Nguyễn Đình V phải bồi thường toàn bộ thiệt hại

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự khi có đồng phạm bỏ trốn của tác giả Trần Văn Minh, đăng ngày 3/8/2023, tôi cho rằng, do H bỏ trốn nên tại phiên tòa sơ thẩm, K yêu cầu V bồi thường toàn bộ thiệt hại là có cơ sở và đúng quy định của pháp luật dân sự.

Trong tình huống tác giả đưa ra, anh Nguyễn Đình V và anh Trần Quốc H cùng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là chiếc xe máy SH trị giá 57 triệu đồng của anh Trần Văn K và đi bán được 15 triệu đồng, chia nhau tiêu xài hết. Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan có thẩm quyền không thu hồi lại được chiếc xe, đồng thời trong lúc bị tạm giam thì anh Trần Quốc H bỏ trốn. Trong phiên tòa sơ thẩm, anh Trần Văn K yêu cầu anh V phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là 57 triệu đồng (giá trị chiếc xe SH) nhưng anh V chỉ đồng ý bồi thường ½ thiệt hại là 28.5 triệu đồng.

Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tác giả đưa ra đã quy định rõ trong Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS). Cụ thể như sau:

Điều 587 BLDS quy định về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra như sau: “Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.”.

Nguyễn Đình V và Trần Quốc H cùng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là chiếc xe máy của anh K, đó là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của anh K. V và H đã cùng gây thiệt hại nên phải liên đới bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 587 BLDS.

Điều 288 BLDS quy định về việc thực hiện nghĩa vụ liên đới như sau: “1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. 2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình. 3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ. 4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.”.

V và H cùng gây thiệt hại và cùng phải thực hiện bồi thường thiệt hại nên V và H có nghĩa vụ liên đới bồi thường. Như vậy, theo quy định tại Điều 288 BLDS thì bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Trong trường hợp này, Trần Văn K là người bị hành vi của V và H xâm phạm đến, nên K là người có quyền yêu cầu V và H bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong quá trình tạm giam thì H bỏ trốn nên tại phiên tòa sơ thẩm, K yêu cầu V bồi thường toàn bộ thiệt hại là có cơ sở và đúng quy định của pháp luật dân sự.

Luật cũng quy định, khi V đã bồi thường toàn bộ thiệt hại cho K thì V có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác mà trong trường hợp này là H phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của H đối với V. Tức là, khi V đã bồi thường toàn bộ thiệt hại với số tiền 57 triệu đồng cho K thì V có quyền yêu cầu H phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của H, là ½ giá trị chiếc xe mà V và H đã trộm và mang bán, bởi theo quy định tại Điều 587 BLDS và dựa vào thực tế thì mức độ lỗi của V và H bằng nhau nên sẽ bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau. Như vậy, Nguyễn Đình V phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là số tiền 57 triệu đồng là có căn cứ.

Trên đây là ý kiến của tác giả mong sự trao đổi thêm của các độc giả khác.

 

TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử vụ trộm cắp tài sản- Ảnh: TL

 

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án quân sự Quân khu 4)