Người tiêu dùng dưới góc độ hiện tượng “thợ săn hàng giả” theo quy định của pháp luật Trung Quốc và pháp luật Việt Nam

Hiện tượng “thợ săn hàng giả” hay “người tiêu dùng chuyên nghiệp” xuất hiện ở Trung Quốc từ những năm 1990 và trở nên ngày càng phổ biến trong các vụ việc liên quan đến bồi thường thiệt hại dưới cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bài viết sẽ phân tích quy định của pháp luật Trung Quốc về khái niệm người tiêu dùng dưới góc độ hiện tượng “thợ săn hàng giả” trong mối tương quan so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam.

1. Hiện tượng “thợ săn hàng giả” ở Trung Quốc

“Thợ săn hàng giả” (counterfeit hunters) hay “người tiêu dùng chuyên nghiệp” (professional consumers/consumer activist) là một hiện tượng xuất hiện ở Trung Quốc từ những năm 1990 khi mà một số cá nhân cố ý tìm kiếm các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để mua nhằm mục đích khiếu kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại dưới cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ở Trung Quốc, hiện tượng “thợ săn hàng giả” bắt đầu được công chúng biết đến với tên gọi “hiện tượng Wang Hai”. Wang Hai là một người tiêu dùng “đặc biệt” và trở nên nổi tiếng từ giữa những năm 1990 với những vụ kiện liên quan đến cơ chế bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 49 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Trung Quốc năm 1994. Cụ thể, theo quy định của Luật này, người tiêu dùng có thể khởi kiện và yêu cầu bồi thường gấp đôi giá của hàng hóa và phí dịch vụ trong trường hợp người tiêu dùng mua phải hàng giả. Năm 1995, Wang Hai đã mua một cặp tai nghe nhãn hiệu Sony từ chợ Bắc Kinh. Sau khi xác nhận với văn phòng Sony ở Bắc Kinh rằng tai nghe là hàng giả, anh quay lại chợ và mua thêm 10 cặp. Sau đó, anh ta yêu cầu nhà bán lẻ phải trả cho anh ta gấp đôi giá của chiếc tai nghe theo điều khoản “bồi thường gấp đôi” của Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Người bán đã đồng ý bồi thường cho Wang Hai. Đây là vụ kiện đầu tiên bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chống lại các hành vi lừa đảo và cũng là khởi đầu cho lịch sử các vụ kiện liên quan đến “thợ săn hàng giả”. Trong những năm tiếp theo, Wang Hai lặp lại hành động này với một số nhà cung cấp hàng giả khác và không chỉ nhận được hàng nghìn nhân dân tệ tiền bồi thường mà còn thu hút được nhiều người theo dõi trên các phương tiện truyền thông[3].

Không chỉ Wang Hai mà ngày càng nhiều người tham gia vào ngành công nghiệp “săn hàng giả” để tìm kiếm các khoản bồi thường từ phía nhà cung cấp. Hoạt động này dần trở thành một “nghề” phổ biến để kiếm sống của nhiều người dân Trung Quốc khi mà khoản tiền thu được từ các vụ kiện yêu cầu bồi thường rất lớn. Bởi lẽ, từ năm 2014, điều khoản bồi thường thiệt hại trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Trung Quốc được sửa đổi thành “hoàn trả cộng với bồi thường chi phí gấp ba lần”, trong đó mức bồi thường tối thiểu là 500 nhân dân tệ. Sự gia tăng mức bồi thường so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1994 đã thúc đẩy sự phát triển của hiện tượng “thợ săn hàng giả”. Cụ thể, chỉ trong vòng 03 năm (từ năm 2015 đến năm 2018) số lượng các vụ kiện yêu cầu bồi thường do hành vi bán hàng giả trên cơ sở Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng  đã tăng lên gấp 25 lần so với trước đó[4]. Cùng với sự tăng trưởng theo cấp số nhân của các vụ kiện liên quan đến “thợ săn hàng giả”, nhiều vấn đề nảy sinh trong “cuộc chiến” tìm kiếm hàng giả nhằm “kiếm lời”, ví dụ một số người cố tình mua hàng giả bị đánh chết, nhiều tổ chức được thành lập bởi những “thợ săn hàng giả” nhằm mục đích thực hiện các vụ kiện yêu cầu bồi thường, thậm chí một số trường hợp còn tống tiền các nhà kinh doanh hợp pháp với số tiền bồi thường khổng lồ. Những hành vi này đã gây ra hệ lụy rất lớn đối với sự an toàn và ổn định của thị trường. Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề này vẫn có rất nhiều quan điểm trái chiều. Cụ thể hơn, có khá nhiều quan điểm khác nhau giữa các học giả về việc người tiêu dùng cố ý mua hàng giả có được bảo vệ dưới cơ chế của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay không.

Một số học giả tin tưởng rằng “thợ săn hàng giả” đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời ngăn chặn các doanh nghiệp khỏi những hành vi tìm kiếm lợi nhuận vô đạo đức[5]. Tuy nhiên, từ khía cạnh khoa học pháp lý, một số quan điểm khác lại cho rằng “thợ săn hàng giả” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể, các học giả này viện dẫn Điều 2 của Luật để giải thích rằng khái niệm người tiêu dùng theo quy định tại Điều 2 không bao gồm trường hợp “thợ săn hàng giả”, do đó họ không thể sử dụng điều khoản bồi thường thiệt hại trong Luật này. Mặt khác, một số nhà bình luận đã đưa ra một số lập luận để bảo vệ “Wang Hai”. Lập luận của họ dựa trên mục đích chính của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là thúc đẩy quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Nói cách khác, người tiêu dùng cá nhân nên được khuyến khích khẳng định quyền tiêu dùng của họ, bao gồm thông qua việc sử dụng các cơ chế thực thi tư nhân. Vì vậy, Tòa án không nên giải thích khái niệm “người tiêu dùng” một cách chặt chẽ mà nên áp dụng cách hiểu linh hoạt hơn để đảm bảo việc thực hiện mục tiêu tăng cường quyền và lợi ích của người tiêu dùng[6]. Tóm lại, trọng tâm trong những tranh cãi xoay quanh hiện tượng “thợ săn hàng giả” ở Trung Quốc là việc những “thợ săn hàng giả” có được xem là người tiêu dùng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ quyền lợi quyền tiêu dùng không?

2. Khái niệm người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Trung Quốc

Mặc dù không đưa ra bất kỳ định nghĩa chính thức nào về “người tiêu dùng” song Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Trung Quốc đã xây dựng cách tiếp cận chung về khái niệm “người tiêu dùng” tại Điều 2 như sau: “Khi người tiêu dùng mua, sử dụng hàng hóa, tiếp nhận dịch vụ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày thì quyền và lợi ích của họ được Luật này bảo vệ”.

Như vậy, khái niệm hàng hóa, dịch vụ được sử dụng cho “nhu cầu tiêu dùng hàng ngày” là vấn đề quan trọng nhất trong định nghĩa về người tiêu dùng tại Điều 2 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, để xác định “thợ săn hàng giả” có phải là “người tiêu dùng” theo quy định tại Điều 2 không cần làm rõ vấn đề rằng mục đích mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ của những người này có nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày không?

Tuy nhiên, thuật ngữ “nhu cầu tiêu dùng hàng ngày không được giải thích cụ thể trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản pháp luật liên quan. Thực trạng này đã dẫn đến nhiều cách hiểu và cách giải thích khác nhau về khái niệm “người tiêu dùng” trong thực tế. Một số định nghĩa về người tiêu dùng sẽ xem xét mục đích của các bên tham gia giao dịch (mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ), ví dụ liệu các bên có tham gia giao dịch với mục đích kinh doanh thương mại nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Một số định nghĩa khác lại tập trung vào bản chất của hàng hóa, dịch vụ được cung cấp theo hợp đồng và liệu những hàng hóa hoặc dịch vụ này có tính chất “tiêu dùng hàng ngày” hay không[7]. Ví dụ, trong một tranh chấp về mua bán ô tô giữa nguyên đơn - Zhang Li và bị đơn - Công ty Heli Huatong, Tòa án đã căn cứ vào tính chất của hàng hóa là đối tượng trong hợp đồng mua bán để giải thích về khái niệm người tiêu dùng. Theo đó, ô tô, đối tượng mua bán trong hợp đồng này được đề cập như một loại hàng hóa cao cấp (luxury products), song Tòa án xác định rằng về bản chất nó vẫn là một loại phương tiện được sử dụng cho nhu cầu đi lại hằng ngày. Do đó, Tòa án kết luận rằng việc mua 1 chiếc ô tô là phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và người mua là người tiêu dùng theo quy định tại Điều 2[8].

Ngoài ra, việc giải thích khái niệm “người tiêu dùng” đối với trường hợp “thợ săn hàng giả” cũng không đạt được sự thống nhất trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tư pháp của Trung Quốc. Trong Guiding Case số 23 của TANDTC Trung Quốc, TAND quận Giang Ninh, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đã thừa nhận “thợ săn hàng giả” là người tiêu dùng theo quy định tại Điều 2 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong vụ việc này, nguyên đơn - Sun Yinshan, đã yêu cầu bồi thường 5.586 RMB theo quy định tại Điều 96, Khoản 2 của Luật An toàn Thực phẩm. Ngày 01/05/2012, nguyên đơn Sun Yinshan đã mua 15 gói xúc xích nhãn hiệu Yutu từ siêu thị của bị đơn. Thời hạn đảm bảo chất lượng của 14 gói xúc xích đã hết nên sau khi thanh toán tại quầy thu ngân, nguyên đơn đã đến thẳng quầy dịch vụ khách hàng để yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, để đủ điều kiện yêu cầu khoản bồi thường này theo Điều 96 của Luật An toàn Thực phẩm, trước tiên Sun phải đủ điều kiện là “người tiêu dùng”. Bị đơn cho rằng Sun không phải là “người tiêu dùng” theo quy định tại Điều 2 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì rõ ràng anh ta mua hàng hóa chỉ để đòi bồi thường chứ không phải phục vụ “nhu cầu tiêu dùng hàng ngày”. Tuy nhiên, Tòa án đã ủng hộ quan điểm của nguyên đơn và tuyên bố bị đơn chi trả khoản bồi thường đầy đủ gấp 10 lần giá mua hàng hóa theo yêu cầu. Quyết định của Tòa án được đưa ra trên cơ sở bị đơn không thể chứng minh rằng nguyên đơn mua hàng hóa không phải vì mục đích tiêu dùng hàng ngày làm căn cứ bác bỏ yêu cầu bồi thường thiệt hại[9]. Cách tiếp cận này cũng được sử dụng trong Guiding Case số 17 được đề cập ở trên. Có thể thấy rằng với việc buộc bị đơn chứng minh rằng nguyên đơn nằm ngoài định nghĩa được quy định tại Điều 2 của Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, Tòa án dường như đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng họ đang ủng hộ các nguyên đơn (cố ý mua hàng giả) trong các vụ kiện theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật khác liên quan như Luật An toàn Thực phẩm và Luật Bồi thường ngoài hợp đồng (điều sử dụng chung khái niệm “người tiêu dùng”).

Trong một số vụ việc sau đó, các Tòa án lại cho thấy những cách tiếp cận khác nhau khi giải thích khái niệm người tiêu dùng đối với vấn đề “thợ săn hàng giả” dựa trên yếu tố “nhu cầu tiêu dùng hàng ngày”. Như vậy, từ góc độ giải thích thuật ngữ “phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày” trong khái niệm người tiêu dùng, các chủ thể liên quan vẫn chưa đạt được sự thống nhất trong kết luận về việc những “thợ săn hàng giả” có phải là người tiêu dùng được điều chỉnh trong khuôn khổ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay không.

3. Khái niệm người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam

Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng (với tư cách của một bên yếu thế hơn) trong các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đã xây dựng các quy định về trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh (người bán, người cung ứng dịch vụ) trong trường trường hợp cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo tiêu chuẩn, đặc biệt là trách nhiệm về bồi thường thiệt hại. Cụ thể, Điều 29 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này. […]

3. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.”

Có thể thấy rằng, cơ chế bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật Việt Nam không giống như trường hợp của Trung Quốc. Theo đó, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Trung Quốc đang xây dựng cơ chế bồi thường mang tính trừng phạt (punitive compesation), trong khi đó cơ chế bồi thường của Việt Nam được thực hiện dưới hình thức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tort compesantion) theo quy định của pháp luật dân sự. Do đó, một người tiêu dùng Việt Nam không thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại với khoản tiền gấp ba lần giá hàng hóa, dịch vụ đã mua khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo tiêu chuẩn. Đây có lẽ chính là nguyên nhân dẫn đến việc hiện tượng “thợ săn hàng giả” dường như không xuất hiện tại Việt Nam.

Giả sử hiện tượng “thợ săn hàng giả” xuất hiện, liệu rằng những đối tượng này có được xem là “người tiêu dùng” theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành không?

Khác với trường hợp của Trung Quốc, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đưa ra một định nghĩa rõ ràng về người tiêu dùng, cụ thể: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”[10].

Khái niệm người tiêu dùng tại Điều 3.1 bao gồm hai yếu tố như sau:

(i)Yếu tố chủ thể.

Theo quy định tại Điều 3.1, khi mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của cá nhân, gia đình, tổ chức thì người mua hoặc người sử dụng có thể được coi là “người tiêu dùng”. Quy định không rõ ràng này đã gây ra hai cách hiểu khác nhau.

Theo đó, một số học giả Việt Nam cho rằng khác với định nghĩa của một số quốc gia khác như EU, Nhật Bản, Singapore… người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam không chỉ giới hạn ở trường hợp “cá nhân”. Theo định nghĩa tại Điều 3.1 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể là cá nhân (thể nhân) hoặc tổ chức (pháp nhân) mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ…”[11]. Rõ ràng là người tiêu dùng cá nhân chiếm ưu thế hơn so với tổ chức/pháp nhân ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này xuất phát từ quan điểm cho rằng, khác với người tiêu dùng cá nhân, người tiêu dùng tổ chức/pháp nhân có vị thế hoàn toàn bình đẳng với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nên không mang tính chất của một bên “yếu thế”, hạn chế về mặt pháp lý, kiến thức thức, tài chính… Vì vậy, có ý kiến ​​cho rằng, việc bảo vệ người tiêu dùng tổ chức/pháp nhân đã “làm mất đi ý nghĩa cũng như gây lãng phí nguồn lực cho chính sách bảo vệ người tiêu dùng, can thiệp quá sâu và không cần thiết vào các quan hệ dân sự”[12]. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, pháp nhân có thể được coi là người tiêu dùng “dễ bị tổn thương” hoặc “yếu thế” dưới sự bảo vệ của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ như một trường học trong một giao dịch với các nhà cung cấp sữa nhằm mục đích thưởng cho học sinh[13].

Một số ý kiến khác cũng cho rằng khái niệm người tiêu dùng chỉ nên giới hạn với đối tượng là cá nhân để có thêm điều kiện tập trung nguồn lực bảo vệ nhóm người tiêu dùng yếu thế nhất. Các tổ chức thường có địa vị pháp lý bình đẳng với các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ và có khả năng tự bảo vệ mình trước các rủi ro. Việc coi tổ chức là người tiêu dùng sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng, thậm chí gây thiệt hại cho bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ do pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự can thiệp, bảo vệ các bên khác mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ; ảnh hưởng đến trật tự và sự ổn định của các giao dịch dân sự. Bên cạnh đó, việc xác định một tổ chức mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ vì mục đích thương mại hay vì mục đích tiêu dùng cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, mặc dù vẫn còn có những quan điểm khác nhau về phạm vi người tiêu dùng theo Điều 3.1, nhưng định nghĩa này cho thấy các nhà làm luật đã thừa nhận tổ chức cũng có thể được coi là người tiêu dùng nếu họ mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của tổ chức.

(ii) Yếu tố mục đích

Đây được xem là yếu tố quan trọng nhất trong trong việc xác định người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cách tiếp cận này phù hợp với thông lệ chung của quốc tế khi xây dựng khái niệm “người tiêu dùng”. Việc giải thích mục đích của giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ sẽ là vấn đề cốt lõi để quyết định những người cố ý mua hàng giả nhằm trục lợi có phải là người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không. Tình huống này hoàn toàn tương tự trường hợp của Trung Quốc.

Theo quy định tại Điều 3.1, cá nhân hoặc tổ chức chỉ trở thành “người tiêu dùng” khi họ mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ “cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Pháp luật Việt Nam hiện hành không có bất kỳ quy định nào giải thích “mục đích tiêu dùng” là gì. Do đó, việc thiếu quy định giải thích như thế nào là mục đích tiêu dùng là một trong những cản trở lớn trong việc xác định ai là người tiêu dùng, đặc biệt đối với tổ chức[14].

Theo quan điểm về người tiêu dùng trong Từ điển Luật học Black’s Law, yếu tố mục đích được xác định là “mục đích tiêu dùng của cá nhân, gia đình hoặc hộ gia đình mà không có ý định bán lại, là con người tự nhiên sử dụng sản phẩm cho mục đích cá nhân chứ không phải nhằm mục đích kinh doanh”[15]. Tức là, khái niệm này, bên cạnh chỉ rõ mục đích thực sự của hành vi mua hoặc sử dụng hàng hóa dịch vụ, còn loại trừ rõ ràng trường hợp mua hàng hóa cho mục đích bán lại/mục đích kinh doanh.

Với “mục đích tiêu dùng” của cá nhân, một số học giả cho rằng các hoạt động mua hoặc sử dụng hàng hóa nhằm phục vụ những nhu cầu cơ bản của con người (ăn, ở, đi lại…), những quyền tự nhiên của con người là những minh họa rõ nét nhất. Với tổ chức, việc xác định mục đích tiêu dung của nhóm chủ thể này thường khá phức tạp, đặc biệt là trong trường hợp của các tổ chức kinh doanh thương mại.

Trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp liên quan đến người tiêu dùng, các Toà án Việt Nam cũng sẽ có cơ hội cụ thể để từ chối yêu cầu bồi thường thiệt hại của những “thợ săn hàng giả”. Như đã phân tích ở trên, không giống như trường hợp của Trung Quốc, pháp luật Việt Nam không quy định về một cơ chế bồi thường mang tính trừng phạt đối với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo tiêu chuẩn. Theo đó, yêu cầu bồi thường thiệt hại của người tiêu dùng phải dựa trên những quy định về điều kiện áp dụng cơ chế bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nghĩa vụ chứng minh thiệt hại trong những vụ kiện này sẽ thuộc về bên yêu cầu (người tiêu dùng) thay vì các nhà cung cấp (như một số bản án của Tòa án Trung Quốc). Do đó, mặc dù người tiêu dùng không cần phải chứng minh mục đích mua hàng hóa, dịch vụ song họ phải chứng minh thiệt hại do hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn gây ra. Những “thợ săn hàng giả” thường sẽ có hành vi cố ý mua hàng để trục lợi thông qua các vụ kiện và không sử dụng hàng hóa đó nên yếu tố về thiệt hại thực tế xảy ra có lẽ rất ít xuất hiện và rất khó để chứng minh một cách rõ ràng. Theo đó, các Tòa án hoàn toàn có đủ căn cứ để từ chối những vụ kiện do “thợ săn hàng giả” khởi xướng cho dù không thể chứng minh được họ không phải là người tiêu dùng thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật liên quan.

4. Một số bình luận

Từ những phân tích về khái niệm người tiêu dùng trong hai hệ thống pháp luật Trung Quốc và Việt Nam, tác giả cho rằng không nên tiếp cận “thợ săn hàng giả” với tư cách là một người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh những yếu tố về mục đích của hành vi mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhóm đối tượng này, xét từ khía cạnh mục tiêu của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những “thợ săn hàng giả” cũng không đáp ứng đủ điều kiện của một loại chủ thế có tính chất “yếu thế” trong mối quan hệ với các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Cụ thể, về vấn đề tiếp cận thông tin, những người cố tình mua hàng giả thường hiểu khá rõ về đặc điểm, quy trình sản xuất, vệ sinh và an toàn của các sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ nhắm đến. Họ có khả năng xác định các vấn đề liên quan đến sản phẩm mục tiêu. Thậm chí, ở một mức độ nhất định, những người cố ý mua hàng giả có được kiến ​​thức phong phú hơn và kỹ năng tốt hơn so với một số nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, trước khi mua hàng, họ sẽ tận dụng tối đa kiến ​​thức và kỹ năng của mình để nhận biết sản phẩm thật giả, nâng cao độ chính xác trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, khác với người tiêu dùng thông thường, những “thợ săn hàng giả” không có vị trí yếu thế hơn so với các nhà cung cấp hàng hóa khi xác lập giao dịch mua bán. Bởi vì những người cố ý mua hàng giả có kiến ​​thức chuyên môn và khả năng phân biệt hàng thật, hàng giả, do đó quyết định mua hàng giả của những chủ thể này được đưa ra dựa trên ý định thực sự của họ mà không bị các nhà cung cấp đánh lừa.

Tuy nhiên, với một thị trường rộng lớn như Trung Quốc, tình trạng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo tiêu chuẩn diễn ra một cách tràn lan sẽ kéo theo sự phát triển ngày càng lớn của hiện tượng “thợ săn hàng giả”. Với tư cách là một chủ thể tham gia vào giao dịch dân sự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ vẫn cần được pháp luật bảo vệ. Chưa kể đến trong một số trường hợp, vẫn có những “thợ săn hàng giả” không nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận từ những vụ kiện mà đơn thuần mục đích của họ chỉ là báo cáo thông tin để cảnh báo người tiêu dùng[16]. Do đó, cần phải có cơ chế để bảo vệ những chủ thể này bằng công cụ pháp luật. Từ phân tích về trường hợp của Việt Nam, tác giả cho rằng các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc có thể tiếp cận các vụ kiện của những “thợ săn hàng giả” dưới hình thức của vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Về bản chất, các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa những “thợ săn hàng giả” và nhà cung cấp vẫn là hợp đồng dân sự, do đó người mua/người sử dụng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chứng minh hành vi cung cấp hàng giả gây ra thiệt hại (thiệt hại thực tế hoặc thiệt hại suy đoán) về nhân thân hoặc tài sản cho họ.

Cuối cùng, từ góc độ hiện tượng “thợ săn hàng giả”, có thể thấy rằng khái niệm người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Trung Quốc và pháp luật Việt Nam vẫn cho thấy những điểm hạn chế nhất định. Rõ ràng quy định về thuật ngữ “mục đích tiêu dùng hàng ngày” hay “mục đích tiêu dùng cá nhân” trong khái niệm người tiêu dùng hiện nay đã dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc giải thích thuật ngữ trên thực tế. Do đó, việc loại trừ rõ ràng trường hợp cố ý mua hàng hóa, dịch vụ không đạt tiêu chuẩn trong khái niệm người tiêu dùng và sử dụng cơ chế pháp lý khác để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những chủ thể này dường như sẽ là lựa chọn tối ưu hơn so với tình huống hiện nay. Ngoài ra, đối với trường hợp của Việt Nam, phân tích khái niệm “người tiêu dùng” một cách độc lập so với hiện tượng “thợ săn hàng giả” cũng đã cho thấy quy định này vẫn còn tồn tại những thiếu sốt nhất. Vì vậy, theo tác giả, cần thiết phải xem xét sửa đổi quy định về khái niệm người tiêu dùng tại Điều 3.1 theo hướng giải thích rõ hơn mục đích của việc mua hoặc sử dụng hàng hóa dịch vụ. Theo đó, người tiêu dùng cần được định nghĩa là người được cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ (tức là sở hữu hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ hợp pháp thông qua các phương thức khác nhau như giao dịch mua bán hoặc được tặng cho…) nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình và không nhằm mục đích bán lại hay phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Du khách quốc tế trên phố cổ Hội An - Ảnh: Thái Vũ

 

[3] Kristie Thomas (2014), The (re)Birth of the Consumer Activist in China: The “Wang Hai Phenomenon” in the Light of Guiding Case No. 23, tại https://cgc.law.stanford.edu/commentaries/12-kristie-thomas/, truy cập ngày 10/02/2023.

[4] Li, Y. and Ye, X. (2022), On the Denial of Consumer Identity and Protection of People Who Knowingly Buy Fake Products - Taking Chinese Market as an Example, Beijing Law Review, 13, 528-543.

[5] Yang, L. X. (2017), On the Scope of Liability of Punitive Damages for Goods Fraud, Jianghan Tribune, No. 1, 114-118.

[6] Kristie Thomas (2014), The (re)Birth of the Consumer Activist in China: The “Wang Hai Phenomenon” in the Light of Guiding Case No. 23, tại https://cgc.law.stanford.edu/commentaries/12-kristie-thomas/, truy cập ngày 10/02/2023.

[7] Hugh Beale and others (2010), Cases, Materials and Text on Contract Law, 2nd edn, Hart Publishing, p. 142

[8] Guiding Case no 17 (2013), ZHANG Li v Beijing Heli Huatong Automobile Service Co, Ltd, A Sale

and Purchase Contract Dispute, https://cgc.law.stanford.edu/guiding-cases/guiding-case-17/4, truy cập ngày 11/02/2023.

[9] Guiding Case no 23 (2014), SUN Yinshan v Nanjing Auchan Hypermarket Co, Ltd Jiangning Store,

A Sale and Purchase Contract Dispute, https://cgc.law.stanford.edu/guiding-cases/guidingcase-23, truy cập ngày 11/02/2023.

[10] Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

[11] Lê Minh Hùng (2013), Hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung – Từ khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng, Kỷ yếu Hội thảo, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr.30-31.

[12] Lê Thanh Bình (2012), Thực hiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ luật học, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh., tr.32.

[13] Trường hợp này xảy ra vào năm 2012 khi một trường tiểu học (một pháp nhân) ký hợp đồng mua bán với một công ty để cung cấp một số lượng lớn sữa tươi cho việc trao thưởng tại lễ tổng kết. Tuy nhiên, sữa được cung cấp không đảm bảo chất lượng, do đó trường tiểu học này đã khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

[14] Phan Thị Hương Giang (2022), Bình luận một số quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Tạp chí Luật học, số 06/2022, tr.116-123.

[15] Nguyên văn bằng tiếng Anh: “a person who buys goods or services for personal, family or household use, with no intention of resale; a natural person who uses products for personal rather than business purposes ”, Gamer, Bryan A, Black’s Law Dictionary, 9th edn, St, Paul, MN: West, 2009, tr. 358.

[16] Năm 2008, ở đỉnh điểm của vụ bê bối melamine, Ye Guang, cũng được xem là một người tiêu dùng chuyên nghiệp, đã được mách nước về về một chất phụ gia thực phẩm độc hại được cho là bán tràn lan tại các chợ đầu mối của Trùng Khánh. Anh ta bắt đầu điểu tra và tiến hành mua các sản phẩm này tại các nhà cung cấp, sau khi phát hiện chất phụ gia giả mạo và chứa thành tố độc hại, có khả năng gây ung thư, Ye đã công bố một báo cáo lên website của mình. Đồng thời anh ta cũng báo lên cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xử lý những nhà cung cung cấp và thông tin đến báo chí để công bố rộng rãi hiện tượng trên. Những năm sau đó, Ye vẫn tiếp tục công việc này với những loại sản phẩm khác được bán trên thị trường những không đảm bảo chất lượng. Anh ta cũng đâm đơn khởi kiện yêu cầu các nhà cung cấp những khoản bồi thường thiệt hại theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

 

BÙI THỊ QUỲNH TRANG - TRẦN CHÍ THÀNH (Trường Đại học Luật, Đại học Huế)