Người dân Đà Nẵng theo dõi thông tin mưa bão qua Danang Smart City
Áp thấp nhiệt đới đang gây mưa lớn ở miền Trung. Bằng việc tích hợp hệ thống theo dõi mưa, ngập trên địa bàn TP Đà Nẵng lên ứng dụng Danang Smart City, người dân có thể gửi yêu cầu cứu trợ khẩn cấp trong thiên tai tới cơ quan chức năng một cách nhanh nhất.
Áp thấp thành bão được dự báo khi vào bờ ở cấp 8 giật cấp 10, gây mưa rất lớn tập trung ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng. Đây là cơn bão hình thành ngay sát bờ. Bãp đi chậm lại sẽ rất khó dự báo, dự đoán. Người dân Đà Nẵng đặc biệt quan ngại là đợt mưa khá lớn tập trung từ Quảng Trị đến Đà Nẵng, không loại trừ tương tự như đợt mưa gây ra trận lụt tồi tệ năm 2020.
Tuy nhiên, hiện nay để giảm thiệt hại về người và tài sản, hỗ trợ công tác phòng tránh thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Đà Nẵng vừa hoàn thiện tích hợp, đưa hệ thống bản đồ theo dõi mưa, ngập nước trên địa bàn lên ứng dụng Danang Smart City để phục vụ người dân.
Người dân có thể bấm gửi yêu cầu để cơ quan chức năng hỗ trợ khẩn cấp trong lúc mưa, lũ, bão…
Hệ thống do Trung tâm Thông tin và giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng (Trung tâm IOC) phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn thành phố xây dựng, vận hành và thường xuyên nâng cấp, cải tiến để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, chính quyền thành phố trong công tác phòng tránh bão, lụt.
Theo Sở TT&TT TP Đà Nẵng hệ thống được tích hợp dữ liệu thời gian thực từ 44 trạm đo mưa, 4 trạm đo mức ngập đô thị; cùng hàng loạt dữ liệu từ hệ thống theo dõi mực nước sông, hệ thống giám sát thoát nước và xử lý nước thải; dữ liệu từ các camera giao thông, camera từ nhóm phát triển cộng đồng… để theo dõi tình hình, diễn biến mưa, ngập trên địa bàn, phục vụ công tác phòng chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ.
Trước đó, Sở TT&TT đã huy động nhân lực từ các doanh nghiệp công nghệ số (FPT SBI, SDT, AHAMOVE, VRAIN,…) cùng xây dựng phân hệ thu thập thông tin/số liệu về lượng mưa trên địa bàn thành phố (không sử dụng kinh phí từ ngân sách) và kịp thời cung cấp thông tin cho người dân, cộng đồng từ ngày 22/10/2022.
Qua việc thu thập này, hệ thống sẽ công khai thông tin, thông báo và cảnh báo đến người dân, cộng đồng qua ứng dụng trên điện thoại (app Danang Smart City).
Nội dung cung cấp được hiển thị qua các thư mục cụ thể, từ theo dõi lượng mưa tại 44 trạm đo mưa và so sánh với lượng mưa cao điểm vào ngày 14/10/2022 (trên bản đồ và biểu đồ); theo dõi mức ngập nước tại các vị trí, tuyến đường chính trên địa bàn để chủ động trong di chuyển, đi lại hoặc ứng phó và xem thông tin mức ngập nước cao điểm tại 279 vị trí (có tọa độ cụ thể).
Đặc biệt, hệ thống cho phép người dân gửi thông tin mức ngập nước hiện tại cũng như thông tin liên quan khi có mưa lớn lên hệ thống để cung cấp cho chính quyền và công khai cho người khác biết, bên cạnh đó, người dân có thể bấm gửi yêu cầu để cơ quan chức năng hỗ trợ trong lúc mưa, lũ, bão…
Giao diện hệ thống theo dõi mức mưa, ngập nước trên ứng dụng Danang Smart City
Với việc triển khai hệ thống, Trung tâm IOC có thể tiếp nhận thông tin “yêu cầu cứu trợ SOS”, “điểm ngập, đường ngập” từ người dân để tổng hợp, chuyển đến cơ quan chức năng liên quan và cung cấp thông tin cho cộng đồng nhanh chóng, kịp thời.
Ngoài ra, thông tin tiếp nhận trên hệ thống IOC sẽ được chuyển cho các đơn vị cứu hộ để xử lý, Trung tâm IOC sẽ theo dõi các tài nguyên (nhà tránh bão, xe cứu thương, xe cứu hỏa….) xung quanh điểm cứu hộ, sẵn sàng cung cấp khi có yêu cầu.
Tại phân hệ cán bộ quản trị, các cơ quan, địa phương có thể xem, xét duyệt các dữ liệu ngập do người dân, cộng đồng gửi lên để có thông tin phục vụ cho công tác ứng phó, chống ngập. Tiếp nhận các yêu cầu cứu hộ khẩn cấp của người dân trên địa bàn để chủ động hỗ trợ…
Hệ thống cho phép người dân gửi thông tin mức ngập nước hiện tại cũng như thông tin liên quan khi có mưa lớn lên hệ thống để cung cấp cho chính quyền và công khai cho người khác biết
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận