp dụng thủ tục rút gọn đối với các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo quy định tại Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu các vụ án dân sự liên quan đến người tiêu dùng thỏa mãn điều kiện ở Điều 317 thì được áp dụng thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng Dân sự có quy định tại Điều 316 “mở đường” cho các luật khác quy định có thể áp dụng rút gọn, nhưng phải theo trình tự, thủ tục rút được bộ luật này quy định.

“Nếu quy định 100 triệu đồng trở lên không được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì không phải bảo vệ quyền lợi mà là hạn chế quyền lợi người tiêu dùng. Vì có những vụ việc trên 100 triệu đồng nhưng thủ tục rất đơn giản”, Chánh án TANDTC nói.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm: Mốc 100 triệu đồng có thể tham khảo từ kinh nghiệm thế giới khi các vụ án quy mô nhỏ quy trình giải quyết rất đơn giản. Như tại Đức, tất cả các tranh chấp dân sự dưới 5.000 euro Tòa án tối cao không giải quyết, vì chi phí xã hội bỏ ra sẽ lớn hơn rất nhiều so với giá trị tranh chấp. Nhiều nước cũng quy định giá trị các vụ tranh chấp để xã hội không mất công vào các vụ việc vụn vặt, để không phải tòa sơ thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm…

 

Các đại biểu tại Hội trường

Trước đó, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) đề nghị ban soạn thảo bỏ điều kiện khống chế để có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự đối với các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cũng cho rằng quy định các vụ tranh chấp từ 100 triệu đồng trở lên sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án là không phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của luật. Bà Thủy cho rằng, trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không. Thực tế, nhiều giao dịch vài tỉ đồng nhưng giấy tờ, hóa đơn giao dịch lại chi tiết hơn nhiều so với các giao dịch nhỏ.

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, trong đó có quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án tại Tòa án. 

Công khai nội dung khởi kiện trên các phương tiện thông tin đại chúng

Phát biểu ý kiến về về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại phiên họp, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc sự thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan khác.

Cụ thể như tại Điều 72 của dự thảo Luật quy định khi tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng vì mục đích công cộng khởi kiện vụ án dân sự có trách nhiệm thông báo công khai các thông tin khởi kiện tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị kiện và về nội dung khởi kiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của tổ chức xã hội và tại trụ sở, địa chỉ cơ quan của tổ chức xã hội, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

 

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu

Bên cạnh đó, đương sự có nghĩa vụ gửi tài liệu, chứng cứ kèm theo bản sao đơn khởi kiện cho đương sự khác; chứng cứ, tài liệu liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật nghề nghiệp quy định tại Khoản 9 Điều 70 và Khoản 2 Điều 109 của Bộ luật tố tụng dân sự và đương sự không được lạm dụng quyền này để gây khó khăn cho đương sự khác trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Để đảm bảo cân bằng quyền, lợi ích của người tiêu dùng cũng như quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh, đại biểu cho rằng, việc quy định công khai thông tin, nội dung khởi kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh bị kiện lên phương tiện thông tin đại chúng và các cổng thông tin điện tử của tổ chức xã hội và tại trụ sở của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa không phù hợp với quy định pháp luật có liên quan, vừa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và uy tín của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bị kiện, nhất là trong điều kiện thời đại công nghệ thông tin toàn cầu như hiện nay.

Mặt khác, khi khởi kiện có thể không được chấp nhận hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh không có lỗi hoặc được miễn trừ trách nhiệm bồi thường. Trong khi đó, Bộ Luật Tố tụng dân sự hiện hành chỉ quy định các đương sự chỉ gửi cho đương sự khác đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn.

Trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc quảng cáo sai sự thật

Phát biểu ý kiến về về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, còn một số nội dung trên không gian mạng cần xem xét kỹ hơn như tại quy định của Điều 39 của dự án Luật. Cụ thể, tại điểm d, khoản 3, Điều 39 dự án luật theo hướng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp có có thể cho phép người tiêu dùng phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp, đồng thời hiển thị đầy đủ và chính xác kết quả phản hồi, đánh giá, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm các quy định của pháp luật và trái với đạo đức của xã hội.

 

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Ảnh: Qh.vn

Đồng thời cũng cần xem xét bổ sung các quy định về việc tổ chức thiết lập, vận hành, thực hiện các biện pháp giám sát, phản biện, cảnh báo cho người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số có dấu hiệu nghi ngờ bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và các quy định về thời hạn loại bỏ khỏi nền tảng số những cá nhân, tổ chức vi phạm liên quan đến nội dung này.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc quảng cáo, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đảm bảo không được sai lệch về chất lượng, giá, công dụng, cũng như thổi phồng chức năng của sản phẩm dẫn đến các hành vi lừa dối, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, đồng thời đảm bảo không được vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội trường - Ảnh: Phạm Thắng

THÁI VŨ