Nguyễn Thanh T phải chịu cả hai tình tiết định khung

Sau khi đọc xong bài viết “Áp dụng tình tiết định khung hình phạt quy định tại Điều 134 BLHS”, của tác giả Nguyễn Tất Duẩn, đăng vào ngày 5/4, tôi cho rằng, Nguyễn Thanh T phải chịu cả hai tình tiết định khung quy định tại điểm h và i khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.

Tôi  đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng: Ngoài việc áp dụng tình tiết định khung “Gây thương tích cho người khác do được thuê” thì cần phải áp dụng cả tình tiết phạm tội “Có tính chất côn đồ” mới phản ánh đầy đủ tính nguy hiểm của hành vi này. Vì vậy, Nguyễn Thanh T phải chịu cả hai tình tiết định khung quy định tại điểm h và i khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.

Thứ nhất, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê là hành vi của một người phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo yêu cầu của người thuê để nhận được những lợi ích nhất định. Trường hợp này, B thuê T gây thương tích cho anh N với giá 1.000.000 đồng. T đồng ý và nhận tiền từ B và đã thực hiện hành vi dùng dao chém vào lưng của anh N. Vì vậy, trường hợp này áp dụng tình tiết định khung “Gây thương tích cho người khác do được thuê” đối với T là phù hợp.

Thứ hai, T thực hiện hành vi có tính chất côn đồ (điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015). Theo Án lệ số 17/2018/AL của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, yếu tố được đánh giá là có tính chất “côn đồ" là chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với nhau mà đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân.

Về tính chất mức độ nguy hiểm của yếu tố “côn đồ”: Tính chất “côn đồ” của T được thể hiện bằng hành vi người thực hiện tội phạm sẵn sàng dùng vũ khí sắt, nhọn, nguy hiểm và có tính sát thương cao đó là dùng con dao dài 40 cm; bản rộng 15 cm, đầu bằng, chém 02 nhát trúng vào lưng và vai phải của anh N đây được xem là vùng trọng yếu của cơ thể. Kết luận giám định xác định 02 vết thương của anh Đinh Trọng N có tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 28%. Do đó, khả năng gây thương tích cho nạn nhân cao hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với các hành vi thông thường.

B thuê T gây thương tích cho anh N, chỉ vì thiếu tiền tiêu xài mà T chấp nhận, dùng không quen biết, không có mâu thuẫn gì với anh N. Vậy là T đã vô cớ thực hiện hành vi phạm tội. T là đối sử dụng ma túy, từng bị kết án 03 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” đã được xóa án tích. Người thực hiện hành vi “có tính chất côn đồ” thường là những người coi thường pháp luật, thường xuyên phá rối trật tự trị an. Do đó, những đối tượng này có trình độ và ý thức pháp luật kém, thường có nhân thân xấu, đã có tiền án, tiền sự. Một trong những hành vi phổ biến hiện nay là thích gây sự, hành hung người khác, gây rối trật tự công cộng và nền tảng của “tính chất côn đồ” cũng được hình thành từ những hành vi sai trái nhỏ này.

Từ những phân tích trên, ngoài việc áp dụng tình tiết định khung “Gây thương tích cho người khác do được thuê” thì cần phải áp dụng cả tình tiết phạm tội “Có tính chất côn đồ” mới phản ánh đầy đủ tính nguy hiểm của hành vi này.

Vì vậy, Nguyễn Thanh T phải chịu cả hai tình tiết định khung quy định tại điểm h và i khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý bạn đọc./.

 

Tòa án nhân dân huyện Quế Sơn, Quảng Nam xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Nguyễn Hồ Thu Thảo

NGUYỄN PHI HÙNG (Tòa án Quân sự Quân khu 4)