Ngân hàng nhà nước cần đánh giá thêm về sở hữu chéo, nợ xấu phát sinh do cho vay các dự án BOT, bất động sản
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng nhà nước đánh giá thêm về vấn đề sở hữu chéo, bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh mới từ ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực, đánh giá cụ thể nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cho vay các dự án BOT, bất động sản…
Ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42).
Đề xuất Quốc hội ban hành Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Báo cáo tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng sau gần 05 năm thực hiện, Nghị quyết số 42 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả quan trọng.
Theo đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017). Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Toàn cảnh phiên họp
Mặc dù xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã đạt được kết quả tích cực nhưng thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc khi xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 cần tiếp tục có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan để xử lý. Trong đó, có khó khăn, vướng mắc từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương: Về việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu (Điều 6 Nghị quyết số 42); Về quyền thu giữ TSBĐ (Điều 7 Nghị quyết số 42); Về áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 8 Nghị quyết số 42); Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ (Điều 12 Nghị quyết số 42); Về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự (Điều 14 Nghị quyết số 42). Bên cạnh đó, còn có khó khăn, vướng mắc từ chính quy định tại Nghị quyết số 42 liên quan đến thỏa thuận về thu giữ trong hợp đồng bảo đảm; phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn.
Thống đốc nêu, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 và thủ tục kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42.
Trường hợp được phê duyệt việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42, để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn và thông qua Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 tại 1 kỳ họp vào tháng 5 năm 2022.
Kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, để bảo đảm đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ các kết quả đã đạt được cũng như tác động, ảnh hưởng của những quy định thí điểm trong Nghị quyết số 42, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu tương ứng ; đánh giá kỹ hơn về hiệu quả của các biện pháp khác quy định tại Nghị quyết (như xử lý tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ cho VAMC, DATC và các tổ chức, cá nhân khác...); đánh giá thực trạng hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu; phân tích ảnh hưởng của việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42 đối với công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, đánh giá thêm về công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 42. Ngoài ra, đề nghị bổ sung đánh giá tác động của việc thực hiện Nghị quyết đối với sự phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết trong 02 năm. Tuy nhiên, để bảo đảm tính cấp thiết, khả thi, đề nghị chỉ cân nhắc xem xét sửa đổi, bổ sung đối với 02 nội dung gồm: bổ sung phạm vi áp dụng là các khoản nợ được hình thành sau ngày 15 tháng 8 năm 2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực, và bổ sung đối tượng áp dụng các cơ chế xử lý nợ xấu tại Nghị quyết là DATC (tương tự như VAMC).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 kèm theo Tờ trình, trong đó phải nêu rõ mục tiêu, yêu cầu của việc ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42. Đồng thời, bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh sau ngày 15/8/2017 xử lý theo pháp luật về tín dụng có kết quả cụ thể ra sao, từ đó có sự so sánh, đối chiếu với việc thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42.
Cho rằng chưa có tiền lệ về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết thí điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc kéo dài thời hạn thực hiện đối với toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42. Tuy nhiên, không đồng tình đề xuất dự kiến thời gian kéo dài hiệu lực của Nghị quyết là 02 năm, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian kéo dài thực hiện Nghị quyết số 42 chỉ đến ngày 31/12/2023.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ cần có đề xuất, định hướng cụ thể đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm. “Luật Xử lý nợ xấu hay Nghị quyết xử lý nợ xấu chỉ là lúc cấp bách, nhất thời trong lúc nền kinh tế khó khăn, nợ xấu quá mức mới phải có chính sách đặc biệt. Thực sự có cần Luật về xử lý nợ xấu với tài sản bảo đảm không, hay nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng là vấn đề cần phải tính toán, cân nhắc và đánh giá thật kỹ lưỡng...”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Tránh tình trạng dàn trải, thiếu trọng tâm
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu, kết quả xử lý nợ, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của các biện pháp xử lý nợ xấu,.. tránh tình trạng dàn trải, thiếu trọng tâm. Đồng thời, phải có so sánh với các mục tiêu và kết quả tổng thể so với quy định tại Nghị quyết 42, đánh giá thực trạng hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu, ảnh hưởng của việc thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, khi kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42 cần chú ý đến các mục tiêu, giải pháp, hoàn thiện các hướng dẫn về thực hiện nghị quyết để đảm bảo đầy đủ, thống nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cả trung ương và địa phương, gắn trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức cụ thể trong việc thực hiện nghị quyết.
Đối với kiến nghị, đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị kéo dài toàn văn nghị quyết, bổ sung thêm căn cứ kéo dài. Thời hạn kéo dài chỉ tối đa đến 31/12/2023, khớp với Nghị quyết 43 của Quốc hội về gói hỗ trợ kích thích kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Ngân hàng nhà nước đánh giá thêm về vấn đề sở hữu chéo, bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh mới từ ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực, đánh giá cụ thể nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cho vay các dự án BOT, bất động sản,…
Đề cập đến việc xử lý các tập đoàn lớn như FLC và Tân Hoàng Minh do có vi phạm, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, cử tri băn khoăn liệu việc xử lý đó có ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng hay không? Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ngân hàng Nhà nước tham mưu cho Chính phủ tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản linh hoạt để sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh, như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bất ổn chính trị, liên quan đến số lượng lớn khách hàng có dư nợ lớn,... để sớm phục hồi, làm lành mạnh thị trường tài chính, tiền tệ, phục vụ ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển trong thời gian tới.
"Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp gần đây, đặc biệt liên quan hai tập đoàn là FLC và Tân Hoàng Minh", bà Nguyễn Thị Thanh nói.
Tại phiên họp, sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết về việc bổ sung nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 với 100% các thành viên Thường vụ có mặt biểu tán thành và giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chuẩn bị Dự thảo nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu - Ảnh: Qh.vn
Bài liên quan
-
Cần xử lý nghiêm Cơ sở thẩm mỹ Huyền Châu Beauty vì hoạt động tiêm Filler, Botox trái phép
-
Vụ án FLC: Bị cáo Trịnh Văn Quyết lĩnh án 21 năm tù
-
Vụ án FLC: Chi tiết mức án Viện kiểm sát đề nghị với 50 bị cáo
Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị đề nghị mức án 24-26 năm tù -
Vụ án FLC - Bị cáo Trịnh Văn Quyết chấp nhận phán quyết của HĐXX
và xin khắc phục hậu quả bằng tài sản cá nhân trị giá 5.000 tỷ đồng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận