Nguyễn Duy T phạm tội tham ô tài sản là phù hợp
Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Duy T phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tham ô tài sản?” của tác giả Nguyễn Thành Luân, đăng ngày 9/ 12/ 2020, tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai.
Qua nội dung vụ án mà tác giả nêu cũng như các quan điểm xung quanh việc xác định hành vi chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Duy T trong đó có quan điểm của tác giả, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai đó là: Nguyễn Duy T ký hợp đồng với Công ty A, đã lợi dụng quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ để chiếm đoạt số tiền 311.121.000 đồng, thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành tội Tham ô tài sản quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015. Theo tôi quan điểm này là phù hợp với quy định của pháp luật.
Tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả và đó cũng là quan điểm thứ nhất, khi có nhận định và quan điểm cho rằng: Hành vi của Nguyễn Duy T đã lợi dụng sơ hở của Công ty A dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt số tiền 311.121.000 đồng đã thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tài khoản 3 Điều 175 BLHS năm 2015. Theo quan điểm cá nhân tôi, quan điểm này là không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, về lý luận ta thấy sự khác nhau căn bản giữa 2 tội: “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là xét về mặt khách quan và mặt chủ thể của hai tội.
Đối với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì về mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở 2 điểm mấu chốt: Một là, hành vi gian dối được thể hiện, thực hiện sau khi chủ thể của tội phạm đã nhận được tài sản thông qua các hình thức hợp đồng... một cách ngay tình, hợp pháp; sau khi nhận được tài sản vì mục đích chiếm đoạt không trả, không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, theo thỏa thuận thì chủ thể của tội phạm mới nảy sinh dùng thủ đoạn gian dối để không trả, không thực hiện thỏa thuận, không thực hiện hợp đồng. Tức là thủ đoạn gian dối xuất hiện sau khi đã nhận được tài sản. Hai là, việc dùng thủ đoạn gian dối là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Còn mặt khách quan của tội “Tham ô tài sản” được thể hiện ở hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Đó là hành vi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức mà mình đang trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý.
Đối với chủ thể của tội phạm cả hai tội trên thì ngoài dấu hiệu chung như về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và năng lực hành vi, thì chủ thể của tội “Tham ô tài sản” là người có chức vụ, quyền hạn, có trách nhiệm quản lý tài sản. Người có chức vụ, quyền hạn quản lý tài sản là người theo chức trách nhiệm vụ và quyền hạn được giao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý tài sản. Trách nhiệm quản lý tài sản có thể là trách nhiệm quản lý gián tiếp hoặc trách nhiệm trực. Trách nhiệm này có được là do được bổ nhiệm hoặc phân công của tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giữ một chức vụ nhất định; được giao thực hiện một công việc có tính chất độc lập có trách nhiệm trực tiếp đối với một khối lượng tài sản nhất định trong một khoảng thời gian nhất định... [1]. Và, theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng thì tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.[2]. Trong khi đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai (chủ thể thường).
Trở lại nội dung vụ án, ta thấy:
Một là, về tư cách chủ thể thì Nguyễn Duy T là người có chức vụ quyền hạn, có trách nhiệm trong việc quản lý tài sản được giao, cụ thể trên có sở hợp đồng ký ngày 17/12/2013 giữa Nguyễn Duy T ký hợp đồng dịch vụ (dịch vụ bán hàng điểm bán) với Công ty A, mặc dù dữ kiện có nêu hợp đồng được ký với thời hạn là 11 tháng. Tuy nhiên, xâu chuỗi nội dung vụ án tôi cho rằng hợp đồng ký kết với Công ty A của T là hợp đồng 5 năm thì mới phù hợp với dữ kiện nội dung vụ án xảy ra. Với nội dung ký kết thì Công ty A thuê T cung ứng dịch vụ bán hàng, cụ thể: Đưa hàng cho điểm bán và quản lý tiền hàng; kiểm kê hàng hóa tại điểm bán; hướng dẫn dịch vụ, nghiệp vụ bán hàng cho điểm bán. Trên cơ sỏ hợp đồng ngày 12/8/2017 Nguyễn Duy T được điều động về huyện C làm việc với nội dung công việc như trên.
Hai là, về mặt khách quan: Qua diễn biến nội dung vụ án trên, ta thấy với chức năng nhiệm vụ quyền hạn được giao Nguyễn Duy T có trách nhiệm nhận tài sản của Công ty T giao cho các điểm bán rồi thu tiền về trước 10 giờ ngày hôm sau phải nộp cho công ty T thì mới được nhận thêm tài sản để đi giao cho các điểm bán hàng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ thì T đã lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt số tiền và tài sản được Công ty A giao cho, cụ thể trong vụ án này T đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được Công ty A giao để chiếm đoạt tài sản, hành vi này đã gây ra thiệt hại về tài sản cho Công ty thông qua việc T thực hiện 02 lần.
Qua 02 lần thực hiện hành vi như trên cho ta thấy T đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao. Đối với hành vi thứ nhất, đó là sau khi nhận được tiền trong tài khoản mà T được giao Công ty A thì T đã chiếm đoạt ngay số tiền và tài sản đó thông qua việc chuyển vào các tài khoản cá nhân của bố T, sau đó chuyển trả nợ cho một số cá nhân và chi tiêu. Đối với hành vi thứ hai đó là và nhận được tài sản từ thủ kho số thẻ cào, số sim... thì T đã thu tiền nhưng không chuyển nộp cho Công ty A theo đúng quy định mà chiếm đoạt sử dụng cho mục đích cá nhân. Chính vì vậy, tôi cho rằng ở đây T là người có chức vụ nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ quyền hạn, được giao mà thông qua nhiệm vụ chức trách để chiếm đoạt chính số tiền, chính tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Như vậy, xét về tư cách chủ thể và mặt khách quan của tội phạm Nguyễn Duy T thực hiện hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội Tham ô tài sản” theo quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015.
Thứ hai, tôi cho rằng đối với nhận định của tác giả ở quan điểm thứ nhất: Hành vi cố ý dịch chuyển một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm bằng thủ đoạn lạm dụng tín nhiệm. Sau khi nhận được tài sản mới có ý định chiếm đoạt tài sản đó, do Nguyễn Duy T ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với Công ty A chức năng, nhiệm vụ là nhận tài sản của Công ty T giao cho các điểm bán rồi thu tiền về trước 10 giờ ngày hôm sau phải nộp cho công ty T thì mới được nhận thêm tài sản để đi giao. Như vậy sau khi giao tài sản của công ty T cho các điểm bán rồi thu tiền về, lúc này khi nhận được tiền T đã có ý định chiếm đoạt để trả nợ và đánh bạc trên mạng. Tôi cho rằng nhận định là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Mặc dù, ở đây T có dấu hiệu của việc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng vấn đề mấu chốt để xác định T thỏa mãn dấu hiệu của tội nào? Như trên tôi đã phân tích trước hết về chủ thể T là người thực hiện chức năng nhiệm vụ, quyền hạn trên cơ sở Hợp đồng ký kết đối với Công ty A là người có trách nhiệm quản lý tài sản và tiền sau khi giao cho các điểm bán hàng T có trách nhiệm thu tiền và nộp cho Công ty A nhưng T đã không thực hiện đúng chức trách mà sau khi nhận được tiền trong tài khoản được giao và tài sản từ Kho, T đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản ngay mà tài sản này T có trách nhiệm quản lý. Như vậy, ở đây T đã không phải lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản mà là hành vi chiếm đoạt số tiền, tài sản mà Công ty A giao cho mình có trách nhiệm quản lý. Vì lẽ đó, chỉ có thể truy tố, xét xử Nguyễn Duy T về tội “Tham ô tài sản” mới đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đối với vụ này, nếu quá trình điều tra làm rõ và chứng minh được việc T dùng số tiền chiếm đoạt của Công ty A ngoài việc chi tiêu cá nhân còn có sử dụng vào việc đánh bạc, nếu hành vi đủ yếu tố định lượng thì T còn phải bị truy tố và xét xử về tội “Đánh bạc” theo quy định tại Điều 321 BLHS năm 2015 mới đảm bảo yêu cầu không bỏ sót, lọt tội phạm.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với bài viết “Nguyễn Duy T phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tham ô tài sản?; xin được trao đổi với tác giả và bạn đọc./.
[1] Bình luận khoa học BLHS 1999 (Phần các tội phạm), của Tập thể tác giả: TS Nguyễn Thế Vắc – TS Trần Văn Luyện – LS,THS Phạm Thanh Bình – THS Nguyễn Đức Mai – THS Nguyễn Sỹ Đại – THS Nguyễn Mai Bộ. NXB CAND_2002 (tr656).
[2] Khoản 2, khoản 3 Luật phòng chống Tham nhũng.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận