Khi người chấp pháp bất chấp pháp luật
Hai sĩ quan công an đang bị xử lý vì hành vi coi thường pháp luật, hành xử ngông cuồng, côn đồ nơi công cộng. Đây là “con sâu làm rầu nồi canh” hay là triệu chứng của một căn bệnh trầm kha...
Công an tỉnh Thái Nguyên đã tạm đình chỉ công tác thời hạn 1 tháng đối với một thượng úy Công an vì hành vi hành hung nhân viên bán hàng tại trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc.
Trước đó, ngày 10/11, camera tại trạm dừng nghỉ Hải Đăng (Thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) ghi lại hình ảnh một người đàn ông sai con trai vào trong quầy hàng lấy đồ ăn nhưng không trả tiền. Thấy vậy, hai nhân viên của trạm đã nhắc nhở và yêu cầu người đàn ông thanh toán tiền. Không những không thanh toán tiền mà ngay lập tức, ông bố ném xúc xích vào nhân viên nữ và tát vào mặt nhân viên nam. Chưa dừng lại, người đàn ông này còn đi tới tát mạnh vào mặt nam nhân viên khác trước sự chứng kiến của nhiều người. Người hành xử kiểu côn đồ đó là thượng úy Nguyễn Xô Việt, công an của chính địa bàn thị xã Phổ Yên.
Một sĩ quan Công an gây chú ý của dư luận khác là đại úy Lê Thị Hiền, Công an quận Đống Đa, Hà Nội, người gây náo loạn ở sân bay Tân Sơn Nhất cách đây gần 3 tháng. Clip ghi lại hành vi gào thét, ăn vạ, gây sự với nhân viên sân bay của bà Hiền đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, khiến dư luận dậy sóng, nhất là khi biết bà Hiền là sĩ quan Công an.
Hành xử của hai sĩ quan Công an trên đây cho thấy họ đã quên lời Bác Hồ dạy Công an nhân dân là “đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép” và 5 lời thề của Công an nhân dân, trong đó nêu rõ: “Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”. Họ đã mắc căn bệnh cậy quyền, cậy thế, coi thường nhân dân, dẫn đến hành xử kiểu mất kiểm soát.
Cách hành xử đó cũng không phù hợp với chuẩn mực của người trưởng thành ở nơi công cộng. Sân bay là nơi có những chuẩn mực cao về văn minh, yêu cầu bảo đảm an ninh được đặc biệt chú trọng, ở góc độ nào đó còn là bộ mặt của đất nước trước khách quốc tế… nhưng một nữ đại úy vẫn ngang nhiên hành xử kiểu vô văn hóa, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Với trường hợp thượng úy Nguyễn Xô Việt thì kiểu cách ngông cuồng khiến không ai có thể thông cảm, bởi lẽ mua hàng thì phải trả tiền, trả tiền mới lấy hàng, đằng này anh ta cho con vào lấy hàng mà không trả tiền, đó là sai trái thứ nhất. Đến khi nhân viên bán hàng nhắc nhở thì thay vì trả tiền, anh ta lại gây gổ, hành hung họ. Mức độ sai trái đã trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Là sĩ quan Công an, anh ta có hiểu về các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hành hung người khác có thể bị truy tố về tội hình sự hay không?!
Hai trường hợp trên đây còn cho thấy họ đã thiếu rèn luyện, tu dưỡng. Những kiểu hành xử đó là kết quả của cả một quá trình, chứ không phải bộc phát nhất thời.
Đó cũng là những chỉ dấu rất tiêu cực về một bộ phận không nhỏ người hoạt động trong lĩnh vực chấp pháp, được giáo dục về pháp luật, am hiểu pháp luật và có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật lại bất chấp pháp luật, sẵn sàng chà đạp lên pháp luật. Mà coi thường pháp luật, bất chấp chuẩn mực chung của xã hội là tiền đề của những sai phạm khác nghiêm trọng hơn nhiều.
Khi pháp luật không được tuân thủ thì hậu quả rất nghiêm trọng, nhất là đối với chủ thể có chức, có quyền. Người coi thường pháp luật thì đương nhiên là dễ dẫn đến tham nhũng để trục lợi. Tham nhũng đang được coi là quốc nạn tại Việt Nam vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của loại tội phạm này.
Tham nhũng có thể gây ra tác hại về chính trị, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hiện nay, tình hình tham nhũng ở nước ta đã ở mức đáng báo động. Tham nhũng xảy ra từ cấp Trung ương, ở những chương trình, dự án lớn cho đến các cấp chính quyền cơ sở, từ tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng đến tham nhũng vặt… khiến người dân suy giảm niềm tin vào cơ quan nhà nước, vào tính nghiêm minh của pháp luật.
Tham nhũng gây thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhà nước, của tập thể và của công dân. Giá trị tài sản bị thiệt hại, bị thất thoát liên quan tới tham nhũng có những vụ lên tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỉ đồng, gây suy yếu nguồn lực kinh tế của quốc gia.
Tham nhũng còn xâm phạm, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Trước những lợi ích bất chính đã hoặc sẽ có được khi thực hiện hành vi tham nhũng, nhiều cán bộ, công chức đã không giữ được phẩm chất đạo đức của người công chức, viên chức nên bất chấp pháp luật, làm trái công vụ, trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp.
Tham nhũng, coi thường pháp luật còn gây ra những hậu quả cụ thể trong từng lĩnh vực, từng trường hợp mà hậu quả không dễ khắc phục như gây oan sai trong tố tụng; tạo ra bộ máy cán bộ kém chất lượng; gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư, xây dựng; tạo ra kết quả sai lệch trong thi tuyển; tạo điều kiện cho hàng giả, dược phẩm giả lưu hành; gây bất ổn trong đời sống xã hội…
Có thể nói “coi thường pháp luật” là một loại siêu vi trùng nguy hiểm đang ngày đêm đục khoét, tấn công vào các thiết chế nhà nước và xã hội, khiến hoạt động bình thường và lành mạnh vốn có của các thiết chế này bị lệch lạc, xáo trộn và hư hại.
Hành vi của hai sĩ quan Công an trên đây chỉ là triệu chứng của một căn bệnh trầm kha hiện nay, nếu không có biện pháp mạnh như kháng sinh đặc trị và kháng thể phòng ngừa thì có thể nói hậu quả khôn lường.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận