Nguyễn Văn A phạm tội “Giết người”, “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Sát hại người yêu, rồi lái xe của người yêu gây tai nạn, tội gì?” trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử số ra ngày 22/5/2020 của tác giả Lê Đức Anh, tôi cho rằng hành vi của Nguyễn Văn A phạm các tội “Giết người”, “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Qua nội dung bài viết trao đổi, tác giả xin chứng minh quan điểm của mình như sau:

Thứ nhất, về tội “Giết người” theo Điều 123 BLHS 2015. Trong vụ án này, hành vi giết người của Nguyễn Văn A đã thể hiện rõ, chỉ vì mâu thuẫn với người yêu, mà Nguyễn Văn A đã ra tay sát hại chị Lê Thị B, biểu hiện trong “Quá trình tâm sự, giữa A và B xảy ra mâu thuẫn nên A đã dùng dao gọt hoa quả có sẵn trên xe đâm chết chị B”. Đây là hành vi có tính côn đồ, hung hãn quá rõ ràng, không khó để chứng minh hành vi phạm tội này. Có thể áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS 2015 để xử lý về hành vi giết người của Nguyễn Văn A với tính chất côn đồ.

Thứ hai, về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Hành vi của Nguyễn Văn A hoàn toàn phù hợp với quy định của tội này. Thể hiện:

– Về hành vi khách quan: “Sau khi giết chết chị B, Nguyễn Văn A tự ý lấy chiếc xe ô tô của B chở xác chị B đi nhiều nơi. Mục đích là để thăm lại những nơi hai người lúc đang yêu nhau từng đi. Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 26/8/2019, khi đi trên đường cao tốc do thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ A đã để xe ô tô của chị B do A điều khiển đâm vào 01 chiếc xe khách đang dừng đỗ bên đường.”

Hành vi này thể hiện, Nguyễn Văn A không được chị B giao cho A quản lý, sử dụng chiếc xe này, sau khi giết chị B thì A đã tự ý lấy xe đi mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu chiếc xe, hành vi này của A là vi phạm pháp luật.

– Về hậu quả: Hậu quả trong vụ án là “xe ô tô do A điều khiển bị thiệt hại 135.000.000 đồng. Xe tô khách thiệt hại 15.000.000 đồng. Tổng thiệt hại về tài sản của vụ tai nạn giao thông nói trên là 150.000.000 đồng.”

Tại điểm d khoản 1 Điều 260 BLHS 2015 quy định: “1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:  … 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”

Do vậy, việc A gây tai nạn với tổng thiệt hại về tài sản là 150.000.000 đồng là hoàn toàn phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 260 BLHS 2015. Lúc này A không có quyền sở hữu chiếc xe như quy định của BLDS 2015 về quyền sở hữu như sau: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật” Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”. Do vậy, hai chiếc xe ô tô A gây thiệt hại trong vụ tai nạn không tài sản của bản thân mình, nên A phải chịu trách nhiệm về tổng giá trị thiệt hại do hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông gây lên.

Thứ ba, xét yếu tố hành vi của A ta có thể thấy A đã phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”. Nội dung vụ án thể hiện: “Sau khi giết chết chị B, Nguyễn Văn A tự ý lấy chiếc xe ô tô của B chở xác chị B đi nhiều nơi”. Điều này thể hiện khi A đã thực hiện xong hành vi giết chị B (hay nói cách khác là chị B không còn khả năng bảo vệ tài sản) thì A tự ý lấy chiếc xe ô tô của chị B để đi nhiều nơi. Ta có thể khẳng định A đã chiếm hữu bất hợp pháp chiếc xe này khi không được sự đồng ý của chủ sở hữu. Hành vi này cho thấy hoàn toàn phù hợp với quy định về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172 BLHS 2015.

Với những vấn đề chứng minh ở trên có thể kết luận Nguyễn Văn A đã thực hiện một chuỗi các hành vi, những hành vi này cho thấy A đã phạm các tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 1123 BLHS 2015, tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm d khoản 1 Điều 260 BLHS 2015 và tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172 BLHS 2015.

Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi về bài viết, rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi của quý độc giả.

Một phiên tòa hình sự tại TAND tỉnh Đắk Lăk – Ảnh: Thanh Tùng

 

 

 

 

 

DƯƠNG VĂN HƯNG ( TAQS Quân chủng Hải quân)